Câu cá Nóc ở quê tôi

Lời tựa : Cá Nóc, loài cá đã lấy đi bao tính mạng con người, loài cá mà các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo rộng rãi và khuyến cáo mọi người không nên sử dụng chúng để chế biến làm thức ăn như : ăn tươi, khô, làm nước mắm .v .v . Tuy nhiên, không phải tất cả các loài cá Nóc đều độc và để hiểu rõ hơn về loài cá này, xin được giới thiệu với quý vị một cách nhìn mới về loài cá này qua bài tự sự của anh Hồng Nhất để quý vị có thể hiểu hơn về một loại đặc sản của thiên nhiên ban tặng - Mạnh Cường

Khi tôi viết bài này thì những thông tin về loài cá Nóc ăn chết người đã được đăng tải rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên theo tôi được biết thì cá Nóc có rất nhiều loài, để các bạn hiểu thêm về loài cá này, tôi xin mạn phép kể về loài cá Nóc vào mùa câu ở quê tôi.

Cá Nóc đốm đen

Mùa câu cá Nóc ở quê tôi bắt đầu từ tháng Ba Âm lịch kết thúc vào giữa tháng Tám Âm lịch hàng năm. Cá Nóc ở vùng biển chúng tôi câu thường gặp có hai loại : Một loại ở sát bờ được gọi là cá Nóc Hoa, mình chúng có hoa nâu đen, trắng lẫn lộn, bụng màu trắng, sống đơn lẽ; Còn loại thứ hai sống ở ngoài khơi hơn, có màu sắc đặc trưng là lưng màu xanh, hai bên lườn màu vàng nhạt, bụng màu trắng, hàm răng chắc khoẻ và rất sắc (như răng cá Chim trắng nước ngọt).

Cá Nóc hòm tổ ong

Con trung bình khi trưởng thành to cỡ bằng cổ tay, cá biệt có những con rất to cân nặng chừng một cân. Loại cá này sống theo bầy đàn đông đúc. Trên đường đi, chúng ăn tất cả những loài gì mà chúng gặp nếu loài đó đang bị yếu thế hoặc không kịp chạy trốn. Trước đây mỗi khi thả lưới ở ngoài khơi, chúng tôi rất ngại khi cá đang mắc lưới, chưa kịp kéo lên mà gặp đàn cá Nóc đi ngang thì những chú cá đang mắc lưới sẽ bị chúng lao vào cắn phá nham nhở làm mất giá trị của cá bắt được rất nhiều. Cá Nóc rất tinh khôn nên rất ít khi mắc lưới nhưng sau này khi ngư dân có ghe lưới giã cào, cá Nóc cũng như cá loài hải sản khác trên vùng biển của chúng tôi đều giảm đi trông thấy.

Cá Nóc đầu

Bây giờ tôi xin kể cho các bạn nghe về cách câu cá Nóc mà vào thời điểm bây giờ (tức tháng Ba Âm lịch - BBT) ở quê tôi mùa câu đang bắt đầu.

Cá Nóc nhím gai dài đang ăn con cá Mú

Quê tôi, một làng ven biển nằm cạnh Quốc lộ 1A, từ làng ra biển phải đi qua một cánh đồng rộng chừng 1km (cánh đồng này chuyên trồng khoai lang, một đặc sản mà tôi sẽ kể cho các bạn nghe sau này). (Nhớ phải giữ lời hứa anh Hồng Nhất nhé - BBT)

Cổng làng Xuân Kiều - Quảng Xuân - Quảng Trạch - Quảng Bình

Rừng trâm bầu và mai trên đồi cát biển Xuân Kiều - Quảng Xuân - Quảng Trạch - Quảng Bình

Dưới tán trâm bầu và mai đó có một loại đặc sản nữa mà vào mỗi buổi sáng mùa hè, nếu không có việc gì làm thì tôi thường đi đơm chúng, đó là loại Kỳ Nhông mà ở quê tôi gọi là con Chông. Hẹn một dịp khác tôi sẽ kể cho các bạn nghe về việc đi đơm Chông như thế nào. (Nhớ phải giữ lời hứa anh Hồng Nhất nhé (Hứa lần 2) - BBT)

Để câu cá Nóc có hiệu quả, trước hết về thời tiết, trời phải lặng gió, hoặc có gió phơn Tây Nam rành hoặc gió Nồm rành, loại Nóc này rất nhạy cảm với thời tiết, nếu trời trở gió chưa đến mức nguy hiểm mới câu được còn không thì ngồi cả ngày dù mồi câu bén mấy đi nữa cũng phải về tay không. Khi trời lặng, chúng nổi trên mặt nước, trời hơi động một chút và ban ngày chúng thường ăn sát đáy.

Loài cá Nóc này chỉ ăn câu vào hai canh giờ chính trong một ngày : Buổi sáng từ khoảng 5giờ đến 7 giờ, chúng ăn nhiều nhất vào lúc mặt trời vừa bắt đầu nhô lên khỏi đường chân trời đến khi nhìn rõ mặt trời, vì vậy ai nhanh tay câu lắm cũng chỉ được chừng hơn 100 con trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó; Canh giờ thứ hai là vào buổi chiều, từ khoảng 16 giờ đến 18 giờ và cũng chỉ ăn rộ lên trong thời gian ngắn khoảng 30 phút thì dứt.

Khác thời gian đó lâu lâu mới câu được một con, chỉ ngồi chờ đến khi chúng ăn rộ tranh thủ nhanh tay chừng nào được nhiều từng đó.

Chúng tôi thường đi câu cá Nóc thành từng nhóm, mỗi nhóm thường là hai người đi trên một bè lồ ô hoặc thuyền nan.

Rừng dương (phi lao) trên bãi biển Quảng Xuân

Bè lồ ô là loại bè thường được ghép bằng 7 ống lồ ô đường kính chừng 20 cm (Lồ ô là một loại cây cùng họ với Tre, thân to, mình mỏng, rất rắn - BBT), dài chừng 6 mét đủ độ nổi để chở hai người lớn đi đánh bắt gần bờ được.

Bè lồ ô

Đây là loại phương tiện đánh bắt hải sản truyền thống của quê tôi (theo tôi có lẽ có từ thời Nguyên thuỷ ???). Không những thế đây cũng là phương tiện chủ yếu của chúng tôi vào khoảng những năm 1980 đến nay vẫn còn một ít người dùng, có cải tiến dùng phao xốp ốp ở giữa, hai bên hông vẫn dùng hai cây Lồ ô to để kẹp vào.

Bè lồ ô cải tiến dùng phao xốp ốp ở giữa

Phương tiện thứ hai là thuyền nan được đan từ tre, bên ngoài được quét một lớp nhựa đường (hắc ín).

Thuyền nan

Hồi những năm 1985 đây là loại phương tiện đánh bắt được xem là cao cấp nhất mà chúng tôi ai cũng ao ước có được một cái thuyền nan như thế để đi câu. Vì so với bè lồ ô thì thuyền nan ở đẳng cấp khác, từ điều kiện tài chính đến trình độ đi biển, vì để điều khiển ra vào bợp sóng, đi thuyền không bị ướt như đi bè. Trời hơi động một tý đi bè thường phải “cuổng trời”.

Thuyền nan trên biển Quảng Xuân

Có bè thêm hai mái chèo một đầu tròn một đầu bạt chân vịt dài cỡ 2 mét được đẽo bằng gỗ xoan già cho nhẹ nhàng là đã ra khơi vô lộng ngon lành.

Mái chèo

Lão ngư đang ngồi bên bộ đồ câu nóc

Hai cụ ông cụ bà lão ngư này thật vui vẻ trong hạnh phúc bình dị của những người sống cuộc đời thoải mái

Nhưng nhớ không quên dây neo và mỏ neo. Dây neo bằng nylon dây 25 dài 35 đên 50 mét là vừa. Ngày trước làm được mỏ neo bằng gổ hay thép đều rất sang. Phần lớn chúng tôi đều dùng một cục đá chừng 30 đên 50 kg đục hai lổ để buộc dây vào là xong. Vì loại neo này mà có lần tôi và anh bạn đi cùng bè suýt trả giá đắt khi gặp hôm trời tố giông Nam, hai anh em phải chèo cả một buổi chiều vì neo “cục đá”chỉ giúp bè nằm yên khi trời lặng, chứ trời nổi gió hơi lớn là cả bè trôi vèo vèo, thả cả neo và chèo hổ trợ neo mới không bị cuốn ra ngoài khơi xa, bữa đó cả ngày mệt nhừ tử mà chẳng có con cá nào đem về.

Neo bằng gỗ

Sau khi đã sắm được thuyền hoặc bè thì chuyện đi câu trở nên đơn giản hơn nhiều. Bây giờ nếu đi bè thì dụng cụ thứ hai là một cái oi đan bằng cật tre cao chừng 50cm, miệng cũng rộng vừa chừng để khi câu được cá dể dàng và nhanh chóng hất chúng vào trong giỏ. Vì cá khi mới câu lên chúng đang giận dữ nên hàm răng sắc như dao cạo của chúng mà bập vào mình thì vết cắn đó phải hết cả nửa tháng mới lành.

Giỏ tre đựng cá

Giỏ tre được cố định chắc chắn vào bè để nếu lỡ bè có lật chìm thì công sức lao động cả ngày của ta cũng chẳng mất. Dụng cụ thứ ba là một ống lồ ô khoét âm dương để đựng quần áo và thuốc lá, bật lửa (hồi đó đổ bằng xăng) vì đa phần dân biển đều nghiện thuốc lá nếu lỡ để ướt thuốc thì cả buổi câu năng suất sẽ giảm một nữa ngay.

Ống lồ ô để đựng đồ

Bây giờ đến dây câu và rường câu. Dây câu chừng 30 mét đến 50 mét loại dây 6 hoặc dây 7 là tốt nhất.

Rường câu

Rường câu gồm 4 bộ phận chính là thẻo câu, lưỡi câu, hòn đẳng và khóa mồi. Thẻo câu dài 50cm làm bằng dây phanh (dây thắng) xe đạp, tốt nhất là làm bằng sợi dây inox của Mỹ hay có trong máy bay ở các đại lý sắt vụn. Nhất thiết thẻo câu phải làm bằng thép vì răng cá Nóc rất sắc và khoẻ. Lưỡi câu làm bằng tăm xe đạp uốn thành hình vòng cung, đốc nhọn cao 2 cm, bán kính tầm 3 cmrồi buộc 6 lưỡi lại với nhau thành một chùm như chùm năm ngón tay theo thế ngũ trảo. Hòn đẳng làm bằng chì lá cuốn quanh thẻo câu sao cho đủ nặng để cho dây câu thẳng đứng vì ở biển nước chảy rất mạnh. Cuối cùng là khóa mồi, thường được làm bằng dây thép mềm dài 20 cm để cuốn sao ch khi cá ăn, mồi vẫn còn nguyên vẹn như vậy mới đở tốn mồi và đở tốn công mắc mồi.

Mồi câu thì quá đơn giản loại gì cũng được nhưng cá Nóc thích nhất lại là mồi nhái đồng. Nếu có no mấy hoặc có thương tích đầy mình do dính câu nhiều lần chúng cũng không thể cưỡng lại được sự quyến rũ của món mồi nhái này.

Sau khi câu được con đầu tiên thì ta xẻ luôn thịt nó để câu con thứ hai, thứ ba . . . Khi chúng đã ăn rộ thì cần rất ít mồi vì chúng đang mãi lo dành nhau để ăn nên không để ý đến lưỡi câu đang nằm phía dưới con mồi chừng 5 cm, khi cá ăn nghe cảm giác rung nhẹ ở ngón tay cầm dây cước khi đó ta sẽ giật mạnh dây câu cho lưỡi câu đóng vào thân cá đang bơi ở trên. Dùng hai tay lôi con cá đã mắc lưỡi câu lên mà trong lòng trào dâng một cảm giác khó tả . . . Khi lên khỏi mặt nước chúng phình to bụng lên kêu ộp ộp và tha hồ vùng vẫy trong giỏ. Thả câu chạm đáy nghe chùng dây lôi lên chừng 50 cm là điểm đáy ăn của cá Nóc. Khi có cảm giác cá ăn lôi lên từ từ, thả nhanh xuống rồi giật mạnh thể nào con cá cũng bị dính câu. Lúc này phải nhanh chóng lôi chúng lên khỏi mặt nước nếu chỉ chậm một tý là chúng sổng ngay.

Nhưng người mới đi câu lần đầu đều có cảm giác “chỉ rối như tơ vò”, may lắm một buổi câu chỉ được 5 đến 10 con. Để câu thành thạo có khi phải mất cả tuần và nếu bạn không say sóng thì coi như được biết thêm một món câu cho vui phải không các bạn.

Một việc rất khó khăn trong quá trình đi câu cá Nóc đó là hôm nào biển hơi động, các bạn phải có kinh nghiệm mới vượt qua được các bậc sóng bổ. Từ mép bờ biển ra đến bợp sóng chừng 30 mét bạn phải bơi thật nhanh để vượt qua được, nếu không kịp cả người, đồ câu và bè của bạn sẽ lập tức bị vùi trong sóng biển. Như vậy bạn đã bỏ lỡ một buổi câu rồi đó. Kinh nghiệm là chú ý chờ sóng lớn bổ xuống xong, thường là theo quy luật 2 đến 4 con sóng lớn sẽ đến 7 – 8 cơn sóng nhỏ hơn, tiếp theo là 9 – 12 cơn sóng nhỏ nhất sau đó là khoảng lặng 10 đến 12 phút, đây là thời điểm lý tưởng nhất để vượt sóng ra khơi.

Bợp sóng cần phải có kinh nghiệm mới vượt qua được dể dàng

Bây giờ bàn đến thịt cá Nóc. Thịt cá Nóc ăn ít ngán, nấu giả cầy ăn có vị chua ngọt ăn đến no thì thôi. Ngày trước chúng tôi làm rất nhiều món từ thịt cá Nóc để chén, nay đài, báo nói nhiều về cá Nóc độc nhiều lúc muốn ăn cũng ngần ngại. Trước đây cầu nhiều đưa về nhà được khen, bây giờ đưa về nhà liền bị bắt trả lại. Ai đâu biết rằng tuổi thơ của tôi đã từng mơ ước được ăn cơm không (cơm trắng không độn khoai sắn) với cá Nóc kho. Kể như bây giờ ngồi hầu bạn đọc thấy vui và thèm ứa nước miếng về một món ăn đã nuôi tôi khôn lớn.

T.B : Nếu bạn nào muốn biết vớt mực thế nào xin theo dõi các bản tin tiếp theo nhé. (Hứa lần thứ 3 anh Nhất nhé - BBT)

Anh Hồng Nhất bên một cây cảnh cổ thụ

(Bài : Hồng Nhất - Ảnh minh họa : Anh Vũ, Võ Thắng)
__________________
Web CAUCAQUANGBINH.COM
Các tin khác cùng chuyên mục
Câu cá Sông Gianh ngày Chủ Nhật - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:52:39 CH
Đi câu cá Lóc - gặp cá Nhoái ở Quảng Phúc - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:51:20 CH
Lý nhơn - đi "PHÊ" về nhớ (Phần 3) - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:47:55 CH
Lý nhơn - đi "PHÊ" về nhớ (Phần 2) - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:46:45 CH
Lý nhơn - đi "...Phê" về nhớ - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:45:49 CH
Xôn xao sóng nước Lý Nhơn (Phần III) - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:41:08 CH
Xôn xao sóng nước Lý Nhơn (Phần II) - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:31:47 CH
Đảo Tím (Phần V) - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:31:05 CH
Đảo Tím (Phần III) - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:30:14 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.