Chúng tôi đi lặn biển

Học lặn biển

 

Cuối tuần, chúng tôi liên lạc với VietNam Explorer (thuộc Công ty TNHH Trung Hải) để tham gia tour du lịch lặn biển. 7 giờ 30, xe của Công ty đưa tôi đến Cảng Cầu Đá và lên tàu đúng như lịch trình. Cùng đoàn, ngoài chúng tôi và một số khách nước ngoài đi tour lặn dịch vụ, còn có 4 học viên tham gia học lớp lặn Open Water Diver Course (sơ cấp). Tranh thủ thời gian đi tàu, guide Nguyễn Tấn Thành hướng dẫn chúng tôi thao tác sử dụng bình dưỡng khí và những ký hiệu khi lặn dưới nước như: cách lắp ráp hệ thống dẫn khí, cách điều chỉnh van, kiểm tra khí áp, đồng hồ độ sâu… và cách thở đều để lấy khí ổn định thể trạng. Một tiết học gần 50 phút trên tàu, có thể chưa thành thạo nhiều nhưng chúng tôi cảm nhận được sự đặc biệt của người lặn biển.

Tàu dừng lại trong Khu Bảo tồn biển Hòn Mun. Đây là khu vực có đa dạng sinh vật biển với hơn 350 loài san hô, trên 250 loài cá và nhiều loài khác. 4 học viên lớp Open Water Dive Course được 2 huấn luyện viên nước ngoài: Rodolphy (người Pháp) và Ruud (người Bỉ) hướng dẫn lắp bình dưỡng khí và lần lượt tiến sâu vào lòng đại dương. Trên mặt biển chỉ còn bọt nước lục sục từ các bình dưỡng khí trồi lên. Còn chúng tôi - những người mới tham gia lặn lần đầu, tuy đã được hướng dẫn rất cặn kẽ nhưng các guide vẫn chủ động lắp ráp bình dưỡng khí đeo cho chúng tôi.

° Khám phá lòng đại dương

Một… hai… ba… Mỗi guide kèm một người chúng tôi cùng làm thao tác rời tàu xuống biển. Theo guide hướng dẫn, khi rời tàu xuống nước không được lặn ngay mà phải có những thao tác làm quen như úp mặt trong nước để thở bằng dưỡng khí, nếu cảm thấy hơi thở đã đều mới bắt đầu “viếng thăm thủy cung”. Ban đầu, cảm giác không được thở không khí bình thường làm tôi rất luống cuống. Guide Lê Hữu Tuân người kèm trực tiếp hướng dẫn tôi cách thở đều qua ký hiệu của anh. Thấy nhịp thở của tôi đã ổn định, anh ra hiệu OK (ngón cái và ngón trỏ vo tròn vào nhau) và chúng tôi bắt đầu chuyến thám hiểm. Xả hết hơi trong áo phao, tôi lặn sâu vào lòng đại dương. Cứ mỗi lần muốn xuống sâu hơn, guide Tuân lại ra hiệu (ngón trỏ chỉ hướng xuống); nhận được tín hiệu, tôi đồng ý đi tiếp. Nhìn qua kính lặn, trước mắt tôi là khung cảnh lộng lẫy của “thủy cung” với đủ loại san hô và cá. Qua các ký hiệu được học lúc trên tàu, tôi chỉ được phép sờ vào một số loại san hô mềm mà guide Tuân đồng ý. Trong lòng đại dương, tôi được tận mắt chứng kiến, lấy tay sờ những cây san hô thật. Nhiều cây san hô mềm to, hình dáng như những cây tùng, điệp. Bên cạnh nó, những loài san hô tán thấp như đài sen, có khi là cả một tán san hô lớn tua tủa như gai xương rồng xen lẫn vào những đám hải quỳ đầy quyến rũ… Bơi lội xung quanh các rạn san hô, hải quỳ là đủ các loại cá; cá mú, cá mó, cá bướm, cá thia… với đủ màu sắc trông rất hấp hẫn. Rồi khá nhiều sinh vật biển cứ lớp lớp nối tiếp nhau hiện ra khi chúng tôi lặn qua. Qua một đoạn đường ước chừng 50m, trước mắt tôi hiện ra từng khối san hô bao quanh với đủ loại mềm, cứng khác nhau như những ngọn núi khổng lồ. Tôi dừng lại chiêm ngưỡng mà ngỡ như mình đã lạc vào ma trận. Nếu không được guide Tuân dẫn đường thì tôi cũng không thể định được hướng đi. Cứ mỗi lần lặn xuống sâu hơn, áp suất thay đổi, guide Tuân lại ra hiệu cho tôi nín thở nén hơi ra phía mang tai để tránh đau nhức. Nhìn qua đồng hồ báo độ sâu, tôi đã ở mức nước sâu 6m; đây cũng là lần đầu tiên tôi lặn sâu như thế. Ở độ sâu này, chúng tôi càng nhận thấy sự đa dạng của sinh vật biển. Trên các rạn san hô, nhiều loài ký sinh sống ngụy trang bằng cách tạo những hình thù như san hô vừa mới nhú hoặc như những hang đá để chờ mồi. Chỉ cần một cái phát tay nhẹ nhàng gần chúng là lập tức những lớp ngụy trang co quặp lại và chui lẫn vào rạn san hô. Quanh rạn san hô, thi thoảng, chúng tôi bắt gặp một chú chình biển to trùng trục thò cả nửa thân ra khỏi hang nhìn há hốc, một vài cô cá thia màu xanh thẫm ưỡn ẹo làm duyên trong đám rong biển hay một vài bác cá mao tiên sặc sỡ lững lờ bên rạn san hô… Tất cả tạo nên một tượng sống động, phong phú và dịu dàng đến mê mẩn.

° … Và đam mê

 

Sau hơn một giờ lặn tại khu vực Hòn Mun, tour chúng tôi tiếp tục đến Hòn Rơm. Đây cũng là một trong những khu vực được nhiều du khách thích khám phá. Anh Nguyễn Thái Giáp - Huấn luyện viên bơi lặn cho biết: “Nếu tham gia lặn du lịch thì không cần phải học nhiều, nhưng tham gia Câu lạc bộ (CLB) lặn thì phải học qua nhiều lớp. Ngoài lớp lặn sơ cấp Open Water Dive Course còn có những lớp chuyên sâu về thợ lặn như: Advance Open Water Course; Reseve Dive; Dive Master…”. Các lớp này có thể xử lý được tất cả các tình huống xảy ra trong lòng đại dương. Theo anh Dương Thành Nhân - Giám đốc Công ty TNHH Trung Hải (dịch vụ VietNam Explorer): “Nếu đã vào CLB lặn đúng nghĩa, mọi người đã học qua lớp lặn đều được cấp bằng từ Hội Du lịch lặn quốc tế PADI - Pháp (Professional Accociation Diny Instructor) . Cứ mỗi lần đi lặn ở vịnh nào đều được CLB tại đó đóng dấu chứng nhận và ghi vào nhật ký. Chỉ có khác nhau là người lặn ở từng vùng phải học các ký hiệu dưới nước ở vùng đó cũng như là ngôn ngữ vậy”. Anh kể: sau hơn 2 năm mở dịch vụ lặn biển, anh đã gặp được đôi vợ chồng khách du lịch quốc tịch Ba Lan với cuốn nhật ký hơn 400 lần lặn biển từ các vịnh khác nhau trên thế giới.

“Vinh quang của mỗi người trong CLB lặn tùy thuộc vào số lần lặn được ghi trong nhật ký. Vai trò là huấn luyện viên đến với tôi xuất phát từ niềm đam mê và sự lôi cuốn đến kỳ lạ của những sinh vật biển. Những thế hệ học trò tiếp theo mà tôi huấn luyện cũng xuất phát từ miền đam mê này” - ông Rodlphy tâm sự. Còn Thomas (người Anh) - học trò của Rodolphy thì quan niệm: “Từ khi học lặn, tôi cảm thấy yêu đại dương hơn. Bởi từ trong lòng đại dương đã mang đến cho tôi một cái nhìn khác về biển. Nha Trang là một những vịnh đẹp nhất thế giới, việc tuyên truyền, bảo vệ hệ sinh thái biển là cần thiết”…

Thực ra, để có đủ kinh phí một chuyến lặn không đơn giản. Phần lớn những người tham gia lặn đều là người nước ngoài, còn người Việt rất hi hữu. Trên thực tế, giá vé tại các điểm dịch vụ không đồng nhất; đối với lặn: người nước ngoài từ 35 đến 50 USD/người, người Việt từ 300 đến 350 ngàn đồng/người; còn bơi ngắm sinh vật biển: người nước ngoài từ 10 đến 15 USD, người Việt 120 ngàn đồng/người. Nếu tính chi ly, tất cả các chi phí từ đưa đón, ăn uống, phí tham quan đều được tính trọn gói thì cũng không đến nỗi nào. Nhưng để có một lần với số tiền “trọn gói” ấy thì không nhỏ với người Việt Nam.

Có lẽ trong tiềm thức của mọi người, rừng là vàng, biển là bạc. Nhưng với chúng tôi, biển là thế giới bao la kỳ diệu, huyền ảo đầy sắc màu và tràn đầy sức sống. Ai đã từng lặn biển mới cảm giác được đại dương bao la, đẹp đẽ và rộng mở biết chừng nào.

HOÀNG TRIỀU - ANH TUẤN-Báo Khánh Hòa điện tử

Các tin khác cùng chuyên mục
Du lịch “Balô” ở Văn Phong - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 7:08:01 CH
Bún cá rô - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 7:07:17 CH
Ao đôi - Bình chánh (TP. HCM) - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 7:06:24 CH
Hồ Tiên sa - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 7:04:02 CH
Ghi từ Nước Úc (phần III) - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 7:02:24 CH
Hải Sâm - Đặc sản quý hiếm tại Phú quý - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 6:56:08 CH
Phú Quý, đảo lành - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 6:55:28 CH
Mùa tát cá - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 6:54:05 CH
Cá ngát nấu chua lá me - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 6:52:06 CH
Tát đìa - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 6:51:23 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.