Đầu năm nói chuyện "đạo câu"

Tìm hiểu thêm về những ông lớn của ngành sản xuất đồ câu thế giới, tôi lại phát hiện thêm rằng: Trong số rất ít những ông chủ - cần thủ đó thì số người hoạt động vì môi trường lại càng hiếm hoi hơn.

Và phát hiện cuối cùng của tôi: Trong số ông chủ - cần thủ - nhà môi trường hiếm hoi này thì chỉ có 1 người duy nhất xứng đáng khiến cần thủ Nhật và thế giới phải kính cẩn ngả nón cúi chào trước ĐIẾU NGƯ ĐẠO ĐỨC của ông - đó chính là Chủ tịch Tập đoàn cần câu TENRYU, ông MIYOSHI SHIOZAWA (thường được bạn câu các nơi gọi thân mật là MIKE), người luôn được những Tổ chức Quốc tế về Môi trường lựa trọn để trao những giải thưởng uy tín, danh giá cho các hoạt động bảo vệ thiên nhiên của ông.

Hẳn cần thủ Việt Nam chúng ta đã nghe qua hay sở hữu dòng sản phẩm TENRYU, thậm chí như lão tướng Hồ Văn Hán từng tâm sự: Tôi chỉ khoái anh TENRYU ... nhưng ít ai biết được vì sao hãng lại có tên gọi này, chính hãng nằm ở đâu, hay ông chủ hãng là người ra sao v.v... và tôi cảm thấy mình thật may mắn là người Việt Nam đầu tiên nhận được giấy mời đến thăm Nhà máy sản xuất chính tại Nhật của Tập đoàn TENRYU và có buổi trò chuyện cởi mở, thân mật với người sáng lập & hiện cũng là Chủ tịch Tập đoàn này - ông MIKE SHIOZAWA, về vấn đề đang gây tranh cãi giữa các trường phái câu kéo - Niềm vui thực sự của thú câu cá là gì?

Xin gửi bài viết đến các cần thủ Việt Nam như 1 món quà nho nhỏ mừng Xuân.

Chào bạn câu Việt Nam!

**********************

Đón tôi tại sảnh của Văn phòng chủ tịch tập đoàn TENRYU là 1 người đàn ông cao to có gương mặt phúc hậu, 1 gương mặt hoàn toàn khác với nét nghiêm nghị khi đi tuyên truyền, cảnh báo về những mối đe dọa môi trường mà tôi thường thấy ở ông qua các phương tiện truyền thông - đó chính là ông MIKE SHIOZAWA. Sự giản dị, vui vẻ của ông giúp tôi mạnh dạn hơn để xem ông như 1 người bạn câu lớn tuổi chứ không phải trước mặt tôi là 1 trong những người quyền lực nhất trong giới sản xuất đồ câu danh tiếng thế giới.

Suốt buổi nói chuyện, không xuất hiện bất kỳ sự PR nào về dòng sản phẩm mà công ty TENRYU sản xuất cũng như không tranh thủ quảng bá hình ảnh công ty mình, mà ông Mike cuốn hút tôi vào câu chuyện của 1 nhà môi trường, một nhân cách lớn trong giới cần thủ - mê câu nhưng gắn bó với việc bảo về nguồn cá và môi trường nước.

Trước tiên, xin ông có thể giới thiệu đôi chút về bản thân và Tập đoàn TENRYU?

Tôi sinh trưởng ở tỉnh Nagano, Nhật Bản, ra đời năm 1930 nên năm nay tôi đã 77 tuổi rồi. Sau khi tốt nghiệp Đại học, như những thanh niên Nhật sau thời chiến, tôi không có cơ hội chọn ngành nghề mình yêu thích mà số phận đưa đẩy tôi vào làm việc cho 1 nhà máy sản xuất cần câu tại Tokyo. Tại đây, do bản thân cũng là 1 người đi câu từ bé bằng cần tre nên mối lưu tâm chính của tôi là làm sao phát triển loại cần bằng chất liệu TRE và SỢI THỦY TINH. Sau đó, tôi trở về quê nhà khi đã 30 tuổi và bắt đầu thành lập công ty TENRYU, lúc đó nó chỉ là 1 công ty nho nhỏ thôi.

Vì sao công ty lại có tên là TENRYU, thưa ông?

TENRYU là tên 1 con sông bắt nguồn từ hồ SUWA, chảy dọc suốt 3 tỉnh Nagano, Aichi, Shizuoka và cuối cùng hoà mình vào Thái Bình Dương. Nó nằm ngay trung tâm của quốc đảo này theo chiều Nam - Bắc đồng thời cũng chia đôi 2 bờ Đông - Tây nên người ta muốn đi từ Tokyo đến Osaka hay ngược lại đều phải đi dọc suốt 200km chiều dài dòng sông. Đặc biệt đoạn sông TENRYU nổi tiếng đẹp, trong và sạch nhất Nhật Bản chảy ngang trước công ty chúng tôi.


Một góc phòng làm việc

Ông bắt đầu câu cá ở sông TENRYU từ khi nào?

Từ khi tôi còn học tiểu học. Đó là lúc Nhật Bản đang có chiến tranh và người dân gặp rất nhiều khó khăn về thực phẩm, vì vậy chúng tôi câu cá Chép, cá Giếc, cá Ayu (1 loại cá Nhật - CV) không phải để giải trí mà để kiếm thức ăn. Nhưng sau khi làm việc cho hãng cần câu ở Tokyo, câu cá trở thành thú vui của tôi, ban đầu tôi đi câu vì cần phát hiện lỗi để cải tiến sản phẩm, dần dà nó trở thành niềm vui thực sự, thành sở thích chính của tôi.

Ông đi câu ở những đâu trên Thế giới?

Tôi đã đi câu ở những nước thuộc bán đảo Scandinavian (Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan - CV), các nước châu Âu, Bắc Mỹ, Mỹ, Úc, Nga, Nam Thái bình dương và Đài Loan. Ở nước Nga mênh mông đó, tôi đã đi bộ dọc theo bờ biển Baltic ra đến Thái Bình Dương để câu cá. Thật tiếc là tôi chưa có cơ hội đi câu ở Đông Nam Á.

Ông thích câu loại cá nào nhất?

Đó là cá Steelhead ở Bắc Mỹ bằng kiểu câu fly. Thật tuyệt vời khi đấu trí với bọn cá khôn lanh, khỏe mạnh trong sự tinh khiết của môi trường. Tôi cũng có ấn tượng sâu sắc khi câu 1 loài cá tên Cattosrort ở vùng quê nước Mỹ.


Steelhead tại Canada

Con cá to nhất từ trước đến nay mà ông câu được nặng bao nhiêu kg?

Đó là con cá Ngừ đại dương nặng 170kg tôi đã câu tại đảo Yonaguni (đảo ở cực Tây nước Nhật - CV).

Ông là 1 chuyên gia về cần câu, vậy loại cần nào ông thích sử dụng nhất (theo ý kiến cá nhân)?

Dĩ nhiên tùy vào từng loại cá ta câu. Nhưng thường thì tôi thích những chiếc cần parabolic action (loại cần dịu, mềm phần đầu cần như slow action - CV). Nếu muốn câu cá mà không mắc sai lầm, thì những chiếc cần cứng sẽ dễ dàng hơn, tuy nhiên chúng ta không phải là những tay câu chuyên nghiệp nên không nhất thiết yêu cầu điều hoàn hảo... và tôi cảm thấy khi bắt được cá bằng 1 chiếc cần mềm với tất cả kỹ thuật cá nhân được đem ra sử dụng thì vui hơn nhiều so với khi dùng 1 chiếc cần cứng.

Theo ông thì điều gì được gọi là NIỀM VUI trong trò câu kéo?

Với tôi, đó chính là QUÁ TRÌNH CÂU chứ không phải KẾT QUẢ CÂU. Tôi cảm thấy niềm vui nhận được bao nhiêu khi chinh phục 1 con cá thì quan trọng hơn nhiều so với kết quả câu được bao nhiêu con và trọng lượng của chúng như thế nào...

Mọi cần thủ đều biết, cũng 1 loại cá với cùng kích cỡ, đôi khi mang đến cho ta niềm vui vô bờ bến (khi ta câu được con đầu tiên hoặc duy nhất của buổi câu), nhưng đôi khi chỉ là niềm vui rất nhỏ (khi ta đã câu được quá nhiều rồi, bản thân cũng không còn cảm nhận & ghi nhớ hết được niềm vui của mình với từng con cá được kéo lên như thế nào). Khi chúng ta đối mặt với tình trạng này (câu được toàn cá ngang tầm nhau), phải làm sao đây? Săn đuổi những con cá lớn hơn là 1 cách làm. Nhưng chúng ta còn có 1 cách khác - hãy cố nghĩ mình đã vui mừng ra sao mỗi lần câu từng con cá, từ khi ta lừa nó, đến khi nó bị mắc mồi, sau đó là cuộc chiến & ta là người chiến thắng.

Có phải đó cũng là lý do để ông thích câu bằng mồi giả hay câu fly chăng?

Đúng vậy. Mồi giả và fly đều là kiểu câu có cách xử lý lâu dài và phức tạp cho đến khi ta bắt được cá. Thật là bí ẩn! Những con cá cắn vào mẩu gỗ hay đoạn nhựa, tôi cảm thấy giống như ảo thuật vậy. Tại sao chúng ăn? Loại vật liệu nào và lối chuyển động ra sao sẽ hấp dẫn chúng hơn? Thử thách và những sai lầm khiến tôi cảm thấy vui hơn là treo sẵn những miếng mồi sống trước miệng bọn cá. Đã gọi là Quá trình thì niềm vui chứa trong đó cứ thế mà tăng lên, còn Kết quả thì niềm vui chỉ là vỏn vẹn mà thôi.

Nhưng vẫn có rất nhiều cần thủ muốn bắt được càng nhiều cá càng tốt?

Từ thời xa xưa, con người ban đầu bắt cá là vì miếng ăn. Do đó niềm khao khát muốn câu cá to với số lượng nhiều đã trở thành nếp nghĩ, thậm chí đã ăn sâu vào tiềm thức nên ta không thể 1 sớm 1 chiều gột rửa được quan niệm này... dù vậy, hãy nhớ rằng điều tốt đẹp nhất mà chúng ta sẵn có là những cần thủ ngày nay câu cá không phải vì kiếm ăn.

Họ không vì kiếm ăn, nhưng ông nghĩ sao nếu họ muốn câu nhiều cá, cá to vì... muốn lập kỷ lục cá nhân?

Ta cần suy nghĩ thêm chút nữa rằng số lượng cá đang ngày càng suy giảm ở mọi nơi trên thế giới không chỉ bởi sự tăng tốc của ô nhiễm môi trường mà còn bởi sự thiếu ý thức của những người đánh bắt, trong đó gồm cả những người câu cá giải trí.

Tôi biết ở Việt Nam còn những nơi có rất nhiều cá, nhưng với thực trạng câu kéo như hiện nay ở nước các bạn - vẫn còn rất nhiều người bắt lên mọi loại, mọi cỡ cá phục vụ cho việc ghi chiến tích - thì dần dần chỉ còn những con cá nhỏ với số lượng rất ít mà thôi. Một khi đã mất đi nguồn cá rồi, sẽ coi như việc phục hồi là bất khả thi. Những cần thủ Nhật Bản đã gặp phải tấn bi kịch này - 1 số loài cá đã không còn xuất hiện tại biển Nhật Bản hay các sông ngòi trong nước nữa.

Vậy chúng ta nên làm thế nào đây?

Tôi kêu gọi các cần thủ cùng hưởng ứng cuộc vận động 5 con cá / ngày câu. Trước hết chúng ta phải nhận thức được điều này: Câu cá - đối với con người là niềm vui, nhưng với loài cá, chúng bị bắt nạt & bị hủy diệt. Câu cá - Chúng ta không chỉ làm giảm nguồn cá mà còn gây ra những ảnh hưởng xấu đối với thiên nhiên, như việc thải rác hay tung mồi xả vào nguồn nước chẳng hạn. Vậy hãy tâm niệm, chúng ta được chơi đùa với sự sống nào đó trong thiên nhiên, chúng ta phải biết cảm ơn và phải có ý thức gìn giữ lần gặp gỡ sự sống đó trong lòng mình, dù đó là chỉ là sự sống của 1 con cá bé nhỏ. Làm được điều này, trước mắt, bạn là người biết bảo về môi trường, tiếp đó, bạn xứng đáng với chữ cần thủ (angler - CV).

Ông có thể giải thích rõ hơn về ý nghĩa của cuộc vận động 5 con cá / ngày câu không?

Trong trò giải trí này, việc chúng ta đi câu ở đâu, tại địa hình như thế nào, sử dụng cần câu gì, con cá đã xuất hiện ra sao, nó kháng cự mạnh mẽ đến đâu, con cá đó lớn bao nhiêu và có xinh xắn không... là những yếu tố tạo nên niềm vui. Nếu chúng ta muốn nhớ hết được những chi tiết như vậy trong mỗi cuộc gặp gỡ với từng con cá thì chúng ta có thể nhớ được bao nhiêu trường hợp đây? Nếu bạn người bình thường với 1 bộ não bình thường, có lẽ chỉ nhớ được khoảng tối đa là 5 con cá mà thôi. Dĩ nhiên có những khác biệt giữa từng loài cá, nhưng tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng Chúng ta không nên bắt quá nhiều. Nếu 1 cần thủ thả con cá này cho bạn câu đến sau, và người đến sau lại thả cá cho người đến kế tiếp anh ta... cứ như vậy điểm câu sẽ có nhiều cá và cá lớn 1 cách dễ dàng hơn, và tất cả chúng ta đều cùng được thưởng thức niềm vui câu kéo... Bạn có nghĩ thế không?

Được biết ngoài việc là người tiên phong khởi xướng phong trào 5 con cá / ngày câu, ông còn là người ủng hộ tuyệt đối quan điểm Bắt rồi thả (Catch & Release - CV), có phải cũng vi những lý do nêu trên không?

Đúng thế. Chúng ta không nên sát cá nhiều 1 cách vô ích như vậy mà ngược lại, hãy phóng thích những con cá 1 cách nhẹ nhàng, nhất là những con vừa mới sinh hay chỉ 1, 2 năm tuổi, hoặc chúng ta có cách hay hơn nữa là phóng thích cả những con cá đã lớn. Nếu chúng ta làm như vậy, con cá đó sẽ lại mang tới niềm vui cho những bạn câu khác, hay cho chính bạn, cho chính tôi thêm lần nữa. Là 1 cần thủ thực sự thì điều duy nhất bạn nhận được từ cá đó là niềm vui, không phải là thịt của chúng. Lối suy nghĩ này đang được truyền bá và ngày càng nhân rộng tại Nhật, châu Âu & Mỹ.

Khi câu ở Nhật Bản, theo ông thì câu loại cá nào là tuyệt nhất?

Loài cá tuyệt nhất để câu ở Nhật, theo tôi, chính là Iwana & Amago. Đó là những loài cá rất khôn lanh, có hình dáng và màu sắc dịu dàng, chỉ sống ở những con sông nằm tận sâu bên trong những đỉnh núi cao, nơi môi trường thiên nhiên trong lành đến kỳ diệu... Bất cứ khi nào các bạn câu nước ngoài đến Nhật thăm tôi, tôi đều đưa họ đi câu Iwana & Amago.


Cá IWANA

Ông có muốn đi câu ở Việt Nam không?

Hẳn nhiên rồi! Tôi muốn câu Cá lóc và Cá lóc bông nhất, loài cá chỉ có ở vùng Đông Nam Á. Tôi thích thử kiểu câu của các bạn, nhưng khi câu thật sự, tôi sẽ chọn mồi giả để chiến! (Cười)

Xin chân thành cám ơn ông về buổi nói chuyện rất ý nghĩa này.

Xin cám ơn bạn đã đến và cho tôi gửi lời Chúc mừng Tết Nguyên đán đến tất cả bạn câu tại Việt Nam. Mong ngày được gặp.

Nhật Bản, 2/2007
Nghiêm Cẩm Vân

Bài viết có đôi chỗ không thuận câu văn lắm do người dịch chủ ý dịch rõ chữ (không dịch thoáng) để nắm bắt được thật sát nghĩa những lời tâm huyết của ông Mike, xin mọi nguời miễn trách

Các tin khác cùng chuyên mục
Nuôi cá Lóc làm cảnh - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 10:08:09 CH
Đặc sản hòn đá bạc - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 10:04:42 CH
Tát ao-hôi cá - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 10:03:21 CH
Cá sấu xuất hiện tại hồ Núi Le - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 10:01:33 CH
Đầu năm nói chuyện - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 10:00:42 CH
Hòn Tranh và hòn Trứng - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 9:55:37 CH
Anh là con cá thứ tám - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 9:54:36 CH
Mắm rươi - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 9:53:49 CH
Rươi - đặc sản của vùng đất Việt - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 9:53:06 CH
Tại sao cá sấu nuốt đá vào bụng? - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 9:52:05 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.