Jelle Atema, nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu về giác quan tại Trường ĐH Boston và Gabriele Gerlach (thuộc phòng thí nghiệm sinh học biển Woods Hole, Massachusett, Mỹ) đã phân tích một số nhóm gene nhỏ được gọi là microsatellite ở 3 loài cá bao gồm cá cardinal, cá damsel gai và cá damsel neon sống trong 5 rạn san hô ở Great Barrier Reef, Úc.
Qua nghiên cứu, họ phát hiện 3 loài cá này quay trở về nơi chúng được sinh ra nhiều hơn các loài cá khác. Nhất là đối với loài cá cardinal, chúng có sự khác nhau ở gene tùy rạn san hô mà chúng sinh ra.
Để tìm hiểu điều gì đã dẫn hướng cho loài cá cardinal có thể trở về "nhà", các nhà khoa học đã đặt ấu trùng cá cardinal vào một vùng nước bao gồm nhiều dòng nước được dẫn từ các rạn san hô khác tới. Nghiên cứu cho thấy ấu trùng cá cardinal thích nước từ rạn san hô "nhà" chúng hơn và sẽ lưu trú ở đấy trong thời gian dài hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng những sinh vật trẻ này có thể phát hiện "mùi" trong nước và chính mùi này đã dẫn hướng chúng về nhà.
Các ấu trùng cá cardinal 3 tuần tuổi thì lại "đánh hơi" theo cách tương tự con người, chỉ khác là môi trường của chúng là nước và chúng có thể đánh hơi các chất hoà tan trong nước.
Ở hầu hết các loài cá trong rặng san hô, cá cái sẽ đẻ trứng và cá đực thụ tinh và bảo vệ các trứng cho đến khi thành ấu trùng. Trong tuần thứ nhất, các ấu trùng nổi và quẩn quanh khu vực ẩn nấp của chúng. Khi lớn lên, thân thể trong suốt của chúng sẽ trở nên giống như các loài cá lớn và chúng bơi nhanh hơn và có thể di chuyển khắp nơi mà không hề mất phương hướng.
Tuy nhiên vẫn còn một câu hỏi chưa được giải đáp là tại sao các ấu trùng có thể "học" được mùi hương từ rạn san hô mà chúng cư trú?. Các nhà khoa học hy vọng sẽ phát hiện hoá chất nào đã hình thành mùi của nơi cư trú trong rạn san hô.
MINH ANH