Soi cá

Người xưa thường nói nghề soi cá là một nghề hạ bạc: Nhất đâm hà bá, nhì phá sơn lâm, sớm muộn gì rồi cũng phải giải nghệ, nghèo lại hoàn nghèo. Ấy vậy mà, ở nhiều vùng nông thôn hiện nay, nghề "săn hà bá" trở thành một nghề kiếm sống chuyên nghiệp của không ít hộ nông dân. Ngày qua ngày, họ tẩn mẩn với những thứ công cụ không thể không có như: Chĩa, đèn pha, bình ắc qui, đục, giỏ xách,... xem chúng như là người bạn thân thiết trên mỗi bước đường mưu sinh.

Tôi không phải là người soi cá chuyên nghiệp, nhưng tuổi thơ tôi đã có nhiều lần theo cha rong ruổi trên đồng trong những đêm trời không trăng để chiêm nghiệm về nghề. Cha tôi nói, người nào sát cá mới kiếm được cá, còn tôi không sát cá nên chỉ lẽo đẽo theo sau để mang giỏ, mang đục. Đi soi cá phải đi vào những khúc sông, bờ ruộng vắng vẻ, ít người lui tới, hay ít ra chưa ai qua trước mình, nên cha tôi thường dẫn tôi đi vào những đám ruộng hoang, hoặc gần khu nghĩa địa. Mỗi lần qua những chỗ đó, chân tôi như quíu lại, tim đập thình thịch. Nhiều đêm trời rỉ rả mưa, sấm chớp liên hồi, tôi càng lo sợ, nhưng nhất quyết không chịu ở nhà. Vào cuối mùa lũ, khi trên ruộng nước còn xăm xắp cũng là lúc cá tập trung nhiều, đi soi không biết chán, chỉ có điều vì sợ ma nên cảm giác tiếng khua nước bì bõm sau lưng như tiếng ai đang thúc giục, nghe rờn rợn. Nhiều lúc vác chĩa trên vai, tôi phải thoi thoi ra phía sau lưng đề phòng \'con ma\' tấn công. Quả là dại tính, nếu lỡ có ai thình lình đi tới, chắc chắn sẽ bị lãnh đủ 7 mũi chĩa vào trán một cách bất ngờ mà không kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Nghề soi có lắm điều thú vị, nhưng cũng không kém phần gian nan, vất vả, vừa phải lặn lội nơi "thâm sơn cùng cốc", vừa phải thức trắng đêm, có lúc phải dầm mưa, đội sấm, đội chớp. Đó là chưa kể đến việc sắm sửa bộ đồ nghề sao cho thích hợp để có được nhiều cá, soi trên đồng ruộng thì bộ đồ nghề phải khác so với khi đi soi trên kinh rạch. Nhưng một thứ không thể thiếu là chiếc đèn pha và chiếc bình ắc qui. Đèn pha phải là loại có chụp gom ánh sáng và phải là thứ ánh sáng trắng xanh, thường phải đeo trước trán để ánh sáng đi thẳng về phía trước giống như đèn của công nhân khai thác mỏ. Bình ắc qui thông thường là loại 6 vôn hoặc 8 vôn, nếu đi soi trên ruộng thì phải dùng túi vải đeo bình trên lưng, nếu đi soi dưới kinh thì bình sẽ được đặt dưới gầm xuồng. Bộ chĩa soi cá thông thường là chĩa chùm 7 mũi hoặc 5 mũi, kích cỡ mũi chĩa tùy theo chủ ý của người đi soi, nếu muốn soi cá lớn thì dùng chĩa mũi lớn và dài, ngược lại muốn soi cá nhỏ thì dùng chĩa mũi nhỏ và ngắn, nhưng các loại chĩa đều phải có mũi bén và nhọn. Người đi soi chuyên nghiệp thường họ mang theo cả hai loại chĩa trên để tiện khi gặp \'đối tượng\' nào thì sử dụng \'hung khí\' ấy. Muốn soi cá lớn thì phải ra sông, kinh rạch hoặc đi vào những chỗ đầm lầy ít người lui tới. Soi cá trên sông thì phải sử dụng phương tiện là xuồng ba lá, người cầm chĩa thì đứng trước mũi, người còn lại cầm lái và có nhiệm vụ bơi chầm chậm, đảm bảo xuồng lướt êm không gây tiếng động. Phải công nhận rằng, chỉ có con nhà nghề mới có thể đứng vững trên chóp mũi xuồng tròng trành như vậy mà không hề té ngã, trừ trường hợp người cầm lái lơ đễnh để lái xuồng va vào gốc cây thì dù có thánh cũng không tránh khỏi nhào xuống sông. Vào ban đêm, cá thường ngủ cặp mé bờ, cho nên xuồng đi soi không ai dại lại bơi ra giữa dòng. Con cá lóc rất kỹ tính nên hay ngụy trang dưới cỏ hoặc nấp sau bụi rong; cá trê lại thích bơi theo đàn có khi cả chục con, chúng bơi sát đất và tập trung nhiều ở những miệng cống có nước ra vào thường xuyên; con cá rô, cá sặt khi gặp ánh đèn chiếu sáng thì nằm im re, chỉ cần nhanh tay \'phập\' một phát là chúng tiêu đời. Đi soi bằng xuồng đòi hỏi người soi phải nhanh tay, lẹ mắt, nếu chậm một chút thì xuồng lướt tới, con cá sẽ chuồn mất. Dù khó khăn như vậy, nhưng đối với người đi soi chuyên nghiệp thì mười con như một, ít khi bị sẩy. Độc đáo hơn, để đi soi được nhiều khúc sông trong đêm, bây giờ người ta còn dùng loại máy đuôi tôm hiệu Honda gắn trên xuồng ba lá chạy chầm chậm êm như ru, vừa chạy vừa soi, con cá nào xui xẻo gặp những tay thiện xạ như thế thì coi như chầu trời không kịp ngáp.

Đi soi trên ruộng thì đơn giản hơn nhiều. Tuy nhiên, nước trên ruộng thì ít lại thường không trong trẻo lắm, cho nên người đi soi phải căng mắt ra tìm kiếm. Vả lại, nếu lội xuống ruộng thì cũng phải lội sao cho nhè nhẹ, tránh bước chân nghe \'xồn xộn\', nếu không cá sẽ chạy mất.

Thời điểm tháng 10, 11 âm lịch là mùa đi soi cá trên sông sôi động nhất, người ta hy vọng kiếm thật nhiều cá lóc để làm khô bán Tết, những loại cá vụn vặt như cá rô, cá trê, lươn,... thì làm khô để dành ăn, có khi đem ra đãi khách nhâm nhi mấy ngày xuân hổng chừng được khen là... đặc sản.

Cách nay khoảng 2 thập niên, người ta còn sử dụng đèn khí đá đi soi, có khi là đèn măng - xông, hoặc chỉ là chiếc đèn dầu leo lét nên sản phẩm thu được hiếm khi là cá, mà chủ yếu là rắn, lươn, ếch, nhái... Thế nhưng, đời sống người dân nông thôn thoải mái hơn bây giờ nhiều. Của tự nhiên, nếu khai thác mãi mà không có biện pháp bảo vệ, thì sớm muộn gì cũng cạn kiệt. Về sau, người đi soi đông dần và con ếch, con nhái cũng thưa dần tiếng kêu gọi bạn vào những đêm mưa. Người ta chuyển hướng qua soi cá với nhiều kiểu soi tận diệt, con cá lóc đồng cũng không kịp lớn.

Hậu hỉ Tết nầy mời bạn ghé quê tôi, bên mâm cỗ mấy ngày xuân còn có thêm món khô cá lóc, cá sặt trộn gỏi xoài sống để có thể ngồi bên nhau nhâm nhi mà kể chuyện soi cá, bắt ếch miệt đồng. Bạn sẽ cảm nhận thêm hương vị mộc mạc mà đầm ấm của những ngày xuân thôn dã.

Tác giả:NHẬT LINH - Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang
Các tin khác cùng chuyên mục
Thú câu đầm - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 9:32:37 SA
Sống thật - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 9:28:11 SA
Sống thật (tiếp theo và hết) - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 9:27:45 SA
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.