Ngày ấy xa rồi, không biết bây giờ ngoài ấy câu cá giếc thế nào (vì trong Nam Bộ không thấy có cá giếc), có còn như ngày xưa không? Để tôi kể bạn nghe nhé.
CÂU CÁ GIẾC – THÚ VUI TAO NHÃ BẬC NHẤT
Đi câu vốn được nhiều người xem là một thú vui tao nhã, thế nhưng không phải kiểu câu nào cũng có mức độ tao nhã như nhau. Khó có thể so sánh kiểu câu cá rô đồng dân dã với nghệ thuật câu cá chép; cũng vậy, kỹ thuật câu cá trê và câu rê cá quả (lóc) khó có thể xếp ngang nhau về mức độ tao nhã,...
Có lẽ, để so sánh, chúng ta nên đưa ra định nghĩa thế nào là sự tao nhã trong nghề câu. Phải chăng, chữ tao nhã là sự kết hợp bởi “thanh tao” và “nhàn nhã” nhằm diễn đạt tính chất nhàn nhã (thanh thản, nhẹ nhàng, từ tốn, tự tin) và thanh tao (sạch sẽ, trong sáng, chủ động)?
Nếu dựa trên những tiêu chí như trên thì theo thiển ý của người viết, đi câu cá giếc có những nét tao nhã bậc nhất. Ngày trước, cứ mỗi độ cuối thu, chớm đông, khi trời trở nên se lạnh, nhất là gặp hôm mưa phùn nhẹ lây rây thì đi câu cá giếc là thú nhất. Cá giếc là loài cá trắng nhỏ sống ở hồ ao, to nhất cũng chỉ khoảng 300g, rất phổ biến ở các tỉnh phía Bắc. Thịt cá giếc lành, ngọt và thơm chỉ tội cái hơi nhiều xương. Cá giếc đi ăn theo đàn, kiếm mồi sát đáy, tăm cá giếc nhỏ li ti rất dễ nhận ra. Có người nói đàn cá giếc thường từ 28 đến 32 con, tôi không đếm bao giờ nên không biết có phải như vậy không nhưng tôi biết một điều chắc chắn: hễ được một con thì phải nhanh tay vì có cả một đàn dưới đó. Cá giếc thích ăn mồi giun đỏ (trùng huyết theo cách gọi trong Nam), khi ăn mồi đầu chúc xuống đớp, ngậm mồi rồi bơi ngược lên để nuốt mồi nên bao giờ cũng làm bềnh phao. Môi cá giếc mỏng mảnh và rất dễ rách. Những đặc điểm này quyết định cả một tuyệt kỹ câu cá giếc mà trong đó không thể không nói đến cần, dây câu, mồi câu, phao và cách giật, dòng cá.
Ngày ấy chất lượng dây cước còn kém lắm nên đi câu cá giếc, người ta thích dùng dây tơ. Xe chập 3 sợi tơ tằm lại thành một sợi dây câu cá giếc hoàn mỹ. Không phải ai cũng xe được những sợi dây mỏng mảnh, óng ả đó mà phải có tay nghề mới làm được. Ngày chiến tranh, cũng có người tước sợi dây dù ra rồi xe lại thành dây câu cũng rất tuyệt. Vì mồm cá giếc nhỏ, gọn nên phải dùng lưỡi nhỏ, thật bén. Phao câu cá giếc làm kiểu gì cũng được vì động tác cá giếc ăn mồi tác động lên phao bao giờ cũng là “nháy, nháy, bềnh”. Riêng tôi, từ thời đó tôi đã thích làm kiểu phao đứng: lấy lông cánh vịt (gà, ngan cũng được), tước bỏ phần lông vũ, chỉ lấy thân, giữa phao ốp hai mẩu nhỏ phía chân phao buộc chỉ để buộc vào dây câu là xong. Với bộ lệ đầy đủ này chỉ còn đi mua giun đỏ, làm thính và ra hồ nữa là xong. Ngày xưa, giun đỏ quý hiếm lắm. Có nhà kia ở gần Ngã Tư Sở nuôi lợn phía sau nhà, trong chuồng lợn phát sinh giun đỏ nhiều đến mức tiền bán giun còn cao hơn tiền bán lợn! này nhé, 1 hào 10 con (lúc đó lương kỹ sư mới ra trường chỉ có 63 đồng thôi) mà trong cái chuồng ấy có hàng trăm ngàn con, hết lại sinh sôi ra nhanh chóng. Nhiều người sống bằng nghề nuôi giun đỏ để bán cho khách câu. Mà con giun đỏ ngoài Bắc cũng hay, ngắt ra thơm ngai ngái, buồn cười thật. Có giun rồi làm tí thính nữa là xong.
Tuyệt nhất là thính gạo rang gần cháy giã thật mịn. Ôi trời, ngày ấy đói kém, xúc nửa bơ gạo làm thính nghĩ phải tội. Thôi thì lấy cám, bột ngô hay mì sợi rang lên giã nhỏ cũng được. Ra hồ trộn với tý bùn, nước là chiến đấu được rồi. Câu giếc nên chọn chỗ cuối gió, thoáng, không vướng phía trên đầu (cành tre, mái nhà…), kê chỗ ngồi đàng hoàng vì chỉ câu đúng một chỗ, không di chuyển. Được chỗ ưng ý thì bắt đầu căn phao. Cá giếc ăn sát đáy nên gắn chì cách lưỡi 2 – 3 cm đủ nặng sao cho kéo chìm phao nhưng nếu lưỡi chạm đáy thì phao dừng. Để đầu phao nhú lên mặt nước cỡ vài mm. Bây giờ ném thính đúng trên đầu phao, hễ chạm nước mà thính tan ra, lan toả là đẹp. Chỉ cần chờ 10 – 15 phút là đàn cá giếc tới ngay. Những chùm tăm nhỏ đặc trưng sẽ báo hiệu điều đó. Bây giờ mắc giun đỏ vào, vuốt cho kín lưỡi, thừa ra khúc đầu giun còn ngọ ngậy là tuyệt. Đặt mồi thật êm, nắm chắc đốc cần chờ đợi. Đây rồi, đầu chiếc phao bị lún nhẹ rồi bềnh ngược lên. Đúng lúc này phải búng gọn đầu cần, đừng giật mạnh quá mà chỉ được mỗi cái môi cá, đầu cần dịu, cong hẳn xuống, con cá ghì, lạng chạy trốn nhưng không thoát được, nó chịu thua rất mau. Câu được cá giải toả được rất nhiều vấn đề: Dưới đó có cá không, căn phao đã đúng chưa, mồi này cá có ăn không,… và bây giờ phải nhanh tay gỡ cá, cho vào giỏ, mắc mồi, thả xuống, thao tác sao cho nhanh, gọn, uyển chuyển mà không hấp tấp, vội vàng. Xem một người câu giếc đã vào cầu (lên cá liên tục) ta có cảm giác như đang chiêm ngưỡng một môn nghệ thuật biểu diễn. Trông nhẹ nhàng và thanh thoát như một vũ công.
Ngày nay có quá nhiều lựa chọn từ cần, dây, lưỡi đến phao công nghiệp. Chắc chắn là hiện đại hơn, đẹp đẽ hơn. Thế nhưng, cái đẹp nhất không phải ở đồ câu mà ở con người, cách thưởng thức một buổi câu với tất cả nỗi đam mê của mình. Ngày trước đi câu phải tự lo hết mọi chuyện, ngày nay mọi thứ gần như có sẵn. Không biết ngày trước đi câu sướng hơn hay thời nay sướng hơn. Câu trả lời bạn biết, tôi biết, mỗi người có cách hiểu của mình và cái hay là tất cả đều có một suy nghĩ chung là: câu cá quả là một thú vui tao nhã.
Tháng 5, 2007
Thảo Nguyên