TẾT VIỆT KỂ CHUYỆN ĐI CÂU TÊT THÁI
(Phần I)
Tháng 10/2002 tôi đường hoàng nhập cảnh Thái lan với mục đích rất danh chính ngôn thuận ghi trong visa : Nghiên cứu sinh.
Gần 1 năm sau tôi rời Thái về Nhật với hành lý gồm 1 gói 7 kg dán nhãn RESEARCHING FILE (Tài liệu nghiên cứu) và 1 thùng 17 kg dán nhãn FISHING FILE (Tài liệu...Câu Cá ), tư thế đường hoàng ngày xưa được thay bằng thái độ lấm lét kế bên ông giáo sư nghiêm khắc nổi tiếng, chỉ cần ông hỏi nhẹ 1 câu Cô nghiên cứu gì suốt 1 năm qua?, chắc chắn hồn vía tôi sẽ du lịch lên 9 tầng mây.
Dù sao thì tôi cũng thoát nạn hôm đó nhưng mặc cảm tội lỗi khiến tôi đêm quên ăn, ngày quên ngủ, luôn lo lắng cho số tài sản cá Lóc vơ vét được trong 1 năm ở Thái sớm muộn gì cũng bị đấu tố trước Hội đồng nghiên cứu, nên hôm nay không có giáo sư khó tính ở bên cạnh, tôi tranh thủ tay xách nách mang mấy con cá Lóc này chạy tọt vào đây nhờ các bác giữ giúp. Tôi xin kể rõ lai lịch chúng để cả nhà yên tâm không phải của gian, hàng giả ạ.
Khác với Tháng Giêng là tháng ăn chơi của người Việt, người Thái ăn chơi vào tháng Tư với lễ hội tạt nước SongKran nổi tiếng (Tết cổ truyền của họ). Các trường học, công sở đều được nghỉ trọn 3 đến 5 ngày để tạt nước vào nhau mệt nghỉ. Lũ sinh viên ngoại quốc chúng tôi tuy chẳng dây mơ rễ má gì cũng được nghỉ ăn theo, khỏi nói cũng biết tôi vui mừng ra sao rồi, lần đầu tiên được ăn 3 cái Tết trong cùng 1 năm mà.
Vào ngày đầu năm (đúng ra là ngày 12/4), tôi cùng mấy người bạn nước khác kéo nhau ra Khaosan Road (Khu Tây Balo của Bangkok), hòa vào dòng người tứ xứ rộn rã chúc tụng nhau, hăm hở trét bột vào mặt vào đầu nhau và nhiệt tình... tạt nước nhau cho đến khi vũ trụ lên đèn mới nghĩ tới chuyện ra về.
( Nước ơi là nước, Mỹ nhân không bỏ, cảnh sát không tha!)
Nhưng Chưa đi chưa biết xứ đông, đi rồi sao khổ thân ông thế này.... Lễ hội luôn làm người ta ngấm vui nhanh, đồng thời ngấm mệt cũng nhanh không kém. Tôi lết được cái thân ướt như chuột lột dính đầy bột về đến trường cũng là lúc mắt mờ chân mỏi vì lạnh, vì đói, vì ham vui quá trớn... Biết chắc không thể tiếp tục cuộc vui tạt nước lạnh này đến hết Tết, tôi quyết định sẽ đi câu xa vào những ngày nghỉ còn lại (dù chưa biết đi đâu).
Đó là 1 quyết định bốc đồng trong tích tắc, nhưng không ngờ nó là mở đầu cho 1 chuyến đi câu nhớ đời với bao điều bất ngờ nối tiếp bất ngờ, ngẫu nhiên nối tiếp ngẫu nhiên để đến giờ tôi vẫn tưởng nó chỉ mới vừa diễn ra ngày hôm qua.
Thiệt đó nha. Khi tôi vừa quyết định xong thì 1 bóng đen thập thò trước cửa phòng, tôi đứng tim tưởng trộm nhưng đã kịp tự trấn an: Kẻ trộm mà chọn lầm phòng sinh viên nghèo để đột nhập thì không cận thị chắc cũng là người vui tính, chẳng có gì phải sợ. Ai dè đó là anh bạn đồng khoá người Trung Quốc tên Mã Khiết qua chơi, ngồi chưa nóng chỗ hắn ấp úng: Bạn gái của mình chê mình Con trai mọt sách, chẳng biết môn giải trí nào ra trò, chán! Mình thấy cậu đi câu cũng hay hay, lần sau khi nào đi câu thì gọi mình nhé, Mình đã mua 1 cái cần câu rồi, ráng câu mấy chục con cho cô ấy nể! Tôi ngẩn tò te chưa biết trả lời sao, người ta đi câu vì vui, vì buồn, vì đam mê tôi đã từng nghe, còn lý do đi câu hòng đoạt giải phong cách trong mắt bạn gái như Mã Khiết tôi mới nghe lần đầu. Nhưng dĩ nhiên là tôi rất vui vì đạo câu sắp có thêm 1 tín đồ. Tôi hỏi hắn có chịu đi trong Tết không, nào ngờ Mã Khiết gật đầu cái rụp, chập ngón tay trỏ và cái lại, ô-kế ô-kề với tôi như Tây. Anh chạy về phòng đem chiếc cần câu ra khoe với tôi, tôi bật ngửa không thốt nên lời, hắn mua loại cần dành cho con nít mới tập câu, trời ạ! Và Mã Khiết đến với bài học Nhập môn đầu tiên về cần câu...
Lần này đi cùng Mã Khiết (là người mới tập câu) lại vào dịp nghỉ lễ, nên khó mà kiếm được chỗ câu phù hợp cho lính mới hay thuê được xe, tôi liền nghĩ ngay đến các Hướng dẫn viên câu cá và đó là lần đầu tiên tôi truy cập vào website của Shige. Không ngờ ở đây, tôi gặp 1 câu chuyện cảm động khó quên mà không thể không thông báo khẩn đến các nữ cần thủ Việt Nam. Số là đang mò mẫm thông tin về fishing tour tại Thái Lan bằng tiếng Nhật ở trang web này, tôi vô tình click vào khung thông tin cá nhân của Shige, ngạc nhiên khi thấy thấp thoáng 4 chữ BE-TO-NA-MU (Việt Nam), tưởng trông gà hoá cuốc, tôi cẩn thận đọc lại thì lặng người đi vì tự hào khi Shige viết: Tôi rất yêu cái đẹp Đông Á, đặc biệt là nét đẹp của tà áo dài Việt Nam. Tôi như trẻ lại khi nhìn các em nữ sinh Việt Nam tươi tắn trong bộ đồng phục áo dài trắng tinh từ vai xuống đến gót chân, tôi vô cùng yêu mến cảnh tan tầm của phụ nữ VN, họ tất bật, hối hả nhưng vẫn rất dịu dàng, thanh thoát trong những tà áo dài nhiều màu sắc. Theo tôi, áo dài VN là bộ trang phục dân tộc đẹp nhất thế giới. Không chần chờ 1 giây, tôi gọi ngay cho Shige để đặt tour dù chưa xem thông tin về giá tour của anh (Khổ, được tâng bốc mấy chữ mà mừng quýnh quáng vậy đó). Đầu dây bên kia, Shige chưa hết ngạc nhiên vì nghe giọng người nước ngoài nói tiếng Nhật, là nữ lại muốn đi câu vào ngày Tết, đang học ở Thái nhưng là người Việt Nam... thì đầu dây bên này tôi cũng sửng sốt không kém khi Shige rộn rã: Con gái VN hả? Giảm giá một nửa nếu bạn cho phép chúng tôi (vợ chồng Shige) được chiêm ngưỡng bạn mặc áo dài. Tôi hỏi lại Anh nói đùa, nói chơi hay nói giỡn vậy? , thì Shige đã cắt ngang gọn lỏn Nói thiệt!. Quá sức vui mừng vì phi vụ ăn vàng trả khế này, tôi bắt chước Mã Khiết lúc nãy, hét thật to 2 chữ Ô-KÊ vào điện thoại, như sợ Shige nghe không rõ sắp đổi ý đến nơi.
Sau đó Shige gợi ý nên đi câu cá Lóc Bông ở Khaoleam vì tháng 4 là mùa dễ câu, tuy cá câu được là cá nhỏ nhưng được nhiều, vậy sẽ lên tinh thần cho người mới tập câu như Mã Khiết. Chúng tôi đồng ý liền, mặc dù theo sách vở thì tôi vẫn thích đi câu cá lóc Bông vào tháng 9 hơn.
Bất ngờ nối tiếp bất ngờ, đúng 20' sau, trời xui đất khiến hay sao mà anh chàng lãng tử Sopak, người bạn Thái thân thiết của tôi, cũng phone rủ có đi câu cá với anh không? Anh nói năm rồi gia đình có nhiều chuyện không vui lắm nên đầu năm muốn đi câu cá giải hạn (Trời, bộ sưu tập Lý do câu cá của tôi trong 1 ngày mà phong phú hẳn).
Tôi không chờ anh Sopak giải thích hết, tôi gọi nóng cho Shige và quyết định khởi hành ngay sáng sớm ngày mai phần vì cơn nghiện câu không có thuốc giải, phần vì chỉ còn đúng 4 ngày nghỉ Tết mà thôi. Tôi chuẩn bị suốt đêm cho buổi đi câu đầu xuân trong tâm trạng phấn chấn lạ thường, bởi ngoài 4 thứ quan trọng cần, mồi , dây, máy như những lần đi câu trước đây, lần này không thể thiếu... chiếc áo dài.(Hic, Hic)
(Chuẩn bị lên đường)
5h sáng hôm sau, bà con đã tập trung đầy đủ trước Ký Túc Xá của tôi, sau màn giới thiệu khách sáo qua lại, cả nhóm lom khom chui vào xe diễn cảnh 5 anh em trên 1 chiếc... NISSAN (tính luôn bác tài), mà đâu phải Nissan bình thường, 4 thành viên Nhật, Trung, Việt, Thái, cộng thêm bác tài gốc Mã Lai đủ biến thành chuyến xe của Hợp chủng quốc” còn gì?
Khaoleam cách Bangkok 6 tiếng lái xe, nhưng đường đi như ngắn lại khi chúng tôi say mê kể cho nhau nghe về cuộc sống, con người, văn hóa của nước mình bằng ngôn ngữ Đa quốc gia. Với Mã Khiết là những câu chuyện về cuộc sống như mơ của gia đình anh nơi đất Tàu xa xăm (Nghe bạn bè kháo papa hắn là VIP bự của Thượng Hải thì phải); Với Shige là câu chuyện cười ra nước mắt trong cuộc tình không biên giới với người vợ Thái; Đến Sopak là những thước phim bằng lời hết sức ly kỳ về những làng chài trên vùng sông nước Thái Lan; Cả bác tài cũng góp vốn bằng những câu chuyện mưu sinh nhọc nhằn của người ngụ cư Mã Lai trên đất Thái; Còn tôi (nhờ hưởng chút hương hỏa ông bà) nên may mắn từng đến cả 4 vùng chiến thuật, quê hương của những người bạn đồng hành thì kể cho họ nghe về ấn tượng đầu tiên của tôi đối với đất nước họ.
Những câu chuyện xuyên lục địa tạm dừng giữa chừng khi chúng tôi đến Kanchanaburi (Cách Bangkok khoảng 130km), là 1 địa danh lịch sử ấn tượng không kém gì Điện Biên Phủ của nước chúng ta. Nếu các bạn đã từng xem bộ phim Cầu trên sông Kwai - The bridge on the River Kwai, bạn sẽ như 5 Cư dân Hợp chủng quốc chúng tôi (hay ít nhất như tôi và M. Khiết), đều muốn tận mắt nhìn cầu Kwai và Tuyến đường sắt Chết (River Kwai và Death Railway), chứng tích ghi dấu quá khứ đẫm máu của các tù binh chiến tranh bị quân đội Nhật bắt trong thế chiến thứ 2.
(Cầu trên sông Kwai)
Nói gì thì nói, tôi cũng phải khai thiệt 1 nỗi, cứ chỗ nào có sông là tôi liên tưởng tới có cá, mà tưởng có cá thì cái đầu bắt phải nghĩ ra cách câu... vậy mới có chuyện chân đặt trên cầu Kwai, tay rờ vào Đường ray Chết mà mắt tôi thì như bị thôi miên bởi dòng nước chảy xiết của sông Kwai. Và bạn biết tôi thấy gì không? Hình ảnh lũ cá quẫy đuôi lấp loáng dưới sông men theo những chân cầu... Mã Khiết dường như cũng vừa phát hiện cảnh tương tự, lắc vai tôi chỉ chỏ...
(Bạn có nhìn thấy cá dưới chân cầu không?)
Không thể tin được nơi du lịch dập dìu ông đi qua, bà đi lại như vầy mà nhiều cá quá chừng, quay ra nhìn 3 gương mặt tỉnh bơ của Sopak, Shige và bác tài khiến tôi và Mã Khiết bán tín bán nghi kéo tay Sopak hỏi rối rít: Cá dưới sông Kwai này nhiều thiệt vậy sao? Sopak đủng đỉnh cho biết Ừ, là cá đó. Cá sông Kwai rất nhiều, rất khỏe nhưng chính phủ cấm tuyệt đối không cho câu ở khúc sông này (1), giọng anh bình thản nhưng khiến 4 gương mặt Mã Lai, Nhật, Trung, Việt chuyển hệ ngay lập tức (Viết theo thứ tự alphabet cho tên quốc gia để mọi người dễ tra từ điển (Hi, Hi)). Bác tài thì không mê câu mà tự dưng được update thông tin miễn phí như vầy thì gật gù rất đắc ý. Shige giữ thái độ tỉnh bơ bởi anh là guide câu cá thứ thiệt nên đối với anh thông tin mà Sopak vừa cho hay thuộc dạng Xưa hơn Diễm. Mã Khiết thì vò đầu bứt tóc tiếc cho cơn mơ hoang đường Câu mấy chục con cá cho bạn gái nể tan thành mây khói. Riêng tôi thì Không tin được dù đó là sự thật nên ráng vớt vát bằng cách lân la hỏi dò 1 người địa phương bán hàng gần đó để kiểm chứng lời Sopak, nào ngờ ông hàng xén trông phúc hậu như bụt mà khi nghe tôi hỏi thăm về cá sông Kwai liền nghiêm mặt, đổi giọng lạnh lùng cảnh báo: Đúng rồi, nhiều cá lắm nhưng mà không được câu, không được đâu nhé. Tôi giả đò như không hiểu ý nhưng miệng thì lắp bắp Em chã, em chã, chân vội rút lui về phía phe ta trước khi BỤT kịp nổi giận. Sopak nhìn tôi cười ra vẻ đắc thắng, tôi biết thân biết phận lặng thinh theo sau cả bọn quay lại xe. Và mọi rắc rối cho bắt đầu từ đây.
Vừa đến bãi đậu xe, 5 thành viên chúng tôi mặt cắt không còn giọt máu khi thấy cửa kiếng xe đã hạ xuống từ lúc nào, không nói không rằng tất cả ùa lên xe (Lúc đó tôi chẳng còn tâm trí đâu mà nhớ bài học liên quan đến giữ nguyên hiện trường mà tôi từng được 10 điểm... lý thuyết). Mọi người thở phào khi thấy túi xách, cần câu của họ còn nguyên vẹn, trừ tôi. Vì chỗ ngồi ngay gần cửa xe nên trên đường đi, tôi đã hạ kính xe xuống cho mát, khi đến đây sơ ý không khép cửa kính lại, để xảy ra chuyện gậy ông đập lưng ông, chiếc túi đựng toàn bộ dụng cụ đi câu của tôi (thêm 2 chiếc cần tôi đem theo định cho Mã Khiết mượn) bốc hơi không hẹn ngày về. Tôi giậm chân kêu trời và gọi tất cả các ông thần bà thánh mà tôi biết tên ra để bán than. Tới mất cắp mà cũng LADY FIRST (Ưu tiên phụ nữ)! Sau 5 phút lần lượt an ủi tôi, mọi người quyết định quay về hẹn nhau qua Tết kiếm dịp khác đi câu tiếp, tôi cảm thấy áy náy vì mình là nguyên nhân phá sản kế hoạch đầu năm của mọi người, nhất là lời hứa với Mã Khiết ... Ráng bình tĩnh, tôi cho rằng mình vẫn còn may mắn vì các giấy tờ tùy thân quan trọng và vài đồng tiền Thái đựng trong túi bao tử đeo trước bụng không bị sứt mẻ tí nào (Tôi bắt chước kiểu giữ tiền này của mấy người Việt kiều từ lâu rồi, bữa nay mới thấy hữu dụng), mọi người cười như mếu thương cảm cho tôi. Mã Khiết hứa sẽ Hỗ trợ tiền bạc cho tôi nếu tiếp tục đi Khaoleam (Chỗ này mới thấy rõ cái sâu sắc của người Tàu, dùng từ đa nghĩa như vầy ai biết được hắn định cho mượn hay cho luôn, nhưng thây kệ, tôi cứ vui vì Tiền lưng sẵn có việc gì chẳng xong trước đã, còn khả năng chi trả sau này thì ... hậu xét. Lần đầu tiên tôi mới thấy hiệu quả khi chơi với bạn nhà giàu (Hic) Cuối cùng tất cả đều tiếp tục cuộc hành trình.
Suốt quãng đường còn lại cho tới khi đến Khaoleam (và cả bây giờ), tôi vẫn mong mỏi 1 điều, không phải là mong châu về hợp phố với mấy túi hành lý dụng cụ câu đó, mà mong tên ăn trộm cũng là 1 kẻ... mê câu, có như vậy số cần, mồi, dây, máy mà tôi luôn tự hào vì được sở hữu chúng may ra mới thoát khỏi cảnh rượu quý trong tay phàm phu... .
Chúng tôi tới Khaoleam lúc 1h trưa. Shige dẫn cả nhóm đến trọ trong khu nhà nổi mà chủ nhân của nó là người sẽ chở chúng tôi đi câu. Sopak hình như nhận ra điều gì đó, anh tỏ ý vui mừng với Shige bằng tiếng Thái (Nói nhanh quá tôi nghe không kịp, mà có kịp cũng chưa chắc hiểu) Tôi quay ra đánh vần dòng chữ Thái trên tấm biển dựng ngay cổng ra vào: Ở đây xin hầu chuyện và trao đổi với quý vị bất cứ vấn đề nào liên quan đến Báu vật quốc gia - CÁ LÓC BÔNG. Miễn phí. Tôi chưa kịp phân loại đây là 1 câu khẩu hiệu, 1 lời chào khách, hay 1 đoạn quảng cáo nhưng chắc chắn chủ nhân khu nhà bè này phải là người cá tính... thì 1 người đàn ông lớn tuổi ra chào, vừa thấy ông tôi chỉ kịp A lên 1 tiếng rồi nhào tới bắt tay ông... thắm thiết. Đó là già làng SanOpk của khu đầm Khaoleam. Nhưng tôi biết tiếng ông không phải về chức vụ chính quyền này, mà là biết về 1 cao thủ về câu cá Lóc Bông bằng mồi giả, 1 con người lăn lộn cả đời để bảo vệ giống Cá Lóc Bông Thái Lan. Gương mặt phúc hậu nhưng cương nghị của ông tôi gặp hoài trên các tạp chí câu cá Thái Lan, không ngờ hôm nay được tay bắt mặt mừng với người thật bằng xương bằng thịt ở chốn khỉ ho cò gáy này, 1 cuộc hội ngộ thú vị. Tôi gắng sức vận dụng vốn liếng tiếng Thái nghèo nàn (sắp rớt mồng tơi) của mình để cố giải thích cho ông SanOpk hiểu tôi ngưỡng mộ ông như thế nào... , ông nở nụ cười hiền lành nhưng rạng rỡ, hỏi tôi có mê câu cá không mà biết nhiều về ông vậy? Sao đi với nhóm Shige? Đi theo chơi cho biết khu Khaoleam hay đi xem họ câu cá... Tự nhiên tôi chưng hửng, nhìn lại bộ dạng của mình mới sực nhớ ra... có ai đi câu mà an nhàn như tôi không? Từ trên xuống dưới không mồi, không cần... chỉ có 1 túi xốp đựng bộ áo dài và đôi gìày cao gót?!. Tôi khổ sở tường thuật lại vụ trộm ban sáng và tranh thủ mượn... đồ nghề của ông SanOpk cho tôi và Mã Khiết, ông nhún vai Không thành vấn đề làm tôi thở phào nhẹ nhõm (Chắc không ai vô duyên như tôi hết, mới gặp lần đầu lại ngay ngày Tết mà đã đi mượn mõ).
(Một góc đầm Khao Leam)
Chúng tôi tỏa về phòng trọ để nghỉ ngơi 1 chút lấy sức cho buổi câu đầu tiên chiều nay. Xin kể thêm 1 mẩu chuyện vui nho nhỏ về những phòng trọ dành cho khách đi câu trong khuôn viên của già làng SanOpk. Đó là những ổ tò vò bé xíu nổi dập dềnh trên sóng nước do bè tre, nứa ghép lại, bởi vậy suốt 4 ngày trọ tại đây, tôi được tận hưởng (dù không muốn hưởng) cảm giác lắc lư chao đảo như người say mỗi khi có thuyền lớn đi qua. Tôi hỏi Shige: Nhớ động đất Nhật hay sao mà lấy động nước Thái thay thế vậy?” Hắn dõng dạc đáp (bằng tiếng Việt nhé): “Không, mô hình sống chung với lũ!” (À há, tôi nhớ ra Shige kể đã từng lăn lộn hơn nửa năm vùng Đồng bằng Sông Cửu Long của VN... hèn chi anh ta ứng khẩu nhanh như trạng. Coi như có vay có trả, tôi mượn tiếng Nhật của hắn, hắn vay tiếng Việt của tôi)
Khoảng 4h chiều, nắng bắt đầu phai dần, Shige tập trung chúng tôi lại để xuất quân. Sopak & tôi ngồi chung 1 thuyền do anh Et (Con trai ông SanOpk) lái. Shige & Mã Khiết ngồi thuyền của ông SanOpk (Ưu tiên người mới mà). 2 chiếc thuyền máy xé gió đi ngược về hướng Tây, ông SanOpk giải thích bởi cá Lóc Bông thường tập trung dưới bóng râm của cây, như vậy thuận chiều chúng tôi quăng mồi từ hướng Đông lại.
Hơn 20 phút, từ nhà trọ đến điểm câu bằng đường sông, tôi được ngắm no mắt cảnh vật hoang sơ của thiên nhiên đầm Khaoleam. Tuy nơi đây thuộc dạng thâm sơn cùng cốc, rất héo lánh, gần biên giới Myanmar (Miến Điện) nhưng lại là nơi khá hấp dẫn đối với tôi bởi non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình... Dọc theo dòng sông dẫn vào đầm, tôi nhận thấy có rất nhiều công trình kiến trúc chùa chiền mang đậm dấu ấn của sự giao thoa văn hoá Thái - Miến... Tôi sắp bị Khaoleam mê hoặc mất rồi!
Ghi chú: (1) Đó là thông tin cách đây 3 năm rồi, chứ từ tháng 10/2004 chính quyền địa phương đã cho phép đánh bắt cá trở lại, và thông tin mới nhất là cá ở khu vực này đã ... hoàn toàn sạch nhẵn.
(Còn tiếp)
NGhiêm Cẩm vân