Lý Nhơn, nơi ngã ba sông đổ ra biển Đông
Bản đồ Wiki chụp chi tiết ở những vùng đô thị nhà cửa san sát còn ở những vùng hẻo lánh, ảnh chụp rất đơn giản. Lý Nhơn là một nơi như thế. Người thạo đọc bản đồ số phải dò theo đường trục đi Cần Giờ mà tìm. Trên bản đồ, Lý Nhơn chỉ là một chấm nhỏ. Thế nhưng, những người đi câu không quan tâm xem Lý Nhơn to hay nhỏ, phát triển hay hẻo lánh vì họ chỉ quan tâm đến một điều duy nhất: ở đây có cá không? Trên bản đồ, Lý Nhơn nằm bên cạnh cửa sông Xoài Rạp. Đây là nơi dòng sông Vàm Cỏ hợp lưu vào cửa Xoài Rạp. Ở vị trí như thế, cá thiên nhiên vô tận từ biển Đông đổ về, từ Xoài Rạp, Vàm Cỏ xuôi xuống, từ Lòng Tàu, Thị Vải ghé sang, Lý Nhơn được xem là một ngư trường vô cùng phong phú.
Tin tức đổ về từ trước Tết Nguyên Đán từng nhóm, từng nhóm nhỏ thắng đậm ở Lý Nhơn với Sủ vàng 5 – 6 kg, bông lau 3 – 4 kg và đặc biệt là chuyến câu của Quốc Cường - Tuấn Anh - Cẩm Vinh thắng đến 64 con bông lau, tổng trọng lượng lên đến 82 kg được Diệu Đông tường thuật trực tiếp trên 4so9 đã làm bùng nổ tất cả. Số người đăng ký đi bông lau đợt này đông như trảy hội mặc dù đã được thông báo rằng con nước 23 -24 là con nước lừng xừng, không ngon, chỉ hợp với câu cá sủ chứ bông lau thì phải chờ con nước cuối tháng 28 – 29 mới hay nhưng chẳng ai còn kiên nhẫn chờ đợi thêm nữa. Có người đã tự đặt đồng hồ đếm ngược từ đầu tuần để ngày nào cũng than “Ôi, bao giờ cho đến thứ bảy!”. Ban tổ chức được một phen vất vả vì phải đặt 6 chiếc ghe câu, 42 phần mồi trùn biển và tuyệt đối không được để xảy ra một sai sót nhỏ nào vì đến lúc tập hợp ở Lý Nhơn, vượt qua 50 km mà thiếu mồi hay không có ghe thì ai sẽ phải quay về?
Cuộc hội ngộ của những người không thể chờ đợi thêm
Cái ngày trông đợi ấy rồi cũng đến. Cả nhóm hẹn nhau 5 giờ 10 phút sáng phải có mặt ở bến phà Bình Khánh để đón chuyến phà đầu tiên đi Cần Giờ. Tin tốt lành đến với mọi người: Có đủ ghe và mồi cũng đã nhận đủ. Tất cả thở phào nhẹ nhõm, bây giờ thì chỉ mong sức khoẻ đảm bảo, xe pháo ngon lành nữa thôi.
Đã bước sang ngưỡng cuối của U60, trong đời cũng đã hàng trăm lần rủ nhau đi săn, đi câu từ mấy chục năm nay, ấy thế mà trước chuyến đi này vẫn mất ngủ, thắc thỏm, chỉ sợ… chuông báo thức nó không kêu! Thỉnh thoảng lại dậy ngó đồng hồ. Lần thứ … thì đồng hồ chỉ 3g40 sáng, thôi dậy luôn. Trời sáng sớm mát rượi, đường vắng tanh, ngã 4 đèn đỏ, đèn xanh chẳng ai dừng lại chờ cả. Trên đường Nguyễn Hữu Thọ thấy hai thanh niên đèo nhau đeo bao cần ngược lên, gật đầu chào bạn câu rồi phi tiếp. “Chắc không phải quân ta” – tôi nghĩ thầm, thanh niên gì mà đi chậm vậy. Trời vẫn tối mù, ánh đèn đường vàng vọt, chỉ nghe tiếng gió vù vù. Đến Bình Khánh lúc 4g40, chả có ai chở theo cần và thùng đồ câu cả. Hoá ra là mình đến sớm nhất. Ô, cái bác Việt Hoà nhà ở gần ngay đây, khoái thật, vù cái là đến ngay được. Tạt sang quán hủ tiếu vừa ăn sáng vừa chờ. Hai thanh niên lúc nãy đã tới, không lâu sau đó là hai ông anh Ngọc Trầm và Đức Cường già nhất hội tằng tằng chở nhau tới trên chiếc vespa cũ (đi thì nặng quá mà cho thì lại tiếc) cũng vừa tới. Một chiếc vespa khác lướt tới, cả người cả xe đều nhỏ, kìa, bác Hai Bé người cũng đã qua thất thập cổ lai hy, đi cùng là bác Việt Hoà, bác Lai Bửu, Quốc Vận. Thế rồi Quốc Cường, Thuận Phước, Diệu Đông cùng một đoàn xe cộ tấp nập kéo đến. Lên phà thôi, vẫn còn thiếu mấy người nữa, chưa nhìn thấy Thanh Tú, Cẩm Vinh, Phi Châu, Hoàng Vũ.
Sang bờ bên kia nhóm thanh niên ở lại chờ những người đến trễ, nhóm bô lão chạy chậm nên được ưu tiên đi trước, đến cầu Vàm Sát dừng lại chờ để hội cả nhóm vào Lý Nhơn.
Thảo Nguyên
(Còn tiếp)