Biển cả đưa nôi
Ông có cái kiểu ngồi trên sa lông khá lạ, hai chân cứ bắt chéo hình chữ X, đúng như kiểu ngồi của những tài công đang lái ghe tàu. Chừng như ngồi vậy làm ông thoải mái nhất. Ông bảo: "Nhớ biển quá, bạn bè đang ở ngoài đó hết rồi…".
Mới 20 ngày tuổi, bé Ba Xây đã được cha mẹ đưa từ nhà thương xuống nốt (ghe, tiếng miền Trung), đi biển. Họ không có nhà, chiếc nốt đó chính là nhà của họ. Ông lớn dần lên qua những nhịp đưa võng của sóng biển và của bàn tay mẹ. Mẹ ông, một tay đưa võng ru con, một tay thì vẫn cầm cần. Bà là một tay câu rất giỏi.
Người ta gọi những người gốc Hà Tĩnh mà cuộc sống cứ quanh năm suốt tháng ở trên ghe như gia đình ông là dân "bồ lô", theo tên loại ghe "đầu gà đít vịt" được đóng phổ biến từ vùng biển Quảng Bình trở ra. Năm 1945, cha ông dong một chiếc bồ lô từ quê vào Phan Thiết. Họ sống lênh đênh trên biển, khi ở Mũi Né, khi thì ra tận đảo Phú Quốc. Mãi đến năm 1971, họ mới lên được bờ, có nhà có cửa.
Khởi thủy, chiếc bồ lô của gia đình chạy bằng buồm. Mãi đến năm 1961, nó mới có được cái máy một lốc. Bảy anh em của ông, trong đó có bốn chị em gái, đều rành nghề biển. Ông bảo, hai bà chị câu không thua gì cánh đàn ông, và đặc biệt giỏi trong món câu cá nục làm mồi.
Thuyền trưởng tuổi 15
Từ 7 đến 11 tuổi, ông được cha mẹ cho lên bờ ở đậu nhà người quen để đi học chữ. Vừa học xong lớp 5, ông xuống ghe làm "con em" và được cha huấn luyện dần để thành người kế thừa công việc. Năm 1969, khi ông chỉ mới 15 tuổi, cha ông vướng bệnh phổi và buộc lòng phải giao lại tay lái cho ông để lên bờ chữa bệnh. "Con núm tay lái giùm bọ", cha ông bảo…
Nhận trọng trách "nắm tài sản gia đình mà đi", Ba Xây mới thấy hối hận.
Ngày trước, cha ông thường chỉ bảo cho ông rất nhiều điều, nhưng ở cái tuổi ham ăn ham chơi, ông thường chỉ nghe chiếu lệ, nhiều lúc còn ngủ gà ngủ gật. Ông bắt đầu mất ăn mất ngủ vì lo lắng. Đưa ghe ra cửa sông là phải nát óc tính toán: đi đâu, về hướng nào để có cá? Làm sao để đừng lỗ? Lỡ gặp sóng gió thì biết làm sao…? Trên ghe chỉ có năm người là ông, mẹ ông và hai bà chị chuyên lo hậu cần và một bạn câu.
Cái thời đó ra biển khó khăn hơn giờ gấp trăm lần, vì hoàn toàn phải dựa vào kinh nghiệm. Không có một loại máy móc nào hỗ trợ ngoại trừ chiếc la bàn. Để định hướng, người ta phải dựa vào những chòm sao không dịch chuyển trên bầu trời. Những ngày đầu, Ba Xây đưa ghe đi lệch xa lắm so với điểm cần đến, có khi đến 1-2 cây số. Khi đến chà, lại phải canh nước canh gió để thả neo, vì chỉ lệch 5-6m thôi là cá đã không ăn rồi."Khoảng thời gian từ 15-17 tuổi là khoảng thời gian tôi phải bầm chầy lắm, tối cứ ngủ lơ mơ vì lo làm không có cá, bạn họ bỏ mình mà đi…".
Không có một cái đài để nghe dự báo thời tiết. Phải nghe ngóng nước, trời để đoán định gió bão. Khi gặp sóng gió phải biết bình tĩnh đưa ghe vào dựa ở một nơi nào gần nhất hoặc đặt vàm (neo đá) cho ghe vẫn có thể thả trôi mà không lật…. Chỉ một năm sau khi cầm lái đi biển, năm ông 16 tuổi, ông đã gặp một trận gió với những "ông" sóng khủng khiếp bủa trùm cả ghe, tưởng chừng đã sớm nằm lại ở biển…
Bậc thầy làng câu
Nghề lưới đối với ông là đơn giản vì chỉ xác định được nơi có cá rồi bủa lưới là xong. Giữa mênh mông biển, móc một con mồi, ném xuống biển, giật một con cá lên mới là khó. Dân "bồ lô" câu bằng mồi sống, loại cá nục, cá ngân, hay mực. "Nghề câu đòi hỏi nhiều ghê lắm. Phải chăm dây, lưỡi, mỗi loại cá đòi hỏi loại lưỡi, dây phù hợp. Mồi nhỏ mà dùng lưỡi lớn, bạt ra mồi chết, hay dùng dây lớn, mồi tha dây đi không nổi". Đối với các loại cá "đất" (cá ở cố định tại các vùng rạn, như cá mú, cá đỏ, cá gáy…), phải biết làm chà dụ chúng đến ở. Những loại cá "nội" như cá thu, cá ngừ, cá nục, phải biết vào mùa nào chúng di chuyển đến vùng nào…
Ngư trường của ông từ Nha Trang, Bình Thuận đến Vũng Tàu, ra tận đảo Thổ Chu (Kiên Giang), Hòn Khoai (Cà Mau)….
Ông câu đủ loại cá. Cá ăn mồi chỉ cần dăm ba phút kéo cá là ông biết đó là con cá gì, mắc vào lưỡi ở đâu. Trước năm 1975, ông câu cá mập, cá ó khá nhiều. Thời đó cá mập còn nhiều, chỉ cần ra đảo Phú Qúy cũng đã có. Có đêm bủa câu, ông bắt được chục con cá mập, mỗi con hơn một tạ, kéo lên chặt cả một bãi.
Trước 1975, năm cha con mỗi người một chiếc. Năm 1977 - 1978, họ vô tổ hợp sản xuất, rồi 1979 - 1980, vô hợp tác xã. Năm 1990, hợp tác xã tan rã, Ba Xây cũng xin mua một chiếc ghe để đi riêng. Đó cũng là thời điểm bắt đầu thời kỳ "tung hoành" của ông. Có tuần, ông làm được từ 40-50 triệu đồng, trong khi một cây vàng chỉ có 1,6 triệu đồng. Chỉ một năm sau ông đã trả nợ ghe, hai năm sau đã cất được một căn nhà lầu khá bề thế. Năm 1993, ông tiếp tục vừa đóng, vừa mua thêm hai chiếc ghe để làm thêm nghề chà.
Ông chủ tịch Hội đồng giáo xứ phường Hưng Long, Phan Thiết nói: "Làm có tiền lắm, nhờ tôi chịu khó làm chà nhiều nơi và mỗi năm đều bồi bổ thêm vào tre, đá, dây nhợ, lá dừa… để dụ cá. Nhưng dù cho thứ bảy có làm được 10 triệu thì chủ nhật cũng ở nhà để đi lễ. Nhiều anh em cũng canh ngày đó để đến câu ở chà của mình". Nghề biển, ông bảo, kinh nghiệm của con người chỉ quyết định phần nào, còn chủ yếu là do đất trời. Hai lần cứu người trên biển, ông cảm nghiệm khá sâu sắc điều này…
Ông bảo:"Ác một cái là con tui nó không theo nghề tui". Sáu người con, năm trai một gái, chỉ một người là còn nối nghiệp ông. Nghề nghiệp, chủ yếu ông truyền lại cho những người bạn câu và khá nhiều người trong số đó đã trở thành những chủ ghe ăn nên làm ra.
Hơn hai tháng qua, ông tạm xa nghề biển để chuẩn bị làm thủ tục đi định cư ở Mỹ. Một chiếc tàu đánh cá không có người quản lý của em ông đang chờ ông sang tiếp quản. Ông đã bán hết ghe để chờ ngày đi.
Ông bảo:"Nếu thủ tục có gì trục trặc, thì tui lại tiếp tục đóng ghe đi biển". "Nếu không có gì trục trặc" thì nghề biển Việt Nam sẽ mất một con "sói biển", một "di sản văn hóa" sống. Con "sói biển" Đào Xây chỉ mới 50 tuổi và tôi mơ có một ngày được dong thuyền cùng ông đi săn tìm kình ngạc….
Theo Sài Gòn Tiếp Thị