|
Hung thần của biển cả
Những cuộc tấn công của cá mập
Một trong những đòn tấn công nổi tiếng và bi thảm nhất diễn ra vào năm 1963, trong vùng biển Sydney. Hôm đó, nữ diễn viên Marcia Hathaway cùng vị hôn phu tiến xuống mực nước sâu chưa đến 75 centimét. Đột nhiên Marcia thét to Em bị con bạch tuộc cắn rồi!”. Vị hôn phu ở cách đó vài mét nhìn thấy một con cá mập ngoạm lấy chân của Marcia. Tiếp sau đó con cá mập quay sang tấn công các cậu bé đang tắm biển. Bạn bè của Marcia đổ xô đến và giải thoát được cô khỏi hàm cá mập. Chưa đầy 30 phút sau, Marcia chết vì mất máu quá nhiều. Vụ thứ hai lạ lùng hơn. Năm 1935, một con cá mập hổ được trao tặng cho bể kính Coogee (Úc). Sau vài ngày, con cá mập hóa điên và bắt đầu húc vào thành kính. Rồi, trước sự kinh hoảng của mọi người, nó mửa ra một cánh tay người. Cảnh sát được báo động. Cánh tay có hình xăm cho phép xác định nạn nhân tên là James Smith. Cảnh sát liền bắt giữ kẻ tình nghi vụ án mạng. Sau khi bị cắt rời thi thể, xác nạn nhân bị hung thủ giấu vào trong một cái rương, riêng cánh tay bị vứt xuống biển và được con cá mập hổ này nuốt chửng. Người ta không hiểu tại sao cánh tay vẫn còn nguyên khi cá mập đã nuốt nó vào 8 ngày trước đó.
Trước khi các tấm lưới được bố trí dọc theo phần vịnh phía Đông, vùng biển nước Úc giữ kỷ lục thế giới về các vụ cá mập tấn công người, từ năm 1901, người ta tính ra có khoảng 250 vụ mà trong đó có khoảng trăm vụ chết người. Còn tại Mỹ, đại đa số các vụ cá mập tấn công người xảy ra ở miền Nam California và Florida. Ngoài khơi California, nhất là ở Hawaii, xảy ra khoảng 1 vụ/năm và do loài cá mập trắng khổng lồ gây ra.
Vùng bờ biển Nam Phi trải dài 2.954 kilômét và thường xuyên có mặt khoảng gần trăm loài cá mập! Nam Phi cũng giữ kỷ lục về số vụ cá mập tấn công người, trong đó loài cá mập trắng khổng lồ và cá mập Mako hay tấn công các con tàu ngoài khơi vùng Cap - trong các năm 1936 và 1977 đã xảy ra 25 vụ tấn công như thế. Tuy nhiên, cá mập hiếm khi tấn công người ở New Zealand - trong thời gian 100 năm chỉ xảy ra khoảng chục vụ mà thôi.
Nghiên cứu về hành vi tấn công người của cá mập
Quan sát chung về các trường hợp cá mập tấn công người, người ta ghi nhận như sau: Phần lớn các vụ này xảy ra trong khoảng 14 giờ và 18 giờ, khí tượng không hề có sự tác động nào đến các vụ tấn công; nói chung đó là hành vi của những con cá mập đơn độc. Thông thường, cá mập bám riết nạn nhân của mình mà hoàn toàn không chú ý đến những người khác. Phân tích 1.000 vụ tấn công của cá mập trong thời gian sau này, người ta nhận thấy hơn một nửa số vụ không liên quan trực tiếp đến nhu cầu ăn của cá mập. Hơn 75% các nạn nhân chỉ bị ngoạm 1 hay 2 lần; và cá mập không hề cố gắng xé thịt người như điều chúng hay làm khi săn mồi.
Các loài cá mập nguy hiểm Có 5 loài đặc biệt nguy hiểm đối với con người: cá mập trắng khổng lồ, cá mập hổ, cá mập đại dương, cá mập đầu chó, cá mập đầu bò. Tuy nhiên, 25 loài khác cũng có thể trở nên nguy hiểm trong một số trường hợp tự vệ khi bị tấn công hoặc người bơi không tôn trọng các biện pháp an toàn...
Cá mập trắng khổng lồ (Carcharodon carcharias) là loài sát thủ hoàn hảo. Bộ hàm khổng lồ của nó đã tạo nên huyền thoại và gây kinh hoàng cho con người. Nó có mặt trong các vùng biển ôn hòa và hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng. Cá mập hổ là loài nguy hiểm ở hàng thứ hai. Nó thường tấn công ngư dân và đôi khi là những người bơi lội. Cá mập hổ ngoạm bất cứ thứ gì: gỗ, các vật dụng bằng chất dẻo hay kim loại, xác người hay thú vật...
Cá mập đại dương có thể dài đến 3,50 mét và nó dễ nhận biết qua đốm trắng trên đốt sống lưng đầu tiên. Nó thích vùng vẫy ngoài khơi xa và khá là tĩnh tại. Là hung thần ngoài khơi xa, người ta thường kết tội nó gây ra các vụ đắm tàu. Loài cá mập đầu búa có thể dài đến 6 mét. Cái đầu to lớn và bẹt của nó chiếm đến 25% chiều dài. Trước khi cá mập đầu búa mở cuộc tấn công, nó thường bơi lượn quanh nạn nhân trong nhiều giờ.
Được xếp vào loài nguy hiểm hàng thứ tư, cá mập đầu chó có hàm rất gần với hàm của cá mập trắng và cá mập hổ. Thân nó hình thoi và dài đến 3,40 mét, mõm ngắn và tròn như đầu chó. Cũng như cá mập hổ, nó ăn được bất cứ thứ gì kể cả những con cá mập khác.
Đặc tính yêu đương và sinh sản của cá mập
Trái ngược với phần đông các loài cá, cá mập thường thụ thai bên trong cơ thể chúng. Hành vi giao cấu ở loài cá mập diễn ra khá là tàn bạo. Những con cái mang các vết sẹo trên lưng là hậu quả của các cú đớp mạnh của con đực vào vây lúc giao cấu. Ở các loài nhỏ hơn, con đực thường lượn lờ quanh con cái trong giai đoạn giao cấu. Ở các loài to lớn, khi giao cấu con đực và con cái bơi song song với nhau. Tinh dịch cá mập đực được giữ trong các tuyến đặc biệt (các bao tinh) của con cái trong nhiều tháng, thậm chí đôi khi hơn một năm ở loài cá mập xanh.
Trưởng thành và tuổi thọ
Ở mọi loài cá mập, quá trình trưởng thành diễn ra rất chậm. Ví dụ, cá con mới sinh chỉ nặng 1 kg và sức cân của nó tăng lên gấp đôi trong vòng 1 năm và chỉ lớn thêm vài phân từng năm; nhưng phải mất đến 15 năm mới đạt được kích thước của cá mập trưởng thành. Cá mập có tuổi thọ trung bình từ khoảng 20 đến 30 năm, song có một số loài sống đến 70 năm hoặc thậm chí 100 năm! Các loài sống càng lâu càng có tỉ lệ tăng trưởng chậm. Tỉ lệ tăng trưởng cao được quan sát thấy ở các loài cá mập như cá da xanh, cá mập trắng khổng lồ và cá nhám hồi. Trước khi trưởng thành chúng lớn lên khoảng 30 centimét một năm.
Cá mập đang bị đe dọa
Hiện nay cá mập luôn bị con người săn đuổi và giết chết vì các lợi ích khác nhau. Trong đó một số loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, trong khi sự sinh sản của chúng khá chậm, làm cho quá trình đổi mới bầy đàn khá là bấp bênh. Các nhà khoa học cảnh báo rằng sự biến mất của cá mập sẽ là thảm họa thật sự đối với sự cân bằng hệ sinh thái biển. Cứ mỗi giây lại có hơn 3 cá mập bị con người sát hại. Trước tình hình ảm đạm đó, một biện pháp bảo vệ cá mập tầm cỡ thế giới cần phải được đặt ra để ngăn chặn những cuộc săn bắt cá mập diễn ra bất hợp pháp như hiện nay...
Theo Kiến thức Ngày nay
Các tin khác cùng chuyên mục
Cá cổ ngư -
Cập nhật lần cuối
16/06/2009 10:50:34 SA
|
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
|