Qua tìm hiểu chúng tôi mới biết, thì ra các chủ hồ thường dùng độc chiêu rất đơn giản: họ để ý xem trong hồ chỗ nào là cá hay cắn câu nhất thì họ thả đất đèn hoặc vôi bột xuống cho cá chạy giạt đi.Tinh vi hơn nữa, họ cho vét lòng hồ thành hình lòng chảo. Loại hồ này khó câu nhất, vì thính ném xuống dễ bị trôi vào giữa, vả lại cá không bao giờ vào gần bờ thì sao mà câu được. Một kiểu khác cũng khiến câu khó, ấy là những hồ có đào hố sâu. Loại này khiến người câu không thể biết được chỗ nào có cá mà câu, trừ chủ hồ.
Biết thế, nên các thợ câu cũng nghĩ ra nhiều mẹo để chơi lại chủ hồ. Ví dụ như giả vờ mắc lưỡi câu, phải lội xuống mò. Nếu thấy là hồ lòng chảo, lập tức anh thợ câu dùng chân tạo một hố nhỏ, rồi bỏ thính vào đó. Một chiêu nữa là các thợ lấy bã bia trộn với ốc băm nhỏ và thóc, ủ cho thối để nhử cá. Song loại này dần dần đã trở nên quen thuộc và quá nhàm chán với cá ở các hồ, vốn hằng ngày tiếp xúc với rất nhiều loại khách câu và mồi, thính câu khác nhau. Gần đây dân thợ câu đã phải tỏ ra kính nể ông Hiệp ở đường Hai Bà Trưng, Hà Nội vì ông Hiệp có chiêu làm thính câu độc đáo có một không hai.
Thấy chúng tôi nhiệt tình lặn lội, tìm học cách để câu cho được cá, ông Hiệp mới tiết lộ. Với loại thính thơm, ông Hiệp có công thức như sau: 2 kg gạo thơm, 1 kg đỗ tương (hoặc đỗ xanh), 3 lạng nạc, 3 lạng vừng tất cả trộn đều rang lên, rồi xay nhỏ (lưu ý không nghiền quá mịn). Loại thính này của ông Hiệp mùi thơm nức, ngậy ngậy đến cả người cũng muốn ăn còn nói gì cá.
Loại thính thối ông làm cầu kỳ hơn: cứ 20 kg bã bia thì cho 5 kg ốc băm nhỏ, 3kg thóc, 3 kg ngô xay hoặc cám tất cả trộn đều cho vào thùng rồi lấy 4 bát nước mẻ tưới đều, ủ trong vòng mười ngày là đem ra dùng được. Nhưng đó mới chỉ là loại thính bình thường. Ông Hiệp còn lặn lội kiếm cho bằng được vài chiếc nhau thai, đem về băm nhỏ trộn thêm vào với công thức như trên. Loại này có mùi thối khẳm đặc biệt khủng khiếp có thể lan rộng khắp hồ. Ông Hiệp cho biết, sử dụng loại thính đó của ông sẽ câu được hầu hết các loại cá. Giống cá thật lạ, chúng thính cái mùi đó hệt như anh nghiện, nên dù có no đi chăng nữa chúng cũng phải lao vào để thưởng thức. Ông giảng giải thêm, nếu không có nhau thai, thì có thể dùng ruột thừa của gà hoặc giun đất để thay thế. Cẩn thận hơn, khi mang thính đi câu nên trộn thêm vào mấy quả trứng thối.
Thính câu đã hay rồi, nhưng chưa đủ. Người đi câu sành điệu còn phải biết chọn thời tiết và xem nước hồ. Theo kinh nghiệm, cứ hôm nào đổi thời tiết từ nắng sang mưa, từ mưa sang nắng, chuẩn bị có gió mùa, có áp thấp nhiệt đới hoặc là vừa mưa rào xong là câu rất ăn. Bước tiếp theo là xem nước hồ. Nếu hồ nước trong hoặc lờ đờ nước hến thì dùng thính thơm mới đạt kết quả. Lưỡi câu cũng là yếu tố tạo nên thành công. Dân câu sành điệu thường phải trửa lưỡi câu rất cẩn thận. Nếu biết hồ có cá chép thì phải dùng lưỡi thật mảnh, khoảng 0,4 - 0,5 mm mới câu được, vì anh cá chép rất tinh. Riêng lưỡi câu lục (lưỡi chùm) dân sành câu cũng chia làm mấy loại đó là : Kiểu mèo ngồi, kiểu vòng thúng, kiểu lưỡi dao, kiểu lăng xê, kiểu lưỡi hái tử thần. Trong đó kiểu lăng xê và lưỡi hái tử thần là câu ăn nhất. Chuyện về câu thì nhiều, nhưng chỉ ngần ấy cũng đủ thấy nghề câu rất công phu, đòi hỏi sự đam mê đặc biệt. Chẳng thế mà đã có một số anh mắc nghiện ma túy, cai nghiện mãi không được nhưng khi đi câu một thời gian đã bỏ được hẳn. Riêng trong hội câu của ông Hiệp cũng có hai anh (xin giấu tên), một ở phố Minh Khai, một ở đường Kim Ngưu nhờ câu mà xa hẳn phường chính hút, vợ anh ở Minh Khai đã phải cảm động thốt lên: Ơn trời nhờ các bác ấy (chỉ hội đi câu) mà nhà em đã bỏ được ma túy. Niềm vui này thật chẳng có gì sánh được!
(Theo Báo Công nghiệp Việt Nam)