Vó bè

Ở quê tôi, đôi khi ngẫu hứng, ai đó tự dưng cất lên câu ca, theo điệu cổ nhạc mà tôi chẳng biết gọi là điệu gì, đó là câu: ‘’Nếu mai thất nghiệp..anh dià Bùi chu anh..cắm ứ câu, bắt con nhái..bầu ư ừ vv.’’ Mà đôi khi tôi cũng hát theo chơi. Tôi không thất nghiệp, nên tôi đi làm vó bè, thế vó bè là gì? Gượm tí; tôi sẽ dài dòng để kể cho qúy vị nghe sơ về các loại vó mà tôi biết tí chút.

Chim trời, cá nước, đấy là nguồn tài nguyên vô tận mà thượng đế đã ban cho loài người, nhưng ngài cũng thử trí thông minh của con người xem họ sẽ dùng cách thức nào mà thu hoạch các tài nguyên ấy, thế là con người ta phải dùng trí óc mà nghĩ ra đủ mọi cách để mà đánh bắt, thôi thì chẳng còn cách nào mà người ta không áp dụng, nhỏ thì xúc, câu cần, đặt sời, đặt đó, đặt ống, đặt lờ, úp nơm, đánh dậm, quăng chài, làm xẻo, đóng đáy, giăng lưới, giăng câu, làm vó, to thì tàu bè đi giã cào, thời chiến sẵn bom đạn họ chơi luôn chất nổ, giật điện, ác hơn thì đổ thuốc trừ sâu cho cá chết hết. Nói thì nói đại vậy thôi chứ tôi thì đâu có biết hết được các dụng cụ để đánh bắt cá, riêng bản thân tôi thì chỉ biết tí chút về cái vó bè, cái loại vó mà tôi đã hành nghề được vài ba năm.

Vó có nhiều loại, nhỏ nhất là vó tép, vó này người ta lấy mấy miếng vải màn cũ cỡ chừng một mét vuông, khâu túm bốn góc thành 4 cái quai, để cột mắc vào hai thanh tre vót tròn, nhẵn nhụi, rồi uốn cong theo hình chữ u lộn ngược thành bộ gọng vó, cột vào nhau ở giưã theo hình chữ thập để dễ dàng xoè ra, cụp vào cho dễ mang đi, vì người làm vó này phải có nhiều vó, cỡ năm hay mười vó hay hơn nữa mới làm ăn được, mà không làm cho gọn thì làm sao mà mang vác, thường họ đi đặt vó ở ven bờ sông, chỗ đất thoai thoải, đến nơi, họ xoè vó ra cho vuông vức, cho tí mồi ở giữa, mồi thường làm bằng cám rang thơm phức, rồi dùng một cây sào dài, đầu có cái chạc để khi đặt vó hoặc lấy vó lên không bị rớt xuống, họ đặt vó dài theo bờ sông, rồi cứ lần lượt đi soát vó lấy tép và thả thêm mồi xong lại đặt xuống.

Kế đến là vó tay, vó này lớn hơn vó tép, cở 4 hay 6 mét vuông, tuỳ theo sức của ngư dân và vó phải được đan hay dệt bằng sợi bền hơn, gọng vó bằng 4 cây tre nhỏ, cột với nhau sao cho bốn gọng chụm lại vừa với bốn góc vó, khi cất lên rường vó thì căng ra mà thịt vó phải võng xuống như cái lòng tô, người cất vó này cũng phải khoẻ, vì vó được thả ra xa bờ bằng một cần dài, sau đó dùng một hòn đòi ném vào giữa cho vó chìm xuống, người cất vó phải dùng chân chống và tì để giữ cho cần vó chiụ chắc lại, rồi phải dùng tay mà nâng vó lên, khi cất vó lên cao, phải dùng vợt mà bắt cá ở trong vó. Hai loại vó trên thường di động khắp các bờ sông, bờ đìa.

Giờ xin kể về cái vó bè, nói tới vó thì cái nào cũng giống nhau, chỉ khác nhau ở kích cỡ, thế cho nên vó bè là loại vó lớn nhất, nên nó phải được đặt cố định, và làm công phu hơn, có diện tích vó lên đến từ 16 tới gần 25 mét vuông, gọng vó, đà vó cũng lớn hơn gấp nhiều lần mới có thể nâng vó lên, hạ vó xuống được, người làm vó này cũng phải theo trình tự nhất định như sau: Trước hết, phải tìm nơi để đặt vó, mà người trong nghề gọi là máng vó, khi đã tìm được chỗ, họ phải lặn xuống san lấp cho mặt đáy của lòng máng bằng phẳng, mò những rác rưởi, rong rêu, chà tre, chướng ngại cho quang đãng, sạch sẽ để vó khi cất lên, hạ xuống không bị vướng, kể cả khu đầu nguồn, phòng khi nước chảy cuốn trôi rác rưởi dưới lòng sông trôi xuống vó.

Xong được phần máng vó, đến lượt dựng cọc đỡ, chặt đà vó, gọng vó (tôi chỉ xin nói về cái vó mà tôi làm, các nơi khác họ dùng cách khác thì tôi không biết). Cọc thì dễ, có chừng 12 cây ngắn cỡ 3 mét, nên cây tre già nào cũng có thể tận dụng được, còn đà vó phải là các cây tre già, dài cỡ 5,6 mét, cho nên cứ phải đi lùng xục trong các bụi tre già mà tìm. Ngày đó, rừng còn giầy đặc, tre mọc đầy dọc theo hai bên bờ sông nên còn có tre mà chặt, khi tìm được cây tre đúng với nhu cầu mình cần, tre phải già, to, thẳng, dài, và bốn cây phải tương đương nhau, tìm được rồi mới dùng dao cho thật sắc, phát gai tre ở gốc tre cho quang đãng, ai yếu bóng viá, đứng trước bụi tre già chắc phải nổi da gà, khi nhìn thấy những gai tre già cứng như kim sắt tua tủa chĩa ra khắp chung quanh. Sau khi phát quang được cái đám gai tre chướng ngại, lúc đó ta mới chui vào gốc, vừa leo lên ngọn tre, vừa chặt tỉa các nhánh và gai tre từ gốc đến ngọn, chỉ chừa lại một chút nhánh cho chân có chỗ mà leo, phạt cái ngọn tre xong, sau đó, khi leo xuống, cứ đến đâu thì chặt sạch nhánh tre, để khi bứt gốc thì dễ rút cây tre ra khỏi bụi, rút cây tre ra ngoài, nói cái vèo một cái là xong, có cây tre dài thườn thượt trước mặt rồi lè; nhưng khi chặt, kéo được cây tre xuống cũng mất vài giờ và cộng với một vài ba vết xước với máu me cùng khắp, mồ hôi, mồ kê đầm đià, một bộ đà vó phải 4 cây tre cùng cỡ với nhau, tre già thân cứng cũng đâu kém gì sắt, sau đó thả theo giòng sông mang về. Sau này do tre càng ngày càng hiếm, thấy mấy cái càng máy bay trực thăng phế thải, cùng cỡ với cây tre, lại nhẹ nhàng vì bằng nhôm cứng, dân làm vó mới mua về nối lại làm đà vó, bền hơn và cũng không phải mỗi năm đi kiếm tre chặt đà vó nữa.

Gọng vó thì cũng phải bốn cây tre đực, nhỏ hơn tre đà, kiếm được mấy cây tầm vông cũng được, chỉ cần kích cỡ bằng nhau để khi giương vó lên có đủ độ dãn nở mà căng bốn rường vó cho căng ra, khi tìm được thì cũng vẫn cách cũ mà chặt xuống, xong được bộ đà và gọng vó, coi đâu đấy kiếm thêm mấy đoạn tre mai mái, để đem về chẻ nan đan cái sời nữa là đủ bộ, không biết đan thì đi đặt mướn ai đó họ biết đan, họ đan cho, lại ông Thùy, ông Đệ ai cũng đan được.

Nói tới chặt tre, tôi lại nhớ đến những người con gái sống ở cái ấp gần đấy thuộc xứ Sài Quất, ở đó họ có nghề đốn tre về làm que nhang, chẻ đũa và làm tăm tre, mình là đấng nam nhi chi chí, chặt được cây tre xuống mà muốn ná thở, ấy thế mà các nàng nữ nhi ở xứ ấy họ phải làm hàng ngày, cũng vẫn làm giống như tôi đi chặt đà vó, họ chui được vào gốc tre rồi là leo tuốt lên ngọn, nhanh nhẹn và thoăn thoắt như các chú tề thiên, với một cái cưa nhỏ, thế là cứ ung dung cắt từ ngọn xuống dần đến gốc, kích cỡ có sẵn, từng đoạn một, cứ thả xuống gốc của bụi tre, khi nàng xuống tới gốc, thì các cây tre trong cả bụi cũng tụt xuống theo nàng, chẳng còn ngọn mà phất phơ theo gió nữa, nếu đủ với số lượng mà họ đã định thì thôi không leo tiếp, còn như chưa đủ số, thì các nàng lại xông vào bụi tre kế tiếp mà làm, tre cưa xong, chẻ ra cho dễ bó lại, dùng giây rừng đóng đai xếp vào và nêm cho thật chặt, khiêng hay gánh ra đường để cho xe chở về nhà, bó nào bó nấy to như cái bánh xe đạp nhỏ.

Trở lại chuyện vó bè. Ðể dựng được giàn vó lên cũng phải biết tí chút về nghề mộc, để khoan, đục đẽo tí chút, các cột phải dạng cỡ nào cho có thế đứng vững, không bị xiêu vẹo, các đầu cột phải ăn đúng vào cây xỏ ngang thẳng một hàng với cây suốt của đà vó, để cặp đà vó nằm theo thế đòn bẩy, giống như cái cần cẩu, rồi chống chế làm sao cho có thế mà cột treo bộ gọng vó vào, sau đó cột giây, để kéo vó, giây phải là giây chão to như chuôi dao, để khi kéo đỡ rát tay, xong xem nặng nhẹ ra sao để còn cột đòi gia giảm, hay là gọng nào nhẹ quá vó nổi, phải đeo tạ để vó chìm xuống, nhất nhất mọi chuyện phải có người chuyên môn giúp đỡ, không cứ bị sửa đi, sửa lại hoài hoài, còn vó thì ngày đó tôi mua của bà già Như ở trên Thanh Hoá, ấp kế cận làm bán cho (dân nhà nghề gọi là đấu vó), có vó mắc vào gọng để thử, phiá đầu nguồn coi nếu sông còn rộng hơn vó thì lấy cây cắm kè để cho cá chỉ bơi vào chỗ có vó. Cũng phiá đầu nguồn cũng phải chọn coi có cây nào mà cột được hai sợi giây chì giữ cho hai gọng vó phiá đầu nước khỏi bị nước chảy kéo xệ vó đi. Một sợi giây khác cột vào đít cái sời, giữ nó nằm cố định, để khi vó hạ xuống thì miệng sời nằm cuối nguồn, làm thế nào để miếng vải bao quanh miệng hom che chắn cho cá không thoát ra ngoài được, rồi còn làm cái lều nhỏ để tránh mưa, tránh nắng, cùng một miếng mảng bằng tre để bơi ra sông mà mắc, tháo vó, mắc, đổ sời lấy cá, xong xuôi mọi sự thì về nhà làm việc khác, chờ cho những ngày có mưa to thì vào mắc vó mà bắt cá.

 

Giòng Sông Mây chảy qua khu ruộng chúng tôi dài chừng hơn cây số nếu tính theo đường thẳng, nhưng nhờ nó chảy ngoằn nghèo nên dài hơn hai cây số, chỗ chúng tôi chọn để làm vó sông cứ như chữ chi, phiá trên không nói, còn chỗ chúng tôi thì liền tịt nhau vì sông bẻ khúc như chữ S, lều vó này nếu làm quay lưng lại với nhau thì cách chừng 50 mét, mà tính giòng sông thì cách nhau hơn 200 mét, phiá trên là vó ông Thiện, ông Tuy, anh Hoà, Khái Hoan, Tôi, anh Hiển, ông Thuỳ, Vinh, ông Ðệ, anh Nhiên vv. Những ngày bình thường chắc chỉ có ông Thuỳ là còn thỉnh thoảng thả vó kiếm cá ăn, còn lại thì chỉ có chỏng gọng chờ mưa, nên chỗ này vắng vẻ, còn mưa đến, nước về thì cứ lội ì oàm suốt, người vào, người ra để kéo vó, chuyển cá, đưa cơm, gọng vó cứ nhịp nhàng đưa lên, đưa xuống liền liền, nếu gặp lúc cá đi, thì vó cứ kéo liên tục.


Thấy tôi cũng đôi lúc rảnh, ông cụ nhạc tôi mới hỏi tôi có muốn làm vó bè không? Làm chứ ba! Tôi đồng ý, đang rảnh mà ba và ngài hì hục làm cho tôi đến 70% các công việc kể trên, và còn đan cho tôi thêm cái sời đựng cá nữa! Khi mùa mưa đến, có những trận mưa đầu mùa nước mưa như thác đổ, như mang cả nước của trời mà đổ xuống thế gian, giòng Sông Mây đón nước trên đầu nguồn chảy về, mang theo bao nhiêu là cá, tôm từ trong các vũng các đìa đâu đó trong rừng bị nước mưa tràn qua như cơn lụt lớn kéo cá tôm, ruà rắn, ba ba, cùng uà cả ra sông, chúng tôi cùng kéo nhau vào ruộng mà kéo vó bắt cá, những con cá Năng vàng ngậy, con Lóc đen trũi, con Trạch đuôi dẹp. Con Rô như cái bàn tay, tôm càng xanh to tướng, tôm con, đủ loại, đủ thứ, rồi rùa, Ba ba (cua đinh) thường chỉ có trận mưa lớn đầu mùa là có nhiều cá, còn các trận mưa sau thì cá ít đi, nhiều người có một đêm cũng kiếm được cả tạ cá, còn riêng tôi thì chưa có đêm nào được hơn 20 kg, và chắc cả mùa mưa, tôi kiếm đâu cũng cở 50 kg là nhiều, chỉ đủ ăn chứ ít được bán lắm, hôm nào khấm khá, bớt lại mấy ký làm bữa gỏi cá, mời anh em bạn bè đến đánh chén.


Nói tới ăn thì phải công nhận cá tươi ăn ngon lắm, cả đêm cất vó, sáng chọn cá loại nào mình thích, làm sạch sẽ, bỏ vô nồi kho nước còn nhê nhể, cho tí ớt cho the the để bớt vị tanh, múc ra tô nặn vài miếng chanh cho chua chua rồi cả cá lẫn nước mắm cá kho chan vào bát cơm nóng mà ăn ngon thật bá cháy. Không thì con tôm càng xanh kia kìa, bỏ vào rim với qủa cà chua nữa, khi chín tôm cũng đỏ cộng với màu đỏ của cà chua, của gạch trứng tôm, mắt nhìn vừa đã mà vừa thèm, sau một đêm cái bụng đang đói sẵn, cơm nóng cũng được chan với nước sốt tôm càng thì giời ơi là giời, sao hôm nay ai lấy gạo mà nấu ít cơm thế, cứ tưởng bụng còn đói mà đứng lên muốn không nổi, cái bụng nghe đã đầy nên hơi anh ách.


Nếu phải kéo vó hoài chắc cũng không thể nào chiụ nổi, vì tay bị rát và mỏi, xương ngực cũng giãn ra, mà mưa gió cũng ướt át, rét mướt. Bởi vì vó chỉ làm để đón nước mưa từ đầu nguồn xuôi về sông lớn, thường những trận mưa lớn hay đổ về chiều và đêm, nên ở nhà, cái bao vó và đồ nghề lúc nào cũng phải sẵn sàng, để có những cơn mưa lớn ập đến là trùm áo mưa vào leo lên xe trực chỉ vào đồng, lội qua lô 10, qua con suối nhỏ, rồi qua hết lô 11, đến nơi, bỏ đồ nghề vào trong lều, che chắn cho đồ khỏi bị ướt, đem vó ra, hạ gọng vó xuống rồi bơi mảng lần đến các gọng vó mà mắc vó vào, xong phần mắc vó, nhớ phải gắn sời vào đáy vó, kiểm tra cẩn thận, chắc chắn, chứ nếu không cẩn thận, cá chui đi hết vất vả cả đêm cất vó, sáng coi còn có cái sời không thì khổ.


Xong được những việc trên, neo mảng vào bờ, cắm sào cho chắc rồi vào lều thả vó xuống thử, cất lên, hạ xuống vài lần coi có trục trặc gì không, nếu mọi sự đều tốt cả, thì cứ lâu lâu cất vó một lần, nếu có buồn ngủ thì cứ nằm ngủ, giật mình giậy lại kéo vó, thấy cá giẫy giụa đó là lúc cá đi qua, cứ chiụ khó thức mà kéo vó liên tục, độ vài giờ thì bơi mảng ra kiểm tra, nếu thấy trong sời nhiều cá thì đổ mà chuyển vào trong cái lồng sắt đã được cột chặt vào cái cọc ở ven sông để cá khỏi bị chết, ban đêm thì hơi buồn tí đấy, nếu nhiều cá thì cũng đỡ buồn, còn không thấy cá giẫy giụa gì thì buồn ngủ lắm, nên dễ gác vó làm một giấc cho đến sáng, ngủ quên thì đôi khi cá đi mà không biết để đón bắt thì rất uổng, phí công toi!


Ban ngày thì còn có thời gian mà ngắm trời mây và nước, những cơn mưa lớn, trên đầu nguồn nước đổ về, con sông biến mất, ruộng vườn cũng chìm sâu, chỉ còn mênh mông mặt nước bao la khắp cánh đồng soi bóng mây và chiếu ánh mặt trời chói chang hắt lên nóng rát, lúc này đi lại mới thực là khổ, nước mênh mông mà lại chảy siết, chẳng còn biết đâu là đường, đâu là ruộng, cứ phải chiếu theo những mốc điểm quen thuộc dò dẫm mà đi, nên rất ngại khi rời lều đi đâu mà không cần thiết, giờ mới lôi cuốn truyện ra ngồi vừa đọc, vừa kéo vó lai rai, kéo đến bao giờ thấy không có cá nữa, nước trong lại thì gỡ vó ra, giặt vó, mang treo ngược lên phơi, chờ khô bỏ vô bao, thu xếp đồ đạc lại chuẩn bị về, chờ cơn mưa khác ập đến mới có dịp quay vào mà đón bắt cá tiếp, cho đến Tháng 7, Tháng 8 nước đã lên cao và cá tự do bơi lội trên đồng thì coi như nghỉ hẳn chờ mùa tới của năm sau.


Cứ như vậy, tôi làm vó đâu cỡ được ba mùa mưa, năm cuối cùng là năm 1975 lúc đó cái xe Vespa ba bánh của tôi bị giữ, trời mưa to, tôi mang vó vào ruộng, lội ra khu lều vó, tôi hì hụi suốt một đêm, sáng hôm đó, tôi kéo vó lên, thấy một cái gì to lắm đang trượt theo lưới vó mà tụt xuống, cứ từ từ kéo vó lên, thì ra là một con rùa lớn tôi không biết làm thế nào, bèn phải gọi anh Hoà qua giúp, tôi cứ phải hạ vó từ từ cho anh đưa tay lần con rùa ra ngoài đến gần rường vó anh mới bắt con rùa bỏ vào bao mà mang lên bờ được, và con rùa là con vật cuối cùng tôi bắt được qua cái vó bè. Kể từ năm đó trở đi, cái vó bè tôi giao cho bạn Hải, tôi bỏ nghề từ đó, chắc cái vó bè mà tôi tả khác xa với cái vó bè ở quê tôi ngày xưa. Vì sông quê tôi có con đò xuôi ngược, cá cũng nhởn nhơ bơi qua, bơi lại trên giòng sông lững lờ chảy theo lượng nước thủy triều lên xuống, vó được giăng mắc quanh năm và đêm đêm vang vọng tiếng xin qua sông của người chèo đò: ‘Ông vó bè ơi, cho tôi qua với,’ khi nghe tiếng gọi, là cái vó bè được kéo lên cho thuyền bơi qua khúc sông mà người làm vó chiếm cứ. Ðã hơn 50 năm trôi qua, không biết cái vó bè ngày tôi còn bé nằm ở gần ngã ba sông làng quê tôi có còn cất lên hạ xuống nữa không? Chứ còn cái vó chỗ tôi làm ngày ấy thì giờ đã biến mất, đi qua đó, giờ chắc chẳng còn một tí dấu vết gì của nó còn để lại mang chút kỷ niệm của cái lều vó của tôi năm xưa, còn cái vó chắc đã được quăng vào xó dù nó được đan bằng sợi nylon, nhưng cũng chẳng thể tồn tại với thời gian cho được.
Vó cũng còn vài loại nữa cũng được gọi là vó, ấy thế mà nó lại chẳng dùng để bắt cá được, đó là vó câu hay vó ngựa như câu: Vó câu muôn dặm. Xin kể ra đây những người Bùi Chu đã một thời làm vó: gồm Ông Tư Ngà, Ông Trùm Bính, ông phó Đương, ông phó Sơn, Ông Kiểm Tắc, ông Đệ, ông Thùy, ông Giáo Tuy, ông Thiện, ông Hiển, ông Nhiên, ông Vinh, ông Khái, Hoan, Minh vv. Làm sẻo có ông Trùm Na, ông Vinh, ông Khán. Đóng đáy có ông Đinh Tiết Chiếm. Cũng với những nghề bắt cá khác có quăng chài do anh Hiển làm, đánh dậm thì nguyên các anh em trong xóm sau nhà thờ. Như vậy Bùi chu trong qúa khứ chúng ta có đủ cả nông, lâm, ngư, và công nghiệp.

Nguồn:Trần văn Minh-buichu.net

Các tin khác cùng chuyên mục
Hội đánh cá làng me - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 7:18:40 CH
Tản mạn về ao làng - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 7:17:59 CH
Chuyện quanh cái chuôm - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 7:16:58 CH
Câu Lạc Bộ Xanh - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 7:16:01 CH
Mùa mưa ở Ba Động - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 7:15:11 CH
Cồn Hến và Cơm Hến - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 7:14:14 CH
Cung chúc tân xuân -2007 - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 7:12:40 CH
Lươn hầm hà thủ ô - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 7:11:05 CH
Sinh sản nhân tạo thành công cá anh vũ - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 7:10:03 CH
Chúng tôi đi lặn biển - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 7:09:16 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.