Theo dấu bông lau (Phần 1)

Đó là một loại cá da trơn có hình dạng khá giống cá ba sa hay cá tra nhưng cũng có những điểm khác biệt và điểm dễ nhận ra nhất là bông lau có cái đuôi màu vàng rất đẹp. Bông lau là loài cá tự nhiên sống ở vùng nước lợ cả ở biển lẫn sông, giới hạn ngoài là nơi nước sông đổ ra biển đến hết tầm vươn có thể và giới hạn trong là nơi thuỷ triều tràn lên sông đến hết cỡ của nó, chúng chỉ quanh uẩn trong vùng nước ấy, không ra hẳn ngoài xa nơi chỉ toàn nước mặn và cũng không vượt lên nguồn sông nơi chỉ toàn nước ngọt. Ở biển người ta gọi chúng là cá dứa còn ở sông là bông lau.

Cá bông lau có lưng màu xẫm, toàn thân bạc óng, cái bụng phệ và chiếc đuôi vàng duyên dáng. Con bông lau to nhất được ghi nhận do anh Tấn ở Tp Hồ Chí Minh câu lên Cửa Đại, Bến Tre cân nặng 28 kg còn thường gặp thì từ khoảng trên 1 kg đến 4 kg.

Bông lau luôn di chuyển theo con nước, khi thuỷ triều lên, đàn bông lau theo dòng nước vào cửa sông và ngược lên, ở sông Tiền chúng có thể lên đến Đồng Tháp còn ở sông Hậu chúng lên đến An Giang, đến khi nước rong (nước từ sông đổ ra) đàn bông lau lại xuôi theo dòng mà ra biển, ở Cửa Đại, Bến Tre sức chảy của dòng sông tông ra biển xa đến vài chục km. Lợi dụng thói quen đi kiếm ăn theo con nước của đàn bông lau và nhiều loại cá tôm khác, người ta đóng những cái đáy căng ngang dòng nước đổ từ sông ra biển. Những cái đáy vĩ đại có chiều ngang đến non cây số giăng đầy cửa biển, cái này cách cái kia vài cây số, ra xa đến 30 km còn gặp. Chắc chắn đó là những chiếc đáy lậu vì chẳng có ai kiểm soát việc làm đó cả.

Vào những ngày nước cường (13 hay 29 âm lịch) dòng nước chảy xiết càng dễ dàng đưa đàn bông lau đi xa hơn và lượng thức ăn cũng dồi dào hơn nên người đi câu cũng thường gặp chúng hơn. Bông lau có thính giác cực kỳ nhạy bén, chúng dễ dàng phát hiện ra con mồi ở khoảng cách hàng chục mét mặc dù nước đang chảy mạnh (con cá bơi cùng tốc độ dòng chảy nên vị trí của nó với dòng chảy là tương đối tĩnh). Thức ăn chính của bông lau, cũng giống như nhiều loại cá da trơn khác, là các loại thịt động vật bắt đầu phân hủy, vì thế cũng có người ví chúng như những “vệ sinh viên” ở các cửa sông. Ngày trước người đi câu bông lau tìm những loại mồi có mùi nặng như lòng gà vịt ủ qua đêm hay con gián nhà hôi rình, đến khi phát hiện ra thứ mồi câu siêu hạng với bông lau (và nhiều loài cá nước lợ khác) là con trùn biển thì tất cả đều chuyển qua loại mồi này. Những người đi câu bông lau lâu năm như anh Tấn ở Quận 10 (người đã câu con bông lau 28 kg ở Cửa Đại), anh Hào Cây Gõ, anh Hùng ở Tân Bình hay anh Phạm Khắc Tưởng (người thiết kế riêng một xe đặc chủng câu bông lau) và một số ít người khác mà tôi không nhớ hết tên lập hẳn một bản đồ riêng cho mình về các điểm câu trên toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, họ biết rõ các điểm câu ở Vũng Tàu, Cần giờ, Nhà Bè (Tp HCM), Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang,… Họ rành con nước, biết rõ mức nước lên xuống trong ngày ở từng điểm câu, cá về dày hay thưa,... Còn những người như chúng tôi, đi câu bông lau chỉ để giải trí, để thử cảm giác mạnh lại hay chọn những điểm gần luồng tàu vận tải lớn qua lại hay cửa sông đổ ra biển như An Nghĩa, Lý Nhơn, Vịnh Tre, Định An,… vì ở đó thường xuyên có cá, còn được hay thua lại là chuyện khác.

Người ta rủ nhau đi câu bông lau quanh năm nhưng mùa khô (tháng 11 năm trước đến tháng 5 dương lịch năm sau) thì tiện hơn vì khô ráo. Con bông lau dựa nước đi kiếm ăn nên phải theo con nước mà tính. Những ngày 3 – 4, 13 – 14 và 28 – 29 âm lịch là những ngày câu tuyệt vời nhất vì nước lớn. Ai bận đi làm, chỉ có thể tranh thủ thứ bảy, chủ nhật thì ít có dịp may đi câu bông lau trúng con nước, mà đi trật con nước xem như thua 90%.

Cá bông lau được thương lái đón mua tại bờ ở Vũng Tàu là 80 K/kg, ở Lý Nhơn là 60 K/kg, về đến Sài Gòn là 100 K/kg còn vào nhà hàng thì giá cao vút trên trời. Vì thịt con cá chắc, ít xương và đậm đà nên nấu kiểu gì cũng ngon. Với tôi, bông lau nấu lẩu chua, kho tiêu, chưng nước dừa chấm nước mắm nhĩ là ngon nhất hạng. Người ta nói rằng mỡ của bông lau rất tốt cho tim mạch, không biết có thật thế không, nhưng có một điều chắc chắn là ai thích và dám đi câu bông lau thì phải là những người can đảm, nhanh nhẹn, quyết đoán và cẩn thận. Người như thế tim vững là phải rồi. Để tôi chứng minh cho bạn xem nhé.

Bông lau đi ăn theo luồng nước nhưng không phải mặt sông rộng mênh mông kia chỗ nào cũng có cá, chúng chỉ quanh quẩn gần các rạng, dưới những giọt, những lạch ngầm dưới đáy sông nơi thức ăn tụ lại. Chúng đi từng đàn từ vài chục đến vài trăm con, nối nhau rong ruổi tít mãi thẳm sâu nơi đáy sông, ở chính giữa luồng tàu lớn qua lại là nơi chúng tập trung nhiều nhất. Ai đã đi câu bông lau đều dễ nhận ra rằng có sóng, có gió, có nước chảy thì mới có cá. Thử thách đầu tiên đến với bạn là say sóng, ghe câu ra gần điểm câu đã chao đảo như lên đồng, thả neo xong còn lắc dữ hơn, có người chưa kịp giở đồ nghề ra đã vội chui vào khoang mà chống chọi với cơn say điên đảo. Thử thách thứ hai là bạn luôn phải đề phòng nguy cơ bị hất ra ngoài ghe vì sóng và gió mạnh. Nhìn làn nước chảy xiết bên ngoài mà phát ớn vì chả may bị văng ra thì dòng nước hung dữ kia sẽ cuốn bạn đi đến tận đâu đâu. Chắc chắn lên ghe phải mặc ao phao, cho dù hơi vướng víu thì cũng phải mặc vì đó là cách duy nhất giữ được mạng sống khi bị hất văng ra ngoài ghe, nhất là vào ban đêm. Thử thách thứ ba là bạn phải đề phòng trước mọi va đập, trượt chân, và phải nhanh mắt nhanh tay khi rơi vào những tình huống như thế. Thứ tư là nguy cơ bị cảm lạnh, cảm nắng khá cao khi dang nắng suốt ngày trên ghe hay bị nước tạt lạnh run vào ban đêm. Thứ năm là… Như thế, bên cạnh một sức khoẻ tốt, khả năng chịu đựng cao, xử lý nhanh nhẹn trong mọi tình huống bạn nên chuẩn bị cẩn thận những vật dụng mang theo. Tốt nhất là bạn nên mặc thêm một cái áo lưới nhiều túi và mang theo một balô chuyên dùng đi câu để xếp vào đó một cách dễ nhớ tất cả những gì cần cho chuyến đi gồm:
- Bộ đồ nghề: Thẻo câu, chì câu, máy câu, phao sáng, dây câu dự phòng, lưỡi dự phòng, kìm, đèn pin, bình sục oxy, thùng đựng mồi, kéo, dao, dây dù, dây thun, túi đựng cá.
- Bộ phụ tùng: Quần áo mặc khi câu, áo phao, quần áo ấm dùng ban đêm, áo mưa, dầu nóng, thuốc chống say sóng, bịch nilon, mền nhẹ, mũ rộng vành, oxy già, bông băng cá nhân, đèn báo hiệu, bật lửa, mứt gừng hay kẹo the, trà, cà phê hoà tan, ca nhựa, muổng nhôm,…

Nguyên Thảo

(Còn tiếp)

Các tin khác cùng chuyên mục
Chuyến du câu tất niên của Hội quán Bạn câu - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:17:05 CH
Hồ tây - thời thơ ấu - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:15:00 CH
Ếch oàng - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:14:19 CH
Đánh dấu câu lục xa bờ - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:13:36 CH
Nghề câu của dân quê - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:12:49 CH
Tuổi thơ lấm lem - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:12:00 CH
Tin mới nhận:Côn Đảo 3-7/6/2007 - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:10:27 CH
Những địa danh Hà Nội xưa - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:09:42 CH
THẢM SƯƠNG TRÊN SÔNG SKOOGUAMISH - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:05:52 CH
Ngược sông Gâm, săn cá 'tiến Vua' - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:04:15 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.