Vâng ! Đúng là lâu lắm rồi ! Đó chỉ còn là một Thời Xa Vắng .
Đến nay nghe đâu chỉ còn Ninh Bình, Hà Nam, Sóc Sơn, Phú Thọ,Việt Trì... và vài địa danh là còn dân câu cá quả chuyên nghiệp. Những người như anh Minh Lưỡi Câu ( Sóc Sơn ), anh Sĩ nhọ ( Đông Anh ), anh Hưng Nhái Bén( Sóc Sơn ) những tay câu chuyên nghiệp mà tôi biết ... chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Nhưng tôi có thể nói ngay rằng trong bán kính vài chục cây số mà họ sống (và câu kéo nữa, tất nhiên rồi ) thì không ai là không biết họ - Những chàng cowboy cuối cùng - Ngưòi sót lại của rừng cười.
Trẻ con thán phục họ, trẻ con thán phục bất cứ ai vác cần câu HOÀNH TRÁNG như thế với những con cá HOÀNH TRÁNG như thế. Người lớn, những người không vác cần câu, cũng thán phục họ, vì họ làm được cái điều mà họ muốn. Và họ muốn gì ? Những người vác cần câu lang thang các đầm đìa ao chuôm ấy ? Thực sự họ muốn gì ? Tôi sẽ trả lời ngay sau đây.
Hemingway từng viết Ông gìa và biển cả, trong đó có những áng văn có thể nói là hay nhất về câu cá, và vượt ra ngoài phạm vi, ý nghĩa giải trí. Nói đúng hơn, đó là câu chuyện về ý chí con người. Nhưng tôi lại nhớ đến nhà văn Mỹ này ở cuốn Chuông nguyện hồn ai , trong đó có đoạn mô tả một ông lão du kích Tây Ban Nha bị vây khốn trên một quả đồi, đón chờ máy bay địch giội bom, ông đón chờ cái chết. Và ông nghĩ đại loại thế này : Chết không sao cả. Nhưng sống có nghĩa là một mình một ngựa trên đồng cỏ, súng giắt bên hông, và cảm thấy bầu trời xanh gió thổi mơn man. Ừ , chết không sao cả. Nhưng sống nghĩa là một buổi trưa hè, sau khi đập lúa, vớ một vò nước giếng mát lạnh và nghe réo trôi qua cuống họng. Đúng là chết không sao cả. Nhưng sống là đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống một thung lũng cỏ xanh tươi....
Điệp khúc này ám ảnh tôi đến kỳ lạ. Và Hemingway xứng đáng nhận 2 giải NOBEN mới phải.Nếu chúng ta có thể sống 2 lần ! Chúng ta vẫn cứ vác cần câu đi theo tiếng gọi nơi hoang dã.
Sống ở trên đời cần câu con cá, chết đi rồi biết có mà câu !
Triết lý này...Có điều gì...gần giống như ...TÌNH YÊU.
Giữa đầm hoang tôi hít căng bầu không khí thoáng đãng, mùi bùn, mùi cỏ mục trong nước, mùi tôm cá. Đây chính là tự do ! Đúng rồi, cái cảm giác bấy lâu bị ngủ quên kể từ khi lấy vợ. Không phải, kể từ khi cơm áo. Cũng không, kể từ khi chúng ta là những-người-văn-minh !
Thế đấy ! Chúng ta là những người văn minh ! Vâng ! Chúng ta cư xử đúng mực, chúng ta nén những cơn giận ( thường là đối với sếp quan liêu, với khách hàng khó tính, với vv...và vv ), chúng ta không thể nổi cáu, chúng ta không thể khóc khi buồn, không thể cười khi vui, không thể ái ố hỉ nộ khi điều đó làm ai đó ái ố hỉ nộ.
Thì đây, bây giờ chỉ còn ta với con cá. Ta đối diện với Ta. Ta rủa con cá khi câu trượt, Ta nựng nó cắn câu, ta vuốt ve nó khi đưa nó vào giỏ...Ta trở về dích thực là Ta. Ta cảm thấy bầu máu nóng chảy trong huyết quản, giống như một thợ săn, tim đập thình thịch, tràn đầy niềm sung sướng và cảm thấy thật mạnh mẽ. Thế rồi Ta săn Cá, Cá lại săn Mồi. Cá lớn nuốt cá bé mà !
Cá Quả là loài săn mồi thiện nghệ. Đác-Uyn có lẽ đã nghiên cứu lòai này khá kỹ, bởi vì cá Quả giống con trăn con rắn một cách lạ kỳ, chúng tiến hoá và thích nghi với những đầm lầy. Và chúng đều thích một thứ : Con Nhái.Nếu quăng con nhái trên đầm, các loài rắn nước mò đến đầu tiên, bọn này có khứu giác cực nhạy. Trong vòng 100m, chúng tìm ra mồi nhái của tôi chỉ trong 5 phút. Nào điểm danh nào, 1 - 2 -3 - 4...có bao nhiêu rắn là đủ mặt hết. Bao giờ tôi cũng phải dằn mặt bọn rắn này bằng cách nhử con nhái cho rắn ham mồi bò lên bờ, quật cho chú ta một nhát đau nhớ đời. Nếu không làm thế bọn rắn sẽ cắn nát con mồi, và đôi khi rắn thì đuổi theo nhái, cá đuổi theo đớp nhầm rắn. Chuyện thường ngày ở huyện thôi. Thế nên nhất quyết khi đang câu mà thấy rắn là phải dẹp bỏ bọn phá bĩnh này ngay.
Thế nhưng tôi nhận thấy là nơi nào có rắn nước, nơi đó có cá quả, vì có lẽ nguồn thức ăn giống nhau của chúng nói lên điều đó. Vả lại có rắn nước có nghĩa là nơi này chưa bị con người tận diệt ( Hình như ai cũng ghét con rắn thì phải ?). Phải thú thực là nhìn thấy mấy con rắn, tóc gáy tôi cứ tự nhiên mà dựng ngược, sởn da gà, nhưng lý trí tôi thì biết nó vô hại, và thường tôi chỉ cảnh cáo chúng mà thôi.
Còn nhân vật chính của chúng ta thì sao ? Cá Quả ấy ?
Tôi thích tính cách của nhân vật này. Thà chết chứ không chịu ...hy sinh. Ai đó nói rằng chúng tinh khôn, nhưng tôi nói là không. Hy sinh là vì lý tưởng, nhưng bọn này cóc cần lý tưởng, chỉ cần măm măm và...măm.
Trong chuyến đi câu giao lưu Sóc Sơn lần đầu với những người bạn câu như anh THƯ CÒ ĐEN, anh PHÚC CHỨNG KHOÁN, và QUANG CÁ QUẢ tôi nữa, mọi người chứng kiến anh MINH LƯỠI CÂU dính một chú cá quả cỡ 0,8kg ngay đường câu đầu tiên. Mọi người reo hò cổ vũ ầm ĩ và thán phục thần tượng này ( tôi lăng-xê anh ta mà ). Mọi người nín thở xem cách mà thần tượng đợi cá ghì mồi, rồi giật xóc lưỡi, rồi bắt đầu kéo cá vào. Chú cá quả vùng vẫy tung toé cứ như là... trong phim .Thế rồi sau đó mọi chuyện diễn ra đúng như trong... kịch bản phim : Chú cá rúc xuống đám rong, chiếc cần câu hóp cong veo, dây câu căng thẳng. Thần tượng của chúng tôi tự tin - Mày cứ chạy đi, tao hút điếu thuốc lào rồi kéo vào chưa muộn, mày có chạy đằng giời !
Rồi chúng tôi thấy chiếc cần câu cứ thẳng dần, thẳng dần, rồi dây cước chùng và chú cá biến đâu mất cùng nguyên con nhái, cả lưỡi câu cũng biến mất. Thần tượng của chúng tôi sụp đổ. Lưỡi câu do anh ta tự làm, bằng thép lò xo băng đạn do tôi thân tặng, cực tốt, cước và chì, cả nhái nữa, do anh tự buộc, vậy không có lý nào ???
Cả tá lý do được nêu ra. Do răng cá cứa đứt cước. Do cước xơ. Do vướng rong. Do sự cố. Do chủ quan ( kiêu căng tự phụ chứ ?)...Hay do con cá khôn quá ?
Tôi lại xin nói là không. Con cá đó không khôn tí nào. Lúc đó là khoảng 10h sáng, đến 4h chiều thì anh MINH LƯỠI CÂU lôi lên một con cá-quả-có-râu. Con cá này nom quen quen, râu nó trắng như cước, mà đúng là cước thật. Chúng tôi xúm lại xem, trong mồm nó có 2 cái lưỡi câu, hai con nhái mồi. Nó chính là con cá ban sáng. Thật là : Mang trên mình còn lắm vết thương, người đã vội vàng ra chiến trường !. Thua nó luôn ! Nó không biết sợ ! Nó cũng chẳng cần biết lẽ sống là gì, chỉ cần măm ...và măm.
Minh Lưỡi Câu
Thần tượng của chúng tôi lại có lý do để kiêu căng.Anh ta đứng đó, một tay cầm cần câu, một tay chống nạnh, đội chiếc mũ cối, kính đen, bộ ria thiếc vểnh lên như lính ngự lâm.
Giờ đây, sau vài buổi câu tôi và anh giống như người nhà vậy. Hôm thứ bảy vừa rồi tôi hẹn anh sáng chủ nhật đi câu cùng tay câu trẻ tên Hoà nhà ngay gần Hồ Đắp. Biết rằng không còn cá to nữa nhưng vẫn tràn trề hy vọng, nhất là khi được tiếp tế một đại đội nhái Sóc Sơn chính hiệu nữa chứ. Tôi không còn lo sợ một ngày nào đó nếu ánh dương sẽ không còn, loài nhái chìm trong ... !!!
Hưng nhái bén
Quay trở lại Sóc Sơn ngay sáng hôm sau, thế nhưng trên đường cao tốc tôi vẫn chứng nào tật nấy, mắt cứ lấm la lấm lét những khu vực nhạy cảm ven đường. Đến gần cầu Vân Trì, tôi nhớ năm ngoái khu vực này có một đàn ròng ròng cá sộp đen với con cá mẹ khoảng 1,5kg đen trũi. Tôi không đành lòng bỏ qua dịp ghé thăm mẹ con nó, năm ngoái tôi mất mấy ngày theo đàn cá này, dùng đủ mọi thủ đoạn mà vẫn chịu thua. Bây giờ đàn cá con chắc đã lớn rồi, hy vọng cá mẹ bỏ con mà kiếm ăn. Cá bố không còn từ năm ngoái nên cá mẹ rất lỳ, không thèm đếm xỉa đến gì hết. Tôi thử mọi cách phá bĩnh đàn con nó mà nó cứ lượn lờ tỉnh bơ. Lúc đó đàn ròng ròng cá con bằng đầu đũa rồi.
Tôi rẽ vào phía đầm nước ấy, cảnh xưa còn đó nhưng than ôi ! Cá đâu rồi ?Trước mặt tôi chỉ còn một vũng nước bé tí.Rồi tôi thấy một thiếu phụ trẻ đang tiến lại gần.Hay nàng chính là cá quả mẹ biến thành cô gái đến trêu tôi ?Liêu Trai Chí Dị quá ! Tôi sắp bỏ chạy ! Tôi chạy đây.
Nhưng không. Đó là bà chủ đầm. Có thể gọi là Bà Đầm. Bà thấy tôi trang bị đầy mình nào là cần câu, túi câu, lưới cá...nên Bà đến cho mày biết Bà đã thầu cái đầm này rồi, đừng có mà léng téng. Nhưng Quang Cá Quả tôi cũng chẳng phải tay vừa, tôi đoán biết tình thế rất nhanh nên chủ động kêu toáng lên trước khi Bà Đầm mở miệng : Này bà chủ ơi ! Bà chủ xinh đẹp ơi ! Cho tôi vào đầm câu cá quả nhé ! Cá tôi để lại hết, vui là chính !
Thế là tôi đàng hoàng vào cửa chính, để xe trong sân, thong dong ra đầm câu, với một nụ cười từ phía Bà Chủ Xinh Đẹp.Nhưng xin chớ hiểu nhầm về nụ cười của nàng Mona Lisa ! Sau 45 phút quăng kéo vào những chỗ không thể không có cá quả tôi chỉ thu được một mớ rong. Và vẻ cảm thông của một người làm ruộng tốt bụng gần đó thổ lộ : Họ tát ao từ trong năm rồi, làm gì còn cá mà câu.
Thế đấy ! Nụ cười bí hiểm của nàng Lisa vậy là chẳng còn bí hiểm nữa. Tôi mắc lỡm nàng rồi.Ngay lúc đó ông xã của nàng xuất hiện. Đó là một gã tên Nguyên có vẻ rất được, rất anh em, rất thoáng : Anh cứ câu đi, được cá thì anh cứ mang về chứ ai giữ làm gì ( Làm quái gì còn con nào mà câu - tôi nghĩ bụng ).Rốt cuộc, tôi đành phải chia tay với hai vợ chồng...ông lão đánh cá. Dẫu sao khi chia tay tôi cũng nhận được một lời mời : Mùa nước nhiều cá quả anh cứ lên đây câu thoải mái, dẫn cả anh em lên nữa !. Thế là quá tuyệt rồi còn gì !
Tôi đã nghĩ kỹ rồi, mọi con đường cuối cùng đều dẫn về...Sóc Sơn, nơi anh em đang đợi tôi.Lại hướng Sóc Sơn thẳng tiến, giờ thì tôi không còn nghĩ đến gì khác ngoài Hồ Đắp, nơi có những bụi cỏ gừng mọc tua tủa trên mặt nước, sen súng thì vô tận, đó là thế giới của cá quả, chúng thực hiện chiến tranh du kích ở đó, thoắt ẩn thoắt hiện, xuất quỷ nhập thần.Khi tôi đến nhà anh Minh thì Hoà(tạm gọi là Hoà Nẫu) cũng đang ở đó bên ấm trà, và chắc là đang đủ thứ chuyện...về cá. Tôi phân trần về lý do đến muộn. Không sao -anh Minh nói- Mùa này câu muộn cá mới cắn, sáng nay thàng Hoà câu chả thấy con nào bắt mồi.Thế rồi câu chuyện bắt đầu ngược về quá khứ, nơi mà những con cá thường được nhân đôi trọng lượng, về những cú bắt mồi làm ngơ ngác cả đội câu, hay về những con cá thuộc dạng ...quái vật : vừa to, vừa bắt mồi ầm ĩ, lại không dính lưỡi câu...gần như là tinh khôn vậy.
Nhưng tôi vẫn ngoan cố cho rằng nó không hề khôn. Chẳng qua nó to, chứng tỏ nó già, già thì chậm, chậm nên bắt mồi trượt, có thế thôi. Tóm lại thuộc dạng Chuyện không có gì phải ầm ĩ.
Sau một tuần trà, và câu chuyện đã bớt mắm muối, chúng tôi ra đầm. Chúng tôi thong thả buộc nhái sẵn ở nhà, lúc đó khoảng 2h chiều, nắng nhẹ gió nhẹ, thời tiết lý tưởng.Ra đến hồ , từ xa đã thấy bóng dáng của một chiếc cần hóp quen thuộc của cần thủ nào đó đang vụt lấy vụt để. Đụng hàng rồi ! Thằng Đ nào mà biết chỗ khỉ ho cò gáy này nhỉ ? MINH LƯỠI CÂU chửi thề - thói quen của đa số tay câu, với liều lượng dày đặc. Tôi cá là đến một ngày nào đó lỗ tai tôi ruồi sẽ bu kín cho mà xem. Và rồi sớm muộn tôi cũng sẽ nhiễm thói quen này thôi.
Mặc dù rất xa nhưng MINH LƯỠI CÂU đã nhận ra ngay : A ! Thằng Hải Lịch chứ ai .Hoà Nẫu phụ hoạ : Ừ nhỉ ! Đúng là nó ! Sao nó leo tót ra cái gò ấy nhỉ ?.Hải là tên của tay câu ấy, Lịch là tên của thân phụ, cái kiểu gọi tên rõ là ...rõ ràng. Cậu ta chừng đôi tám, hăng tiết vịt lội ra giữa đầm, nơi có cái gò nom giống như cái mả bỏ hoang. Từ đó cậu ta bao quát cả cái đầm, thoải mái vươn mồi ra bất cứ chỗ nào khả nghi. Kiểu câu này rõ ràng là thiếu đạo đức, thừa bất lịch sự. Nhưng thôi, tuổi trẻ mà. Có ai đó nói tuổi trẻ của con người như mái tóc xoã rơi - bao giờ cũng che khuất mắt.MINH LƯỠI CÂU sang đầm bên cạnh câu, rất đàn anh. Tôi và Hoà bắn mồi nhái chéo cánh sẻ. Hải Lịch tự động nhường đường câu cho chúng tôi. Hai đánh một chẳng chột thì cũng vướng lưỡi câu, cu cậu không còn lựa chọn nào khác.
Ngay khi mồi nhái của Hoà Nẫu vừa chạm mặt nước lần quăng thứ nhất, một chú cá quả lao vào nuốt chửng như cái thời kỳ năm 45 vậy. Tôi không biết tại sao Hải Lịch quăng quật như giặt chiếu thì nó không xơi, chỉ đợi Hoà Nẫu ném mồi là khực ngay. Thế tôi mới biết một điều là ...tôi chẳng biết gì về cá quả hết.
Lũ cá trắm và trôi đánh lừa tôi bằng những động thái kỳ quặc, lúc thì chúng đớp cỏ, lúc thì quẫy, lúc thì bị giật mình bởi mồi rơi...trúng đầu, chúng phi như điên. Sau một hồi tôi mới phân biệt được chỗ cá quả rình mồi : Đó là những con tôm nhẩy tung toé khỏi mặt nước, những con rô con diếc chạy tán loạn. Được rồi, ông biết mày nấp ở đó rồi nhé, đừng sốt ruột, có món gỏi nhái tươi sống đây. Có thể nói địa hình câu như trong mơ, những đám cỏ nước, cỏ gừng, những đám lá súng, rau dừa nở hoa trắng tí xíu...tất cả góp phần nguỵ trang bảo vệ cho lũ cá quả, nhưng cũng vì thế nó trở nên táo tợn và trở về đúng bản chất của nó : CHẾT VÌ ĂN !
Tham ăn thì lên thớt
Lần này tôi không dùng mồi nhái giả có cánh quạt của anh Đặng Hạnh nữa ( Xin nói thêm con nhái này do anh bạn câu người Lào tên Thệp thân tặng, đã câu khá hiệu quả, bây giờ trở thành thương hiệu rồi, và cũng có thể gọi là NHÁI CÔNG ĐOÀN vì ai cần cứ đến gõ cửa anh Đặng Hạnh ). Hãy hình dung một con nhái đột biến gien lai ghép với một chiếc máy bay Bà Đầm Già từ thời Thế chiến I, khi kéo trên mặt nước thì sức cản nước làm cánh quạt quay tít( Đến đây nó lại giống xuồng cao tốc rồi ). Cứ thử hình dung vẻ mặt kinh ngạc của mấy chú cá quả nhà ta mà xem ! Quái ! Này chú sộp đen, chú có biết con quỷ quái kia là con gì không ? UFO à ? Dạ em chịu, bác dùng thử trước đi ! Kính bác ! Thôi mà, chú cứ khách khí ! Dạ em đâu dám ! Nom nó có vẻ giống nhái, nhưng nó lại chả có vẻ gì sợ anh em mình cả, nó xem thường anh em mình quá, hay nó là con bọ hung nhỉ ??? Thôi được, nó là con gì thì chú để anh cho nó một bài học, được thì anh ăn cả, không được thì đến lượt chú...
Thế là sau một quá trình thảo luận ngắn với chú sộp đen và nghiên cứu vật thể lạ vừa bay vừa bơi chưa xác định (UFO), cá quả hoa nhà ta vì là đại ca, lại vừa tham ăn nữa, thế nên đầy đủ lý do để lao lên mặt nước làm đánh RẦM một phát. Hầu như không có cơ hội cho chú cá tội nghiệp, mồi giả được làm rất tinh vi bao gồm cả nhái- cánh quạt- lưỡi câu - ngạnh- cọng cỏ nhân tạo chống vướng- tất cả đều được làm ra để chống lại chú cá yêng hùng. Những chuyện về sau thôi không nói nữa. Điều đáng nói ở đây là cá quả hầu như ăn bất cứ thứ gì động đậy có kích cỡ vừa mồm nó. Thậm chí tôi đã từng nhìn thấy một con cá quả hóc ngang mồm một con cá rô phi to gần bằng nó, trong trường hợp này không thể nói là nó ăn con cá rô ( Vì nó không thể hoàn tất được động từ ĂN ). Tôi nhìn mà phì cười vì con cá quả nó hóc nên không thở được, cứ vật vờ bên mép nước, chờ chết. Thế mà lúc đầu nhìn tôi cứ tưởng nó là một con rắn chúa ! Từ nỗi sợ hãi chuyển thành kinh ngạc và buồn cười, rồi cuối cùng là thương hại cho chú cá. Đúng là chết vì ăn ! Tôi lấy que khều cho con cá rô bật ra khỏi mồm con cá quả. Con cá quả từ từ chìm xuống làn nước trong. Chắc chắn nó sống sót, tôi tin là như thế, và đó cũng là lần duy nhất tôi phóng sinh cho một chú cá quả. Cũng ở ngay nơi này sau đó ít hôm, tôi câu được một chú cá quả khác nặng 1,1kg - Vào một ngày đặc biệt - Mà tôi sẽ tiết lộ vào phần III của bài viết này.Quay trở lại buổi câu, tôi làm 5 chú liên tiếp đều đều 0,3 đến 0,4kg hoàn toàn bằng mồi nhái thật. Mồi nhái cộng với lưỡi câu có chì đi xa hơn, êm hơn, không vướng rong. Và lưỡi câu của anh MINH LƯỠI CÂU thì miễn bàn. Sau một buổi chiều quăng rã rời tay chân, tay câu trẻ Hải Lịch chỉ được ... đúng 1 con. Cậu ta liên tục vướng cỏ, lội bì bõm làm cá hoảng loạn chạy hết. Khi cậu ta bỏ đi thì MINH LƯỠI CÂU thế chỗ. Chỉ vài đường câu thần tượng của tôi lại làm đôi chú nữa, thật không hổ danh 30 năm cầm cần !
Hoà Nẫu xem ra có vẻ sau đoạn dạo đầu khá hay thì đuội dần, hắn ta di chuyển đúng 1 vòng quanh đầm nhưng hiệu suất kém của tôi. Vậy là tôi có thể tự tin rằng tuy không câu bằng cần hóp cổ truyền, không bát gỗ, quăng không được xa, nhưng tôi cũng có thể sánh vai cùng anh em câu chuyên nghiệp được rồi. Nói thêm một chút về kỷ lục quăng mồi xa, với nhái như nhau, chì , cước, lưỡi câu như nhau, cần câu như nhau...thì anh HƯNG NHÁI BÉN mới là vô địch : Khoảng 70-80m. MINH LƯỠI CÂU 50-60m. Còn tôi xin khiêm tốn 40m với cần TICA 3,6m Medium, máy đứng Shimano 3500, cước 0,33. Có nghĩa là nếu phát hiện ra con cá cách bờ 50m tôi chỉ có cách...gọi đồng đội.Thế rồi một ngày như mọi ngày, như mọi ngày đã trôi qua, như hàng triệu năm vẫn vậy, mặt trời lại khuất sau núi, như chim vẫn ngơ ngác tìm về tổ, báo hiệu một ngày vui qua mau.
Cuộc vui rồi cũng đến lúc tàn. Tôi chỉ là một gã cowboy nghèo đơn độc trên con đường tìm về nhà. Cuộc đời tôi là những con đường dài bất tận xa xôi. ....
Hẹn gặp lại các bạn ở chặng đường tiếp theo.
04/2006
Đặng Thiều Quang