Rủ nhau đi cấy đi cày,
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu.
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cầy, vợ cấy, con trâu đi bừa.
Hai tháng rồi, ruộng cấy xong, lúa đang đứng cái và gần có đòng đòng. Nhà nông rảnh việc. Mùa câu kéo bắt đầu, sau những đám mưa dầm.
Nghề câu của dân quê không giống sự tiêu khiển nhàn nhã của dân thị thành mà thỉnh thoảng người ta cũng thấy ngồi buông câu ở bờ sông để… chờ bữa cơm tối, hay để “giết” một sáng chủ nhật! Ở đồng quê, nó là cả một nghệ thuật và cả một công việc đổ mồ hôi.
Phải chịu thức gần phờ râu mới biết giống cá đồng chỉ thèm đớp tới mồi câu vào khoảng đầu hôm đến canh một và từ canh ba đến sáng!
Phải năm cơm bảy cháo mới rõ cá lóc có tật ăn “mồi chạy” bằng nhái sống, cá trê ăn bãm bằng mồi cắt[1]và hơi ngầm. Có những đêm trời lạnh tái môi mà phải cởi trần truồng nhảy xuống ruộng, tay đập muỗi, tay vét rong, gặp môn, nghể không từ, đụng rắn, đỉa chẳng sợ… để dọn “luồng” nghĩa là dẹp một khoảng trống trước khi cắm câu!
Ðó là nói chuyện ruộng nhà, chớ gặp lúc ruộng mình khan cá, mò qua bên đất ngưòi ta thì còn phải chịu biết bao nhiêu là khổ sở hơn nữa.
Tôi chưa từng làm thằng ăn trộm, nhưng tôi chắc đi câu lén không sướng hơn thằng ăn trộm chút nào.
Ừ, thì chim trời cá nước, ai bắt được là ăn, tại sao người ta hay cự nự?
Có hai lẽ. Lẽ thứ nhứt là ai có của cũng muốn để hưởng một mình, dầu chưa có biết hưởng được hay không.
Lẽ thứ hai là kẻ câu lén hay làm chết lúa.
Thằng ăn trộm đi ngã sau vường không khi nào biết tiếc mấy ngọn rau, ngọn cải, không khi nào có ý bước tránh cho khỏi giẫm chưn lên đám đậu, cây cà.
Thì thằng đi câu lén có khác gì? Cứ chỗ nào lúa cao là đoán rằng nước sâu, gặp chỗ nào kín đáo thì dọn luồng, dầu phải nhổ phăng đi cả chục bụi lúa cho trống trải, nó cũng không từ!
Nhưng đó là… ai kìa, chớ tôi, tôi là một kẻ từng lượm mót từ hột ngọc trời, từng cắm từ cộng lúa, có bao giờ tôi đang tay bứt cả cội nguồn.
Chẳng dám vỗ ngực xưng mình “tốt” gì hơn ai, bởi tôi cũng đã từng đi câu lén ruộng người ít lắm là vài chục lần, nhưng đến đâu tôi cũng giữ gìn phải phép lắm!
Năm ấy, nước giựt sớm, mà ruộng tôi hơi gò, nên cá rất ít.
Nghề làm ăn, đã sắm lỡ câu kéo, xuồng bộng, không lẽ đem treo lên giàn bếp… nên tôi đành làm… con vạc ăn đêm!
Một đêm nọ, lấy theo mười đường câuy, tôi đẩy xuồng, bỏ sạp dài tử tế đem nào nóp, nào bếp un, một cây giầm, một cái vợt và cây sào nạng.
Tôi tính qua “nhờ” bên điền ông Chủ Nghĩa. Ông này xưa nay đã có tiếng “oai như cọp, dữ như thần”!
Dọc theo điền ông, ban ngày thấy giăng giăng những bảng cây: “Cấm câu cá! Cấm câu cá!”
- Ậy, ông oai, ông dữ mặc ông, ông cấm thì cứ… cấm, tôi câu lén cứ việc… câu! Có rượt cống xuồng tọt về bên mình. Qua khỏi ranh thì “bà hú”… ai còn sợ gì ai?
Ỷ y như thế, tôi cứ “đường hoàng” chống xuồng qua ruộng ổng.
Thả câu xong, tôi nằm trên sạp, chờ tới giác đi thăm cá.
Ðêm ấy không trăng. Muôn ngàn con mắt long lanh in trên nền trời đen thẫm. Cánh đồng lặng ngũ trong ánh sáng mờ mờ. gió thoảng từng hồi, từng hồi ngọn lúa cựa mình xào xạc. Tiếng giạt sành vang lên trong im lặng xa xa. Tôi cảm thấy bồi hồi tưởng nhớ đâu đâu, rồi nhẹ nhàng, rồi khoan khoái, tôi rung đùi ca.
Chưa kịp nói với các bạn rằng tôi là một cây đờn kìm và ca mùi có điệu, nhờ ở nơi sản xuất ra bản Vọng cổ đời này.
Ai đã nghe tôi nỉ non những bài ruột như “Ác ngậm non Ðoài” hay “Mỗi độ thu về” thì mới biết tại sao cả làng, các cô gái đều ngã lăn ra mà mê mệt!
Ðêm nay, tiếng gió gợi hứng, nằm một mình thanh vắng giữa đồng, lỡ mang cái bịnh tài tử, tôi trút hết nỗi “tơ tằm”:
-… Mỗi độ Thu về…
Tiếng ca ban đầu nho nhỏ, lần lần đượm vẽ mê say, đến ngang tàng, quên phứt cái “oai như cọp”, cái “dữ như thần” của ông Chủ Nghĩ.
-Ôi! Vì thương mà phải bỏ ngai vàng, vì thương mà thành chim, hoá đá, thương thì phải khổ, nhưng càng khổ lại càng thường… ơ!…”
- Ai đó! Câu lén phải không?
Bị nạt thình lình, chớp một cái, tôi ngồi dậy gọn gàng. Quơ gàu nước đổ xèo vào bếp un, rút sào nạng, tôi ra sức chống vo vo.
- Ai đó, ngừng lại! Không, tôi la lên, mấy người rình chung quanh áp lại ví đập chết bây giờ!
La mặc la, doạ mặc doạ, người ta đang chạy chết đây mà!
Xuồng tôi chống đi thoan thoát, xuồng nọ đuổi bon bon.
Thình lình nghe một cài ồ… Thôi chết rồi, xuồng đã rấn lên mô cỏ. Tôi rán sức chống. Xuồng chỉ qua được phân nửa, và lúc rút cây sào tôi nhấn mạnh, lái bị khẩm, nước ào vô rồi chìm lĩm.
Tôi điếng hồn loi ngoi tính lắc nước xuồng, lượm sào chống nữa… nhưng xuồng nọ đã tới kề!
Dưới ánh lồng đèn, hai cây giầm giơ lên cao toan nện xuống.
- Tội nghiệp! Tội nghiệp tôi, ông ơi! Tôi mới lỡ…
Một tiếng cười khì bên xuồng kia:
- Ông ở đâu đây mà ông?
Nghe nói trớ trêu, tôi nhìn lên: Ý trời đất quỷ thần ơi, rõ ràng là một cô gái với một thằng nhãi con!
Có nhục nhã cho tôi chưa, có chết được cho tôi chưa, trời nè! Phải dè… mà thôi, đã đến nông nỗi nầy còn mong gì vùng vẫy, tôi nhỏ nhẹ:
- Tội nghiệp tôi mà cô hai! Tôi mới lỡ một lần…
- Ai biết chú mầy lỡ một lần hay mười lần? Thôi, mau mau lên chống xuồng theo tôi về nhà ông Chủ.
- Trời ơi! nếu cô bắt tôi về đó, ông Chủ xiết câu tôi, tịch thâu xuồng tôi, đóng trăng tôi, tội nghiệp tôi lắm cô hai à!
- Biết vậy sao chú mầy còn qua đây câu?
- Dạ, túng, kiếm ăn chút đỉnh vậy chớ đâu có nhiều nhõi gì, cô.
- Nhiều ít không biết. Ông Chủ dặn hễ gặp ai câu lén, cứ bắt quách về cho ông.
- Như vậy chết tôi còn gì, cô hai. Cô làm nhơn làm phước tha cho tôi một phen, tôi lạy cômà!
Cô gái nín lặng một chút, rồi cười giòn:
- Ừ, lạy đi rồi tôi tha!
Thằng nhãi con, độc, lại khúc khích:
- Á ngộ, đi câu lén mà còn ca mùi cho bị bắt, bị lạy….
Cha chả, tụi nầy chơi “bứt gân” quá! Lạy nó thì nhục, bằng không, nó dẫn về ông Chủ. Rồi làng xóm hay… rồi má mình hay! Ôi, má mình hay được chắc là sầu thảm lắm.
Thôi, một liều, ba bảy cũng liều, tôi bặm môi tự an ủi: Trời tối, ai thấy mà sợ! Mình giả dại qua ải mà!
Tôi chấp tay, sửa soạn mọp xuống… nước thì…
- Ý chết, tôi, thôi! Nè, tôi hỏi thiệt, anh có phải là anh “Sáu đờn kìm” bên điền cậu Bộ không?
Tôi giật mình:
- Dạ… phải!
- Tội nghiệp dữ hôn, lên xuồng tát nước, hơ lửa cho ấm đi anh Sáu, rồi tôi nói cho mà nghe.
Tôi riu ríu vưng lời, bụng bảo dạ: “Mẹ thử, nó còn muốn làm gì đây nữa?” Tuy vậy, tôi hơi vững lòng vì giọng con nhỏ đã dịu, coi mòi dễ thương.
- Nè anh Sáu, em thấy anh một lần hồi theo Ba em qua điền cậu Bộ mua gà. Chèn ơi, anh ca mùi quá!
Hồi nãy nghe thanh giọng, em cũng đoán là anh, mà tại anh chạy…
- Không, tôi có chạy đâu, tôi chống chớ!
- Qủy vật anh, đã bị bắt mà còn giễu.
Tôi thấy có mòi “sống êm biển lặng”, hỏi gặng:
- Bây giờ cô tính chở tôi đi đâu?
- Không chở đi đâu hết !
- Cảm ơn, vậy là cô tha cho tôi rồi?
Cô gái bí mật:
- Là tha ở đâu!
Tôi lại hơi lo:
- Coi kìa, bắt không bắt… mà tha cũng không tha, là làm sao?
- Thủng thẳng đã. Nè anh Sáu, bây giờ tôi nói tắt với anh một điều, là tôi tha cho anh… mà lại còn cho anh… câu nữa, nhưng…
- Nhưng… sao?
- Nhưng anh phải “mùi” cho chị em tôi nghe một bài!
- Ý chết! Người ta nghe, áp lại đón ngách, thì phen nầy chắc tôi bị lọi ống quyển!
- Anh nhát hít, lúc nãy em dọa chơi, chó Ba em không có ở nhà, mà cũng không có ai canh vùng nầy hết, chỉ có hai chị em tôi thôi!
Thằng nhỏ nãy giờ im lặng cũng “xía” vô:
- Ừ, ca đi anh Sáu! Mùi một bản nghe chơi rồi câu kéo gì thì câu!…
Trích:(1)mồi cắt:(cá sặt chết)