Sả là loại cây sống lâu năm, mọc thành bụi cao 0,8-1,5 m. Ở vùng đất có độ ẩm cao, ráo, ít nước, sả có thể cao gần 2 m. Thân, rễ màu trắng tím. Lá giống lá lúa. Cụm hoa có nhiều bông nhỏ không cuống. Toàn cây sả có mùi thơm rất đặc biệt.
Hầu hết các loại sả đều có thể trồng làm thuốc. Sả phát triển tốt ở nơi đất xốp, thô, có độ ẩm cao, chịu mát và ít nước, mỗi tháng chỉ 2-3 lần tưới. Trồng sả đại trà phải đúng kỹ thuật, nếu trồng dày sẽ gây thiếu ánh sáng quang hợp, trồng thưa sẽ bị cỏ xâm lấn, hút hết “đạm” trong lòng đất, lá sả sẽ khô, còi, sâu, vàng úa. Cách trồng đem lại hiệu quả cao nhất là nên trồng hàng cách hàng 0,8 m cây cách cây 0,7m.
Tinh dầu sả có khả năng hỗ trợ tiêu hóa. Để chữa ăn chậm tiêu, đầy bụng, buồn nôn, nôn mửa hay kích thích trung tiện, có thể uống 3-4 giọt tinh dầu sả với nước đun sôi để nguội. Tinh dầu này cũng được dùng làm thuốc diệt trừ muỗi, tẩy mùi hôi trong hồi sức cấp cứu tích cực ở các bệnh viện và những nơi bị ô nhiễm môi trường độc hại…
Lá sả dùng pha nước uống cho mát, chóng tiêu hóa thức ăn, thông tiểu tiện, chữa cảm sốt (cảm cúm), ngày dùng 15-30 g củ hoặc lá.
Lá sả cùng với lá tía tô, bạc hà, chanh, trắc bách diệp, ngải cứu, lá bưởi... dùng làm nồi lá xông rất tốt, vừa rẻ tiền, vừa có tác dụng giải cảm rất hiệu quả và không gây tác dụng phụ nào.
(Theo
Sức Khỏe & Đời Sống)