Đường Cổ Ngư
Đường Cổ Ngư ngày trước là một con đường đất ngăn giữa hai cái hồ: Hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Đó là đường đi tắt từ Thuỵ Khuê sang Yên Phụ vì đi vòng qua nhà máy điện thì rất xa. Ngày ấy, đường chỉ dùng cho người đi bộ và xe thô sơ vì có những đoạn rất hẹp, hẹp nhất chỉ khoảng 2 mét. Trong những ngày gió lớn, sóng đánh từ phía Hồ Tây có thể tràn qua mặt đường Cổ Ngư sang hồ Trúc Bạch. Sau này, vào cuối thập niên 1950 do dân cư phía Yên Phụ, Nghi Tàm, Quảng Bá đông lên, việc đi lại nhộn nhịp hơn nên UBND thành phố Hà Nội mới vận động thanh niên toàn thành đi đắp đất mở rộng đường Cổ Ngư làm thành đường nhựa rồi đổi tên thành đường Thanh Niên. Hồi đó, đi qua đường Cổ Ngư là bước chân ra ngoại thành rồi. Đó là một vùng quê yên ả với con đê Yên Phụ cỏ mọc xanh mướt liền với chân đê trồng bí ngô và khoai lang trải dài tít tắp. Chỉ thi thoảng người ta mới hái ngọn bí ngô về ăn chứ ngọn khoai lang thì chỉ dùng nuôi lợn, không ai ăn cả vì chê chát (bây giờ lại là đặc sản đấy). Ở đó muốn hái bao nhiêu thì hái, chả ai cấm cả (vì khoai lang đang làm củ, hái ngọn lại to củ). Xuôi đường Yên Phụ xuống Quảng Bá là bạt ngàn ổi hai bên đường, mùi ổi chín toả ra thơm ngát. Từ trên đê Yên Phụ nhìn thấy Hồ Tây mênh mông, có hôm hơi nước trong hồ bốc lên che khuất cả bờ bên kia. Vì hồ rộng và thường có hơi nước bốc lên như sương khói nên hồ mới có tên gốc là Dâm Đàm. Ngày đó, cứ mỗi khi vào đông, hàng đàn chim di cư bay về tụ lại trên hồ như ngỗng trời, vịt trời, mòng, két, sâm cầm,… trong số đó, sâm cầm là nổi tiếng hơn cả vì chúng là đối tượng săn bắt để tiến vua thời xa xưa. Người ta giải thích khác nhau về hai chữ “sâm cầm”, người thì bảo khi bay từ phía Bắc xuống phía Nam loài chim này biết ngậm một củ sâm trong họng để có sức bay xa ngàn dặm, có người lại nói vì thịt loài chim này bổ như sâm nên mới gọi như thế.
Chim sâm cầm - một loài chim nước di cư từ phương Bắc tới,
bơi lặn giỏi, bay xa. Quý vì hiếm.
Sâm cầm là loài chim di cư, sống ở phương Bắc và chỉ bay về phương Nam tránh rét khi mùa đông đến. Sâm cầm nặng khoảng 6 lạng, lông màu đen tuyền, mỏ và mào màu trắng ngà rất dễ nhận ra. Sâm cầm bay thành đàn với tốc độ khá chậm (Trong những loài chim di cư mòng, két bay xé gió mặc dù cánh của chúng ngắn củn, ngược lại những loài to lớn, cánh dài như hạc, sếu, diệc, ngỗng trời bay khoan thai, nhẹ nhàng trên cao nhưng bay rất xa). Rất nhiều người không biết thật sự sâm cầm ăn gì và vì sao thời đó chúng tụ về Hồ Tây khá nhiều. Những nghiên cứu về tập quán sinh tồn của loài chim này cho biết chúng ăn tôm tép cá nhỏ nhưng món khoái khẩu của chúng lại là một loài rong mọc ngầm dưới nước, trông hơi giống như búp thuỷ tiên. Để ăn được thứ rong này chúng phải lặn xuống đáy hồ, đầm mà rứt (Từ đặc điểm này chúng ta có thể nhận xét rằng người cho là sâm cầm ngậm sâm khi bay có lẽ đã nhầm vì có thể có con nào đó còn ngậm một đoạn gốc rong mà nó mới rứt được đã vội bay theo đàn). Những nơi sâm cầm hay tụ về vào mùa đông ở miền Bắc như các đầm Tam Thanh, Tứ Xã, Cầu Giậm, Khoa Trường,… đều có loại rong này sinh sôi, phát triển. Chỉ vì chúng mọc ngầm dưới nước nên khó phát hiện ra khi đứng trên bờ, thế nhưng bơi thuyền lại khác. Ngày trước ở Hồ Tây cũng có loài rong này nhưng sau đó không hiểu vì lý do gì mà lụi tàn dần, thêm vào đó, nạn săn bắn sâm cầm tràn lan đã khiến cho loài chim quý này dạt đi nơi khác. Tôi đã từng gắn bó với loài chim này nhiều năm và có một ý kiến riêng thế này: thịt sâm cầm không ngon lắm (thua xa vịt trời, mòng két), bổ hay không thì khó nói. Có lẽ vì hiếm nên mới quý. Hồ Tây rộng mênh mông và theo mọi tài liệu liên quan thì hồ này chưa bao giờ bị tát cạn cả. Chính vì vậy mà thời trước người ta đã đánh lưới đưa lên bờ những con cá chép khổng lồ đẹp như tranh “Lý ngư vọng nguyệt” của Hàng Trống. Tôi còn nhớ hình ảnh hai người đàn ông lực lưỡng khiêng con cá chép bị móc treo mõm lên đòn khiêng mà cái đuôi đỏ của nó gần chấm đất (thời đó có người gọi cá chép là cá rói, không biết có phải vì cái màu đỏ tươi rói trên vây và đuôi của nó không). Người ta bảo cá Hồ Tây cực ngon và lớn nhanh vì con cá được vùng vẫy trong một không gian bao la như thế nên rất khoẻ và chắc thịt. Ngày xưa và mãi mãi sau này, Hồ Tây là một báu vật của Hà Nội.
Hồ Bảy Mẫu
Nếu như ở Hà Nội, Hồ Tây là hồ lớn nhất thì bãi rác lớn nhất thời trước là hồ Bảy Mẫu. Ngày đó, bãi rác này chiếm một không gian rộng bao la khoanh bởi 4 con đường là đường Nam Bộ (nay là đường Lê Duẩn), đường Đại Cồ Việt, đường Nguyễn Đình Chiểu và đường Trần Nhân Tông. Ở giữa bãi rác khổng lồ này là một cái hồ gọi là hồ Bảy Mẫu vì nó rộng 7 mẫu Bắc Bộ. Hồi nhỏ, lúc còn sống trong Nhà hát Nhân dân (nay là Cung văn hoá hữu nghị Việt Xô) bọn tôi thường ra hồ Bảy Mẫu câu cá. Phải đi qua bãi rác mới đến hồ. Trên đường đi, bọn trẻ la cà tìm những thứ người ta vứt đi nhưng còn dùng được vào khối việc như những chiếc chun (dây thun) màu xanh, đỏ, vỏ hộp thuốc lá bằng nhôm, sợi dây dù cũ,… Dây thun mang về rửa sạch, tết lại làm “động cơ” cho máy bay thân bằng gỗ nhẹ, cánh bồi giấy và có cánh quạt. Mang ra đây quay cánh quạt cho dây thun xoắn tít lại rồi ném lên không trung, nó bay khá cao và xa trong tiếng reo hò của đám trẻ. Vỏ hộp thuốc lá về rửa sạch, gò lại cho vuông vắn để đựng lưỡi câu, vài cái phao và sợi dây câu, lúc nào cũng mang theo bên người. Dây dù cũ thì tước thật nhỏ ra rồi xe lại làm dây câu, bền không thể tả. Câu ở hồ Bảy Mẫu được cái tự do vì lâu lâu bảo vệ mới ra đuổi. Là đuổi lấy lệ thôi chứ bọn trẻ với ba cái cần loe ngoe kia thì câu kéo gì. Chỉ có điều ở đấy nắng quá nên chúng tôi thích ra hồ Ha Le (hay Thiền Quang) bên cạnh hơn vì hồ Ha Le lúc nào cũng trong xanh và rất nhiều bóng mát, nhiều cá. Sau này người ta cải tạo toàn bộ bãi rác khổng lồ này thành một công viên to nhất thành phố, lúc đầu đặt tên là công viên Chiến Thắng sau mới đổi tên là công viên Lê Nin. Cùng lúc đó, trường đại học Bách khoa Hà Nội được xây xong, toà nhà chính nổi bật lên cạnh công viên rộng lớn trông rất ấn tượng.
Lăng Hoàng Cao Khải
Nếu nói về lăng tẩm, và chỉ đề cập đến dưới góc độ kiến trúc và mỹ thuật chạm khắc đá thì lăng Hoàng Cao Khải ở Thái Hà Ấp là lăng đẹp nhất ở Việt Nam cho đến năm 1964. Dinh thự của Hoàng Cao Khải chiếm một không gian rất rộng từ cơ quan Ban Tuyên giáo trung ương bên trái gò Đống Đa chạy suốt đến tận Trường Công Đoàn Hà Nội. Đối diện với cổng trường đại học Thuỷ Lợi ngày nay là cổng chính vào lăng Hoàng Cao Khải. Phía ngoài đường cái (đường Nguyễn Trãi ngày nay) là một bức tường rào phía trước lăng, cao đến hơn 4 mét, dài cả trăm mét, ở chính giữa là cổng vào lăng làm bằng sắt rất lớn với những hoa văn đúc bằng gang, hai cánh mở ra hai bên rộng đến mức ô tô tải vào được. Qua cổng là một con đường lát gạch đinh rộng khoảng 4 mét dẫn vào bên trong, hai bên là vườn nhãn và thảm cỏ xanh tốt quanh năm. Ngay lối vào lăng ở phía bên trái là mộ của con gái út Hoàng Cao Khải, cạnh mộ có hai cây roi to, quả rất ngon. Quá một chút là mộ con gái thứ của ông ta xây bằng gạch và xi măng. Con đường dẫn vào thẳng đến một cái hồ bán nguyệt tuyệt đẹp ở trung tâm của lăng, vòng cung hướng ra ngoài, có bờ gạch xây cao lên cách mặt đất 40 cm rất sạch sẽ, bờ bao quanh hồ xây gạch đinh xuống đến tận đáy, trên thành hồ có những hốc thoát nước hình vuông cách đều nhau khoảng 30 mét để thoát nước ra ngoài khi hồ quá đầy vì một lý do nào đấy. Dưới hồ trồng sen, nước trong hồ trong suốt và rất sâu. Chỉ có một lối xuống hồ duy nhất là ở chính giữa bờ thẳng phía bên trong nơi người dân ở quanh vùng đến gánh nước về ăn, không ai được phép rửa ráy hay tắm giặt ở đây. Người ta có thả cá chép trong hồ, không phải để ăn mà là để kiểm tra chất lượng nước. Đối diện với lối lên xuống hồ là lăng chính của vợ chồng Hoàng Cao Khải hoàn toàn bằng đá cẩm thạch trắng, rất lớn và hoành tráng, trần cách sàn hơn 4 mét, ở giữa có một cái bàn đá màu trắng rộng và rất mát, trẻ con leo lên đó ngồi dăm bảy đứa thoải mái. Mộ của Hoàng Cao Khải ở bên trái, của vợ ông ta ở bên phải, đều bằng đá cẩm thạch trắng cực đẹp, chạm trổ tinh vi, có khắc những dòng chữ Hán sắc xảo. Phía trước mộ là hai hàng lính đá mỗi bên 4 người bồng gươm, cao gần bằng người thật, đầu đội mũ nhỏ có tua đứng gác. Phía sau mộ là một quả đồi khá cao, trên đỉnh đồi dựng một nhà tam quan để hóng mát. Từ trên đồi có thể nhìn thấy toàn cảnh một vùng rất rộng. Có một bậc thang xây bằng gạch đinh màu đỏ rộng đến 8 mét từ chân đồi thẳng lên đến tận nhà tam quan trên đỉnh đồi, tổng cộng có 108 bậc. Có một dạo người ta lấy nơi đây làm nhà mẫu giáo. Ngày hai buổi sáng, chiều các bé cùng phụ huynh phải leo bậc thang mệt đứt hơi, sau vì bất tiện mới bỏ. Bên phải mộ Hoàng Cao Khải là mộ Hoàng Trọng Phu, con trai trưởng của Hoàng Cao Khải xây bằng đá xanh, đẹp và uy nghi không kém.
Đây là ảnh chụp mặt tiền của lăng mộ HCK được chụp sau 1972.
Tượng đá vẫn còn nhưng tất cả những ngôi nhà xung quanh
và phía sau đều là mới xây, kể cả bức tường bên trái cũng vậy..
Trước 1963, nơi đây thường được các trường ở Hà Nội chọn làm nơi cắm trại cho học sinh. Ngày thường ở đây rất vắng vì trong khu vực lăng chỉ có vài gia đình sinh sống ở mép rìa bên phải và bên trái phía sau lăng. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi vào một buổi tối mùa đông năm 1964 khi những người sống gần đó nghe thấy một tiếng động lớn từ phía lăng mộ Hoàng Trọng Phu. Sáng ra mới biết có kẻ đã phá mộ để tìm của. Rồi khu lăng mộ được canh gác cẩn thận nhưng số người tò mò ngày càng tăng. Khi giặc Mỹ bắt đầu đánh bom miền Bắc, khu lăng mộ yên tĩnh và tuyệt đẹp này bắt đầu bị xáo trộn bởi những người không biết ở đâu đến dựng nhà và ở luôn. Vì chính quyền không can thiệp nên làn sóng người đến chiếm đất làm nhà ngày càng tăng. Đến khi giặc Mỹ ném bom Khâm Thiên thì hàng loạt gia đình trên phố đổ bộ vào lăng Hoàng Cao Khải và đường vào Chùa Bộc là hai nơi hoang vắng bậc nhất thời bấy giờ. Tất cả các công trình kiến trúc nguy nga tráng lệ bị xâu xé tan hoang, đất bị chiếm, hồ bị lấp, cây bị chặt, đồi bị san. Cái con đường bé chỉ đặt vừa bàn chân của những người đi cúng chùa Bộc tạo nên bỗng chốc biến thành một cái xóm có tên nôm na là “Xóm Liều” bởi ở đó người ta từ nhiều nơi đổ về dựng nhà dựng cửa sinh sống, chả còn gì để mà không liều. Thời chiến tranh mà, thông cảm. Ai chứng kiến cảnh này vào thời đó thì biết rõ một điều là xét về nguồn gốc thì những gia đình sống trong phạm vi lăng Hoàng Cao Khải và đường Chùa Bộc ngày đó không ai có một tờ giấy lận lưng cả. Tất cả đều “nhảy dù” vào hết. Sau này, mọi thứ giấy tờ, bằng khoán, chủ quyền nhà đất của họ đều là hợp thức hoá cả thôi. Tiếc thay, một công trình tuyệt mỹ đã bị san bằng. Kể ra thì cũng khó bảo tồn: Hoàng Cao Khải là quan đầu triều của triều Nguyễn làm tay sai cho Pháp có nhiều nợ máu với dân thì làm sao có thể bảo tồn lăng mộ của ông ta truyền lại cho hậu thế tương tự như các ông vua ở kinh thành Huế được. Có tiếc chỉ là tiếc cái tài hoa, khéo léo, công sức và trí tuệ của những người thợ thủ công ngày xưa. Nhà tôi sống ở cạnh đó, cách cái lăng này có một cái hồ nhỏ, ngày nào chả qua đây trèo roi, câu cá nên thuộc lòng từng vết nứt của các viên gạch, từng nét khắc hoạ trên đá, từng cái bướu trên cây. Ờ, mà cá chép trong hồ sen này cực ngon nha, dưới hồ chỉ toàn sen, lơ thơ vài cọng rong đuôi chó, nước thì trong vắt, có gì ăn đâu, thế mới lạ. Thôi, tất cả đã qua rồi.
Chợ Xanh
Từ lăng Hoàng Cao Khải đi quá xuống 1 km nữa là Ngã Tư Sở. Hồi đó, ai sống ở gần Ngã Tư Sở đã được xem là người ngoại thành. Từ Ngã Tư Sở đi tàu điện leng keng vào Hà Đông, đoạn đầu đi qua khu Cao – Xà – Lá (cao su – xà phòng - thuốc lá) ở bên trái, nhà máy “Trung quy mô” (còn gọi là nhà máy Công cụ số 1) ở bên phải là còn có vẻ tấp nập. Quá một tí thì đến Chợ Xanh. Cái chợ này hình thành một cách tự nhiên, cứ từ từ mà thành chợ. Lúc đầu chỉ có một ngôi nhà căng tin bán điểm tâm, giải khát khá rộng, mái lợp lá, liếp sơn màu xanh lá cây, ngay sát cạnh đường tàu điện, phía bên phải cùng phía với nhà máy Công cụ số 1. Dần dần để phục vụ công nhân làm việc trong các nhà máy quanh vùng, một cái chợ hình thành, lúc đầu là những gánh hàng rau, thịt, cá, đồ dùng gia đình bán quanh nhà căng tin, sau cứ đông dần rồi thành chợ. Vì nhà căng tin sơn màu xanh nên mọi người gọi đại là chợ Xanh, lâu ngày thành tên. Từ chợ Xanh đi quá xuống nữa thì thưa người lắm, hai bên đường đa phần là đầm hoang, cỏ lác suốt đến tận Hà Đông. Khu tập thể Thanh Xuân, trường đại học Ngoại ngữ sau này mới mọc lên từ những doi đất và đầm cỏ hoang vu đó.
Hà Nội xưa trong con mắt của người mê câu còn nhiều nơi mê ly lắm. Bây giờ ra thăm Hà Nội, nhìn chỗ này chỗ kia, nhớ lại hình ảnh cũ, khớp hai cái xưa và nay lại với nhau bạn có thể hình dung ra ở giữa hai hình ảnh ấy là một quá trình sinh sôi, nảy nở, vật đổi sao rời, cuộc sống đổi thay, một sự phát triển không ngừng.
Trích Hồi ký của Thảo Nguyên