So sánh với nhiều khu bảo tồn thiên nhiên khác của Việt Nam, khu hệ cá Phong Nha - Kẻ Bàng có số loài đông đảo nhất: 72 loài. Nhưng có lẽ lý thú nhất trong số các loài cá cư ngụ tại khu vực di sản thiên nhiên thế giới này phải kể đến cá chình (Anguilla bengalensis).
Sai lầm của Aristote
Cá chình là loài cá có dạng dài như lươn, vây lưng và vây hậu môn mềm, dai và nối liền dải với vây đuôi. Từ lâu cá chình đã được coi là đặc sản ngon nổi tiếng. Chúng sống chủ yếu trong các sông suối, đầm, phá (cá đực sống được 5-7 năm, cá cái: 8-12 năm). Dù sống và lớn lên trong các lòng sông khe suối của miền núi, nhưng đến khi trưởng thành, cá chình vẫn phải vượt sông nước để ra biển sinh sản. Trong lòng biển, dưới ánh sáng mờ ảo của những ngọn đèn sinh vật phát quang, lũ cá chình cái và đực đã thực hiện chức năng duy trì nòi giống. Những ấu trùng hình lá liễu của cá chình nở ra từ trứng hoàn toàn không giống các cá thể trưởng thành. Để trưởng thành, chúng phải trải qua một quá trình biến thái lâu dài và phức tạp. Khi cá chình con bơi từ biển trở về, đến cửa những con sông nơi bố mẹ chúng từng sinh sống, chúng liền bơi vào không chút do dự. Thế là chúng trở thành những con cá nước ngọt thực thụ! Từ các dòng sông chúng có thể nhảy lên bờ, trườn qua những khoảng đất, những đám cỏ ẩm ướt để vào cư trú cả trong các ao chuôm, hồ đầm biệt lập nữa. Xưa kia, người ta chưa theo dõi được đầy đủ quá trình sinh trưởng của cá chình nên đã lầm tưởng các ấu trùng hình lá liễu và các cá thể đã trưởng thành của chúng là 2 loài riêng biệt. Điều đó đã dẫn tới sự ngộ nhận của Aristote - nhà bác học và triết gia nổi tiếng thời cổ Hy Lạp - rằng cá chình từ biển sinh ra.
Vậy, cá chình sinh ra ở đâu?
Hệ thống hang động Phong Nha nằm trong khu di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có nhiều hang nước, thực chất là một phần của những con sông chảy trong khu vực địa hình núi đá vôi, có nhiều vực sâu, ngách hẻm, là nơi cư trú lý tưởng của không ít cá chình. Những con nhỏ có kích thước cỡ con lươn, những con lớn nặng tới vài chục kilôgam, cá biệt có những con nặng tới 50kg. Để vào cư trú trong các hang động của Kẻ Bàng, cá chình đã từ biển Đông đi vào cửa Gianh, ngược những đoạn sông phẳng lặng trong vắt đẹp như mơ rồi rẽ vào sông Troóc, sông Son, sông Chày để tiến vào hệ thống các hang động nước.
Nhưng vùng biển cụ thể nào là nơi cá chình được sinh ra? Đối với chúng ta đó còn là điều bí ẩn. Liệu có phải tất cả cá chình cư trú tại các sông suối miền Trung nước ta đều tới sinh đẻ tại cùng một vùng biển, giống như tất cả cá chình Châu Âu và Châu Mỹ đều chọn biển Sargas ở phía đông nam quần đảo Bermuda thuộc tây Đại Tây Dương làm nơi mãn nguyệt khai hoa?
Người ta biết vào mùa thu, những con cá chình Châu Âu (Anguilla anguilla) trưởng thành hối hả rời cửa các con sông quê hương để lao ra biển cả. Chúng tìm đến dòng hải lưu Gơnstrim, gắng gỏi bơi ngược dòng, dường như vượt qua cả đại Tây Dương sóng gió. Đến tháng 12 chúng đã tề tựu đông đủ tại biển Sargas. Kỳ lạ hơn nữa, Sargas cũng là điểm đến của cả cá chình Châu Mỹ nữa! Tại đây, sau khi thực hiện chức năng sinh đẻ, cá chình bố mẹ sẽ chết, chúng không còn đủ sức để quay trở về những dòng sông quê hương.
Lũ ấu trùng cá chình Châu Âu sau khi nở ra bắt đầu quá trình hồi hương trong suốt 3 năm ròng. Vừa đi chúng vừa biến thái, thay đổi cả về hình dạng lẫn màu sắc. Trong khi đó ấu trùng cá chình Châu Mỹ thì bơi về phía ngược lại, với cự ly ngắn hơn nhiều. Khi đến đúng cửa những con sông nơi bố mẹ chúng từng sinh sống, lũ cá chình con liền bơi vào. Từ đó chúng sống trong môi trường nước ngọt cho tới tuổi sinh sản.
Vậy điều gì đã thôi thúc lũ cá chình Châu Âu lựa chọn vùng biển Sargas ở cách xa hàng ngàn kilômét làm nơi sinh con đẻ cái? Vì sao không có kẻ dẫn đường mà lũ ấu trùng và cá chình con vẫn có thể vượt chặng đường xa như thế để trở về đúng những dòng sông nơi bố mẹ chúng từng sinh sống? Nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp xác đáng, không phải chỉ đối với cá chình Châu Âu, Châu Mỹ, mà còn đối với cả cá chình VN, trong đó có những con đang cư ngụ trong hệ thống hang động nước tuyệt vời của Phong Nha - Kẻ Bàng.
Nguồn:02-02-04 Lao Động online