Cá lau kính - một loài ngoại lai xâm hại

Ở Mỹ chúng đã xâm nhập nhiều tiểu bang, trong đó Florida, Texas và đặc biệt là Hawaii là các bang đã xem cá lau kính là một loài ngoại lai xâm hại. Singapore cũng báo cáo cá lau kính đã xuất hiện trong các vực nước tự nhiên...

Theo số liệu của Cục Tài nguyên sinh học Mỹ, cá lau kính là một loài có biên độ sinh thái rất rộng đối với nhiều yếu tố môi trường. Chúng sinh sống ở nơi nước tĩnh và cả ở các suối có nước chảy nhanh. Chúng có mặt ở các ao cạn và cả ở các hồ sâu, chủ yếu phân bố trong vùng nước ngọt nhưng có thể sống được trong vùng nước lợ ở cửa sông. Chúng có thể chịu đựng được tình trạng nước bị nhiễm bẩn cao có hàm lượng oxy hòa tan thấp và ở những vực nước tù đọng với nhiều khí sulfur hydro.

Cá lau kính còn có biên độ nhiệt khá rộng, là một loài nhiệt đới nhưng cũng có thể ở những nơi có nhiệt độ khá lạnh trong mùa đông. Ở Mỹ cá lau kính hiện diện trong tự nhiên ở cả các bang như Colorado, Connecticut và Pennsylvania. Một số quan sát ghi nhận rằng cá lau kính có thể di chuyển trên cạn ở một khoảng cách nhất định để chuyển từ vực nước này sang vực nước khác. Biên độ sinh thái rộng và khả năng sống mạnh mẽ đã giúp chúng trở thành một loài ngoại lai xâm lấn lý tưởng.Tuy là một loài ăn tạp, nhưng thức ăn chính của cá lau kính là rong tảo bám trên nền đáy hoặc bề mặt thực vật. Cá lau kính chủ yếu hoạt động về đêm, được xem là khá “hiền” đối với các loài cá khác, nhưng đôi khi lại hung hăng đối với đồng loại. Ở môi trường mới, một số loài cá lau kính có thể đạt đến kích thước 70cm trong khi ở nguyên quán chúng lớn nhất chỉ vào khoảng 30cm. Điều này khá thường gặp ở các loài ngoại lai xâm lấn, chẳng hạn như cây mai dương cũng có xuất xứ từ Nam Mỹ. Ở nguyên quán cây mai dương chỉ là cỏ nhỏ 30-40cm, nhưng khi xâm lấn ở môi trường mới chúng có thể mọc thành cây bụi cao 4-5m.

Tác hại về môi trường của cá lau kính hiện chưa được biết rõ. Ở Hawaii đã ghi nhận sự phong phú của cá lau kính dẫn đến việc suy giảm một số loài cá bản địa trên các dòng chảy. Báo Tuổi Trẻ đưa tin ở đồng bằng sông Cửu Long cá lau kính hiện gặp với mật độ cao ở nhiều tỉnh, đặc biệt là ở các ao nuôi, có lẽ do hàm lượng dinh dưỡng cao tạo ra nhiều rong tảo.

Cá lau kính loài Hypostomus regani - Ảnh: planetcatfish.com

Theo Cục Tài nguyên sinh học Mỹ, một khi cá lau kính đã xâm lấn với mật độ cao thì việc kiểm soát chúng rất khó khăn. Ở Hawaii đã thử nghiệm nhiều biện pháp, kể cả dùng sốc điện, nhưng không thành công.

Ở nước ta, đặc biệt lo ngại là việc cá lau kính sẽ phát triển với mật độ cao trong các khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước như Tràm Chim, U Minh Thượng, Láng Sen, Tân Hưng, Lung Ngọc Hoàng, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sự phát triển mạnh mẽ của cá lau kính chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều xáo trộn trong hệ sinh thái thủy vực thông qua việc mất cân bằng trong chuỗi thức ăn cũng như sự cạnh tranh trực tiếp đối với các loài cá bản địa có cùng tập tính. Hậu quả cuối cùng có thể là việc giảm thiểu đa dạng sinh học.

Cá lau kính thuộc giống Hypostomus (họ Loricariidae). Giống Hypostomus gồm khoảng 116 loài, có nguồn gốc ở Trung và Nam Mỹ từ Panama đến Uruguay, phần lớn tập trung ở lưu vực sông Amazon. Việc phân loại các loài thuộc Hypostomus hiện nay rất khó khăn và nhiều công trình nghiên cứu đang được tiến hành để hoàn thiện việc phân loại nhóm cá này.

Việc kiểm soát cá lau kính có thể được thực hiện khá dễ dàng ở các ao nuôi qua việc tát cạn và làm vệ sinh ao, tuy nhiên phương pháp này khó có thể áp dụng ở các khu bảo tồn thiên nhiên. Một nghiên cứu của Đại học Londrina, Brazil cho thấy cá lau kính Hypostomus regani (một loài thường gặp trong các hồ cá cảnh) có thể bị ấu trùng của loài nhuyễn thể Anodontites trapesialis ký sinh dưới da tạo điều kiện cho sự lây nhiễm các loài nấm ký sinh khác gây chết. Kết quả này gợi ý việc sử dụng tác nhân sinh học để kiểm soát. Tuy nhiên việc sử dụng các tác nhân sinh học đòi hỏi một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng và tốn kém để bảo đảm độ an toàn.

Trong khi chờ đợi một biện pháp kiểm soát triệt để, người dân ở các nơi phát hiện thấy cá lau kính có thể giúp bằng cách loại chúng ra khỏi các vực nước càng nhiều càng tốt. Và hi vọng rằng dân nhậu sẽ tiếp tục xem cá lau kính là “mồi bén”. Một lần nữa chúng ta lại chứng kiến một ví dụ điển hình của loài ngoại lai xâm hại.

(Tuổi trẻ online, ngày 3/1/2004)

TS TRẦN TRIẾT (ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM)

Các tin khác cùng chuyên mục
Trước khi đi câu cá - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 3:05:01 CH
An toàn khi câu ở Ghềnh Đá và Bờ Biển - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 3:04:18 CH
Cần đem gì khi đi câu cá - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 3:03:16 CH
Cá tìm đường về “nhà” bằng cách nào? - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 3:02:32 CH
Cá hang động - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 3:01:44 CH
Mẫu thư cảm ơn, Ví dụ minh hoạ và Cách viết - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 3:00:54 CH
Từ điển trực tuyến - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 2:59:03 CH
Mở đầu và kết bài ra sao - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 2:58:18 CH
Hòn Dáu 06/01/07, Ghi bàn phút 89 (tiếp theo) - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 2:57:33 CH
Đi săn "gà đồng" - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 2:54:38 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.