Ông kể, hồi ấy ở vùng Cồn Tẻ (xã Hương Phong, huyện Hương Trà) mới chỉ có vài ba hồ nuôi tôm thí điểm, mỗi lần qua khu Rú Chá (rừng đước theo cách gọi của người dân địa phương) ông không dám đi câu một mình vì sợ... ma cọp! Những người già trong làng kể với ông rằng, ngày xưa có một con cọp lớn, không biết từ đâu lạc về trong rú, mắc kẹt 3 ngày đêm không ra được rồi chết, dân làng sau đó đã đem "ông ba mươi" chôn ở một gò mối giữa rú. Họ còn kể rằng sau này mỗi lần trời động, nước triều lên họ lại nghe tiếng "ông ba mươi" gầm thét suốt đêm. Có lẽ nhờ câu chuyện huyễn hoặc ấy nên khu Rú Chá còn được giữ nguyên vẹn từ đó đến nay và đang trở thành một khu bảo tồn thiên nhiên của vùng đất ngập nước bên phá Tam Giang. Từ chuyện con ma cọp, ông Thân lại kể chuyện... ma cá! Ông nói, có lần ông câu đầy ắp một oi cá hồng nêm chặt như mắm, nhưng khi kéo oi mang về thì cái oi bay phất phơ trong gió, cá biến mất sạch. Ông còn dặm thêm, nhiều người câu nghề trong làng cũng gặp cảnh tương tự như ông, cả đêm câu thả cá đầy xuồng, sáng ra chúng "bốc hơi" không còn một mống. Cá hồng là một loài cá đặc sản quý của phá Tam Giang, chúng thường sống trong những hang hốc và là "khắc tinh" của các loài tôm nên người dân trong vùng gọi là cá hồn. Các chủ hồ nuôi tôm nói rằng, chỉ một con cá hồn lạc trong hồ, mỗi mùa đã ngốn của họ vài chỉ vàng tiền tôm giống.
Có lẽ chuyện ma cọp, ma cá là chuyện huyễn hoặc, nhưng có một chuyện hoàn toàn không huyễn hoặc: Vào cái thời còn hồng hoang ấy, cá ở phá Tam Giang thường xuyên đặc nước, câu giật không kịp. Anh Tiến, một chủ quán cà phê ở đường Nguyễn Du, một bạn câu của tôi, tâm sự: Mỗi lần câu về, anh dặn người nhà xổ cá trong oi ra đừng cho anh thấy, vì thấy cá nhiều quá hóa ngợp không ăn được! Thời ấy, ở những đập cống dẫn nước từ đầm phá vào các hồ nuôi tôm mới đào ở Cồn Tẻ, Bàu Đình, An Khốt... là những điểm lưu trú của các loài cá, chúng vào ra theo các con nước và theo mùa. Những người đi câu lâu năm ở đây, có người còn tính được số lượng cá sẽ mắc câu trong ngày!
Nhưng đó là chuyện của Tam Giang... ngày xưa, và nay cũng đã trở thành chuyện huyễn hoặc. Vâng, bây giờ không thể nào có chuyện cá hồng đầy ắp trong oi như thời ông Thân sợ ma cọp, ma cá. Anh Thái Nguyên Hạnh, một nghệ sĩ nhiếp ảnh bạn tôi, người mê câu cá hơn bất cứ thứ gì trên đời, là người thường xuyên "lập kỷ lục" về chuyện đi câu mà về... oi không! Có ngày rong ruổi trên 10 cây số khắp các đê đập chỉ câu được mỗi một con cá đục to bằng... ngón tay út. Không chỉ mỗi anh Hạnh, chuyện tôm cá "đỏ con mắt" đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện" những năm gần đây. Trong một bài viết lan man cũng trên mục này, năm ngoái, tôi đã nêu một trong những nguyên nhân làm cho các loài cá ở vùng được mệnh danh là một bảo tàng nước lớn nhất Đông Nam Á này ngày một hiếm hoi là do... con tôm! Vâng, việc con cá hồng ngốn tôm như cám là chuyện quy luật sinh tồn tự nhiên, nhưng việc con tôm ngày một triệt tiêu dần các loài cá đang trở thành một mối hiểm họa là do... con người! Sở dĩ như thế là vì để nuôi được tôm, người ta phải diệt sạch các loài cá trong hồ, kèm theo còn thải các chất diệt tạp ra đầm phá làm cho cá chết và ngày càng bị thu hẹp môi trường sống. Hiện nay, dọc theo hai bờ phá Tam Giang đã có gần 5 ngàn hecta hồ nuôi tôm lấn phá, một con số có thể gióng tiếng "báo động đỏ" về quy hoạch bền vững để bảo tồn vùng bảo tàng nước này, trước hết là bảo tồn các loài cá, một kho báu tài nguyên của phá Tam Giang. Theo kết quả điều tra của các nhà khoa học về đa dạng sinh học vừa được công bố, cùng các loài chim thú, hiện Tam Giang có 138 loài cá đang sinh sống. Có thể đây là con số chưa đầy đủ, nhưng để bảo vệ cho các loài cá này tồn tại và phát triển là vấn đề hệ trọng nhất đối với phá Tam Giang hiện nay và mai sau.
Theo Thanh niên