Không như các loại cá bống khác như bống trứng, bống dừa, bống cát... chỉ bằng mấy ngón tay, cá bống tượng có thể đạt đến vài kg. Cá bống tượng thường đi một cặp, không bao giờ đi lẻ, nên khi bắt được một con là thế nào cũng còn một con trong đám chà dưới sông. Cá bống tượng là loại cá bán được giá. Con cá nặng hơn 1 kg, có mầu đen điểm thêm vằn nâu, nhìn xấu xí với cái đầu bự chảng so với thân hình. Thịt cá nấu lên trắng tinh như thịt gà, lại dai và ngọt lạ lùng! Không hiểu sao con cá nâu đen lại có phần thịt thơm ngon như thế?
Phần má con cá, cũng là phần thịt ngon nhất. Thế nhưng, đối với cá bống tượng thì bộ lòng mới chính là đặc sản. Con cá càng lớn thì lá gan càng to, gan cá mầu vàng như gan gà, ăn vừa bùi vừa béo. Bao tử cá rất dày, giòn rụm như một miếng cơm dừa, càng ăn càng thấy ngon. Cá bống tượng rất hợp với tương hột, con lớn chưng tương với nấm mèo, bún tàu, hành, gừng, thơm không sao kể xiết. Gặp loại cá nhỏ cỡ chừng gang tay đem kho với tương hột làm thịt cá săn lại, kèm thêm thịt heo ba rọi cho béo thì tô cá bống tượng đánh đổ nồi cơm. Mà mùa rộ của cá là những tháng Tết, tiết trời se lạnh, ăn cơm cá kho mới ngon làm sao!
Thỉnh thoảng mới bắt được cá bống tượng. Giá loại cá này trên thị trường rất cao, hơn trăm nghìn một kg. Cách bắt cá cũng đơn giản thôi: lặn xuống sông, tìm hang cá mà bắt. Mặc kệ ánh mắt lạ lẫm của bọn tôi, anh kể rằng: dưới đáy sông cũng như trên mặt đất thôi, chỉ cần lặn giỏi là xuống đó được. Dưới đó có các mô đất mà cua hay khoét thành hang, có các vũng sâu do dòng chảy tạo thành, có các chú tôm càng thản nhiên đi trên cát. Vì thế, quan trọng nhất là người đi săn phải biết phân biệt hang các loại cá và biết chỗ nào có nhiều tôm cá.
Con cá bống tượng bắt được có thể bóp gỏi và nấu cháo. Miếng thịt gỏi cá dai và thơm ngọt đánh tan cảm giác nghi ngại ban đầu. Không hề có cảm giác là mình đang ăn đồ sống, nhất là cái vị ngòn ngọt chan chát của lá sung và đinh lăng ăn kèm trong cuốn gỏi.
Tư vấn tiêu dùng