Ghi từ Nước Úc (phần III)

Tới nơi, tôi thấy anh Shinichi đang đứng câu giữa những người bản xứ rất vẻ Á Âu hoà hợp. Tôi thay mồi rồi nhập bọn với họ trong tiếng sấm rền dọa dẫm (mà trời vẫn nắng hanh hao) - thật quái lạ.

Điểm câu ở giữa bãi bồi, trảng cây ngập mặn & dải đá cuội

Bỗng tôi nghe tiếng xạch xạch, xạch xạch liên tục, quay ra thấy chị Kiyomi đang bấm máy lia lịa hướng về phía đầu cần cong vòng của anh Shinichi, phía dưới nước bắn lên tung tóe, tôi dân nghiệp dư nên chưa nhận được mặt cá thì xung quanh đã có tiếng xì xào lại mấy con tuna hồi nãy rồi..., mà đúng thiệt, sau cú đảo cần dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi cuối cùng anh Shinichi cũng lôi được con Tuna khoảng 80 ~ 90cm lên thềm đá...
Gỡ con cá rồi đứng tạo dáng cho vợ chụp hình xong, anh Shinichi thay con mồi giả màu đồng bằng con mồi giả màu xanh lá cây hình bò cạp (???). Tôi ngó con mồi màu sắc rực rỡ, hình thù quái gở ra chiều nghi hoặc thì anh Shinichi với tôi: Tôi câu được 8 con đã đủ để giải trí với cá rồi, giờ là lúc giải trí với mồi coi sao.
Khi 1 người Nhật nói với bạn câu đó, nghĩa là họ không để tâm bắt cá nữa, mà đã tới lúc họ tiêu khiển với con mồi - xem tốc độ, hình dáng chuyển động của con mồi ra sao, kỹ năng rê mồi nhuyễn đến đâu (nhất là đối với những con mồi giả hình dạng lạ lùng mà dân gian thường bảo trong 12 con giáp không giống con nào ) v.v... Tôi cũng tò mò xem cách giỡn mồi của anh ta, bên cạnh vẫn có ai đó đang dòng cá lớn - điều không còn hấp dẫn tôi nữa.
Chuyện diễn ra chỉ 5' sau, 1 con Chẽm khoảng 70cm cắn câu con mồi độc đáo của anh Shinichi, nó nuốt trọn con mồi vô tới vòm họng, chị Kiyomi xít xoa chắc nó đói lắm hả, còn tôi nghĩ khác - chắc tại nó ham của lạ!

Chiến tích của anh Shinichi (Ảnh: Kiyomi)

Đợi niềm vui chiến thắng của anh Shinichi qua đi, tôi gợi lại chuyện về con cá sấu lúc nãy, 1 thanh niên người Úc đứng gần bảo: không có chi lạ, đi câu gặp những con sấu còn to gấp 10 lần như thế là chuyện hàng ngày ở Darwin, miết rồi quen, người lạ mới đi lần đầu như bạn thì nên cẩn thận, bởi cá sấu ở đây thuộc họ cá sấu cải trang do địa hình cửa sông Buffalo Creek đặc biệt như bạn thấy đó, nên lúc thì toàn thân cá sấu mốc trắng (như những hòn đá cuội), lúc thì nâu nhám như thân cây (khi ở trong khu thực vật ngập mặn), lúc thì thân đỏ nhừ màu bùn đất... Trước khi đi câu, bạn nhớ chuẩn bị những kỹ năng cơ bản cần thiết để đối mặt với cá sấu thì ổn thôi.
Híc, phải không vậy trời, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, không đi bơi vì e cá mập, đi câu cũng không yên với cá sấu, lỡ gặp chuyện gì thì...

Đi dạo gặp sấu - chuyện nhỏ... kiểu Úc (Ảnh: Wild_darwin)

Ối, phỉ phui cái miệng tui! Chẳng phải chờ lâu, chị Kiyomi - lại là chị ấy - cùng vài người nữa hét lên: cá sấu, cá sấu... Liền tức thời, những tiếng wow, well, Oh quanh tôi đồng loạt vang lên, tôi cũng kịp nhận ra trong làn nước nhờ nhờ, 1 con sấu màu bùn đang rẽ nước sấn tới con mồi giả của ông già đứng cách tôi chục bước chân... Ờ, mà lạ lắm nhé, nó lướt nhanh như vậy nhưng không hề gây ra tiếng động và... cảnh tượng hy hữu nhất tôi được tận mắt chứng kiến trong gần 30 năm đời người - con sấu ngoác cái mõm đầy răng... phập - nuốt trọn con mồi! Tiếp theo là những vòng nước cuộn lên như đang sôi hằng trăm độ, con sấu vùng vẫy vài lượt rồi nhắm hướng ra giữa sông bơi thục mạng. Tôi bất ngờ vì thấy cái cần câu không cong vòng khi gặp cá to & khỏe như thế, nhìn lại mới nhận ra người đàn ông dường như lượng được sức mình, ông không giằng co với con sấu mà ngồi thụp xuống liền, chủ ý để xuôi đầu cần theo hướng bơi của con sấu, khoá cái cần vào giữa 2 chân, ghì lại bằng 1 tay, tay còn lại ông đang lần túi áo 1 cách bình tĩnh để lấy thứ gì đó trong khi tiếng mô-bin vẫn xả ra không ngừng - con sấu vẫn điên cuồng thoát thân bằng vận tốc chóng mặt. Những bạn câu đã tập trung phía sau ông già (Tây cũng hiếu kỳ gớm, cả nhà ạ). Cuối cùng, món cứ tìm sẽ gặp cũng được ông già lôi ra khỏi túi, 1 cái kéo, rồi nhanh chóng cắt phăng sợi cước - tiêu đời con sấu, mắc mồi trong họng kiểu này hẳn chết không kịp ngáp rồi, quá hiểm! (Theo thống kê, số cá sấu chết vì mắc mồi câu ở Darwin khoảng trên dưới 20 con/năm & số người bị cá sấu tấn công cũng tương đương nhiêu đó).
Mọi chuyện diễn ra trong chớp mắt, tôi không canh đồng hồ nhưng đoán toàn bộ đầu đuôi sự việc hẳn không quá 10 giây, lòng hơi tiếc nuối chút, Ông lão và biển cả phần 2 này an toàn, nhẹ nhàng quá... ừm, không được đặc sắc cho lắm!


Những con cá cao số


Con thứ nhất chụp toàn thân, con thứ 2 chỉ chụp phần đầu nhìn cho hoành tráng (phần đuôi bị đẩy lên từ mức 30cm, hè hè), nó chỉ có 80cm thui.

1 người trong nhóm đi ca-nô có Đạo và rủ chúng tôi (tôi & vợ chồng chị Kiyomi) đến tiệc Giáng sinh ngoài trời trên bãi biển với họ tối nay... ôi, nước Úc - xứ sở của những mối nguy hiểm hoang dã rình rập mà đồng thời cũng là nơi danh dự và lòng mến khách là những giá trị tối cao.
Lại một chuyến đi, lòng không gợn chút bụi trần, dù vẫn chưa được thành chánh quả!

Phản hồi

Nhật Bản tháng 2/2007

Nghiêm Cẩm Vân

 

Các tin khác cùng chuyên mục
Hải Sâm - Đặc sản quý hiếm tại Phú quý - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 6:56:08 CH
Phú Quý, đảo lành - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 6:55:28 CH
Mùa tát cá - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 6:54:05 CH
Cá ngát nấu chua lá me - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 6:52:06 CH
Tát đìa - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 6:51:23 CH
Câu rắn mối - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 6:50:18 CH
Cá xứ Quảng - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 6:48:03 CH
Cá mè hồ Sông Mực - Nguồn thủy sản có giá trị - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 6:47:13 CH
Hồ -Hùng thương binh -Cổ nhuế - Từ liêm-HN - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 6:44:50 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.