Miệng ếch tuy rất rộng, nhưng ngoài việc đớp mồi ra thì rất ít khi nó mở miệng. Lỗ mũi của ếch thông với xoang miệng. Khi ếch hít không khí từ mũi vào thì miệng mím chặt, thềm miệng hạ xuống, miệng phình to chứa đầy không khí. Sau khi khép lỗ mũi bằng van, thềm miệng của nó được nâng lên nhờ cơ gian hàm và cơ gian móng, đẩy khí qua khe họng vào phổi, cũng giống như ta bơm hơi vào quả bóng. Không khí vào phổi có chứa O2 sẽ tiến hành trao đổi với CO2 trong máu trong vi huyết quản. Sau đó, sự co bóp của cơ bụng và sự đàn hồi của thành phổi (làm cho phổi mở rộng trở lại trạng thái ban đầu) sẽ đem lượng lớn khí CO2 trong phổi ép vào xoang miệng, rồi lại qua lỗ mũi. Như vậy, thềm miệng cứ không ngừng lúc phồng lúc bẹp, giống như lồng ngực của chúng ta lúc nâng lên lúc hạ xuống.
Ếch tuy giống người cũng thở bằng phổi, song phổi của ếch còn chưa phát triển, cấu tạo rất đơn giản, chỉ là một đôi túi khí có vách ngăn ở trong thành nhiều lỗ tổ ong. Lượng khí trao đổi ở đây cũng rất ít. Nếu ếch chỉ dựa vào lượng khí mà phổi có được thì không thể nào đáp ứng đủ cho nhu cầu của cuộc sống, nên nó phải bù đắp bằng sự hô hấp qua da.
Da của ếch thường tiết ra dịch dính, để duy trì trạng thái ẩm ướt, giúp cho O2 trong không khí bên ngoài và CO2 trong máu trong vi huyết quản ở da tiến hành trao đổi, nhằm bổ sung lượng hô hấp. O2 mà ếch hô hấp qua da chiếm khoảng trên dưới 40% tổng lượng O2 hô hấp.
(Theo Chìa Khóa Vàng)