Đi câu tại Vũng Tàu chia ra làm 2 loại, loại câu mồi sống và loại câu mồi chết. Câu mồi sống cũng được chia ra làm 2 loại là câu neo và câu chạy. Câu neo là câu ở dưới sâu bao gồm sát đáy và không sát đáy tùy khu vực câu; câu chạy là gồm cả câu rê và câu khúc. Câu mồi sống phức tạp hơn câu mồi chết nhưng câu được những loại cá to hơn, dữ hơn. Mỗi lần đi câu đều phải xác định trước là câu mồi gì, ở đâu để có trang thiết bị phù hợp vì câu mồi sống trang bị khác và không phù hợp cho câu mồi chết. Trong bài viết này, người viết chỉ đề cập đến một mảng nhỏ của câu cá tại Vũng Tàu, đó là câu mồi sống tại Mũi Nghinh Phong mà dân câu thường gọi tắt là Mũi.
Mũi Nghinh Phong nằm giữa Bãi Sau và Bãi Dứa. Ở đây quanh năm gió lộng và sóng cao ngút, chung quanh là những rạng đá ngầm, thuyền bè không thể chạy sát được, chính vì vậy mà cá thường về tụ sống nhiều. Cá ở đây gồm rất nhiều chủng loại, có cả " cá lang thang" lẫn " cá ở ". Cũng một phần do hoàn cảnh thiên nhiên ở đây quá khắc nghiệt nên chỉ có cá lớn mới trụ được nên những con cá câu được tại đây thường rất lớn.
Khi câu tại Mũi, giới đi câu thường đem theo 2 cây cần, một cây neo còn một cây rê. Cây neo xài cước 0.35mm, móc mồi sống với thẻo khỏang 1.5m đến 2m. ây là cây cần mà dân đi câu thường gọi vui là "thua me gỡ bài cào" vì nếu rê không được con nào thì cũng có con đem về.
Rê tại Mũi yêu cầu phải có một bản lĩnh thật vững, kỹ thuật sử dụng cần máy phải cao. Cần mà giới đi câu thường xài là loại Daiwa số 1 (3.45m) hoặc Daiwa số 2 (3.2m). Loại cần này rất dẻo, tương đối nhẹ và rất bền. Máy thì dùng chủ yếu là Michel (486 hoặc 488 hoặc 498 đều được), loại này ổ cước rất lớn và khỏe. Cước rê thường sử dụng loại từ 0.65mm đến 0.7mm. Mồi rê chủ yếu là cá đối, ít có ai rê mồi giả. Mồi câu là mồi đôi, hai con cá đối mắc song song nhau vì nếu móc một con khi rê hay bị quay mòng mòng. Mỗi con móc hai lưỡi ngược nhau, một trổ ra rún và một trổ lên đỉnh đầu. Hai lưỡi này được tóm chung trên một sợi dây cáp inox (loại cỡ bằng sợi dây thắng xe đạp). Giữa hai con cá đối là một cái cầu giống như cái móc áo thu nhỏ bề rộng khoảng từ 15cm đến 20cm tùy theo ý từng người. Kim băng thì mua inox về tự bẻ, rọ rẹ phải trơn và lớn.
Do câu rê thường câu về đêm, thường là vào nước chính, ngày rằm hoặc đầu tháng, ít có ai câu ngày nên dân câu phải móc mồi sẵn từ ở nhà để ra Mũi không bị lụp chụp.
Đêm ấy, lần đầu tiên tôi ra Mũi, đi chung một nhóm 4 người, mình tôi là dân "ngoại đạo", 3 người kia là dân câu chính hiệu, trong đó có một anh tên Hoàng, Việt kiều ở Mỹ, về thăm nhà, muốn sống lại thú Câu đêm xưa. Đêm cuối tháng đen mịt mù, đèn có mang theo nhưng không được bật lên, gió lồng lộng, sóng lớn đập vào những bãi đá ầm ào liên hồi kỳ trận.
Chỗ tôi ngồi là một mỏm đá nhô ra biển, cách mặt biển khoảng 20m, thỉnh thoảng cũng có 1 con sóng đánh trùm qua. Việc đầu tiên là thả cái bình rọng số tôm sống đem theo để câu neo, sau đó móc mồi quăng cây cần neo và quăng ra xa, chờ đợi.
Để câu được cá ở Mũi, phải nghe được tiếng cá đớp, vì không phải lúc nào cá cũng vào đúng tầm quăng của ta. Cá ở biển di chuyển liên tục, nghe thấy tiếng và xác định được hướng di chuyển của cá rồi mới quăng vừa đỡ tốn sức, đỡ hư mồi và xác suất thành công mới cao. Tiếng cá đớp ở đây là cá Chẻm và cá Nhồng. Cá Chẻm đớp tiếng nghe trầm đục và nhẹ, chỉ nghe bụp trong khi cá Nhồng đớp nghe tiếng khô, đanh và vang xa. Cá Chẻm chỉ đớp phát một còn cá Nhồng đớp ra-phan, nghe quen rất dễ nhận ra. Khi mồi vừa tiếp nước, cá Nhồng sẽ tiến vào đớp ngay, còn cá Chẻm thì không. Cá Chẻm thường theo mồi đến gần bờ mới đớp. Cá Chẻm chỉ nguy hiểm ở cú đớp, nhưng lại yếu hơn so với cá Nhồng. Con cá Nhồng khi đớp mồi xong nó không lao xuống hoặc ngang như cá Chẻm, bị đau nó lao thẳng ra khơi tạo thành một vệt nước trắng xóa trên mặt biển đêm.
Đêm ấy, sau khi thu hoạch một con cá Nhật nạc khoảng gần 2kg và 2 con Mao ếch, bị sóng đánh bay mất bình rọng tôm, tôi cuốn cần sang ngồi cạnh anh Hoàng xem anh " mai phục". Gần 3 giờ sáng, anh từ từ đứng lên, tôi chắc anh nghe tiếng cá đớp. Khoảng 5 phút sau, Hoàng bắt đầu vụt mồi ra. Sau khoảng 2 hay 3 đường rê, nghe một tiếng "crắc... oáp" thấy Hoàng chúi cần xuống và rất nhanh đóng mạnh lên liên tiếp 3 " phát " liền. Ngoài xa, cách chỗ tôi đứng khoảng 20m, nghe một tiếng ầm ngay sau đó là một chuỗi tiếng ầm ầm và một vệt nước trắng xóa xỉa thẳng ra biển, tiếng mô-bin chạy xè xè, cây cần cong gục hẳn xuống. Người Hoàng rùn xuống, lưng dựa vào vách đá phía sau, chân đạp vào mỏm đá nhô lên phía trứơc, hai tay nắm khúc body, đuôi cần ghim vào bụng. Con cá hình như không biết mệt, nó vẫn lao thẳng ra biển mặc dù trong lúc đó, Hoàng đã xiết thêm mo bin và xóc tiếp 4,5 phát. Lúc này có lẽ con cá đã mệt nên không lôi nổi nữa, Hòang nới lỏng mo-bin ra, nhóng đầu cần lên và bắt đầu lôi nó vào bờ.
Ở Vũng Tàu những năm trước đây, việc đi câu mà về không có cá thì thật là hy hữu; nhưng dạo gần đây khi sông Thị Vải và vịnh Gành Rái ngày càng bị ô nhiễm bởi chất thải từ các nhà máy xả ra thì việc câu được cá lớn đã trở nên hiếm. Anh Hoàng hồi tưởng: "Ngày ấy, chúng tôi với những trang thiết bị rất thô sơ, máy móc cổ lỗ sỉ, điều kiện để cập nhật thông tin không có mà mỗi lần đi câu thường đem về những con cá qua tuyển lựa. Còn bây giờ, thật khó mà câu được những con cá lớn...Điều này lại càng khiến tôi nhớ quay quắt rằng ngày ấy, đã từng có một Vũng Tàu có rất nhiều cá lớn và cũng rất nhiều bậc " cao thủ " trong nghề câu". |
"Dìu" được con cá vào gần rồi, nhưng "khấu" được nó lên cũng rất khó. Xung quanh toàn đá, hào lởm chởm, lại không được rọi đèn xuống biển (Hoàng giải thích cho tôi biết là nếu rọi đèn xuống biển có thể làm những con còn lại sẽ sợ và bỏ ra xa) nên bắt được nó rất khó. Hôm đó con cá anh Hoàng câu được nặng gần 5kg, phải nhờ ông già Tám đi chung khấu lên. Sau khi anh Hoàng bắt được con cá, tôi phấn khích cực độ và quăng mồi liên tục, hy vọng có con cá với người ta, nhưng kết quả là... 5 giờ sáng, cả đoàn cuốn cần ra về, hai " lão ngư " còn lại mỗi người một con Chẻm khoảng hơn 2kg, riêng tôi được 3 con nhưng là 3 con không giống ai, 3 con không có vé như họ gọi đùa. Nhưng chỉ qua một đêm đó, kinh nghiệm của tôi về "nghề" Câu đêm trên Mũi trở nên phong phú hơn, chẳng hạn như tôi biết ở Mũi ngoài cách câu như trên còn có rất nhiều cách câu khác mà nếu có dịp, tôi sẽ kể cho bạn đọc nghe.
Đi Câu đêm trên mũi Nghinh Phong hiện nay có thể không câu được những con cá Nhồng, cá Chẻm nặng 7 đến 10 kg như anh Hoàng nói nhưng chưa hẳn đã mất đi nét lãng mạn và niềm vui mà nó mang lại. Bằng chứng là đêm đêm trên Mũi vẫn xuất hiện những "ngư phủ", trong đó không ít dân câu Sài Gòn lặn lội tìm ra, trên tay lỉnh kỉnh đủ thứ "đồ chơi " cần ngắn, cần dài. Họ đi câu không phải để làm giàu mà là để giải trí, để có được niềm vui. Chính họ đã truyền cho tôi cách nghĩ lạc quan rằng, ngồi trước biển với một cái cần câu, ta có thể trút bỏ được những ưu phiền...
Nguyễn Triệu Hải-BÁO BÀ RỊA VŨNG TÀU ĐIỆN TỬ