Cường và Phi vẫn chưa đến, hai người còn bận đi mua mồi câu. Tôi tranh thủ ngắm dòng người hối hả từ phía bên kia cầu sang: Đủ các kiểu xe, đủ các thành phần xã hội, đủ các loại hàng - tất cả đều khẩn trương và tôi hiểu rằng chính cái khẩn trương ấy đã duy trì sự ổn định tiêu dùng cho một thành phố lớn nhất đất nước. Có một người ngồi trên xe đẩy nhờ tôi đưa qua cầu, tôi cũng muốn dìu anh sang bên kia nhưng lại sợ lạc mất Cường và Phi nên đề nghị anh ta chờ một chút. Gần 5 giờ sáng thì Cường và Phi xuất hiện, sau khi cùng nhau đưa được chiếc xe đẩy lên đến giữa cầu tôi mới có dịp ngắm họ: Hai chàng công tử Sài Gòn hôm qua đã biến thành hai công nhân chân chính của một hãng TAXI tải hai bánh, trên những chiếc xe của họ không còn một chỗ nào là không có đồ.
Ảnh: Bình minh trên sông nước
Chúng tôi chạy lòng vòng khoảng vài phút rồi đột ngột dừng bánh trước một khuôn cửa xinh xắn đang sáng ánh đèn, chưa kịp gõ cửa thì hai cánh cửa đã mở rộng. Một người đàn ông đã đứng tuổi nhưng rất nhanh nhẹn bê một chồng ghế nhựa bước ra rồi bày từng chiếc thành một dãy mời chúng tôi ngồi. Cường giới thiệu: “Đây là ba em, anh ngồi chờ chút xíu để em vào lấy ít đồ”. Qua câu chuyện tôi được biết ba của Cường là một trong những cần thủ nổi tiếng của đất Sài Gòn: Hôm nào bác cũng đi câu, hôm nào cũng câu được. Sau này khi trực tiếp ngồi câu cùng với Cường tôi hiểu thêm được là sở dĩ Cường có tình yêu và nhạy cảm tuyệt vời với môn câu có lẽ cũng một phần là do được di truyền từ cha mình.
Hơn 5 giờ sáng mà trời đã sáng rõ, không khí mát lành hòa lẫn những bụi nước li ti có tác dụng còn hơn một liều thuốc bổ phổi. Chúng tôi tranh thủ châm mỗi người một điếu thuốc rồi tạm biệt bác Ba để lên đường. Cường đã nháy máy gọi Tuấn Anh chờ sẵn, khi chúng tôi sang đến quận 7, đi được một lúc thì nhận ra bên đường có một bản sao của Phi và Cường đang đợi, đó chính là Tuấn Anh. Bộ tứ chúng tôi nhằm thẳng phóng như bay với mục tiêu tối thượng là phải kịp chuyến phà 5 giờ 30 – chuyến sớm nhất từ Sài Gòn đi Cần Giờ.
Ảnh: Đường Sài Gòn – Cần Giờ
Tôi đã qua 2 bến phà ở miền nam, đã qua vô số bến phà ở miền bắc. Giữa hai miền các bến phà có một sự khác biệt căn bản: Các bến phà phía bắc bê tông được đổ trực tiếp xuống bờ sông rồi đánh vát lên thành bến, còn ở miền nam các bến phà chính là các bông tông thả nổi trên mặt nước, có một đường dẫn di động đưa hành khách và phương tiện từ trên bờ xuống bông tông đó để lên phà. Không biết phương án nào là hay nhưng tôi có nhận xét là theo phương án của miền nam ô tô có vẻ dễ xuống phà hơn, không cần phải chèn thêm (trong trường hợp xe có gầm thấp) như ở miền bắc.
Ảnh: Dừa nước, quả rất lạ, ăn rất mát, giá rẻ.
Thú thật là phải đến khi qua được phà chúng tôi mới đi chậm lại, lúc này tôi mới có dịp đảo mắt ngắm nhìn quang cảnh bên đường. Con đường đi Cần Giờ nhỏ và không bằng phẳng lắm, tuy nhiên tôi rất thích vì nó trải trên một vùng hoang sơ và tuyệt đẹp: Hai bên đường là hai thảm xanh rì toàn dừa nước, đan xen với dừa nước là những rừng tràm, rừng đước. Cây cối ở đây không phải chịu cái heo may của mùa thu, cái lạnh cóng của mùa đông nên luôn luôn xanh tốt, cả một bạt ngàn xanh đã theo chúng tôi suốt con đường dài mấy chục cây số.
Ảnh: Cần thủ Cường trên con đường tơ lụa Cần Giờ
Đang mải ngắm nhìn tôi suýt nữa thì đâm vào phía sau xe của Tuấn Anh, đây là thời điểm chúng tôi rời bỏ con đường chính rẽ phải vào con đường đất đỏ hoang vu dẫn đến bến đò Lý Nhơn – đích đến của chúng tôi. Đường xấu lắm, nếu đi một mình thì cũng chẳng sao vì bao nhiêu là xe nó chịu nhưng nếu đi phía sau thì rất bụi, con đường này dài khoảng 15 cây số và chính nó đã tô thắm toàn bộ mặt mũi quần áo của anh em chúng tôi.
Ảnh: Con đường đất về Lý Nhơn
Miệt mài chạy một lúc tôi bắt gặp một hình ảnh khá quen thuộc: Một quán cà phê + ăn sáng mà hình như tôi đã vào đó vài lần thì phải, nhưng không - chính bài phóng sự của bác Thảo Nguyên (có chụp tấm hình anh em Hội quán tập kết ở đó) đã biến tôi, một người chưa từng đặt chân lên Lý Nhơn trở thành khách ruột của quán.
Chúng tôi tranh thủ dỡ đồ, phủi quần áo, lau mặt sau đó ăn sáng và uống cà phê. Trong lúc đó thì nhận được thông tin là nước rất cạn, không thể xuống ghe được. Phải chờ đến lúc nước lên thì chết, tôi không thể kiên nhẫn ngồi bờ ôm cần mà không nhúng được nó xuống nước. Quyết định cuối cùng được đưa ra là đi xe ôm sang một bến khác (bến bà Năm) để xuống thuyền. Tôi nghĩ có lẽ do chiều tôi anh em mới chọn phương án đó chứ lỉnh kỉnh lắm. Ở ngoài bắc, nhìn bộ đồ của Đặng Hạnh, Thư, Dương, Tuấn Anh Boy, Tuấn Anh XD… CLB HFC tôi đã phát choáng, vào đến đây khi dỡ đồ từ trên các xe của anh em Hội quán xuống thì tôi ngất đi, phải một lúc sau mới tỉnh: Nó nhiều, dài, to và cực nặng. Phải ba chuyến xe ôm chúng tôi mới vận chuyển được số đồ câu đó xuống bến bà Năm.
Ảnh: Bến thuyền bà Năm
Bến bà Năm là một con rạch nhỏ đổ ra sông Soài Roạp, lúc 7 giờ 30 trong lòng nó vẫn còn một ít nước. Chúng tôi khuân đồ xuống một chiếc tàu đang đỗ ở đó, chờ khoảng 10 phút thì ghe hợp đồng của chúng tôi xuất hiện. Phi lên tiếng hỏi: “Sao trễ vậy?”, câu trả lời của chủ ghe khiến tôi có phần vừa kinh hãi vừa kính nể: “Em còn bận dắt ghe một ông anh ra điểm câu, hôm nay nhà ổng có giỗ”. Như vậy là chắc chắn đi câu sẽ có cá và phải có nhiều đủ cho một đám giỗ, tôi thầm nghĩ: “Ở bắc, nếu cứ chờ câu được mới làm đám giỗ thì có ngày mất giỗ”.
Ảnh: Bờ sông Soài Roạp – Chiến trường Bông lau
Xuống ghe được 1 phút thì bắt đầu tiết mục chuẩn bị đồ nghề, Tuấn Anh lôi từ trong túi ra hai cái hộp tròn trên có đề mác “Thịt hộp” làm tôi lại tưởng là mồi câu bông lau nhưng không phải. Mồi câu bông lau của anh em Hội quán là con trùn màu đỏ tươi có dạng giống con rươi nhưng dài và dai hơn nhiều. Câu bằng trùn theo anh em hiệu quả nhất, không chỉ với bông lau mà còn hiệu quả với nhiều loại cá khác. Ngoài ra có thể câu bằng con hà đỏ, hà lá và một vài thứ khác nữa. Khi tôi rút điện thoại ra chụp hình con trùn thì chú chủ ghe khéo léo đưa một tay lên che miệng để cười. Hôm nay chúng tôi mang theo 7 xuất mồi, mỗi xuất khoảng ba chục con được đóng trong các bịch nước mặn bơm căng toàn ô xy để giữ cho nó sống. Khi xuống ghe anh em đổ mồi ra các thùng nhựa rồi chạy máy sục ô xy, nếu sục tốt thì bọn trùn có thể sống được vài ngày. Mồi chết không câu được vì khi chết trùn đứt thành nhiều khúc li ti và nhày nhụa không thể móc vào lưỡi được..
Ảnh: Mồi câu – Trùn biển
Đồ nghề câu bông lau được xếp vào loại vũ khí hạng nặng, tôi đi một buổi và cố gắng nhớ hết để anh em nếu có điều kiện vào trong đó còn chuẩn bị: Một cần thủ thường sử dụng hai hoặc ba cần, độ dài cần thường từ 3 đến bốn mét còn độ cứng thì chẳng rõ là bao nhiêu nhưng đầu cần to gần bằng chiếc đũa. Máy câu là loại máy khỏe, rất to (cỡ 7000 trở lên) có thể đánh được 150 mét dây 4,5. Chính bộ máy, dây và cần này mới có thể lăng được cục chì 0,2 kg; 0,25 kg; 0,4 kg; 0,5 kg; 0,8 kg tùy theo độ xiết của dòng nước.
Ảnh: Đồ câu 1
Theo anh em phổ biến cần phải câu sát đáy, nước càng chảy xiết thì bông lau càng ăn dữ vì vậy chì nhẹ ở đây hoàn toàn không có tác dụng. Để có thể cảm nhận được cá cắn câu anh em sử dụng chì chạy, không dùng phao. Khi nào thấy nhay nháy ở đầu cần một lúc thì thu dây đưa cá lên. Lưỡi câu bông lau gần bằng lưỡi câu vược nhưng mảnh hơn và cần nhất là phải rất bén. Để có thể mắc được con trùn vào lưỡi dân câu bông lau chế tạo ra một cái xỏ trùn, nó bằng một đoạn inox bẻ gập một đầu đẻ moi trùn từ hộp mồi lên còn đầu kia thì thẳng nhưng hàn thêm một mẩu inox rỗng. Khi mắc mồi thì khều con trùn lên, đặt lên một mảnh vải, sau đó dùng đầu rỗng cắm vào con trùn (gần đầu nó) rồi luồn đoạn inox từ đầu đến cuối con trùn, bước tiếp theo là cắm lưỡi câu vào cài lỗ rỗng rồi luồn con trùn ngược lại, phần thân con trùn sẽ được đẩy dần lên trên dây cước,phần đầu sẽ bị cái lưỡi câu luồn vào. Nó không chết mà luôn luôn ngoe nguẩy khêu gợi lũ cá.
Ảnh: Đồ câu 2
Ngoài những thứ nêu trên một cần thủ bông lau còn trang bị một ống nước bằng nhựa dài hơn 1 mét để quấn thẻo câu dự phòng, áo phao, đèn soi đêm, đèn phao đầu cần, vợt, thùng đựng đá bảo quản cá, cân, thước và trăm thứ khác nữa. Tôi xin chụp những đồ câu cơ bản để anh em cùng xem xét (chính Cường bày ra cho tôi chụp, không sợ vi phạm bản quyền).
Ảnh: Cần câu + Máy câu
(Còn nữa)
Nguyễn Tiến Thắng