Tôi có thói quen, nếu cần đi mua cá thì lội bộ dọc theo khu vực dành cho hàng hoá của mọi người dân được bày bán đủ loại mà ngày nay trong nước dùng nhóm từ ngữ tự tiêu tự sản, vì ở đó tôi có thể tìm được các loại cá mình thích mua, và mua với một giá có thể đắt hơn hoặc rẻ hơn trong các lô sạp bán buôn chuyên nghiệp - người bán chính là người đã tự tìm bắt được các loại cá đó để bán lấy tiền mua sắm những thứ cần thiết trong cuộc sống của họ.
Người dân thôn quê thật thà chất phác, nghĩ sao nói vậy, không đầu môi chót lưỡi”, họ bán buôn theo cách tính công sức của mình đối với sản phẩm làm ra, và khi họ nói giá thế nào là bán thế đó, không thách giá cao để nghe người mua trả rẻ lại. Ðặc điểm thứ hai là, đa số những gì họ tạo ra, vì cần lo trang trải gia đình nên thường thì họ chắt mót đến đáng thương: không dám ăn những loại tốt, loại ngon, cố sàng lọc để đem bán lấy tiền, có cần ăn thì lựa thứ hư xấu, thứ giạt ra. Trái cây, rau cải, cá mắm... thứ nào cũng vậy, họ chọn những loại tốt, ngon mang ra chợ bán cho được khá tiền hơn. Hiểu được tâm tính như vậy nên mỗi khi mua của những người nầy, tôi không bao giờ trả giá - họ nói bao nhiêu, nếu xét thấy đủ tiền thì mua, không thì thôi... vì tôi đã cảm thông được nỗi khó nhọc mà họ đã tạo ra sản phẩm mang bán kiếm tiền. Chỉ riêng về cá, đã nhắc nhớ trong tôi bao nhiêu chuyện mà tôi đã trải qua trong thời thơ trẻ, xin được kể ra đây như một kỷ niệm đời mình: chuyện giăng câu bắt cá.
Nơi miền quê tôi ở thời thập niên năm mươi sáu mươi có thể bắt cá quanh năm. Mùa nước nổi thì bắt trên đồng ruộng, mùa nước rút cạn đồng thì bắt cá dưới sông, dưới rạch. Bắt cá có nhiều cách: câu, lưới, đặt lờ, đăng lọp, đuổi bóng, kéo vó, chận ụ, dở chà, tát mương đìa v.v... Riêng bài viết nầy tôi chỉ nói về câu cá theo mùa.
Câu cá có nhiều cách: câu tay bằng cần câu (kể cả câu rê, câu nhấp), câu cắm (mỗi cần câu có một lưỡi), câu giăng (mỗi giềng câu 3 hoặc 4 lưỡi, khi giăng ở hai đầu giềng câu gắn vào hai cây đài bằng sậy hoặc đế, cắm xuống đất, căng thẳng dây ra), câu thả dưới sông (mỗi giềng câu dài đôi ba trăm mét và có đến hằng mấy trăm lưỡi). Lưỡi câu có nhiều loại (câu đúc, câu giáo ó), nhiều cỡ (từ nhỏ đến lớn), riêng câu rê - câu nhấp lưỡi to được uốn dạng đặc biệt để móc con mồi thường là con thằn lằn, con nhái, khi móc vào xong, còn bứt cọng rau muống chận lại từ đầu lưỡi đến đốc câu (chỗ tóm vào dây câu) để khi kéo rê lưỡi câu trên mặt nước, mặt cỏ không bị vướng vật cản và mồi không sút ra. Câu rê - câu nhấp thường vào lúc chạng vạng tối hay lúc mờ sáng và chỉ bắt loại cá lóc vào mùa nước nổi, nước bắt đầu rút cạn trên đồng, cá gom xuống ao đìa mương ruộng. Trường hợp rê hoặc nhấp cá bông thường thì trên sông mà người ta thấy sự xuất hiện của loài cá nầy, nhưng không cần xài loại lưỡi câu nhấp, mà xài một loại khác, lưỡi câu đúc hay lưỡi câu hai, ba chia, tóm dây rồi cột dưới chân con vịt nhỏ để nó bơi trên mặt nước, cá bông thấy vịt nhào đến táp sẽ vướng vào các lưỡi cột bên dưới chân vịt. Lưỡi câu giáo ó thường để giăng, cấm bắt cá trê và lưỡi câu đúc để bắt cá lóc. Các loại cá khác như cá rô, cá trèn, cá chốt, cá thác lác, cá chài, cá mè dinh, cá he v.v... thì lưỡi câu loại nào cũng có thể bắt được nếu chúng đói mồi, chịu cắn câu.
Mồi câu có nhiều loại, nhưng có thể xếp thành hai loại: mồi chạy (là mồi di động được) như con nhái bầu, con cá sặt non, con cua nhỏ; mồi đứng yên như mồi trùn (trùn hổ, trùn quắn, trùn huyết), mồi tép, mồi cắt (cá sặt chết), mồi khoai lang ngâm nước một đêm rồi nấu chín (dùng cho câu thả trên sông và bắt các loại cá trắng ), mồi ốc (bắt cá lóc vào đầu mùa mưa lúc cá mới lên đồng). Bởi có nhiều loại mồi nên tôi xin nói thêm chi tiết, vì sao?
Cắm câu, giăng câu trên đồng, tùy theo mùa mà sử dụng loại mồi thích hợp để cá chịu ăn. Vào mỗi đầu mùa mưa, cá dưới sông tìm cách lên đồng để tìm chỗ đẻ. Những nơi đọng nước như lung, đìa, các đường lươn ngập nước, cá tập trung nhiều là những nơi có thể cắm, giăng câu để bắt. Lúc nầy đất ruộng bắt đầu tơi ra, những đường nứt nẻ đã liền lại, các loại ốc như ốc bươu, ốc lác bấy lâu nằm trong đất đã xuất hiện. Người ta bắt ốc lác lể ra, dùng làm mồi để cắm, giăng câu bắt cá lóc. Khi nước đã tràn đồng, cá đã đẻ xong, cá mẹ dẫn từng đàn ròng ròng đi ăn khắp nơi, người ta cũng đã bắt đầu phát cỏ dọn đất để cấy (cấy giâm khoảng tháng 7 và cấy liền khoảng tháng 10 âm lịch - là cách làm ruộng mỗi năm một mùa vào thời điểm thập niên năm mươi, sáu mươi ở quê tôi), muốn bắt các loại cá thì người ta sử dụng mồi nhái bầu; khi cả đồng đã cấy liền xong thì dùng mồi cá sặt non. Lúc nầy còn dùng mồi cua con. Khi giăng câu bằng mồi cua, thường thì người ta dọn luồng dọc theo các giồng cỏ, móc con cua vào lưỡi thả xuống gần sát mặt đất, cố làm sao cho cua cử động nhử cho cá lóc vào các giồng cỏ tìm mồi ăn, gặp cua chúng sẽ táp và dính câu. Mồi cắt cũng dùng trong thời điểm nầy, vì lúc đó đã vào mùa lạnh, cá ăn ngầm dưới sâu, có thể móc mồi cắt, mồi trùn. Ðặc biệt trùn huyết thì nhử bắt cá trê. Trùn huyết nhỏ con và rất nhớt, khó cầm để móc vào lưỡi, người ta nhai cau tươi rồi nhổ nước cau vào lon mồi, sẽ móc vào lưỡi dễ hơn. Móc mồi trùn huyết, chỉ cần móc một đầu trùn vào lưỡi rồi quấn vòng theo lưỡi (giáo ó), cuối con trùn móc thêm lần nữa là đã có miếng mồi nhử cá ngon lành. Lưỡi câu thả nằm trên mặt đất ngầm, cá trê lội tìm khi gặp miếng mồi sẽ ngoạm ngay. Lưỡi câu nhỏ (để câu cá lòng tong), có thể tóm vào sợi dây gân nhỏ, cột vào một lóng sậy rồi móc trùn, quăng thả trên những lô ruộng đất biền (chỗ nước vô ra thông thương cặp với mé vườn và chỗ mà cá trạch thường sinh sống), sẽ bắt được rất nhiều cá trạch mỗi khi nước lớn trôi vào đây. Mồi tép cũng được sử dụng để móc câu vào những khi nước sắp rút cạn trên đồng, sau đó móc câu dưới mương, đìa và dưới sông khi cá đã theo nước xuống sinh sống nơi đây.
Câu cá thiểu thì đặc biệt hơn. Người ta không sử dụng lưỡi, mà nhợ câu một đầu cột vô cần trúc, một đầu xỏ vô miếng mồi là củ bèo cỡ đầu đũa ăn. Người câu chỉ cần ngồi, một tay cầm cần câu, tay kia hốt cám ném xuống mặt nước để dụ cá đến giành ăn, khi đó chỉ cần quăng, giựt liên tục, con cá thiểu nào ngậm mồi thì bị quăng lên bờ... Giật một hồi thì nghỉ tay để lượm cá bỏ vô rổ, xong rồi tiếp tục vãi cám và quăng giựt liên tục như thế. Câu cá rô, ngoài mồi tép, mồi trùn, người ta còn dùng mồi nhền nhện, mồi cào cào, châu chấu để câu trên ruộng lúa đã trổ đòng đòng, trên mương rạch có cá ăn móng. Câu cá rô thường thì chỉ để tìm cá ăn trong ngày chớ ít khi đem bán. Cá rô bán ngoài chợ là cá giăng lưới, tát đìa...
Thả câu trên sông, thường vào tháng chạp đến tháng tư tháng năm âm lịch (tức trước mùa mưa), có thể dùng mồi tép, mồi trùn hay mồi khoai lang. Câu thả có giềng rất dài, nhiều lưỡi. Cách khoảng năm mươi lưỡi có cột một cục đá cỡ cườm tay để khi giềng câu được quăng xuống sông, sẽ giữ độ chìm xuống mặt đất. Người ta móc mồi vào lưỡi xong, xếp lên một cái xề hay cái sàng thật khéo, bắt đầu bơi xuồng quăng câu sẽ không bị rối. Thả câu trên sông vào lúc nước những (gần đứng) sắp bắt đầu ròng hay bắt đầu lớn. Như vậy mỗi lần quăng câu chỉ cần trên dưới hai tiếng đồng hồ và thăm câu chỉ một hai lần rồi cuốn câu. Quăng câu, người ta ngồi trên chiếc xuồng, phía sau có gắn bánh lái. Người giăng câu ngồi phía trước, một tay cầm giầm điều khiển xuồng trôi xuôi theo dòng nước, một tay cầm dây câu và cầm quăng xuống sông thật nhịp nhàng, đều đặn. - đầu và cuối đường dây câu, người ta có một sợi dây cột cái phao, ném xuống. Quăng hết câu, cặp xuồng vô bờ ngồi nghỉ, chờ vài mươi phút sau sẽ bơi ra cái phao phăng dây thăm câu, thay mồi và gỡ cá. Có cá dính câu, người ta lấy cái vợt lưới hay cái bội cầm tay hớt giữ cá đề phòng bị cá giẫy và sứt khỏi lưỡi câu. Thăm câu sẽ phăng ngược chiều với dòng nước chảy, trong khi thả câu thì xuôi theo dòng nước. Quăng câu thả trên sông sẽ nhàn hơn giăng hoặc cắm câu trên ruộng, vì trên ruộng, có khi không được phép chống xuồng trên lúa mà phải xăn quần lội, vai quảy cái giỏ đựng cá và lon mồi, sẽ bị lạnh lẽo đến cóng chân tay.
Kinh nghiệm cho thấy, cá trên đồng thường tìm mồi ăn vào lúc chạng vạng tối và lúc sắp hừng đông sáng. Bởi vậy, khi giăng câu ngoài đồng, có thể năm ba xuồng rủ nhau đậu lại một chỗ ngồi hút thuốc, uống trà chờ thăm và móc mồi mới, hoặc lật nóp ngủ đôi ba tiếng đồng hồ để lấy sức, rồi thức dậy đi thay mồi mới chờ đến đợt cá đi tìm ăn khi trời gần sáng mới cuốn câu về. Tất cả các loại và cách giăng, cắm câu đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì và nhất là... đừng nóng tính, bởi vì chim trời cá nước ai bắt được nấy ăn, dù trên đồng, dưới sông rất nhiều cá, nó chẳng thèm ăn câu thì đành chịu chớ không làm sao hơn được. Hoặc cùng với bạn bè đi giăng câu, người thì gỡ cá mệt nghỉ, người thì lủi thủi cứ thay mồi mà chẳng thấy con cá nào mắc câu. Thay mồi, vì khi đến giở lưỡi, chẳng thấy mồi đâu, phải móc mồi khác. Có thể mồi thả xuống đã bị các loại cá nhỏ đến rỉa mất, hay đã bị con điên điển, con cua đến cắn phá!. Hơn nữa, cá đi có luồng, nếu thả câu trúng vào luồng cá đi qua nó sẽ ăn nhiều, và ngược lại. Còn nói tay sát cá, là điều cũng đáng tin lắm - có thể “tay sát cá” là người có một kỹ thuật giăng cắm câu mà chính họ không hiểu được thì sao? Dù là tay sát cá hay không, thì nghề giăng cắm câu bắt cá trên đồng ruộng mà tôi vừa kể, là một nghề thật lạnh lẽo, khổ nhọc, phải thức đêm thức hôm mới bắt được con cá, nhiều thì mang ra chợ bán để mua sắm những thứ cần dùng khác, ít thì để ăn trong gia đình khỏi phải mua. Nên, như trên tôi có đề cập, khi ra chợ mua cá, gặp phải những người dân từ trong thôn quê ra ngồi bán, thật tình tôi chẳng bao giờ trả giá, dù biết rằng khi trả, có thể họ sẽ bán, nhưng nghĩ đến công khó nhọc của họ mới bắt được con cá thì tôi không đành lòng. Tôi đã có thời gian sống trong hoàn cảnh giăng bắt cá khó nhọc như vậy nên sự đồng cảm sâu đậm biết bao.
Sưu tầm