Đi săn "gà đồng"

Mới khoảng 5 giờ sáng, cậu bé 17 tuổi Dương Văn Thượng ở ấp Trường Tây, xã Trường Thành (huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ) đã lúi húi xách chiếc bao tải nhỏ, chuẩn bị cho chuyến săn ếch. Chân loắt thoắt, cậu nhanh nhẹn rẽ giữa những vạt cỏ ven mương còn ướt đẫm sương đêm.

Chỉ chốc lát, những chiếc cần câu ếch nho nhỏ đã hiện ra dọc hai bên cái mương, nằm lọt thỏm giữa hai bờ trồng đầy những cây cam đang trĩu quả. Gọi là cần câu cho oai chứ thực ra đó chỉ là khúc tre nhỏ dài bằng chiếc đũa ăn cơm, ở giữa cột sợi dây gai nhỏ dài chừng 0,3 mét, dưới là chiếc lưỡi câu sắc lẻm. Chiều hôm trước, Thượng đã “quảy” trên 150 chiếc cần câu như vậy, đeo lủng lẳng cái lon nhỏ đựng mồi, cặm cụi cắm cho kỳ hết.

Trước đây, dân săn ếch cực lắm! Cứ tối tối, nhất là sau khi những cơn mưa dầm vừa dứt hạt, họ đã vác đèn, bình ắc quy, cầm theo cây chĩa nhỏ để soi ếch. Cứ nghe tiếng “ì ộp” ở đâu là băng đồng dò đến, vạch cỏ, soi đèn tìm. Những chú ếch béo ngậy gặp đèn chiếu chóa mắt cứ ngây người ra, chỉ việc dùng chĩa “hạ gục”. Rộ nhất là khoảng tháng 4-5 Âm lịch, vào mùa giao phối, ếch “bắt cặp” trên các gò đất cao đầy rẫy, chỉ một lần ra tay là dân săn ếch bắt gọn cả cặp. Say “mồi” nên suốt đêm, họ dầm sương, dầm cả những cơn mưa rả rích lạnh tím môi.

Còn từ 5-6 năm nay, không biết ai đã tìm ra cách bắt ếch khá nhàn nhã: câu ếch. Tùy cách pha chế của mỗi người, mồi câu có thể là cá biển bằm nhuyễn, hoặc ốc, trộn với áp xanh, dầu chuối, “ông bì” (một vị thuốc Bắc)... để vo thành từng viên nhỏ, móc vào lưỡi câu. Tiền “vốn” rất nhỏ, chừng vài ngàn đồng cho cuộn dây gai dài và 5.000 đồng cho 100 chiếc lưỡi câu, cộng thêm vài ngàn đồng tiền mồi cho mỗi ngày câu. Cứ chập tối là cặm câu, sáng ra đi thu “chiến lợi phẩm”.

Đang đi chầm chậm, Thượng bỗng dừng lại, khoát tay ra dấu. Một chú ếch độ khoảng 200 gam đang nhảy “tung tóe” bên bờ mương. Nhưng lực bất tòng tâm, chiếc lưỡi câu móc vào miệng và sợi dây gai đã không cho chú ếch có cơ hội thoát thân. Thượng lẳng lặng gỡ chú ếch, bỏ vào bao tải...

Anh Phạm Văn Hùm, dân săn ếch ở ấp Nhơn Thọ 1A, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, nói rằng mồi câu dù pha trộn tùy người nhưng sức hấp dẫn ếch thì như nhau: đều có mùi ôi, tanh và pha chút thơm thơm nhờ trộn áp xanh, dầu chuối. Hơn thua nhau là cách chọn điểm cắm câu. Đến mương, ao hoặc thửa ruộng nào cây cỏ um tùm, nhiều lau sậy thì chắc mẩm là có ếch. Quan trọng nhất là phải tìm được nơi nào kín đáo, nằm giữa cỏ để ếch an tâm lên ăn mồi. “Bên dưới, phải trét một nắm đất sét để cho ếch dễ thấy mồi, rồi mới thả câu”, anh Hùm nói.

Hồi mới vào nghề độ ba năm trước, có ngày anh Hùm phải gom cần về không vì chưa biết cách thả câu. Nghề dạy nghề, bây giờ chỉ cần ngó sơ địa thế là anh chọn ngay được nơi cắm câu.

Dân chuyên nghiệp như anh Hùm, mỗi đêm có thể bắt được không dưới ba ký ếch (độ 15-30 con) từ 100 chiếc cần. Còn chập chững vào nghề như Thượng, sáng hôm đó cũng bỏ bao hai ký ếch. Mấy năm nay, nông dân xịt thuốc trừ ốc bươu vàng nhiều, nên ếch, rắn... cũng vạ lây chứ vài năm trước, mỗi tay câu thu trên 10 ký ếch/ngày là chuyện thường.

Anh Hùm kể rằng, anh từng bắt được chú ếch nặng 0,7 ký. Độ này, ếch còn trong hang, hoặc nấp trong các bụi cỏ ven bờ mương. Gọi là hang ếch, chứ thật ra là hang cua. Ếch vào ở nhờ với cua, nhưng khi cua lột (khi đó mai, càng... rất mềm) thì cũng là lúc ếch có bữa ăn no nê và trở thành... chủ hang.

Cũng có người bắt ếch theo phương pháp thủ công khi mùa khô, ếch ở lỳ trong hang. Như anh Tám Hài ở xã Trường Thành, cứ rảnh rỗi lại ra bờ mương gần nhà, lục tìm hang ếch. Hang nào có cục đất lấp đầy phía trước, lật cục đất ra có dấu miệng ếch mà khi đẩy đất lấp miệng hang, chúng vô tình để lại vết tích, thì chắc mẩm con ếch trong hang không thoát khỏi tay anh.

 

Dân câu ếch nhiều lúc cũng gặp may. Như anh Hùm, bắt được nhiều con ếch rất to nhờ... ếch nhỏ cắn câu trước. Là vầy! Ếch to thấy chú ếch nhỏ dính câu, nào hay nào biết cứ há miệng đớp bập con mồi trước mặt. Thế là câu ếch nhỏ dính luôn ếch to. Hoặc nhiều chú rắn ri voi nặng cả ký, thấy ếch dính câu, ngỡ là bữa ăn thịnh soạn dọn sẵn cho mình, ai ngờ... Giá rắn ri voi hiện có giá khoảng 150.000 đồng/ký, rắn hổ hành khoảng 60.000 đồng/ký, dân săn ếch thắng lớn!

 

Đôi khi, dân câu ếch cũng thay đổi đối tượng, đó là câu ngay những chú rắn. “Đơn giản lắm! Chỉ cần thay mồi là những chú rắn mối, để khoảng một ngày cho lên mùi rồi cắt khúc, câu rắn”, anh Hài nói. Nhưng khi thăm câu rắn, người ta không thể ung dung vẹt cỏ, săm soi như cậu Thượng mà phải dùng chiếc sào nhỏ, vẹt cỏ thăm dò trước. Nhiều con rắn độc dính câu, hoặc đang rình mồi chứ chưa mắc câu, cứ sơ sễnh là dân câu lãnh trọn những cú đớp trời giáng, nọc độc chạy rần rần. “Khi thấy rắn độc dính câu, phải dùng cây đập chết hoặc chẹn cổ rồi bắt sống”, anh Hài cho biết.

Năm nay, ếch được giá! Bình quân mỗi ký ếch “nhất” - trên 200 gam/con, chủ vựa mua ngay với giá 27.000-28.000 đồng. Rớt xuống hạng hai, mỗi ký cũng phải trên 20.000 đồng. Những chiếc đùi ếch to tròn, chắc thịt được chủ vựa cắt riêng ra để bán cho các nhà hàng, quán ăn lớn... chế biến thành các món đặc sản. Ở chợ Ba Mít (xã Trường Thành) có hai vựa mua ếch, mùa này bình quân mỗi ngày một vựa gom được gần cả trăm ký.

Trước nhà cậu bé Huỳnh Văn Phố, mới 13 tuổi, ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền, dựng chiếc xe đạp xinh xinh giá gần 300.000 đồng mà cậu vừa tậu được nhờ mấy đêm câu ếch. Tiền mua sách vở, tiền trường năm nay, cậu và đứa em 10 tuổi đều tự trang trải, không phải xin cha mẹ đồng nào. “Câu ếch dễ ợt. Con nít như tụi con mỗi ngày có thể kiếm cả trăm ngàn đồng như chơi!”, Phố hớn hở.

Chỉ riêng một đoạn rạch Cây Cẩm (xuyên qua địa phận xã Nhơn Ái - huyện Phong Điền và xã Trường Thành - huyện Cờ Đỏ) đã có gần một trăm tay câu ếch. Ếch ngày càng ít, nên cuộc cạnh tranh tìm nơi cắm câu cũng trở nên gay gắt. “Nhưng hồi nào giờ, dường như có luật bất thành văn là không dân câu ếch nào dỡ trộm cần của người khác, dù thấy cả ếch dính câu”, anh Hùm khẳng định. Có lẽ, đây cũng là nghề của những tay “phiêu lưu”, phóng khoáng và cái mà họ mê nhất là cầm trên tay những chú ếch do chính mình bắt được.

Nguồn:http://www.saigontimes.com.vn Hồ Hùng

Các tin khác cùng chuyên mục
Hy vọng cuối cùng cho loài cá heo sông ở Trung quốc - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 2:52:14 CH
Hồ câu tại Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 2:50:48 CH
Một vài thủ thuật hữu ích trong Word - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 2:50:01 CH
Mẹo uống rượu không đau đầu - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 2:48:36 CH
10 mẹo hay nhất về e-mail - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 2:47:18 CH
Các loài cá kiếm và cá cờ- Swordfish & Marlin Species - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 2:46:30 CH
Các loài cá ngừ - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 2:42:04 CH
Mười mẹo bảo vệ mạng riêng ảo client - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 2:38:16 CH
Cá tra - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 2:37:13 CH
Lựa chọn mồi câu cá Ngừ - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 2:35:58 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.