Đi câu bạch tuộc
“Muốn khỏe... đi câu”

Đúng hẹn, tôi về Bình Hải theo Hai Long (Đỗ Tấn Long) ra biển. Biển mùa này khá êm. Nhìn ra khơi chỉ lăn tăn con sóng bạc đầu. Trên bến, thợ câu bạch tuộc cởi trần trùng trục, hè nhau khuân thúng lên thuyền rồi nhằm ra hướng biển.

So với cánh thợ câu, Hai Long thuộc loại có nghề. Hơn 30 năm lênh đênh cùng biển, chẳng có hải đồ, máy tầm ngư, máy định vị, nhưng nhìn theo hướng núi, theo dòng hải lưu luân chuyển anh biết nơi nào bạch tuộc khu trú và nhìn màu nước biển, anh biết con nước bao nhiêu sải mà cơi nới rường câu, xác định địa điểm đánh bắt. Loài bạch tuộc sỏi có màu mốc tro, thường đi ăn đàn ở vùng biển dưới đáy có sỏi, ở độ sâu từ 40 sải nước trở lên và mỗi con nặng khoảng 0,5kg. Cứ vào khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 hằng năm khi biển êm là chúng theo dòng hải lưu về vùng biển ngoài khơi đảo Lý Sơn để kiếm mồi. Nắm bắt quy luật này, các thợ câu ở Bình Hải lại chuẩn bị thúng, rường câu ra khơi. Dân vùng này thường nói: “Muốn khỏe, đi câu” là so với nghề lặn chứ nào có khỏe gì. Quanh tôi, những thợ câu ai nấy da đen nhẻm, bởi khi ra khơi, ánh nắng gay gắt của mùa hạ, cộng với mặt nước biển phản chiếu như thiêu đốt thân mình thợ câu. Lúc này, cứ tu nước ừng ực là nhanh mất sức. Cách tốt nhất là nhấm nháp vài hạt muối cho thông cuống họng.

Thuyền ra đến địa điểm được chọn, cánh thợ câu lần lượt bỏ thúng xuống biển, dàn đều cách nhau vài trăm mét rồi bắt đầu câu. Hai Long đưa cho tôi coi chiếc rường câu. Đó là sợi cước dài nối liền với thỏi chì bịt giấy bạc, phía dưới có hai vòng chấu (lưỡi câu) nhọn hoắc. Xong, Hai Long ném rường xuống biển. Anh kể: “Hồi mới đi câu, cũng thúng, cũng rường như ai, nhưng có biết bao chuyến biển đi về trớt huớt. Bởi đi câu bạch tuộc hoàn toàn không cần mồi câu. Khi thả rường câu xuống biển, loài bạch tuộc vốn háu ăn, tưởng con mồi vội lao tới dùng tua phủ chặt nhưng trọng lực của bạch tuộc bị chi phối bởi độ sâu nên thợ câu chỉ biết dựa vào cảm giác, sự thiện nghệ của bản thân mình. Cứ nghe nằng nặng là thợ câu vội thu dây lèo, kéo con bạch tuộc lên thật nhanh, đến gần mặt nước lấy vợt hớt. Nếu chậm trễ, bạch tuộc phát hiện mồi giả là bỏ đi ngay.

Rong ruổi theo thuyền câu trên biển tôi mới có dịp hiểu được lòng kiên trì. Phải đâu, cứ rường câu thả xuống là bạch tuộc bơi tới đưa tua phủ liền. Thợ câu sau mươi phút thả rường không nhận được tín hiệu gì thu rường chuyển thúng đi nơi khác. Và cứ thế, cứ thế cho đến khi bạch tuộc bám rường thì thao tác thật nhanh. Trên biển, nắng và nắng như hong khô, như thiêu đốt cánh thợ câu mỗi ngày. Đó là chưa kể biển khơi mênh mông, tàu lớn cũng chẳng khác nào chiếc lá tre khô trên dòng nước. Đằng này, cánh thợ câu chỉ có chiếc thúng câu, mà lỡ một con cá lớn nào đó bơi ngang qua quẫy đuôi là khó bảo toàn sinh mạng. Hoặc khi dòng hải lưu luân chuyển, thúng trôi dạt sang vùng biển khác biết đâu mà tìm.

“Muốn mau giàu... đi lặn”

Khác với nghề câu dung nạp nhiều cỡ tuổi, nghề lặn bắt bạch tuộc đa phần là cánh thanh niên có sức khỏe. Anh Nguyễn Xuân Tính, thợ lặn thôn An Cường cho hay, trước đây, chợ lặn chỉ có gương lặn và cây đọc dài làm bằng sắt dày 6 milimét, dài khoảng 1,5 mét nên chỉ lặn ở độ sâu 5 - 7 sải nước. Còn bây giờ thì khác. Anh đưa tôi lên thuyền xem đồ nghề của thợ lặn. Cứ mỗi thuyền có 3 hoặc 4 bình hơi dùng chung cho 6 hoặc 7 thợ lặn. Cứ tốp này lặn thì tốp kia coi bình hơi và sẵn sàng kéo dây đưa thợ lặn lên bờ khi họ phát tín hiệu cấp cứu. Riêng mỗi thợ lặn đều có đèn nháy để dụ bạch tuộc. Thợ lặn khá giả hơn thì mua một bộ đồ lặn từ 3 - 4 triệu đồng.
Nếu như bạch tuộc sỏi mỗi con nặng chừng 0,5kg, thì bạch tuộc rạng lớn hơn gấp 10 lần đến 20 lần. Chúng thường có màu đen, tua dài từ 1 - 2 mét. Thợ lặn, khi đến vùng rạng đã được xác định, quấn dây hơi vào người, ôm kèm theo hòn đá tảng cho nặng để mau chìm, tay phải cầm chiếc đọc và tay trái cầm đèn nháy nhảy xuống biển. Bạch tuộc thấy ánh sáng bắt đèn, thợ lặn lấy đọc mà đâm. Loài bạch tuộc mỗi khi thấy nguy hiểm vội phun túi mực đen cả một vùng gây khó chịu hoặc có khi tua mực phủ đầy thợ lặn né không kịp bị tua bám là tóe máu. Đó là chưa kể khi lặn sâu vài chục sải nước, dây hơi bị trục trặc, người lặn phải nhanh chóng giật dây làm hiệu rồi ngoi lên liền. Nếu không nhanh sẽ bị ngạt thở. Nhiều người lặn sâu, mải mê đuổi theo bạch tuộc khi ngoi lên bờ mũi, miệng máu trào ra và lặn lâu năm rơi vào tình trạng “điếc đặc”. Còn nữa, lặn sâu trong lòng biển gặp mực thì đâm mực, gặp cá thì đâm cá. Nếu đâm không hạ được ngay, cá chạy lan vết máu các loài cá dữ tìm đến tấn công cả người. Cũng nghề buông rường, cầm đọc mà năm nào ở làng chài này cũng có người bị thương, thậm chí mất mạng, như trường hợp anh Lê Văn Kinh vào mùa biển năm ngoái ra đi rồi không bao giờ về nữa.

Mong cho biển lặng, trời yên

Tính hai thôn An Cường, Phước Thiện, xã Bình Hải có trên 400 thợ câu, và khoảng 100 thợ lặn. “Ơn trời, người có công nên biển sông chẳng phụ” - ông Nguyễn Tòng, một thợ câu kỳ cựu của làng chài nói - Cứ mỗi buổi ra khơi, thợ câu, câu được từ 5 - 15kg bạch tuộc sỏi, và thợ lặn thì vô chừng. Cứ 1kg bạch tuộc đem bán cho tư thương được từ 7.000 - 10.000 đồng, trừ chi phí còn được từ 30.000 - 50.000 đồng. Ông Tòng đưa tôi về nhà chơi. Gia sản của cả cuộc đời ông hết đi lặn rồi đi câu, cộng thêm công sức của hai con trai là ngôi nhà ngói, một số vật dụng cùng một chiếc xe máy. Tuy vậy, nghề đi câu hay lặn bắt bạch tuộc cứ ngày một khó hơn. Anh Huỳnh Tấn Đồng, thợ lặn thôn An Cường cho hay: “Biết là chim trời cá nước, nhưng mấy năm gần đây, nhiều chuyến ra khơi đi lặn chúng tôi thường bị thợ lặn Lý Sơn xua đuổi khỏi một số rạng để họ đánh thuốc nổ bắt bạch tuộc hoặc cá mú. Thuốc nổ mà đưa đến vùng nào là rặng san hô nơi đó tan tành và năm sau đi tìm chẳng có con bạch tuộc nào trú ẩn”. Thấy cơ sự như vậy, dân nơi đây cũng đã từng kiến nghị với các cấp chính quyền và hợp tác với lực lượng biên phòng trong việc phát hiện các đối tượng buôn bán vận chuyển thuốc nổ bán cho tàu đánh cá ngoài đảo Lý Sơn. Thiếu tá Lê Hồng Sơn, đồn trưởng Đồn biên phòng 288 cho hay: “Cũng nhờ quần chúng nên đã có nhiều vụ vận chuyển thuốc nổ ra đảo bị phát hiện”. Tuy vậy, buôn bán thuốc nổ thật khá hời nên có nhiều người mờ mắt vì lợi nhuận nên vẫn cứ bán buôn cho các tàu đánh cá và vùng gành rạng trên biển mỗi ngày một tan nát. Cuộc mưu sinh của cánh thợ lặn mỗi ngày một khó hơn.

Trước khi rời biển, cánh thợ câu đưa tiễn tôi bằng một cuộc nhậu mà mồi làm bằng tua bạch tuộc luộc qua trộn với đậu phộng, rau thơm, đưa đẩy bằng món rượu Bình Dương vốn nổi tiếng trong tỉnh. Mồi nhậu thật hấp dẫn nhưng đằng sau đó là biết bao mồ hôi, công sức của cánh thợ chài, dẫu biết rằng ai cũng từng quen câu nói ở xứ này là “của mình ăn ngon”...

 

Theo LĐ số 130 Ngày 23.05.2002
Các tin khác cùng chuyên mục
Câu cá kiểu Srilanka - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 10:55:08 SA
Câu cua - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 10:43:53 SA
Câu cá không cần lưỡi câu - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 10:41:11 SA
Máy câu và dây câu thế hệ mới - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 10:32:23 SA
Thử nghiệm dây câu - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 9:50:22 SA
Kỹ thuật dìu cá - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 9:46:17 SA
Mùi vị mồi giả - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 9:33:25 SA
Câu dựa, thêm một sự vi diệu - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 9:30:35 SA
Kết cấu mồi cá giả - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 9:29:25 SA
Thủ thuật thay thế phao đèn - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 9:25:00 SA
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.