làm bố tôi giật mình, vụt nhấc cần câu lên. Dây câu thẳng căng kéo khỏi mặt sóng một cọng rong đuôi chồn mỏng mảnh như những sợi cước xanh trong nhểu nước xuống... Đến chiều, cầm cái giỏ tre rỗng không lên, tôi buồn thỉu buồn thiu. Bố tôi cười: "Đầy một giỏ". Tưởng bố đùa, tôi toét miệng cười theo.
Nhiều lần nữa tôi vẫn theo bố đi câu. Lạ thật, hai bố con chưa lần nào câu được một con cá nhỏ cho gọi là có duyên; thế mà lúc thu cần, cuộn dây câu bố tôi cứ một mực bảo: "Lại một giỏ đầy..."
Cuối năm học lớp hai, nhờ đọc thông viết thạo nhất khối, tôi được nhà trường thưởng giấy bút và mấy quyển truyện. Về nhà, tôi giở ra khoe mẹ. Cả hai mẹ con sững sờ khi thấy trong mấy quyển truyện kia có một quyển là văn của bố tôi.
Chiều thứ bảy, bố tôi từ tỉnh về, trên cái đèo hàng xe đạp cột một cái giỏ tre. Tôi dừng đọc truyện, chạy lại đỡ xe cho bố. Bố tôi cười, chỉ vào giỏ cá, bảo: "Một giỏ đầy..." và nhìn vào quyển "Câu cá" tôi đang cầm trên tay, nói: "Một giỏ vơi..."
Lớn lên, tôi đi bộ đội, dọc ngang khắp mọi miền đất nước ; rồi học xong đại học, làm nghề gõ đầu trẻ ở một nơi cách quê tôi hàng nghìn cây số. Thao thức nỗi niềm quê, nhớ bố mẹ... tôi viết được một cuốn truyện nhỏ về làng quê. Dĩ nhiên người đọc và biên tập đầu tiên là bố tôi.
Tôi đã nhận được thư của bố. Chẳng hiểu sao ông cụ không đả động gì đến văn chương mà chỉ nói về thuật câu cá. Thư viết: "Thuật câu cá rất khó! Con sẽ thật sự câu được cá khi biết rõ rằng: lúc về tay chỉ xách một cái giỏ nhẹ tênh, nhưng lòng thì đã vấn vương hồn những cánh bèo thu muốn con làm cho chúng được đẹp hơn".