Sinh vật thông minh này là một loài tôm hùm nhỏ sống ở Caribbe, có tên khoa học là Panulirus argus, chuyên ẩn nấp dưới lớp bùn của vùng biển lặng. Hàng năm, chúng thực hiện các chuyến di cư theo mùa dài tới 200 km trên nền đáy biển.
Hai nhà sinh học Larry Boles và Kenneth Lohmann, Đại học Bắc Carolina (Mỹ), đã bắt một nhóm những tôm hùm chưa trưởng thành ở ngoài khơi vùng biển Florida, và đặt vào trong các bình chứa nước biển đậy nắp, tối đen. Thậm chí, họ còn bịt mắt chúng bằng các băng cao su, sao cho chúng không thể nhận thấy gì cả, như vị trí của mặt trời hay nơi ở cũ. Tiếp đó, những chiếc bình cùng với lũ tôm bên trong được đưa lên thuyền chạy lòng vòng tới các khu vực thử nghiệm, cách xa nơi chúng bị bắt từ 12 đến 37 km. Tại các bãi thử, hai nhà nghiên cứu thả lũ tôm lên một tấm xốp tròn nổi và quan sát phản ứng của chúng:
Họ phát hiện thấy, trong tất cả các trường hợp, tôm hùm không hề phạm sai lầm trong việc tìm đường trở về nhà (nơi chúng đã bị bắt).
Trong một thí nghiệm khác, nhóm nghiên cứu giữ yên tôm hùm ở một vị trí, và dần dần thay đổi từ trường bao quanh chúng. Mỗi lần thay đổi nhỏ đến mức, các động vật thường đều bỏ qua, nhưng bầy tôm thì phản ứng như thể chúng đang có mặt tại khu vực có từ trường tương ứng trên trái đất.
Kết quả này đã đưa Boles và Lohmann tới nhận định rằng, tôm hùm định vị bằng từ trường trái đất. Vì thế, chúng không hề nhầm lẫn đường về nhà dù được thả vào một môi trường hoàn toàn mới.
Khả năng định vị bằng từ trường giúp động vật xác định rõ vị trí của mình trên trái đất mà không cần ghi nhớ môi trường xung quanh, các mốc đánh dấu nơi đi, nơi đến hay đặc điểm nhận dạng của địa phương mà chúng đi qua. Cho đến nay, người ta mới chỉ tìm thấy khả năng này trên một vài loài động vật, và tất cả đều có xương sống, như cá heo, chim bồ câu, rùa biển hay cá hồi…
ST