Chuyện quanh cái chuôm

Bố tôi bảo, cái chuôm của nhà tôi trước kia là của ông chánh Hội. Ông chánh giàu nứt đố, đổ vách mà vẫn tham. Bằng thủ đoạn cho vay nặng lãi, ông chánh Hội bắt bà con trong làng gán tất cả ruộng đất cho ông. Thế cũng có nghĩa là phải gán tất cả ao, chuôm của nhà mình. Năm cải cách ruộng đất, ông chánh Hội bị quy là địa chủ, bao nhiêu nhà cửa, ruộng vườn, trâu, bò, lợn, gà của nhà ông đều bị tịch thu, đem chia cho nông dân. Nhà tôi được cái chuôm trong dịp ấy. Phần quả thực này tuy nhỏ nhưng rất quý đối với bố tôi. Vì ngoài lợi ích vật chất ra, chuôm còn là nơi gắn bó rất nhiều kỷ niệm đối với ông. Ấu thơ, ông bẫy chim, bẫy cò, đánh lươn, câu cá trộm ở đây. Lớn lên, ông ngỏ lời yêu bà ở đấy, rồi trốn sưu, trốn thuế cũng ở nơi bờ chuôm này.

Có được cái chuôm nằm ở cánh đồng, công việc đầu tiên là bố tôi cho vợ con tát hết nước. Vét hết bùn non, đào sâu thêm 2, 3m nữa. Sau đó, ông đẵn tre đực, to bằng bắp chân, bắp tay, chặt ra từng khúc, trồng lát quanh bờ chuôm, đoạn lại đắp lên. Bởi tôi là con trai nên ông giao nhiệm vụ trông nom chuôm. Tôi rất sung sướng, hãnh diện nữa, với đám bạn bè của mình về điều đó.

Cánh đồng chiêm trũng nằm ngay trước cổng làng tôi. Cuối mùa thu, đầu mùa đông, nếu bạn là người từ nơi xa đến, bạn sẽ không thể tưởng tượng được một vùng đất khô cạn tới nứt nẻ lại trở thành một “biển” nước mênh mông về mùa hạ. Đấy là nước lũ từ các triền đồi, từ núi tràn xuống, từ ngoài sông tràn vào. Những ngày úng ngập, lụt lội ấy với bọn trẻ chúng tôi là thời gian vui thú nhất. Ngoài việc tha hồ lặn ngụp, bơi lội, chúng tôi còn được câu cá khi nước lên, kéo cá khi nước rút. Và, năm nào cũng thế, hễ qua rằm tháng Bảy, nhìn các cụ già thở phào nhẹ nhõm, bảo nhau: “Thế là đã qua mùa mưa bão, lũ lụt rồi...” chúng tôi biết lại có một niềm vui khác bắt đầu đến bên bờ những cái chuôm. Số là, vào mùa lũ lụt, tôm cá và nhiều loài thủy sản khác từ sông Hồng theo nước tràn vào đồng. Nước rút, chúng ở lại cánh đồng nước ngọt có nhiều miếng mồi béo bở. Lúc này, chuôm giống như những cái rốn nước trên đồng, là nơi trú ngụ tốt nhất của tôm, cá, cua, lươn, ốc, ếch...

Sau mỗi mùa lũ lụt, việc cần làm trước tiên của tôi là kiếm lấy mấy ngọn rong tre, mấy ngọn cây duối đem thả, cắm xuống lòng chuôm để cho tôm cá có chỗ dựa và ngăn ngừa kẻ xấu rải vó kéo cá trộm.

Vào những ngày trời nắng, giữa lúc nước trên đồng “nóng như ai nấu, chết cả cá cờ, cua ngoi lên bờ...” một mình tôi với chiếc nón lá khoai trên đầu, hối hả chạy ra chuôm. Cởi phăng quần áo, vo tròn lại nhét vào bụi cây lộc vừng, tôi nhảy ào xuống trước cửa chuôm. Không để ý tới nước đang bốc hơi nóng hầm hập, tôi đằm mình chỉ còn hở từ cái miệng trở lên, hai tay quờ quạng đẩy bùn non sang hai bên, cố tạo ra một con mương chìm giống như một luồng nước cho tôm tép theo đó mà rút vào chuôm trốn nắng một cách dễ dàng. Những loài thủy sản ngốc nghếch kia có biết đâu “lòng tốt” của tôi là có ý đồ mưu sinh cả đấy.

Làm xong cái công việc dụ tôm tép vào chuôm, tôi thanh thản đi về. Khi mặt trời đã ngả sang phía Tây, cái nắng đã nhàn nhạt, gió bắt đầu hiu hiu thổi... lại một mình tôi dắt bò, vác chiếc nắn ra chuôm.
Đặt miệng nắn ngay vào lòng chuôm, đuôi nắn quay ra phía đồng, rồi thận trọng lấy bùn đắp xung quanh cửa chuôm, lấy que kê đệm thật ngay ngắn, tôi mới yên tâm lên bờ cùng bạn bè vừa thả trâu, bò, vừa đánh đáo, đánh bi hay bày trò chơi trận mạc.

Mải chơi tới lúc nắng tắt hẳn trên cánh đồng làng, trời chạng vạng tối, trong lúc chúng bạn hối hả giắt trâu, bò về chuồng thì tôi ở lại. Tôi sẽ sàng thò một bàn tay xuống trước cửa nắn và im lặng nghe. Trong làn nước man mát và gió hè hây hẩy thổi, tôi nhận ra tôm tép đang đi rào rào dưới nước, và càng tôm, râu tôm cũng đang đâm nham nháp vào mu bàn tay tôi. Vậy là họ hàng nhà tôm tép, sau một chiều trú nắng, giờ mới hối hả kéo nhau ra đồng kiếm ăn. Hẳn chúng không thể ngờ mình lại chui đầu vào chỗ chết? Đợi tới lúc tôm tép trong chuôm ra đã vãn, tôi mới thắc thỏm nhấc nắn lên. Trời ơi, niềm hy vọng và sự chờ đợi của tôi quả là không uổng một chút nào. Chuôm ban tặng cho tôi vô khối tôm tép. Đuôi nắn cong võng xuống, nặng trịch đã nói với tôi điều đó.

Hôm nào cũng thế, hễ nghe tiếng tôi huýt sáo rõ vang từ ngoài ngõ, mẹ tôi cũng vui vẻ hỏi: “Được niêu kho không con?” Tôi không trả lời mà lại giục mẹ ra đem nắn vào nhà hộ. Cho bò vào chuồng, chưa đóng cửa xong tôi đã nghe tiếng mẹ nói với bố: “Được lắm thế này, ăn làm sao hết”. Bố tôi bảo: “Đem luộc đi, mai trời nắng đổ ra phơi khô để dành ăn dần! Thằng cu này thế mà giỏi”. Được bố khen, tôi sướng phổng mũi. Tuy vậy, làm như không nghe được bố mẹ nói với nhau, tôi hỏi: “Ngày mai con đi câu cá trê bố nhé?”. “Ờ đến mùa câu cá trê rồi đấy. Nếu có, nướng mấy con uống rượu cũng hay”.

Tôi không biết uống rượu nên chưa cảm nhận được cái hay, cái ngon của cá trê ướp với giềng, mẻ, mật rồi cặp nướng chín vàng nó ra sao, nhưng cái cảm giác thích thú khi câu được cá trê thì tôi đã trải qua.

Cái chuôm của nhà tôi vừa râm lại vừa mát, vừa sâu lại vừa có nhiều hang. Đây là chỗ ở lý tưởng cho những chú trê bẹp đầu. Trê là giống cá ăn chìm nên câu nó cũng khác với cá rô, cá quả. Bởi vậy, động tác không thể thiếu khi câu cá trê là khi ra đến bờ chuôm, phải dùng cần câu chọc xuống đáy chuôm và ngoáy liền mấy cái cho bùn non lầm lên một đám, sau đó mới xỏ mồi, buông câu và ôm cần chờ đợi.

Nằm trong các hang, lũ cá trê thấy nước đục tưởng là có mồi ngon liền rời nơi cư trú, lặng lẽ trườn dưới đáy chuôm, vơ vẩn tìm kiếm. Khác với cá quả thấy mồi là đớp ngay; cũng khác với cá rô gặp mồi là ngoạm lấy, phóng đi; càng khác với mài mại, sưn sứt nhẩn nha dỗ mồi từng tí... Cá trê thấy mồi lại lởn vởn thăm dò hồi lâu mới thận trọng cắn mồi rồi từ từ rút vào hang. Cuộc đấu tranh sinh tồn đã tạo cho mỗi loài vật một tính nết bẩm sinh.

Cá trê thật khôn và cũng thật dại. Cái dại lớn nhất của nó là trước khi cắn mồi nó cứ thả tăm để trên mặt nước nổi lên từng đám bọt. Dấu hiệu này báo cho tôi biết rằng, cá trê sắp bắt mồi. Cái dại thứ hai là khi cắn mồi lại cắn quá bám, hơn thế, còn bơi lùi vào hang, khiến cái phao chìm xuống, bàn tay tôi cảm thấy trĩu nặng... Bằng sự linh cảm của mình, biết chắc ăn một trăm phần trăm, tôi liền giật mạnh một cái. Cảm nhận rõ ràng lưỡi câu sắc nhọn đã cắm vào hàm cá, tôi vội vàng nhấc bổng cần câu lên. Nhưng cá lại quẫy cựa, kéo vít cần câu xuống. Ngũng ngoẵng ở dưới nước mất một lúc, trê mới chịu để cho tôi kéo lên bờ.

Dẫu đã có nhiều lần đi câu được cá nhưng niềm vui sướng của người thắng cuộc thì không bao giờ cũ. Vì vậy, lần nào giật được cá lên bờ tôi cũng reo thầm trong bụng và vội vã vồ lấy chú trê. Niềm vui khiến tôi mất cảnh giác, còn chú trê kia trước khi bị bỏ vào giỏ lại có cơ hội trả thù. Nó vật mình, đánh hai cái ngạnh nhọn, sắc lẻm vào tay tôi. Bàn tay tôi nhói buốt và tứa máu. Cho đến tận hôm nay, bàn tay tôi vẫn còn như nhói buốt, mỗi khi nhớ về những kỷ niệm thời thơ trẻ của mình. Mỗi lần về quê, đi qua cánh đồng, cái cảm giác nhói buốt ấy càng tấy nhức, bởi cánh đồng thì vẫn còn nhưng những cái chuôm đâu còn nữa.

Tản văn Xuân Mai-Báo Hà Tây

Các tin khác cùng chuyên mục
Câu Lạc Bộ Xanh - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 7:16:01 CH
Mùa mưa ở Ba Động - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 7:15:11 CH
Cồn Hến và Cơm Hến - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 7:14:14 CH
Cung chúc tân xuân -2007 - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 7:12:40 CH
Lươn hầm hà thủ ô - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 7:11:05 CH
Sinh sản nhân tạo thành công cá anh vũ - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 7:10:03 CH
Chúng tôi đi lặn biển - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 7:09:16 CH
Du lịch “Balô” ở Văn Phong - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 7:08:01 CH
Bún cá rô - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 7:07:17 CH
Ao đôi - Bình chánh (TP. HCM) - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 7:06:24 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.