Thực tế chứng minh rằng những người cẩn thận bao giờ cũng thành công hơn và đôi khi sự thành công chỉ phụ thuộc vào chỗ đủ đồ chơi mang theo. Ở giữa bao la sông nước thiếu một thứ là hỏng cả buổi câu. Vậy thì cẩn thận vẫn hơn.
Nếu bạn đã chuẩn bị thật chu đáo mọi thứ, mồi cũng đã sẵn sàng thì người quyết định cuộc chơi không phải là bạn mà là chủ ghe câu. Vấn đề là bạn phải tìm cho ra được người chủ ghe biết câu và biết rành vị trí điểm câu, tốt nhất là người địa phương. Nếu bạn chọn nhầm phải một chủ ghe có thể điều chiếc ghe một cách điêu luyện nhưng thường ngày chỉ đi chở hàng thuê thì bạn yên tâm không sợ trục trặc gì khi di chuyển trên sông nhưng chắc là sẽ lốc trắng, chẳng câu được gì, có cá là chỉ gặp may mà thôi. Chủ ghe phải là người đi câu ở nơi mình chọn thì mới biết hết luồng lạch, rạng ngầm, giọt nằm sâu dưới đáy sông, họ biết cách neo con thuyền làm sao để khi ta thả câu được thuận tiện nhất. Có những tay lão luyện đến mức ban đêm chỉ nhìn vị trí phao hướng dẫn luồng từ xa đã biết chính xác nơi cần neo thuyền.
(4 chủ ghe câu được giới thiệu trên đây là những người đồng hành tin cậy, nếu bạn cần, hãy liên lạc với Hội quán bạn câu để được hướng dẫn liên lạc với họ).
Đi câu với một chủ ghe thông thạo cả hai việc: điều khiển ghe và câu cá thì đảm bảo bạn thành công trên 50%. Khi đã có mối quan hệ quen thân, cùng có lợi, chính chủ ghe sẽ thông báo cho bạn con nước và tình hình cá mú. Nếu cá về rộ mà được chủ ghe báo thì phải thu xếp đi ngay nếu không cơ hội sẽ trôi qua. Lên ghe, chủ ghe sẽ lo đưa bạn ra điểm câu, neo thuyền, phụ giúp bạn câu cá (tất cả số cá chủ ghe câu được trong giờ bạn thuê ghe đều thuộc về bạn), vợt cá, bắt cá cho vào thùng đá, nấu cơm, nấu nước uống và phục vụ mọi yêu cầu của bạn, kể cả việc nhổ neo di chuyển đến điểm câu khác cho đến khi được cá. Cập bến, chủ ghe sẽ phụ giúp vác đồ nghề lên bến, chuyển cá và nước đá sang túi đựng cá, chuyển lên ôtô. Chủ ghe làm mọi việc trên một cách nhanh nhẹn, vui vẻ vì họ vừa được trả công xứng đáng vừa được hưởng số mồi câu còn thừa mà khách để lại. Ông bạn Ba Nước, chủ ghe câu ở Định An, Trà Vinh là người may mắn. Chỉ với số mồi ít ỏi khách câu câu thừa để lại, đêm 21/1/2008 đã câu được 50 kg cá bông lau, con to nhất là 8 kg.
Đã có điểm câu tốt, chủ ghe thành thạo thì thành bại bây giờ là mồi ngon. Mồi câu bông lau vô địch là trùn biển (một loại hà to bằng chiếc đũa, dài khoảng 40 -60 cm, thân màu hồng nhạt, sống dưới bùn ở biển, được khai thác nhiều nhất ở biển Vũng tàu). Người ta bắt trùn biển ở những địa điểm được giấu kín gần bờ biển Vũng Tàu, tập kết về vựa rồi được vô bao nilon, mỗi bịch gọi là một phần mồi. Các bịch mồi sau đó được xếp vào thùng xốp giữ ở nhiệt độ mát và chuyển về Sài Gòn giao cho mối (Thành “gián” và Khanh “râu” là hai mối chính). Từ đó mồi được giao đến cho từng nhóm đi câu với giá 70 K/phần (thời điểm tháng 1 năm 2008). Khi giao mồi, người bán bơm oxy vào từng bịch mồi và giao cả bịch nước biển đi kèm.
Bạn phải xếp bịch mồi này vào thùng đựng mồi kín (không có nước đá và cũng không bị nóng vì ánh mặt trời) mang đi xa bao nhiêu cũng được. Ra đến điểm câu, ngồi trên ghe hãy tháo từng bịch mồi ra cho vào khay hay xô nhựa, đổ thêm nước biển mang theo (không dùng nước sông vì trùn sẽ chết vì nồng độ muối khác nhau) và đặt máy xục oxy cho chúng sống. Nếu thấy con trùn bơi rùng rùng, màu hồng nhạt, sinh động là trùn khoẻ, tươi. Trùn càng to càng tốt vì khi xỏ vào lưỡi câu miếng mồi sẽ to hơn, tanh hơn, hấp dẫn con cá hơn.
Trùn biển là loài phân đốt, nếu bạn cầm vào thân nó hay đuôi nó, lập tức phần đó sẽ đứt rời ra, cầm vào đoạn vừa đứt rời ra ấy, nó lại đứt vụn ra, không thể làm gì với những mẩu mồi ấy. Chỉ có một chỗ để túm lấy con trùn mà không làm cho nó đứt vụn ra là nắm vào đầu nó. Lấy cây xỏ trùn khều một con ra ngoài, để vào một chiếc giẻ khô hay bịch cát rồi túm lấy đầu con trùn mà xỏ vào cây xỏ trùn. Khi đã đâm xuyên qua đầu con trùn thì túm lấy phần đầu ấy kéo ngược lên theo chiều thẳng đứng rồi vê cho cây xỏ trùn xuyên suốt qua toàn thân con trùn. Đặt đầu có lỗ của cây xỏ trùn vào mũi lưỡi câu rồi vê dồn con trùng sang lưỡi câu tràn lên dây câu cho đến khi gần hết con trùn, độ dài của con mồi khoảng 15 – 20 cm nếu trùn nhỏ thì xỏ 2 con cùng một lúc để miếng mồi được đầy đặn. Có hai cách xỏ trùn là xỏ từ đầu to hay đầu nhỏ của cây xỏ trùn vào đầu con trùn, kết quả sẽ cho là đầu hay đuôi của con trùn sẽ nằm ở gần mũi lưỡi câu. Tất nhiên xỏ bằng đầu nhỏ sẽ thao tác nhanh hơn. Bạn cứ thử rồi tự kết luận cách nào hơn.
Con bông lau bơi theo dòng nước, đánh hơi thấy mồi nó bơi vòng lại tìm và đớp ngang con mồi. Khi đã thích thú vì miếng mồi ngon nó mới nuốt vào và bơi đi. Có con chén xong một miếng mồi còn kịp tìm một miếng mồi khác và cũng xơi luôn làm anh bạn câu được một phen mừng hụt tưởng gặp hàng khủng vì kéo rất nặng (đến 2 bộ chì lưỡi) mà cá lên chỉ gần 2 kg!
Con bông lau này xơi đến 2 lưỡi câu của 2 cần khác nhau cùng một lúc. Cá do Phan Thanh Tú câu ngày 3/2/2008 tại cửa Định An, Trà Vinh.
Thảo Nguyên
(Còn tiếp)