Trên đường phố, nhất là vào những ngày nghỉ cuối tuần, ta dễ dàng nhận ra họ. Những người áo quần lôi thôi, đeo trên vai hay treo dọc thân xe máy cái túi bạt to đùng, trông hao hao cái bao súng; trên xe còn lỉnh kỉnh túi, thùng... thì đích thị là họ - Những kẻ giời đày.
Mà đúng là giời đày họ thật. Lọ mọ trở dậy từ bốn, năm giờ sáng, phóng tới các ao, hồ ngoại thành, thậm chí là các tỉnh lân cận tìm chỗ câu. Tối nhọ mặt người, nửa đêm họ mới bơ phờ trở về. Người được cá mặt mũi vênh vang. Người túi lép mặt buồn rười rượi.
Bất cứ thợ câu nào cũng biết quy luật đi ăn của các loại cá. Cá nào cũng vậy, hễ là con to chỉ vào gần bờ ăn mồi khi hồ yên tĩnh. Vậy là phải rình cho tới tận đêm. Bất kể ngày nắng, ngày mưa, thậm chí trời rét cắt da cắt thịt họ cũng không ngán.
Người già có, người trẻ có. Ðông nhất là loại tuổi trung niên, đang làm việc. nhìn bộ dạng bên ngoài dân đi câu chịu chết không thể đoán được nghề nghiệp của họ. Hỏi ra, có đủ ngành nghề: Bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, nhà báo, bộ đội, công an, chủ doanh nghiệp, công nhân, nghệ sĩ... Thì ra, cái ham mê câu cá chẳng từ một ai.
Anh Cư, chủ tịch Câu lạc bộ câu cá Hà Nội, ngày bé buổi đi học, buổi xúc tôm, kiếm cá ngoài đồng bán lấy tiền ăn học. Lớn lên, lập nghiệp ở thủ đô, những tưởng vĩnh viễn phải xa rời thú vui kiếm tôm cá. Nào ngờ bây giờ có dịp được sống lại với những kỷ niệm xưa. Chẳng tuần nào mà anh không dành vài tiếng ra để ôm cần câu. Anh bảo, những lúc ngồi câu là thời gian quý nhất sau một tuần làm việc căng thẳng.
Hay đi câu với anh Cư là một vị đại tá quân đội ngồi bàn giấy cũng có tâm trạng như thế. Hồ câu gần chùa Tiên Ông cách Hà Nội sáu, bảy chục cây số là nơi anh Phong, phó Tổng biên tập một tờ báo hay về thư giãn, xả stress.
Một ông bác sĩ hay câu ở hồ nước sâu trên đường Láng- Hòa Lạc lại có kiểu giải thích khác: "Một tuần không luyện tay, luyện trí óc bằng cách cầm cần thế này thì làm sao vững tay mổ mỗi ngày vài ba ca được? Luyện tay luyện óc kiểu này hơn đứt chơi tennis".
Những người đi câu có những giây phút sung sướng đến mức ngộp thở khi nhìn thấy cái phao rung, lún và nhất là khi con cá bị dính lưỡi câu, vùng chạy... Thậm chí, chưa cần cầm cần câu, chỉ mới nhìn thấy hồ ao, mầu nước, sóng gió và hít hà cái không khí thiên nhiên cũng khiến cho bọn họ sảng khoái.
Họ có hẳn các câu lạc bộ. Ðông đảo và hoạt động xôm trò nhất có lẽ là câu lạc bộ câu cá trong TP Hồ Chí Minh. Chủ nhiệm câu lạc bộ này là một doanh nhân trẻ, thành đạt và cũng quy tụ được nhiều doanh nhân có cùng sở thích như mình. Thành phố Hà Nội có hẳn hai câu lạc bộ câu cá. Mỗi câu lạc bộ lại cho ra đời trang web riêng. Khẩu hiệu trên trang web của họ khá lôi cuốn: Câu cá, thú vui tao nhã. Hãy câu cho vui đời...
Những người mê câu, vào trang web của mấy câu lạc bộ này ngoài giải trí còn học hỏi được vô khối kinh nghiệm cũng như có điều kiện giao lưu. Chẳng thế, câu bằng lưỡi lục vốn là kiểu câu riêng của dân Hà Nội đã mấy chục năm nay chẳng ai hay. Giờ nhờ giao lưu trên mạng điện tử, kiểu câu lục đã lan tới nhiều tỉnh thành trong nam, ngoài bắc, lên tới tận Tây Nguyên xa xôi.
Cách đây dăm năm, Hà Nội chỉ có vài ba hàng bán vật dụng câu. Hiện giờ, Hà Nội không dưới chục hàng. Phần lớn những hàng bán vật dụng câu cá kiêm luôn bán mồi.
Dân câu Hà Nội chủ yếu câu bằng lục cho nên khâu làm mồi cũng phức tạp, mỗi cửa hàng có một bí quyết riêng. Có thể khẳng định, những cửa hàng chuyên bán vật dụng phục vụ dân câu sống khỏe. Trông cửa hàng bán đồ câu có vẻ thưa thớt khách vậy thôi, nhưng chắc chắn doanh thu không kém các cửa hàng may mặc hay giải khát thuộc loại kha khá. Bởi lẽ, dân câu nào cũng mắc cái bệnh...sắm đồ nghề. Mỗi lần vào cửa hàng bán đồ câu thế nào cũng phải bỏ ra chí ít cũng vài chục nghìn đồng.
Làm vệ tinh cho những cửa hàng bán đồ câu, Hà Nội còn có vài ba chục lò làm lưỡi câu chuyên nghiệp. Cũng nhờ có dân câu, rất nhiều gia đình ở nông thôn trong bán kính vài chục, thậm chí cả trăm cây số có nghề mới.
Anh Thủy ở Trúc Sơn là một thí dụ điển hình. Cách đây mươi năm, gia đình anh ở trong làng. Thấy hợp tác xã cho đấu thầu hai cái ao ngoài đê phân lũ sông Ðáy, anh đấu thầu và trúng với cái giá không dễ ăn nếu chỉ dùng để nuôi cá thịt. Hai, ba năm đầu nuôi cá thịt năm được năm mất. Một ngày nọ có vài ba ông thợ câu ở Hà Nội vô tình đi qua xin câu theo giờ. Anh Thủy liều cho họ câu thử. Sau lần ấy, anh chuyển hẳn sang nghề thả cá phục vụ dân câu. Từ ngày chuyển hướng kinh doanh, gia đình anh Thủy yên tâm hẳn và lợi hơn nuôi cá thịt trông thấy. Học tập anh Thủy, trong xã có dăm bảy hộ làm theo. Bây giờ, Dốc Ðinh gần Trúc Sơn là một trong những địa điểm câu có tiếng của dân câu Hà Nội. Thông thường, một hồ cho câu phải có dăm ba gia đình chung quanh nuôi cá bán cho chủ hồ câu. Chưa kể vài ba gia đình liền kề hồ câu có cơ hội nuôi gà, nuôi vịt, bán nước giải khát... ăn theo. Vậy là, một ông chủ hồ câu có cơm thì dăm bảy gia đình ăn theo có cháo. Khó ai có thể đếm được, nội quanh Hà Nội có bao nhiêu hồ phục vụ cho dân câu cá?