Nhận diện cá “thần”
Trong Sách Đỏ Việt Nam (do Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường phát hành), trang 262 có ghi rõ: “Cá Anh Vũ, có tên khoa học là semilabeo notabilis, thuộc họ cá chép. Thân cá có màu xám tro, có ánh xanh, phần bụng trắng sữa, các vây màu đen xám”. Trên hệ thống sông Hồng có hai loài cá Anh Vũ. Loài semilabeo notabilis quý hơn, giá trị kinh tế cao hơn. Loài semilabeo obscurus thịt không ngon bằng và cũng nhỏ hơn.
Cá AV có điểm đặc biệt nhất là chiếc miệng. Do sống ở vùng nước chảy xiết và trong, lại chuyên ăn các loại tảo đáy, rêu đáy mọc trên đá ngầm nên cá AV thường xuyên phải dùng miệng bám chặt vào đá cho khỏi bị nước cuốn trôi, chiếc miệng của cá AV có tác dụng như một mút giác chân không, có các mấu sừng xếp đều đặn thành hình tam giác. Có thể nói, môi của cá AV là phần ngon nhất và cũng là quý nhất. Miệng cá tròn dày về phía trước. Môi dày, trên môi có các hạt sừng nhỏ mọc thành hàng ngay ngắn. Môi dưới rất dày, hướng cong vào phía trong và hướng lên trên, có nhiều hạt sừng nhỏ xếp thành hàng ngay ngắn thành hình tam giác, đáy quay về phía trước.
Lý giải cho sự hình thành các mỏ cá AV mà nhiều khi người dân ở vùng sông Gâm, Na Hang vẫn gọi là mỏ “cá thần”, Thạc sỹ Ngư học Phạm Báu cho biết: “Các mỏ cá AV, hình thành là vì tập tính kiếm ăn của giống cá này. Cá AV ăn các loại tảo đáy, sống ở tầng đáy của các sông suối nước trong, sâu, chảy xiết, có nhiều đá rạn (thế nên ruột cá bé). Chính vì lý do này mà cá AV phải di cư theo mùa nước trong, cá thiêng thì cũng phải cần cái để ăn. Cá phải ăn ở chỗ trong bởi ở đó mới có ánh sáng mặt trời rọi xuống lớp tảo đáy để tảo có thể quang hợp được, sống được. Trên sông Gâm, từ tháng 5 đến tháng 9 nước lên cao, đục ngầu, cá AV từ các sông suối ngược lên thượng lưu tìm các hang nước ngầm trong và ấm (gọi là mỏ) để trú thân. Thức ăn chủ yếu của cá AV là các loài khuê tảo với 12 giống và 22 loài khác nhau”. Cũng theo cuộc điều tra nghiên cứu của ông Báu, hiện nay trên sông Gâm có 3 mỏ cá: một tại thị trấn Na Hang, một tại Thuý Loa (huyện Na Hang) và một tại xã Lạc Nông (huyện Bắc Mê). Ngoài ra trên sông Đà còn có một mỏ cá AV gần Hát Trắng, Hát Khe (Lai Châu).
Từ các kiểu đánh bắt cá Anh Vũ
Không phải lúc nào cũng có thể ăn được cá AV ở các nhà hàng tại Việt Trì. Mặc dù giá thành lên tới tiền triệu, nhưng nhiều lúc các chủ nhà hàng vẫn phải cáo lỗi với các “sếp” đã cất công lặn lội hàng trăm cây số đến thưởng thức món “tiến vua” này chỉ bởi vì... hết cá.
Như đã nói, vào những mùa nước lũ, tháng 5 đến tháng 8, nước sông đục ngầu, cá AV trốn hết vào các “mỏ”. Chúng định cư luôn tại các mỏ đó cho đến tận mùa nước trong. Chính vì vậy thịt cá AV cũng có mùa. Nhưng có một điều khác biệt, các “mùa” cá AV càng ngày càng thưa dần, và theo như dự báo của Giáo sư Mai Đình Yên, cây đại thụ về ngư học của Việt Nam, “mùa” cá AV chẳng những không còn mà cá AV cũng sẽ biến mất. Có 2 nguyên nhân chính đưa cá AV đến sự tận diệt.
Thứ nhất, đợi hết mùa nước lũ, dân đánh cá thường trực sẵn ở các mỏ AV, chăng lưới bùa sẵn trước cửa mỏ. Đúng mùa, đúng thói quen, cá AV sẽ ra ngoài đi tìm thức ăn và tự mình chui vào bẫy. Ngư dân chỉ việc thu lưới về. May ra chỉ có những chú cá con lọt mắt lưới thì mới thoát được. Các mỏ đều có chủ cả. Dân đánh cá nhỏ hơn thì đành cam chịu đi ngược dòng sông Gâm hùng vĩ ấy mà vét nốt những con cá còn sót lại. Mà đã xong đâu, những “đại gia” thì còn có thể đếm dưới con số chục, chứ những dân đánh cá nhỏ thì kể sao cho xiết. Thế là người ta tìm mọi cách để bắt được AV nhanh nhất, nhiều nhất. Mà như thế thì không có gì hay hơn là phương pháp “giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Bây giờ, hầu như nhà thuyền đánh cá nào cũng treo hai bên mạn thuyền mình chiếc cần điện. Thuyền đi đến đâu, những dòng điện cực mạnh được dí xuống nước đến đó. Mà đã làm thì phải tính kỹ, dòng điện phải cực lớn để còn “tận dụng” giết thêm những loại cá lớn như: cá Chiên, cá Lăng... Một dòng điện giết vạn loài cá. Những con cá Chiên, Lăng nặng hàng chục cân còn chết nổi lều phều nữa là AV. Vì vậy AV lớn, AV nhỏ, AV trưởng thành, AV mới đẻ, tất cả đều phơi trắng bụng trên sông hết. Chỉ việc chọn con nào to, bán được là đem về. Và đó là biện pháp đánh bắt AV thứ hai mà tôi muốn nói đến.
Một trong những chủ vựa cá nổi tiếng nhất vùng sông Gâm là vợ chồng anh Hùng, chị Phượng mà ông Báu quen biết đã từng tâm sự với ông thế này: “Tụi em vẫn biết làm như thế này thì tận diệt hết loài cá, nhưng hoàn cảnh tụi em như người khát nước, biết rằng cốc nước đó là thuốc độc đấy, nhưng vẫn phải nhắm mắt mà uống”.
Đến sự thay đổi môi trường sống
May thay, và cũng đáng lo lắng thay, tất cả những điều trên đều đang có nguy cơ mất hẳn. Người ta sẽ không mang mìn, mang xung điện đi đánh cá AV nữa, người ta cũng sẽ không còn phải đánh nhau để giành cái quyền được ngồi “chầu hẫu” trước các mỏ cá AV vào tháng 2 - tháng 3 hàng năm nhằm chăng lưới bắt cá nữa. Đơn giản là bởi vì cá AV sẽ không còn. Lũ cá AV đã cầm cự với xung điện, với mìn, với lưới quét,... mặc dù số lượng giảm dần, mặc dù chắc chắn với tốc độ đánh bắt như vậy cá AV sẽ không tránh khỏi sự tận diệt, nhưng chúng vẫn sống lay lắt đâu đó trong các hang hốc, lòng sông lòng suối. Đòn quyết định cho chúng chính là những nhà máy thuỷ điện, những hồ chứa nước. Chúng có thể trốn tránh con người, nhưng chúng không trốn được thiên nhiên. GS Mai Đình Yên lý giải: “Khi xây dựng hồ chứa nước, toàn bộ môi trường sinh thái của dòng sông đó sẽ bị thay đổi. Không chỉ loài cá mà ngay cả trên cạn cũng bị ảnh hưởng. Từ môi trường nước chảy xiết biến thành môi trường nước lặng, các loài thực vật vốn là thức ăn cho cá AV sẽ dần mất đi, đồng thời nước không có độ trong, không có lượng ôxy cao như nước chảy xiết cho loài AV và nhiều loài quý hiếm khác. Môi trường sinh thái hai bên bờ sông cũng sẽ mất đi những điều kiện riêng biệt của nó, qua đó ảnh hưởng đến các loài sinh vật đặc trưng của môi trường này”.
Giải pháp: “Nuôi cá Anh Vũ”
Năm 1999, ông Báu tự bỏ tiền túi ra, lặn lội lên Na Hang tìm mua được 20 con cá AV con về làm giống. Điều kiện ao nuôi không có, cũng chẳng thể dư giả để làm hẳn những ghềnh thác nhân tạo hay các máy bơm thuỷ lực tạo nước chảy mạnh cho cá AV ngay trong ao nuôi. Sau 6 tháng trời trong môi trường nước lặng, sống kèm với các loài cá khác, những chú AV con khi đem về mới chỉ nặng 1 lạng thì nay đã lên 2,5 lạng một con. Nhưng cũng chỉ được có vậy, chúng cứ thế chết dần chết mòn hết. Tuy nhiên, ông Báu vẫn hy vọng. Bàn về khả năng nuôi cá AV đẻ, ông cho biết: “Cá AV là loài cá có nhiều trứng và sự (tinh trùng), nếu có thể tạo được môi trường sống tương đối ổn định, bằng các phương pháp thụ tinh nhân tạo hoặc tự nhiên, cá AV hoàn toàn có thể duy trì nòi giống”. Vẫn theo lời ông Báu kể, ông có biết một người dân tộc tên là Giàng A Sềnh trên vùng Na Hang đã nuôi được cá AV đẻ. Chỉ đơn giản là do may mắn, anh này không nghĩ loài cá thịt ăn thơm ngon mà mình bắt về nuôi trong ao lại quý hiếm đến thế, cũng lại do ao nước nhà anh hội đủ các yếu tố sinh sống của cá AV là: có những phiến đá ngầm rêu bám, có nước chảy suốt quanh năm do thông với một dòng suối, nước luôn luôn trong. Tại ao nhà anh, cá AV đã “định cư” sinh sống và duy trì nòi giống. Thạc sỹ Phạm Báu phấn khởi lên tận nơi tìm hiểu, nhìn thấy được triển vọng bảo tồn cho một loài cá quý hiếm và có thể trở thành nguồn lợi kinh tế cho bà con ngư dân sau này. Ông khẳng định với tôi: “Nếu có được số tiền đầu tư cho nghiên cứu và thử nghiệm chỉ bằng so với đề tài cá Lăng (hơn 1 tỷ đồng) mà tôi đang làm bây giờ thôi, thì tôi chắc chắn có thể nghiên cứu nuôi cho cá AV đẻ được”.
Để thay lời kết, xin dẫn mấy lời gấp rút của Giáo sư Mai Đình Yên, ông nói: “Hiện nay chúng tôi đang thực hiện đề tài nghiên cứu đặc điểm sống và sinh học của 5 loài cá: Anh Vũ, Chiên, Lăng, Bỗng, Rầm xanh. Trong 5 loài đó thì anh Báu đã cho sinh sản nhân tạo được cá Bỗng, cá Chiên và cá Lăng cũng không đến nỗi, chỉ có AV và Rầm xanh là nguy cơ tuyệt chủng cao hơn cả. Phải nghiên cứu ngay, phải có đề tài bổ sung điều tra cấp tốc loài cá này trước khi các diễn thế sinh thái tại vùng Na Hang bị đập thuỷ điện làm cho thay đổi”.
Minh Hoàng