Ghi từ Nước Úc

Chạy trốn cái lạnh của xứ Phù Tang, tôi đặt chân đến thành phố oi bức nhất ở cực Bắc nước Úc - Darwin City & hưởng trọn 1 Giáng sinh không tuyết ở xứ Kanguru.
Khí hậu theo vùng của nước Úc ngược với khí hậu theo vùng của Việt Nam ta, miền Nam Úc có đủ 4 mùa nhưng miền Bắc Úc lại chỉ có 2 mùa: khô (từ tháng 4 ~ tháng 11) & mưa (từ tháng 11 ~ tháng 3), nên những ngày này, Darwin đón tôi bằng những cơn mưa giông và sấm chớp không ngừng (vậy nên Darwin trong mùa mưa còn được gọi bằng 1 cái tên đẹp rạng ngời và luôn chói loá khác là KINH ĐÔ ÁNH SÁNG - Lightening Capital) . Bỏ qua vụ mưa gió chán hết chỗ nói này thì Darwin thực sự là nơi khiến dân câu phải thốt lên chỗ hết nói chán
Bắt đầu vô phần hấp dẫn nghe!

Sau những ngày giông tố tơi bời, Darwin đột nhiên hửng nắng (chút xíu thôi) vào ngày Giáng sinh, vừa đủ để dân câu mừng quýnh, ôm cần te tái chạy ra bến cảng. Tôi không có cần để ôm (lý do để xíu nữa kể tiếp), nhưng cũng bon chen chạy ra cảng để xem Tây nó câu ra sao?!?
Trời ơi, ngắm không thôi cũng thấy đã con mắt, đứng trên bờ câu ra mà dính được cá Chẽm, cá Mú đều đều (lớn cỡ ... bắp tay Lý Đức), èo... ruột gan tôi chộn rộn không yên.
Tôi bắt chuyện 1 người đi câu gần đó: Ở Darwin dễ câu cá Chẽm vậy sao?, ổng ngẩn người nhìn tôi trân trân (hì hì, lúc đó tưởng ổng bị sửng sốt trước nhan sắc lá rụng cành rời của mình chứ, té ra hổng phải), ổng hỏi ngược lại tôi: Chắc cô không biết câu hay mới tới Darwin lần đầu hả? Câu cá Chẽm là 1 biểu tượng của Darwin
Hơ, hơ, mới gặp mà ổng hạ KO tôi, trả lời kiểu gì cũng dở. Không biết câu ư? Ít nhất tôi cũng từng kéo lên đuợc mấy con rô đồng mừ. Mới tới Darwin ư? 3 năm trước tôi có quá cảnh ở đây rồi chứ bộ (hehe).
Thôi thì thật thà là cha quỷ quái, tôi tình thiệt là không biết câu, ai dè được ổng hướng dẫn cho mấy bí quyết với lời bảo hành: Cứ nhớ mấy điều này, chắc chắn dù bạn không biết câu cũng câu được cá Chẽm ở Darwin.
1/ Muốn biết tháng nào có nhiều các Chẽm thì cứ canh vào đúng các tháng có chữ R (March, April, September, October, November, December), dịch ra tiếng Việt là các tháng 3, 4, 9, 10, 11, 12.
2/ Cuối mùa mưa của Darwin là thời gian tuyệt vời nhất để câu được nhiều cá Chẽm (cuối tháng 3 ~ cuối tháng 4)

3/ Câu và những tháng nóng nhất (như tháng 12 này dù trời mưa mà nhiệt độ trung bình khoảng 32 ~ 34 là rất ổn).
4/ Câu ngay sau khi mưa gió vừa tan là lúc cá ăn rất mạnh (điểm này thì dân câu ai nhà ra ai cũng rành rồi ha)
5/...

Bảng ghi những loại cá có thể đánh bắt theo mùa ở Darwin

Tôi vừa nghe ông Tây giảng giải về sự câu kéo của xứ họ mà vừa giận mình ghê thôi, không phải vì không mang theo cần để thực tập tại chỗ mà vì trình độ thuật ngữ tiếng Anh về câu cá của mình quá kém, không tài nào lãnh hội hết những điều người đàn ông kia đang say mê nói, lúc đó ước chi có lão tướng hay bác Kythuat, bác Pecheur nhà ta kế bên thì đỡ cho tôi quá...

 

Ngồi với John (tên người đàn ông) chừng nửa tiếng, tôi nhẩm khoảng chục lần ông kéo cần lên có cá, trong đó có 2 lần được cá Chẽm, tôi ước chừng mỗi con trên dưới 2 ký. Ấy vậy mà ông thả chúng xuống biển hết, tôi muốn chụp hình thì ông John khoát tay nói chẳng bõ, vì những gì tôi vừa thấy không đáng được gọi là câu cá Chẽm Darwin, nếu muốn hiểu thế nào là câu cá kiểu Úc và cá Chẽm kiểu Úc thì tốt nhất hãy lên thuyền ra khơi 1 chuyến, nếu chịu nổi sóng mùa này thì 1 người ít nhất câu được 3 ~ 4 con, mỗi con dài cả mét. Rồi như muốn tôi phải tâm phục khẩu phục, ông John bảo tôi đợi đến khoảng 1h trưa xem những thuyền câu cặp bến thì sẽ rõ.

 

Cá Vược câu đựợc ở Darwin -Autralia

Ừ thôi, cái thời khắc 1h của ông John để chút nữa tôi kể tiếp, giờ quay lại với những người câu cá ở bên cảng này, họ đa phần câu bằng mồi giả, có 1 số ít câu bằng tôm sống nhưng kết quả đều khả quan như nhau. Ngoại lệ, họ dùng 2 loại mồi mà tôi chưa thấy hay chưa nghe thấy người Việt ta áp dụng là PHO MÁT DAI (Hard hay Semi-hard Cheese, cắt thành từng miếng hình khối chữ nhật rồi móc trực tiếp vô lưỡng câu) và SỤN (Gristle, nếu còn dính chút gân càng tốt). Và dù câu theo trường phái nào thì họ cũng dính cá rất đều! Tự dưng tôi thấy ganh tỵ vu vơ: Câu bằng mồi giả, gần bờ, nơi đông dân... mà lên cá lao xao, có cả cá Chẽm nữa thì Thượng đế ưu đãi Thiên nhiên Darwin quá, chẳng như nước ta, có chống thuyền ra khơi cũng khó thấy cảnh này.

Cá Sủ (King Fish) câu tại Darwin - Autralia (Ảnh: Cẩm vân)

Nghĩ xong tôi lại cho mình ngớ ngẩn, ơ, sao lại trách Thượng đế, Ngài nào có bất công gì với Việt Nam ta đâu, từ bé ta vẫn được học nước ta có rừng vàng biển bạc là gì.. , ta giàu có quá mà, ta giàu từ trong trứng giàu ra, nên cứ việc đào vàng vớt bạc mà xài cho thoả, cứ ỷ y vào cái kiểu giàu DNA này mà chẳng cần vun vén, lo xa thì từ điển tiếng Việt được bổ sung thêm 2 từ LÓC, MÓM hay con cháu đời sau chỉ biết con cá Mú, cá Đục qua tranh ảnh cũng hiển nhiên lỗi tại ta, lỗi tại ta mọi đàng, chẳng phải tại Thánh thần, Thượng đế nào cả... (Đấy, sau này bác nào đi câu về Móm mà cứ than Trời thì bác liệu thần hồn, Ngài rận bác cho mà xem).
Ôi trời, thế nào tôi lại ở Việt Nam thế này. Xin phép các bác tôi quay lại Úc tìm chất liệu viết tiếp.

Sau 1 hồi để tâm trí đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, tôi lại về với bến cảng Darwin do giọng ông John sang sảng kế bên: Hey, có muốn câu thử không?, chao ôi, người đàn ông thanh lịch của năm đây rồi!

Đầu tôi chưa kịp gật, miệng tôi chưa kịp nói thì tay tôi đã đưa ra đón cái cần rồi vì sợ ông ta đổi ý, ai chê con gái gì mà vô duyên cũng được, đang dưng lại có hạnh phúc từ trên trời rơi xuống thì phải nắm đằng chuôi (cần) trước đã... hơ, hơ.
Thế là tôi được câu!
Thế là tôi phạm luật! (Không bỏ 1 đồng xu mua vé, không có 1 tờ giấy lộn trong tay mà dám đường hoàng buông cần như ai, cả tôi và ông John thiệt đãng trí hết chỗ nói).

May sao không có Quý nhân viên thị sát nào để mắt tới chúng tôi trong khoảng 10' điếc không sợ súng đó. Ây thế mà tôi cũng kịp kéo lên được 1 con cá Bè Trang nho nhỏ (đoán chừng hơn 1 ký), tôi mừng rối rít. Tuy không ở hiền nhưng thỉnh thoảng cũng được gặp lành, lúc đầu cần vít xuống, bạn biết tôi vui thế nào rồi đó, ông John cũng vui (đúng ra là mừng hụt) vì tưởng tôi không biết dìu cá, thì ông John sẽ thành người hưởng thụ cái cảm giác mà dân câu ai cũng sướng này, nên ông cứ luôn miệng Để tôi giúp, để tôi giúp!, mà tôi thì quyết không trả lại cây cần cho ổng (vô duyên tập 2! )... Điệp khúc Để tôi giúp của ông John chỉ dừng khi tôi kéo được con Bè Trang vô sát bờ, lúc đó ổng mới la lên U can fishing - Cô biết câu!, tôi bắt chước bác Hùng R Tôi ... mới tập câu!.

 

Con cá vừa kéo lên khỏi mặt nước cũng là lúc ông John nhớ ra tôi không có giấy phép câu cá, cả 2 chúng tôi tá hỏa tam tinh, vội gỡ cá phi tang.

 

Con cá về với nước, ông John thu lại cần, tôi ngồi thu lu coi ổng câu tiếp, trong đầu mỗi người lúc đó chắc đang nghĩ tới 1 bộ phim, ổng nhìn tôi như có vẻ Cô đang đóng Ngọa hổ tàng long đấy hử, còn tôi thấy ổng hẳn như vừa xem xong phim Sống trong sợ hãi.

Đùa chút cho vui, chứ ông John là người rất đáng mến. Như sợ tôi buồn chán trong lúc ngồi đợi tàu câu cá, ông kể cho tôi nghe rất nhiều điều lý thú về biển cả, tôm cá & lịch sử Darwin. Với 1 người đi du lịch bụi, chẳng còn gì may mắn hơn là được kết bạn với những người cao niên tại bản xứ - những viện bảo tàng sống; với 1 người ôm cần, chẳng còn gì vi diệu hơn khi được tiếp kiến cao nhân cùng sở thích. Tôi gặp được ông John là 1 sự may mắn 2 trong 1 - cả về nghĩa bóng kể trên lẫn nghĩa đen dưới đây - Ông là người mang 2 dòng máu Polish - Irish, cha ông là 1 người Do Thái Ba Lan (Jewish-Polish) đích thực, chạy trốn thoát khỏi Ba Lan sang Úc (dưới thời Đức quốc xã kiểm soát Ba Lan), mẹ ông cũng là 1 người nhập cư, gốc Ái Nhĩ Lan.

 

Tuy mang 2 dòng máu, nhưng trong khoảng thời gian ngắn tiếp xúc với ông John, tôi chỉ nhận thấy ở ông có sự cởi mở, thân thiện, vui vẻ của người Ái Nhĩ Lan, còn thì không thấy dấu vết nào của những điều tiếng mà người ta hay đồn thổi về người Do Thái.

 

Nhờ sự chân thành của ông John, nên tôi mới được tường tận rằng phần đông dân cư Darwin thuộc đạo Do Thái. Dù rất nhiều người đã bỏ đạo (như chính cha của ông), nhưng trong thâm tâm họ vẫn là người Do Thái, đó là lý do tại sao ngay trong mùa Giáng sinh sôi nổi thế này mà đường phố, cửa hiệu, nhà ga... của Darwin hầu như không treo dòng chữa MERRY CHRISTMAS mà thay vào đó là HAPPY HOLIDAY.

Ngồi tán dóc 1 lúc thì bắt đầu có vài chiếc thuyền trở về, trong số đó có vài người quen của ông John nên tôi được phép tiếp xúc và chụp hình họ, không thể diễn tả bằng lời về kết quả mà dân câu Darwin thu hoạch được trong vòng mấy tiếng đồng hồ (từ 5h sáng đến 11h trưa), tôi chỉ có thể gửi đến các bạn những tấm hình dưới đây để dễ hình dung 1 nước Úc trù phú, giàu có ra sao.

Tạm biệt ông John cùng những người bạn câu vui tính, tôi đi dùng bữa trưa rồi alo cho người dưng khác họ khoe những điều mắt thấy, tai nghe, tay chạm về sự câu kéo của Darwin, bên kia đầu dây giọng anh hồ hởi pha lẫn tiếc rẻ: Hay quá, chờ khi nào anh có dịp, mình nhất định cùng đi câu ở Darwin nhé. Tôi cũng đành ừ hữ, cúp máy rồi mà thấy áy náy bởi tôi không thể chờ anh. Đây là cơ hội tốt nhất rồi, mùa nóng nhất trong năm nè, vào tháng có chữ e rờ - R nè, mới mưa xong cá ăn rất mạnh nè, hôm nay thời tiết tốt nè... Liệt kê thêm mấy cái nè nữa, tôi quyết định đi mua vé câu ăn mảnh 1 mình, tuy trong lòng cảm giác hơi tội lỗi với chàng. Chả là tôi đã từng thề thốt bất cứ trong trường hợp nào, em cũng chờ anh suốt đời, chẹp, qua lần kinh nghiệm này phải suy nghĩ lại, về sau dù có yêu đến cháy lòng cũng không được khoác lác quá lên như thế, hì hì !

 

Nhật Bản tháng 1-2007

Nghiêm Cẩm Vân

(còn tiếp)

Các tin khác cùng chuyên mục
Chộp nhầm đuôi cá mập - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 3:35:57 CH
Câu cá - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 3:34:46 CH
Hồ Tam Chúc - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 3:33:54 CH
Câu cá lăng - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 3:32:53 CH
Cá trắm 6kg câu tại Đầm sen - TP.HCM ngày 13/01/2007 - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 3:30:15 CH
Du lịch Phú Quốc - Có nên đi câu cá? - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 3:29:07 CH
Câu thu bè ở Trường Sa - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 3:28:34 CH
Lời nhắn trước khi đi câu - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 3:27:37 CH
Người Tình Salmon - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 3:27:06 CH
Omega-3 Acid Béo Và Sức Khỏe - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 3:25:27 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.