Đêm cá nổi (chuyện ngắn)

Tôi sinh ra ở núi rừng. Tôi ăn học ở thành phố. Núi rừng là tuổi thơ tôi. Thành phố là tuổi thanh xuân của tôi. Núi rừng ở sau lưng. Thành phố đang ở trước mặt. Tôi đang đi từ phía trước mặt về phía sau lưng. Đi về dòng Lô, dòng sông quê tôi...
Nửa đêm. Tôi giật mình choàng tỉnh mới biết mình mơ. Tôi cảm thấy có ai đó đang mơn man những ngón tay mềm trên mặt mình. Ra là ánh trăng. Trăng cuối tháng lên muộn, mới đang chỉ lấp ló trên đỉnh Thúng Khiếu, lọt những tia sáng ngả xanh qua vách nứa. Gió vẫn rít lên khe khẽ, trăng càng sáng thì trời càng thêm lạnh. Mùi thuốc nam còn tươi bà tôi đem phơi sương bay vào dễ chịu...

Giữa sàn, bếp lửa vẫn còn ấm sực nhờ hai gộc củi lớn chụm vào nhau đang ngun ngút cháy không thành ngọn. Trong gia đình người Tày lửa không bao giờ được tắt. Khi nào bếp không có lửa ắt là điềm gở. Người già chọn con dâu, chỉ cần nhìn cách chụm củi, cách vun bếp là đủ biết có khéo, có đảm hay không.

Có ánh đèn pin loang loáng, cha tôi lục sục trở dậy. Po khó ngủ hở Po?. Không. Tao đi ra sông. Làm gì cơ?. Còn làm gì nữa. Đang mùa cá chép đẻ mà. A, Po đi lấy trứng về thả. Mày còn nhớ à. Tưởng cơm thịt Hà Nội làm mày quên rồi chứ. Con ơi! Mày là người của núi rừng.... Cha nói như dằn dỗi. Ông lẳng lặng đưa cho tôi cây đèn pin khác, cây đèn có đai sẵn, đeo vừa lên trán. Ông với bao dao trên vách, cầm thêm chiếc xô nhựa phăm phăm ra cửa...

Sông quê tôi đây. Những lần nhắm mắt nhắm mũi đạp xe qua cầu trên sông Tô Lịch tôi lại thảng thốt nhớ đến quay quắt dòng Lô quê mình. Ngày nhỏ, không biết đã bao lần tôi đẩy chị Lả ra chỗ sâu, mặc chị uống mấy hớp nước rồi mới lôi vào. Vậy mà chị vẫn không tài nào bơi được. Cũng tại chị tôi nhát quá, cầm con chuồn ngô, vạch áo lên cả chục lần mà cứ dấm dứ mãi không dám để nó cắn...

Dòng sông lọt giữa hai bên là trùng trùng những dãy núi vắt đầy mây trắng xuyên qua đất Vị Xuyên. Quanh năm bóng núi cao vời vợi hắt xuống làm dòng sông dường như càng thêm sâu thăm thẳm. Đêm nay, trăng núi hạ tuần nhuộm cho cả lòng sông ánh u tịch, trầm mặc. Gió lạnh chạy đuổi nhau ào ào, hun hút trên mặt sông u u huyền bí. Sóng nước dềnh lên ì oạp do con nước vấp phải ghềnh đá rải rác giữa dòng. Năm nào cũng vậy, cứ vào độ này - quãng tháng chạp ra giêng - là mùa cá chép nổi lên tìm chỗ đẻ trứng. Cá chép là thứ cá vừa khôn vừa dại, quanh năm kiếm ăn dưới đáy sâu, hiếm khi quăng chài, câu hay đánh dậm, đánh đó mà tóm được chúng. ấy vậy mà cũng chỉ nó mới đem cái sự sinh nở duy trì nòi giống đầy thiêng liêng ngoi lên trên mặt nước mà khoe với thiên hạ. Người bản tôi ít ăn cá chép. Người già bảo rằng cá chép là loài chúa tể, quyết định sự tồn vong của loài cá sông, đem nó lên đĩa là một hành động phạm thượng. Thế nên khi đánh bắt được cá chép người ta có thể vì tiền mà đem bán chứ ít khi ăn. Cũng vì thế mà khúc sông này hình như nhiều cá chép hơn cả, chúng không bị săn lùng ráo riết cho mấy quán ăn bình dân dưới phố huyện. Hàng năm, cả bản ra sông vớt trứng cá đem về thả trong ao. Cuối năm, dịp ông Táo lên chầu trời là vừa kịp có cá chép bằng bàn tay phục vụ cho người tỉnh, người huyện mang ra sông phóng sinh.

Hai cha con tôi tắt đèn, ngồi nấp sau bụi lau sậy um tùm. Dưới chỗ chúng tôi ngồi chỉ chừng một tầm với thôi, đàn cá chép đang bắt đầu tụ tập quanh đám rễ cây buông xuống nước mềm mại, ấm áp. Độ nửa giờ sau, khi vầng trăng tròn nhô lên tới ngọn cây trám giữa thôn Nùng thì bắt đầu có tiếng lóc tóc lách tách. Cha tôi thì thầm: Bắt đầu rồi đây. Dần dần, tiếng lóc tóc lách tách lớn lên, âm thanh vội vã gấp gáp hơn, rồi rõ ra thành tiếng quẫy đạp ùm ũm. Tôi nín thở dõi theo ánh đèn pin đã che khuất hai phần ba bằng ngón tay trỏ của cha tôi, không tin nổi vào mắt mình. Bầy cá dễ có đến cả trăm con lúc nhúc chen vào giữa đám rễ cây, bên ngoài, những con khác nối đuôi nhau lượn thành vòng tròn. Bất chợt cha tôi vung dao, miệng lầm bầm: Mất dạy không nào!. Thì ra có mấy gã bống, chuối đang tìm cách len vào, mồm há ra đón lõng những dòng trứng vừa tuôn ra chưa kịp quấn vào đám rễ cây. Sau cái vung tay của cha tôi, lũ cá chuối, bống kia biến mất. Bầy cá chép vẫn mê mải quấn quýt bên nhau.

Tôi để cha ngồi lại một mình rồi xuôi xuống mé dưới. Không riêng gì cha con tôi mà người trong bản xuống lấy trứng cá cũng đông lắm. Bụi cây nào cũng thấy có tiếng nói chuyện rì rầm. Bản tôi bám dọc theo nửa bờ bên này, phần ruộng nương tương đối bằng phẳng chạy vào chân núi độ nửa cây số. Bên kia sông là nương ngô, sắn của người Dao Lùng áng. Họ làm nhà chênh vênh giữa lưng chừng núi. Thời điểm này thu hoạch nương rẫy xong rồi họ thường vào rừng sâu kiếm mật ong...

Bản tôi ở dưới thấp, trong thung lũng. Mà thung lũng thì như cái lòng chảo, hứng lấy mùn trên núi, mưa lũ đưa về nên đất đai màu mỡ, trồng cấy thứ gì cũng lên như thổi. Rừng chẻ ra muôn khe suối lớn nhỏ chảy ngoằn ngoèo qua bản làng, ra sông. Mùa cạn, trẻ con kéo nhau ra úp mặt xuống lòng suối tập bơi. Nhưng cũng chính những khe nước nhỏ này lại là những cánh cửa mở ra đón nước lũ tràn vào bản bạo liệt và hung dữ mỗi mùa mưa.

ở rừng, mùa mưa thường đến sớm. Trên này mùa mưa chán chê rồi mà dưới xuôi có khi vẫn còn khô hạn. Trước mùa mưa, cua bò lổm ngổm từ suối lên, sáng ra thấy cua bậu kín cả chân cầu thang. ấy là lúc ngô lúa, đậu lạc ngoài đồng phải mau mau mang về. Biết vậy mà hầu như năm nào cũng có những thửa ruộng chưa kịp thu hoạch vì con lũ tràn về nhanh quá. Thời điểm ấy những cơn mưa như trút nước nối tiếp nhau kéo dài lê thê. Một ngày... hai ngày... một tuần... rồi hai tuần... nước đỏ ngầu nhấn chìm các con suối. Nước tràn vào đồng thấp, nước leo lên đồng cao, nuốt chửng cả những gò đồi trồng đỗ đen, đỗ xanh lá đã ngả vàng. Nước dâng mãi, dâng mãi ngập đến ba bậc cầu thang thì dừng lại. Trẻ con cởi truồng ôm chậu đập bì bùm sang nhà nhau chơi, hò hét í ới. Người lớn quây quanh bếp lửa, chất thêm củi, đun nước pha chè bồm, luộc một nồi sắn thơm lừng... Đàn ông rít thuốc lào, đàn bà mang cum thóc nếp ra vò, tính xem vụ hè này có cần bán lợn mua phân vi sinh không.

Cái lũ dữ dằn thế, làm tơ tướp, gẫy dập cả vườn tược cây cối, nhưng ở chán rồi cũng phải đi và để lại cả cánh đồng đầy ứ phù sa vàng mỡ. Sau mùa lũ, sang thu, người ta không phải bỏ công cày bừa, cứ chọc lỗ thả hạt thóc, hạt ngô xuống phù sa là an tâm rồi...

Chân tôi đang đạp trên lớp cỏ mượt như nhung. Bờ sông không có lối bởi vì một trăm người đi là một trăm lối đâm ngang đâm dọc, ai muốn đi lối nào thì cứ đạp lên cỏ, lên lau sậy mà đi. Tôi lần xuống bến đò. Đây là cầu nối giữa Lùng áng, Phú Linh, Linh Hồ sang đất Đạo Đức, Vị Xuyên. Lên tỉnh hay về Hà Nội thì cũng phải sang đây. Trong căn lều bên bến có một người đang cúi đầu vào bếp thổi phù phù. Tôi nhận ra Huyên. Ngày xưa tôi và Huyên cùng học ở trường huyện, lớn lên tôi được đi xa, còn Huyên phải bỏ học vì nhà neo người, cha Huyên lái đò mấy năm rồi nhưng hay đau ốm.

Huyên rót cho tôi bát nước chè rồi bóc sắn vùi vào bếp. Gương mặt tròn trịa trắng ngần kín đáo dưới tấm khăn lanh đen đang được ánh lửa hắt lên hồng rực. Huyên hỏi tôi, hỏi mà như cười giễu: Páo ơi, người Hà Nội còn biết chèo đò qua thác Pắng không đấy?. Có chứ. Quên thì không lấy được vợ đâu Huyên à. A lúi! Páo vẫn nhớ lời dặn của người già cơ à. Này... học xong thì về bắc được cây cầu sang Phú Linh đấy nhỉ. ừ. Được... nhưng không bắc đâu. Để Huyên còn chèo đò nữa chứ, vắng Huyên thì buồn lắm. Huyên cười thành tiếng. Tiếng cười trong vắt vỡ ra giữa đôi hàm răng đều như hàng ngô nếp đầu mùa trắng bóng. Huyên ơi, hát phươn đi cho Páo nghe với. Lâu quá không được nghe rồi, nhớ lắm?. Thôi mà. Mặt trời chưa mọc không hát được đâu....

Bên kia sông có tiếng í ới gọi đò. Tôi chỉ nhìn thấy lờ mờ đám người gồng gánh gì đó hình như rất nặng. Người Phú Linh, Linh Hồ đi đâu sớm thế hở Huyên?. Đi bán cam đấy. Trời sáng là có ô-tô đón ở đường quốc lộ rồi. Năm nay được mùa bán mãi không thấy hết. Đám cưới nào cũng làm to lắm. Huyên ơi, bao giờ thì Huyên.... Ôi! Không ai thèm chặn đường đâu Páo à. Xấu quá mà. Không phải, tại Huyên đòi nhiều bạc trắng quá thôi.... Huyên lắc đầu quầy quậy, nhanh tay tát nước trong thuyền, tháo dây neo rồi nhẹ nhàng quay mũi. Hai tà áo dài mềm mại bị gió hất tung lên...

Thằng Páo đâu rồi? Páo ơi!. Cha tôi gọi. Nhanh tay lên nào, sáng tới nơi rồi. Tôi chạy tới giúp cha nâng mớ rễ cây, cỏ rác đã đầy ứ những trứng là trứng. Những dải trứng trơn nhẫy, quấn chặt lấy đám rễ cây, đến nỗi chỉ túm riêng đám rễ ấy thôi mà xách về có khi cũng không rơi ra được. Nhưng cha tôi bảo mang trứng về không khéo để nó xóc sẽ không nở thành con được. Trong xô có hai con chép cỡ bàn tay đang ngáp khan, cha bảo tôi đỡ chúng ra. Con Mực vồ được lúc nãy đấy. Mất nết quá. Con chó Mực đang nằm ẹp bên gốc cây, chừng như biết lỗi, đầu và hai chân trước ướt sũng. Cha tôi mang hai con cá ra chỗ dòng nước xiết thả chúng xuống.

Có tiếng gì như tiếng gà gáy, lại như không phải. Nghe lúc gần lúc xa, eo óc. Tách te! Tách te? Tiếng con tắc kè đấy phải không cha?. Tắc kè đâu ra. Tiếng gà đấy chứ. Tai mắt ra làm sao vậy. Tiếng gà thật. Mà không đâu xa, nó cất lên ngay sau lưng cha con tôi, từ trong khu rừng mả. Tiếng gáy nghe cô độc, day dứt, tôi thấy lành lạnh sống lưng. Có tiếng gà nghĩa là có người mới được đưa về đây. Theo phong tục người Tày, mỗi dòng họ trong bản đều có một khu rừng riêng dành cho người chết, bọn trẻ trâu chúng tôi gọi là rừng mả. Trong đó rậm rạp âm u, toàn những thân cổ thụ mấy người ôm, không ai dám bén mảng tới, kể cả lũ trẻ bạo gan, liều lĩnh nhất. Khi có người chết, trong nhà mồ bao giờ cũng có đủ những thứ tối thiểu cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày - nồi niêu, gạo, muối... còn thêm cả một con gà trống cho có bạn. Chả hiểu sao con gà cứ ở mãi trong đó, một mình, đêm nào cũng eo óc gáy sớm hơn gà nhà. Đi qua khu rừng để về theo đường bến đò, chẳng ai bảo ai cả cha con tôi đều đi dấn bước lên. Đây là khu rừng của nhà ông ké Huy, con đường đông nhất nhì trong bản...

Vừa ra tới đường mòn cha con tôi đã vấp ngay phải một anh đang đứng nghếch chân lên chiếc Sim sơn đỏ. Nhìn chằm chằm vào chiếc xô nhựa cha tôi đang xách, anh ta nháy mắt: Này bác, bán cho một nửa được không?. Không bán đâu. Thích nuôi thì cho thôi, lấy cái gì đựng đi. Mà nhớ thả riêng cho lớn lớn một tí đã nhé. ầy? - Anh kia cười - tôi làm gì có ao mà nuôi, ở dưới xuôi lên sau mà. Nước ăn còn chả đủ nói gì nuôi cá. Mua về cho con lợn nái mới đẻ thôi. Cha tôi vo tròn chiếc túi anh ta vừa đưa, ném phịch xuống lối đi: Thế thì không cho được. Nói rồi ông phăm phăm bỏ đi mặc anh kia đứng nghệt ra.

Đi tắt qua cánh đồng về nhà cho nhanh, chân tôi giẫm lên những gốc rạ mới cắt ướt sũng sương muối. Nhà nào ủ một đống rơm giữa ruộng còn ngọn khói bốc lên, thi thoảng cơn gió ào tới lại làm cả đống tro than đỏ rực lên. Hình như những hạt phù sa đã nhuộm những gốc rạ cho nó mầu vàng xuộm. Chưa ở đâu tôi bắt gặp cái mầu vàng ấy...

Đất trời đang ở cái khoảnh khắc giao hòa giữa ngày và đêm. Sau lưng tôi, phía ngoài bãi ngô là một dải sương mù trắng đục rất lớn, trời lạnh quá hơi nước từ sông cũng chỉ dâng lên được chừng ấy. Đám gà nhà trong xóm bây giờ mới thi nhau gáy, đập cánh phành phạch... Còn xuôi về mé dưới, giữa cái đu đưa chín mọng của vườn cam, cái tí tách bật chồi xanh mướt của nương chè là quầng sáng hắt lên từ nghĩa trang liệt sĩ. Như thể đã lâu lắm rồi... cái thời đêm đêm từng đoàn xe quân sự phải bật đèn gầm khi tới đất Vị Xuyên... Và kìa, từ phía bến đò vẳng lên tiếng hát phươn trong vắt mà thanh, nhẹ như sợi chỉ căng ra giữa cái rét cắt da cắt thịt. Có lẽ Huyên đã chở hết đám khách Phú Linh mang cam sang bên này.

Là ới!... Hẩu lầu khảng lưởng thếp lẩu ma. Ngọn cần phả bàu dệp. Hẩu lầu khảng lưởng thếp hẩu bản. Bản muông bàu mi dêu... ới a... Vai hẩn làu tẩu láu. Khít thải thử nuông tam... Khuyên hẩu làu khảy vả. Sung nhăng mi nuông chắp... .

(Ngày hôm nay trời không mưa sao anh lại cầm ô vào làng. Ngày hôm nay trời không nắng sao anh lại cầm ô lên bản... Nếu anh thương em thì đưa áo em khâu đường chỉ tuột... Anh nhé, đừng phụ công em. Đi xa phải nhớ về...).

Tôi định chạy trở lại phía sông nhưng mặt trời đã lên mà vầng trăng vẫn còn thấp thoáng phía chân trời...

Rophi sưu tầm Tác giả: Đỗ Bích Thúy

Các tin khác cùng chuyên mục
Cá chuối Đầm Lai - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 11:30:34 CH
Hải Đăng -Mũi Đại Lãnh - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 11:29:55 CH
Hồ Tiên Ông (Hà Nam) - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 11:29:13 CH
Cá lăng, mùi cơm mẻ - Hương vị quê hương - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 11:28:24 CH
Mùa Rớ Cá Quê Tôi - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 11:26:52 CH
Quảng Bình: cá voi trắng nặng 10 tấn dạt vào bờ biển - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 11:25:33 CH
Cá voi săn mực khổng lồ như thế nào? - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 11:24:42 CH
Ăn cá nhiều mỡ tốt cho tâm trạng - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 11:24:03 CH
Săn "báu vật lòng sông" - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 11:23:21 CH
Kỹ thuật dùng mồi giả cho người mới tập câu (Phần 1) - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 11:22:37 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.