Tuổi thơ lấm lem
Đứng từ phía trường đại học Công đoàn, nhìn chếch về bên trái, có thể thấy suốt đến đê La Thành còn nhìn chếch về bên phải thì đến tận làng Kim Liên vì thời đó, ở khoảng giữa chỉ là ruộng lúa, ao rau muống, bãi cỏ hoang, đầm cỏ lác... Phia sau gò Đống Đa có nhiều hồ rất lớn và sâu như hồ Bầu Dục (cả dãy phố Thái Hà ngày nay nằm gọn trong cái hồ lớn và dài ấy), hồ Đống Đa, hồ Trung Liệt,… Bên phải gò Đống Đa có một con đường rải đá dẫn vào trường cấp 1 Trung Liệt, bao quanh trường là hồ, đầm ngút ngát. Từ trường Trung Liệt có thể nhìn đến tận đê La Thành (đoạn nối Ô Chợ Dừa với Giảng Võ) hay làng Thành Công. Phía bên trái Gò cũng có một con đường rải đá dẫn vào Trại Nhi đồng Miền Nam (Có thể gọi là trường mẫu giáo chung cho các nhi đồng Miền Nam dưới 7 tuổi theo ba mẹ tập kết ra Bắc. Ngày trước Bác Hồ rất hay đến đây để thăm các cháu nhi đồng Miền Nam vào các dịp 1/6, trung thu, Tết Nguyên đán, tôi cũng đã vinh dự được gặp Người ở trại này) - một ốc đảo dừa xanh mát rượi được ôm ấp bởi những bờ tre dày, bao quanh cũng là hồ, đầm bất tận. Từ phía sau trại Nhi đồng Miền Nam có thể nhìn đến tận đường Láng bên trái hay đài khí tượng thuỷ văn nếu nhìn thẳng.

Sau cải cách ruộng đất, gia đình tôi chuyển đến sống ở gần gò Đống Đa, cái nơi mà mặt nước nhiều hơn mặt đất ấy. Là những đứa trẻ hiếu động, nghịch đứng hàng sau quỷ và ma (mà có lẽ còn hơn) vào cái thời chẳng có gì để giải trí (không TV, không công viên,…) thì trèo cây, bắn chim, câu cá, mò trai, trộm ổi, chơi khăng, đánh đáo,…là những trò chơi cuốn hút chúng tôi không bao giờ thấy chán.

Ba tôi là người nghiêm khắc, nhưng ông sẽ bỏ qua mọi chuyện nếu tôi học giỏi. Ông chỉ hướng dẫn tôi khi tôi thật sự thấy bí và chỉ hướng dẫn cách suy nghĩ chứ tuyệt đối không bao giờ cầm bút giải hộ bài toán. Tôi thích học và học giỏi, luôn luôn đứng trong top 5 từ lớp 1 đến hết phổ thông, điều đó làm ba tôi rất hài lòng, và cũng chính vì thế mà tôi thoát khỏi những trận đòn lẽ ra tôi đã phải chịu (như chấp nhận lời thách đố của đám trẻ, trốn nhà ngủ qua đêm ở nghĩa địa tây để cả nhà phải đốt đuốc đi tìm chẳng hạn). Vì ham chơi nên tôi học nghiến ngấu, thường là tan trường tôi xin phép bác bảo vệ cho nán lại làm hết mọi bài tập về nhà, xong, gấp vở lại, về nhà ăn quáng ăn quàng, đeo ná cao su vào cổ, xách cái cần tre rồi biến đến tận xẩm tối mới về. Quanh nhà tôi cơ man nào là hồ ao như đã kể trên nên những trò mò trai, câu cá, câu lươn, chọc tìm ba ba, tát mương bắt chạch, trèo cây hái quả, bắn chim, vợt châu chấu, bắt cà cuống,… bọn chúng tôi tha hồ mà phô diễn, thoả chí vẫy vùng.

Tập bơi
Sống gần hồ ao, đầm nước mênh mông, ba tôi đã lường trước được điều gì sẽ xảy ra cho thằng con hiếu động, suốt ngày mò mẫm ngoài hồ nếu nó khôngbiết bơi. Một buổi chiều chủ nhật, ba tôi bảo tôi ra hồ tắm với ông. Tôi mừng rơn vì ba tôi thường rất bận, ít khi nào dành thời gian cho tôi. Ra đến hồ ba tôi bảo tôi cởi áo ra chỉ mặc quần đùi, xoa người cho nóng lên theo hướng dẫn của ông, rồi “ùm” ông túm lấy tôi vứt ngay xuống nước.

Ảnh minh họa

Hồ Bầu Dục có tiếng là sâu, chỗ tôi bị vứt xuống là chân cầu, nước sâu đến 6 mét. Tôi chới với, cuống cuồng vùng vẫy và sặc nước. Ông già vẫn ngồi im hút thuốc như không có chuyện gì xảy ra. Đến khi tôi đuối sức, bắt đầu uống nước và chìm dần thì ông mới nhảy xuống, kéo lên bờ, lau khô nước, chà cho người tôi nóng lên rồi chở tôi đi ăn cháo thịt có hành nóng hổi và không nói gì cả. Buổi tối, biết tôi vẫn ấm ức vì bị vứt xuống hồ, ba tôi vỗ vỗ nhẹ trên đầu tôi và nói “Có xuống nước thì mới biết bơi, có gì mà phải sợ”. Từ hôm đó, tôi quyết tâm tự học bơi. Bắt đầu từ chỗ ôm cây chuối, sau bỏ tay ra bơi kiểu… cún. Đám bạn thấy tôi tập bơi hò reo: “Phải cho chuồn chuồn cắn rốn thì bơi mới thạo”. Thằng Sáu sứt, đứa bơi giỏi nhất đám, vạch rốn cho tôi xem vết cắn của con chuồn chuồn và khẳng định nhờ thế hắn mới bơi giỏi. Tôi là kẻ anh hùng rơm, bảo “chả sợ”. Thế là chúng hò reo cổ vũ ầm ỹ. Không biết chúng kiếm đâu ra một con chuồn chuồn ngô to tổ bố, hàm răng đen bóng phát khiếp, chúng dí đầu con chuồn chuồn vào rốn tôi. Ôi mẹ ơi, nó xơi ngay một miếng đứt thịt, toạc da, nước mắt tôi ràn rụa, phải nghiến răng mà chịu. Bây giờ nghĩ lại còn kinh. Ờ mà lạ, sau đấy tôi bơi khá hẳn, đến 10 tuổi tôi đã bơi thạo và không sợ nước.

Câu tôm
Hồi đó sao mà nhiều tôm thế. Sáng sớm tinh mơ, đám tôm bậu quanh bờ hồ xanh rì. Bọn trẻ rủ nhau vào trại Nhi đồng Miền Nam xin chú bảo vệ cành dừa đã chặt xuống mang về tước lá dừa chỉ lấy cọng làm cần câu tôm, mỗi đứa 10 – 15 cái. Lưỡi câu tôm uốn từ dây phanh xe đạp, bé tí. Dây câu là chỉ, dài hơn 1 mét, đen hay trắng gì cũng được. Bây giờ, đào tí giun nữa là xong.

Ra hồ cả bọn chia nhau mỗi đứa một đoạn, mắc mồi, vứt xuống, cắm cần vào bờ đất ngọn cần ngỏng lên, dây căng mắc võng, rồi lại mắc cần khác, cứ thế cho đến hết cần. Có khi đang cắm cần này thì có một trong số cần vừa cắm đầu cong xuống nảy tưng tưng thì chạy ngay đến nương nhè nhẹ kéo con tôm lên bờ. Đặt con tôm vào cái rá có vải màn che, trong rá thả vài cái lá tre, rẩy vào tí nước. Con tôm đất chỉ bằng ngón tay nhảy tanh tách, thật vui mắt. Bọn trẻ chúng tôi chạy ngược chạy xuôi trên bờ gỡ tôm, cắm cần, hò reo quên hết mọi chuyện. Ở một góc hồ yên tĩnh có một bác ngồi câu, bác ấy ra hiệu cho chúng tôi đừng làm ồn vì làm ầm ỹ thì con cá sẽ chạy mất. Chúng tôi nghe lời và chuyển sang phía bên kia hồ để bác ấy được yên tĩnh. Bác ấy ngồi im như tượng, mắt chăm chú nhìn cái phao bé tí chỉ nhú lên mặt nước một chút. Cái cần trúc thẳng băng. Rất lâu chả thấy được con gì. Mãi đến lúc chúng tôi gần về mới thấy bác ấy giật được cá, con cá chạy ngùng ngoằng dưới nước, người bác ấy co lại, tay cầm cần run bần bật, cố hướng cái ngọn cần lên cao. Chạy lại xem, bác ấy câu được con cá chép đuôi đỏ tươi, rất đẹp, một chùm lưỡi bám vào hàm con cá. Lúc bác ấy gỡ ra, tôi mới nhìn thấy cái chùm nhiều lưỡi ấy (đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cái lưỡi lục). Bác ấy lau mồ hôi, vê một tí mồi khoai vào sợi cước cách cái lưỡi khoảng nửa gang rồi thật cẩn thận thả từ từ xuống nước. Bọn trẻ chúng tôi lại tản ra cho bác ấy câu. Câu tôm hồi đó là thứ dễ nhất đối với chúng tôi. Chỉ sau 2 giờ câu đã được mớ tôm ngon mang về cho mẹ rim, buổi tối cả nhà khen ngon, bữa cơm gia đình thật vui vẻ. Tối hôm ấy, tôi giở quyển sổ tay chị tôi tặng nhân kỷ niệm sinh nhật tôi lần thứ 7 ra ghi những dòng chữ bằng mực tím nguệch ngoạc: “Nhật ký đi câu” ghi lại ngày hôm nay câu được lũ tôm con ở hồ Chùa. Chị tôi lén đọc rồi cười như nắc nẻ: “Ui trời, nhật ký cơ đấy, mới 7 tuổi ai ghi nhật ký bao giờ, lại ghi về câu với kéo nữa chứ”. Mẹ tôi can: “Đừng làm nó xấu hổ”. Ba lại bênh tôi: “Cứ kệ nó, ghi chép cũng tốt đấy”. Thế là tôi tự tin, ngày nào câu được con gì cũng ghi lại cả.

Mò trai
Một lần, bọn trẻ chúng tôi nhìn thấy một nhóm người ở nơi khác đến, mang theo giỏ đựng cá đan bằng tre hình chiếc giầy, có hom ở cả hai đầu, hai bên giỏ có hai ống nứa. Họ đứng trên bờ quan sát kỹ rồi bảo nhau xuống nước. Họ cởi quần áo ngoài, đàn ông chỉ mặc quần đùi, phụ nữ mặc quần chẽn và yếm. Họ gấp quần áo, buộc thật gọn trên đầu rồi xách giỏ xuống nước. Bọn trẻ chúng tôi tò mò xem họ bắt con gì và tại sao họ lại đội cả quần áo theo chứ không để lại trên bờ. Hay là họ sợ bị mất? Nhóm người kia dàn hàng ngang, lội sát bờ, nước ngang đến bụng và bước đi rất chậm, mắt quan sát bọt tăm nổi trên mặt nước. Thỉnh thoảng một người cúi nhanh xuống túm lấy một con gì đó. Nhìn kỹ thì ra họ bắt được cả cá và lươn. Được con nào họ cho ngay vào giỏ nổi lềnh bềnh bên cạnh. Họ buộc cái giỏ vào bụng mình bằng một sợi dây nhỏ, đi đâu kéo theo đến đấy. Nhóm người này đi từ hồ này sang hồ khác. Bây giờ chúng tôi hiểu vì sao mà họ đội quần áo theo rồi. Lúc họ nghỉ, đám trẻ chúng tôi chạy lại xem. Tôi hỏi: “Làm sao các bác lại bắt được lươn bằng tay không?”. Một người đàn ông cao lớn, đen chũi cười hiền lành: “Cho cháu thò tay vào giỏ mà bắt, hễ túm chặt được con nào thì cho luôn con đó”. Tôi thò tay vào thử, đám lươn trơn tuột, không thể nào nắm được. Người đàn ông vừa thò tay vào giỏ vừa nói: “xem đây” rồi kéo ra một con lươn. Tôi để ý thấy ông kẹp con lươn vào giữa ba ngón tay, thân con lươn ở trên ngón trỏ và ngón đeo nhẫn nhưng ở dưới ngón giữa. Bàn tay người bắt lươn gân guốc, cứng như sắt. Ông bảo muốn cho tay cứng, về nhà chọc tay vào thùng gạo 1000 lần, mỗi ngày 100 lần, rồi chọc vào đống cát cũng 1000 lần theo cách như thế. Úi chao, chỉ mò lươn thôi mà công phu thế. Những người bắt lươn bảo chúng tôi xuống hồ mà mò trai, họ thấy dưới đấy nhiều lắm và nên lấy chân mà rờ. Chúng tôi làm theo. Ô, quả nhiên là có trai. Con trai nằm dưới bùn theo hướng thẳng đứng, đầu nhọn hơn hướng lên trên cho nên phải dùng chân mà khuơ ngang, đụng trai thì lấy mu bàn chân mà khều lên, cầm lấy, vén áo bỏ vào và ôm trước ngực. Cả bọn mò hăng hái, đôi khi mò ra đến chỗ sâu đến ngực. Trai nhiều vô kể, sau vài tiếng là hết chỗ đựng, phải lên thôi. Lên bờ gió thổi mới thấy lạnh, giữa trời nắng chang chang mà lạnh run mới kỳ chứ. Chúng tôi đổ trai lên đám cỏ, so sánh xem đứa nào được nhiều nhất, đứa nào ít nhất rồi bắt đầu chia theo kiểu người lớn: đứa nào có công nhiều nhất thì được lượm con đầu tiên, tiếp đến đứa thứ hai, thứ ba,…rồi quay vòng, tiếp tục như vậy cho đến hết số trai bắt được. Hôm sau mẹ tôi nấu một nồi cháo trai, lúc chín nêm vào gừng chỉ, rau răm và chút lá thì là thái nhỏ, ngon tuyệt, cả nhà xì xụp. Mẹ khen tôi bằng một câu nói theo cách của bà: “nhà có con trai có khác!”. Được khen tôi thích lắm. Để chuẩn bị, tôi tìm một cái rổ cũ, nẹp hai ống nứa nhỏ hai bên làm phao để lần sau đi mò trai khỏi phải ôm trước ngực. Hồ sau gò Đống Đa và hồ Trung Liệt quả là những kho trai vô tận, bắt hết một vòng quay lại lại có tiếp.

Câu rô đồng
Có lẽ bất cứ ai đã từng đi câu thì đều đã câu rô đồng. Có người câu bằng giun đất, có người câu bằng trứng kiến, người khác lại dùng tôm ươn, riêng tôi, tôi chỉ thích câu bằng mồi thính. Thính gạo là tốt nhất. Lấy chút gạo rang gần cháy, giã nhỏ, rây mịn. Lấy cơm nguội nghiền nhuyễn, cho mẻ vào nghiền tiếp rồi rắc thính gạo vào, vừa rắc vừa nhào cho đến khi thành một hỗn hợp mềm, dẻo, thơm, chua ngai ngái. Nếu nhão thì thêm thính, khô thì thêm mẻ hay tí nước. Nếu bấu lấy một mẩu mà vê tròn dễ dàng, không cứng, không nhão, vừa mềm vừa bở là OK. Ra hồ chọn chỗ câu sát mép bèo hay bè rau muống, sâu độ hơn 1 mét trở lên, ném thính rồi chờ. Thính ném tốt nhất vẫn là thính gạo rang cháy, giã mịn trộn tý bùn non và nước. Không có gạo dùng bột ngô hay mỳ sợi cũng được. Có người tỷ mẩn giã củ ráy trộn vào thính để cá rô đớp vào sẽ ngứa mồm nên cái gì thả xuống cũng xơi (tôi thật sự không thích kiểu này). Rất dễ phát hiện khi cá rô đến vì tăm cá rô nhỏ lăn tăn, thỉnh thoảng nổi theo cả bùn loãng vì chúng sục phía dưới. Bây giờ chỉ còn thả mồi và chờ đợi. Cá rô háu ăn, đi thành đàn hay đơn lẻ, ăn mồi thường kéo chìm phao, giật lên con cá gương hết cỡ tất cả vây vi trên mình trông thật hùng dũng. Hồi nhỏ đi câu cá rô thường tôi câu đến hết mồi mới chịu về. Những con rô ron rán vàng lên ăn cả xương thơm phức, còn những con rô lớn, nấu canh rau cải với gừng thì không gì bằng. Nghe người ta nói “Cá rô đầm Sét” là một trong 4 đặc sản của đất kinh kỳ, chúng tôi đã rủ nhau đến tận cái đầm nổi tiếng ấy mà câu. Đó là đầm thuộc xã Thịnh Liệt (ngày xưa có tên là Kẻ Sét) huyện Thanh Trì ở phía Nam Hà Nội. Tôi không phân biệt được mức độ thơm ngon hơn hẳn của cá rô đầm Sét so với cá rô đầm Trung Liệt nhưng điều dễ thấy là chúng to hơn, mình đen và dài hơn rõ rệt. Chỉ đến khi được ăn món cơm nếp cá rô đầm Sét bọc trong lá sen tươi của chính người Thịnh Liệt nấu thì tôi mới thấy hết cái thơm ngon, béo, ngậy không thể so sánh. Trong cả nước, ngoài Thịnh Liệt, Thanh Trì ra, không một nơi nào biết chế tạo món đặc sản này. Ai lại đi nấu cơm nếp bằng nước luộc cá rô, tanh chết. Ấy thế mà với cá rô đầm Sét thì lại không tanh mới lạ.

Bắt cá rô có nhiều cách. Khi những trận mưa đầu mùa đổ xuống, cá rô tức nước rạch đi bốn phương, đội áo mưa mà đi dọc theo bờ ao hồ nơi nước trên đường tràn xuống cũng túm được hàng chục con đang phởn chí rạch cỏ mà đi ngược dòng. Đặt lờ đứng với một nhúm thóc ủ phía đáy cũng là một tuyệt chiêu bắt cá rô. Kéo vó cũng thường đụng anh chàng hiệp sỹ thích lang bạt này. Ôi, cái anh rô đồng! Trong các loài cá nước ngọt, có lẽ anh này gần gũi với con người nhất chăng?


Săn tìm ba ba
Chỉ đến khi người ta tát cạn hồ Bầu Dục thì tôi mới biết ba ba là con gì và cách bắt chúng như thế nào. Hồ Bầu Dục to và dài là thế mà người ta cũng tát cạn được (cả cái phố Thái Hà ngày nay nằm gọn trong lòng hồ Bầu Dục ngày xưa đấy). Hai máy bơm to tướng hút đến gần cả tháng mới cạn. Cá bắt lên nhiều vô kể. Ngay những người đi hôi cá sót lại cũng kiếm được nhiều ký lô. Hôm ra hồ xem hôi cá, tôi nhìn thấy một người đi dưới lòng hồ, dọc theo bờ hồ, bùn lún đến quá đầu gối. Người này vừa đi vừa lấy một cái gậy tre nhỏ chọc xuống bùn. Lâu lâu, người đó dừng lại ngó nghiêng rồi lấy đầu gậy nậy lên một con vật đang rúc dưới bùn: con ba ba.

Người này dùng gậy lật ngửa con ba ba lên mặt bùn rồi túm lấy con vật bằng cách kẹp ngón tay cái và ngón tay trỏ vào hai bên hốc háng của nó. Chỉ có cách đó mới tránh được cái đầu có bộ hàm rất khoẻ có thể vươn dài ra của con ba ba. Hôm sau chúng tôi cũng bắt chước lấy mỗi đứa một cái gậy trúc rồi đi chọc ven mép nước. Tôi là đứa to con và khoẻ nhất trong đám trẻ nên tôi xung phong lội ngoài cùng. Chúng tôi chọc đều đặn cây gậy xuống bùn, lỗ này cách lỗ kia gần một gang. Chọc mãi, rồi “bộp, bộp, bộp” ba cú chọc liên tiếp của tôi đều vướng phải vật cản. Không phải hòn gạch vì chọc phải gạch tiếng kêu đanh hơn và tay bị dội lên cứng hơn. Ba ba đây rồi. Học theo người lớn, tôi luồn đầu gậy xuống phía dưới rồi hất con vật lên. Trời ơi, con ba ba to quá, gần bằng cái mũ cát, dễ phải đến 4 kg. Tôi cũng lật ngửa nó ra, bóp vào hõm ở hai chân sau của nó rồi chạy lên bờ. Đám trẻ reo hò chạy theo. Chúng tôi tìm được cọng dây thép bèn trói nó lại buộc vào cái cọc cạnh gốc cây cho đứa nhỏ nhất ở lại trông, rồi cả bọn lại hoan hỉ chia nhau xuống bùn mà chọc. Đến trưa thì chúng tôi bắt được một con nữa nhỏ hơn. Về nhà, thịt ra chia phần cho mọi người, chả nhà nào biết nấu món ba ba cả. Nhà thì nướng, nhà thì nấu giả cầy, nhà thì rim. Nhưng nhà nào cũng khen ngon và lạ miệng. Sau này, áp dụng phương pháp học được, tôi đã kiếm được khá nhiều ba ba ở các vùng đầm lầy khi nước cạn. Tuy nhiên, con ba ba to nhất, nặng đến gần 30 kg thì tôi tham gia bắt được bằng cách câu chứ không phải chọc như thế này.

Bắt lươn
Câu lươn có cái thú khác hẳn câu cá. Cái thú khi câu cá là giật và dòng con cá còn cái thú khi câu lươn lại là trò “kéo co” với con lươn khi nó đã mắc câu. Thêm nữa, câu lươn chủ động hơn câu cá và đồ câu cũng đơn giản hơn rất nhiều. Được người lớn chỉ dẫn, bọn trẻ chúng tôi xe chập đôi hay chập ba sợi dây cước thành sợi dây câu lươn dài độ gần một cánh tay, chắc chắn và dễ vê xoay tròn. Một đầu buộc lưỡi câu, đầu kia buộc vào một đoạn tay tre nhỏ làm điểm tựa nắm dây khi câu. Lưỡi câu làm bằng tanh xe đạp, mài sắc, uốn lại, chỗ cong chỉ ôm gọn chiếc đũa, không có ngạnh, thân lưỡi hơi dài. Kiếm ít giun đất, cầm theo cái túi vải có dây thắt miệng túi là xong (bộ đồ câu lươn có lẽ rẻ nhất so với tất cả các bộ đồ câu khác). Bây giờ quan trọng là tìm cho ra cái tổ lươn. Thời đó, quanh khu vực gò Đống Đa, ven bờ hồ hay mương, tổ lươn nhiều vô kể. Lươn thường làm tổ sát bờ, miệng tổ có khi ngầm dưới nước có khi lộ thiên, sát mí nước. Đó là một cái lỗ tròn, trơn bóng, nhỏ bằng đầu ngón tay hoặc ngón chân. Lỗ càng to thì lươn càng lớn. Khi tìm được tổ lươn rồi, móc mồi, đặt sát vào miệng tổ rồi lấy tay vê dây câu, vừa vê vừa đẩy mồi vào trong tổ lươn. Nếu nước trong tổ lươn dềnh lên thì chắc chắn trong đó có lươn. Con lươn rất tham ăn, thấy động mò lên, ngửi thấy mùi giun là bập ngay. Bây giờ là lúc mình kéo ra, hắn gồng mình trì xuống. Cố kéo căng dây, đừng mạnh quá kẻo sứt môi và cũng đừng nhẹ quá, con lươn chui vào sâu trong hang càng có thế ghì mạnh. Khi đã dính lưỡi, đa phần con lươn sẽ phải chui ra dần. Khi đầu con lươn nhô ra khỏi tổ là lúc một tay cầm dây kéo ra, một tay khoá bằng ba ngón tay kẹp lấy con lươn mà kéo ra, cho vào túi vải rồi hãy gỡ lưỡi. Vì không có ngạnh nên tháo lưỡi rất đơn giản. Xong thì nhớ thít miệng túi vải lại không có mải câu, lươn lại luồn ra mất. Hồi đó, bọn trẻ chúng tôi đi câu lươn chỉ một buổi sáng cũng được vài kg. Cháo lươn ăn nóng với tía tô, rắc thêm hạt tiêu thì còn gì bằng.

Câu lươn thì nhiều người biết chứ chặt lươn thì chắc không phổ biến lắm. Vào những buổi tối mang nơm đi soi đèn úp cá tôi phát hiện ra ở những chỗ nước nông cỡ chừng 40 cm đổ lại, nhất là ở những ruộng rau muống nước có khá nhiều lươn mò đi ăn đêm. Không thể úp lươn bằng nơm được, tôi nảy ra ý định dùng dao mà chém. Gặp hôm nào trời mưa vào buổi chiều thì tối hôm đó lươn ra rất nhiều. Mượn một chiếc đèn săn đội đầu dùng pin con thỏ, trời tối hẳn, tôi xách dao và túi vải đi tìm lươn. Ra đến ruộng rau muống, tôi đi thật chậm trên bờ, cúi gập người soi đèn xuống đáy nước, chăm chú quan sát mọi chuyển động bất thường ở phía dưới. Có một cái gì đó động đậy dưới bên cạnh gốc rau, à đây rồi, một con lươn khá to mà tôi chỉ nhìn thấy một khúc thân. Theo chiều chuyển động, tôi đoán đầu con lươn ở phía nào, đuôi ở phía nào rồi vung dao chém xuống một nhát. Một vệt nước toé lên từ chỗ con dao chém xuống, chạy dạt ra xa, vẫn có cái gì đó động đậy bên dưới. Tôi túm lấy, thì ra con dao sắc quá đã chém đứt đôi con lươn, nửa đầu chạy mất tiêu còn mỗi nửa đuôi ở lại. Đến con thứ hai thì tôi nhằm vào khoảng giữa thân, trở sống dao chem xuống, con lươn oằn mình, co cứng nhưng không đứt đôi. Chỉ cần nhặt lên cho vào bao là xong. Ở những chỗ có nhiều lươn, chỉ cần đi 2 tiếng là có vài ký. Thật dễ dàng. Đi chém lươn thường xuyên gặp rắn nước. Khi chiếu đèn, thân con rắn có vẩy phản xạ ánh đèn thành vệt sáng óng ánh còn con lươn thì không nên cũng dễ nhận ra. Rắn nước không có nọc độc nên chẳng có gì đáng sợ. Nói thật, bất chợt gặp nó thì cũng giật mình. Tôi không thích bọn rắn, sờ vào chúng nham nhám, oằn èo, ghê tay. Đi chém lươn buổi tối, tôi được chứng kiến nhiều cảnh lạ mà nếu không tận mắt nhìn thấy thì khó mà hình dung ra. Này nhé, bạn có biết con ốc nó bơi thế nào không? Bạn cứ tưởng tượng con ốc đang bò nhưng không phải trên mặt đất mà là trên mặt nước với hướng ngược lại 180 độ (con ốc nằm ngửa trên mặt nước). Nó giãn toàn bộ phần chân ra, ở mép cong lên như cái nắp chai bia đặt ngửa rồi lấy râu làm chèo mà bơi. Trông lạ lắm. Rõ ràng là chúng bơi với tốc độ rất chậm, chỉ khi nào có gió, con “thuyền ốc” đó mới đi nhanh hơn một chút. Đi chém lươn có một kinh nghiệm xương máu thế này: khi chém xuống nước, lưỡi dao liệng rất ghê nên phải giữ cho dao đi thẳng và chọn chỗ nào nông thôi, nếu không thì rất dễ chém phải chân mình.

Có người thấy tôi đi câu lươn mới bày cho cách đặt ống trúm bắt lươn. Theo hướng dẫn, tôi đi tàu điện vào chợ Hà Đông mua ống trúm. Ngày ấy đi chợ Hà Đông vào phiên chủ nhật cũng giống như đi trẩy hội. Chợ Hà Đông bán đủ thứ trên đời, rất nhiều hoa quả, thực phẩm tươi mà giá lại rẻ. Chính ở đây, lần đầu tiên tôi nhìn thấy quả chay, bẻ ra ăn chua chua ngòn ngọt, lạ miệng. Dãy hàng bán đồ bắt cá rất phong phú từ lưới rải, lưới chài đến nơm, cần câu, ống trúm, giỏ cá, đèn soi cá,… đủ loại. Tôi mua 5 cái ống trúm, buộc gọn lại rồi về. Ống trúm làm bằng nứa, một đầu kín, một đầu hở. Phía đầu hở lắp một cái hom, phía đầu kín cắm ngang một cái cọc để ghim ống xuống đáy bùn. Một vài lỗ khoan nhỏ được tạo ra ở thân ống cho mùi mồi toả ra xung quanh. Mồi dụ lươn là giun đất băm nhỏ. Buổi tối cho mồi vào trong ống, mỗi ống một nhúm rồi đi đặt vì lươn chỉ đi ăn buổi tối. Cứ chỗ nào thấy có nhiều lỗ lươn cạnh bờ mà đặt. Khoảng 7-8 giờ tối đặt, 4-5 giờ sáng lấy lên. Có khi lươn chui vào đầy một ống, nặng chịch. Trung bình hôm nào về đổ ra cũng được đến đầy một chậu nhỏ. Ăn không hết thì cho hàng xóm, không ai nghĩ đến chuyện đem bán bao giờ. Ngày ấy xóm giềng quý nhau lắm, có miếng gì ngon cũng mang cho nhau. Nhưng hình như việc láng giềng quá quan tâm đến nhau nhiều khi cũng không thoải mái lắm.

Câu chạch chấu trên sông
Mùa hè năm 1962 tôi lên Thái Nguyên thăm anh trai tôi đang học trên đó. Biết tôi mê câu, anh tôi viết thư về dặn trước mua mấy thứ ở Hà Nội mang theo như lưỡi câu, dây cước và chì. Chì thì ngày ấy chúng tôi làm lấy, cũng chẳng khó khăn gì. Nhặt tuyp đánh răng đã dùng hết gom lại, cho vào lon sữa bò hay nồi gang nấu chảy ra rồi đổ vào khuôn là xong. Muốn ra hình gì thì làm khuôn theo hình đó, ví dụ quả nho, quả bàng, quả cân,… hồi ấy chúng tôi đã biết cách xỏ một khuyên bằng dây thép nhỏ vào khuôn trước khi đổ chì (thực ra là thiếc) để làm chỗ móc chì. Lên đến Thái Nguyên, vì anh tôi phải đi học hàng ngày nên anh tranh thủ dẫn tôi ra thác Guống trên dòng sông gần trường để chỉ chỗ và cách câu cá chạch chấu. Từ hôm ấy, ngày nào tôi cũng ra sông, câu kéo thoải mái đến cả tuần liền. Con chạch chấu to từ cỡ chuôi dao đến bắp tay, đầu nhọn, mình thon dài, lẳn, thịt rất ngon. Cá chạch chấu có một cái gai nhọn, khá dài mọc ở dưới bụng,nếu không cẩn thận khi bắt rất dễ bị nó đâm vào tay rất buốt. Khi dính câu nó thường cong mình quấn vào dây câu y như con cá chình. Anh tôi bảo dân thổ công ở đây câu chạch chấu bằng cách như sau: đào một vốc giun to (ở ven sông thiếu gì), cho lên miếng gỗ băm cho nhuyễn, trộn với ít đất thành một thứ hỗn hợp nhão nhoẹt và tanh lợm rồi ném xuống chỗ nghi là có cá chạch. Chỗ nào nước chảy mạnh thì trộn thêm ít đá dăm để mùi tanh giữ được lâu. Chạch chấu thường sống ở nơi nước chảy, cạnh chân cầu, trong hốc đá, trong hõm nước trên sông hay trong các khe ở kè đá ở các đập, hồ lớn. Cá chạch chấu là loài săn mồi, chúng thường nấp trong hang chờ con mồi bơi ngang qua là xông ra tấn công. Mắc mồi giun rồi thả xuống chỗ đã ném thính, dùng chì từ 30g đến 50g có khi to hơn cho khỏi trôi rồi nhấp lên nhấp xuống. Nếu có cá chạch dưới đó thì nó sẽ ăn ngay. Chúng là loài tham ăn, bụp một cái đã nuốt tít vào họng, giật được nó nếu có mang theo lưỡi dự phòng thì tốt nhất là cắt cước, thay lưỡi mới, như thế vừa nhanh mà con cá lại không chết. Nếu chỉ có mỗi một cái lưỡi thì cách duy nhất là cầm cước mà vung đập chết con cá, lấy kéo cắt lựa theo dây cước mà tháo lưỡi ra, tiện tay xả luôn ruột cá ra ngoài và xỏ lạt treo ra ngoài nắng, không đụng gi đến nước cả vì sẽ rất tanh. Làm như vậy đến chiều, thịt cá sẽ se cứng lại nhưng không hôi. Khi con cá ăn mồi phải nhanh tay giật nếu không nó sẽ chui tọt vào hang và lúc đó chỉ còn cách kéo co với nó. Cứ giữ cho căng cước là nó phải chịu thua.
Tôi dùng cách này câu chạch chấu ở sông Hồng (chỗ cầu Việt Trì và chỗ đập Phùng), sông Đà (chân đập Hoà Bình), sông Tích (ở Ba Vì), sông Mã (chỗ cầu Hàm Rồng), sông Cầu (Bắc Ninh), sông Thương (cầu qua thị xã Bắc Giang), sông Chu (đập Nông Cống, bến Vạn Hà),…trong nhiều năm, nơi nào cũng cho thu hoạch khá.

Câu chạch chấu trên kè đá
Câu chạch chấu trên sông hay suối có cái khoái là nếu đã tìm được đúng điểm câu thì chắc chắn có cá, con cá khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Tuy nhiên, đi câu chạch chấu ở kè đá bên bờ hồ lớn hay đập cũng có cái hay của nó. Những kè đá mà người ta chỉ xếp đá hộc lại làm kè chứ không trát vữa bít kín hết các khe hở thì thường có chạch chấu. Chỉ cần đi dọc bờ kè, chăm chú nhìn xuống đáy nước, tìm những khe hở giữa các hòn đá và quan sát. Nếu có một cái bong bóng to cỡ đầu chiếc đũa nổi lên là đích thị, có hắn ở trong. Lấy cái cần câu đầu cứng, chắc chắn, dây chắc, lưỡi to, chì bằng hạt đỗ đen thả xuống đúng giữa khe ấy thì con cá sẽ xông ra đớp rồi chui ngay vào hang. Bây giờ là màn kéo co. Con cá sẽ cuộn tròn mình cho cước quẹt vào thành đá sắc làm đứt cước. Kệ nó, chỉ cần giữ chắc, căng cước không để con cá chui sâu hơn vào trong thì thế nào nó cũng phải đầu hàng. Càng xa bờ thì cá càng to, nhưng lúc đó không nhìn rõ khe đá nữa. Chuyện nhỏ, nếu đã biết quan sát tăm cá thì chỉ cần nhìn kỹ nơi nào có cái bong bóng nhỏ nổi lên thì chiếu thẳng xuống sẽ là hang con chạch ẩn nấp. Mắc mồi mới, xỏ con giun sao cho một đầu chờm qua cả khoen chân lưỡi câu, lấn sang phần cước, một đầu còn thừa cách mũi lưỡi câu 1 cm với đầu con giun còn sống ngo ngoe thì tuyệt nhất. Thay hòn chì to hơn cho dễ căn tổ và nhắp nhắp cần. Đầu cần chúi xuống thì phải giật ngay, giữ căng dây ghì mạnh là con cá sẽ chào thua. Câu chạch chấu trên kè đá không cần ném thính vì nước không chảy và khe đá hẹp. Tôi đã câu được nhiều cá chạch chấu ở kè đập Suối Hai trên Ba Vì. Trong các loài cá, tôi rất thích câu chạch chấu vì cách câu đơn giản mà lại rất hiệu quả, thịt cá lành và thơm ngon. Kho chạch chấu chung với thịt ba chỉ, thêm mấy miếng củ cải thái to, dăm sợi gừng và củ hành tía thì ngon vô cùng, ăn vào nhớ suốt một đời. Thật đấy.

Có một dạo ba tôi đi công tác nước ngoài nhiều năm, sợ tôi lêu lổng, ông gửi tôi vào trường học sinh miền Nam ở Hà Đông. Hai năm sau ông về thấy thằng con thêm tính hung hăng, hay đánh lộn bèn xin nhà trường cho ra học trường ngoài. Đến cuối năm 1964, khi Mỹ bắt đầu leo thang bắn phá miền Bắc, tuổi thơ của tôi cũng chấm dứt. Bắt đầu một thời kỳ gian khổ, nhiều khi cái chết cận kề một bên. Ấy vậy mà cái thú câu kéo chỉ tăng thêm chứ không giảm. Tất cả những gì kể trên là ký ức khắc hoạ một thời gắn với những thú vui bất tận, nguyên sơ của riêng tôi ngày thơ bé. Ghi lại đây để các bạn đọc chơi. Thế thôi.

Thảo Nguyên
Các tin khác cùng chuyên mục
Tin mới nhận:Côn Đảo 3-7/6/2007 - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:10:27 CH
Những địa danh Hà Nội xưa - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:09:42 CH
THẢM SƯƠNG TRÊN SÔNG SKOOGUAMISH - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:05:52 CH
Ngược sông Gâm, săn cá 'tiến Vua' - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:04:15 CH
Hồ Gươm thuở 1956 - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:01:25 CH
Thú câu mực đêm - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 10:58:19 CH
Tự sự: Ngày ấy xa rồi - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 10:56:36 CH
Chiều biển vắng thênh thang - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 10:55:32 CH
Chuyện vui - chuyện buồn - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 10:54:42 CH
Chuyện chưa bao giờ kể - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 10:53:18 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.