Vào khoản tháng mười đến tháng 12 âm lịch là mùa trái mắm. Đến mùa này, dọc theo kinh rạch vùng đất Cà Mau trái mắm rụng đầy các dòng sông, kinh rạch, còn cá dứa thì lại rất khoái trái mắm; cho nên khi nước bắt đầu giựt ròng, cá lội ngược dòng đón ăn trái mắm.
Đây cũng là mùa săn cá dứa của những người sống ở vùng đất Cà Mau.
Trên một chiếc xuồng ba lá có người ở phía sau chèo, một người ngồi phía trước mũi xuồng cầm chĩa ba mũi để đâm cá dứa nổi lên mặt nước ăn trái mắm. Mũi chĩa có 3 ngạnh được gắn vào đầu một ngọn tre tầm vông vài độ 2 đến 3 thước. Mũi chĩa thường không gắn chặt vào cán mà được nối với một sợ dây dài. Khi thợ săn phóng chĩa dính cá thì họ gặt nhẹ cán chĩa về phía sau làm cho mũi chĩa rời ra. Chờ cho cá vẫy vùng đuối sức, người cầm chèo phăng dây lôi cá lên xuồng, còn người thợ săn đã thay vào cán một mũi chĩa khác tiếp tục cuộc săn.. những người săn cá dứa có một qui ước riêng không bao giờ bắt cá nhỏ cho dù ngày đó họ không săn đựơc con nào. Theo chú Sáu Tui một tay thợ săn cá dứa có trên 30 năm tay nghề cho biết sở dĩ họ làm như vậy là không muốn cho cá bị tuyệt chủng. Nếu một ai đó trong xóm không săn được con nào trong ngày thì người đâm được nhiều trong ngày đó sẵn sàng chia phần. Anh Ngô Hải quê ở xã Viên An Đông kể rằng ngày xưa Ông của anh, một ngày có thể săn được cỡ 5 chục con, mỗi con trung bình 5 ký thì cũng có trên 200 ký với giá 20 ngàn đồng/ký đây là nguồn thu nhập không nhỏ. Săn cá dứa cũng có cái thú riêng của nó nhưng cực không ít, bởi lẽ vùng sông nước Năm Căn thường muỗi rất nhiều nhưng người săn cá vẫn chịu đựng được chỉ ngán bù mắc. Vì vậy để xua đuổi chúng trên mổi xuồng đều có mẻ un.
Vào sáng sớm hay chiều tà dọc dài theo các triền sông rạch khói loan toả trong vạt mắm mọc theo ven sông rạch tạo nên một bức tranh mờ ảo gợi bao những cảm hứng tạo nên biết bao giai phẩm cho đời.
THUỶ TIÊN-http://www.camau.gov.vn