Bắt cá bằng... thuốc độc
Nhờ có người quen bảo lãnh, tôi được Phường - một thợ lặn có đẳng cấp ở đảo Cô Tô (Quảng Ninh) đồng ý cho theo một chuyến ra khơi. Đúng 8 giờ sáng một ngày đầu xuân, thuyền khởi hành tại bến Bắc Vàn. Chuyến đi còn có Quý là con anh Phường và một người làm thuê tên Trưởng, 38 tuổi. Chiếc thuyền ọp ẹp, lắp động cơ Trung Quốc công suất 12 mã lực khởi động rung lên bần bật. Cả thảy 4 người, có duy nhất 1 chiếc phao bơi cá nhân, 2 can nhựa loại 10 lít đựng nước ngọt, không radio, không la bàn định vị, thuyền quay mũi hướng ra biển, bắt đầu cuộc hành trình mà không hề có sợi dây liên lạc nào với đất liền.
Sóng bạc đầu tung bờm trắng xóa. Chiếc thuyền nhào lộn, đảo điên như làm xiếc trên mặt biển, giữa những con sóng lớn. Chạy được khoảng 2 tiếng đồng hồ thì thuyền dừng lại. Bốn bề một màu xanh ngắt. Thì ra vẫn biển Cô Tô! Phường mở khoang nhỏ phía mũi thuyền lôi lên dụng cụ hành nghề, gồm quần áo lặn, dây dẫn khí, vợt vớt cá và một ống phun thuốc hóa học tự tạo (trông như chiếc bơm xe đạp). Trong khoang lái, Trưởng lặng lẽ chia bột Cyanua thành các gói nhỏ. Còn Quý cắm cúi lắp máy nén khí vào động cơ và giữ lái. Chừng 30 phút mọi việc chuẩn bị được hoàn tất. Tay cầm vợt, tay kia cầm ống bơm thuốc độc, Phường nhảy ùm xuống biển kéo theo đoạn dây dẫn khí dài loằng ngoằng, mỏng manh từ tay Trưởng.
Lặn được chừng 20 chục phút, Phường ngoi lên, lật mũ cao su ra khỏi đầu, thở hổn hển, ngoắc vợt ném vào thuyền 2 con ốc tù và, một con cá song nặng chừng 500gr bụng phình to chướng khí. Trưởng lập tức dùng kim tiêm rỗng lùa qua vảy con cá song rồi chọc chính xác vào phần bong bóng của nó. Tức thì bụng cá xẹp xuống và nó được thả ngay vào khoang chứa nước biển để sống. “Ngư dân vùng này dùng các hình thức đánh bắt hủy diệt như hóa chất, kích điện, nổ mìn… nên Cô Tô bây giờ ít cá lắm. Cá mú đỏ, cá mú song thường trú ngụ trong các bãi đá ngầm, rạn san hô nên phải lặn xuống, phun thuốc độc mới truy tìm được”, Trưởng giải thích. Bắt được cá khó là vậy nhưng khí bán cho thương nhân Trung Quốc hoặc các nhà hàng lớn họ đòi hỏi cá phải tươi, nguyên vẹn, chỉ cần sây sát một cái vảy là giá bán sẽ bị giảm. Do vậy, phải dùng “độc kế” này.
Tuy nhiên việc đánh bắt bằng Cyanua cũng cần thạo nghề chứ không phải ai cũng làm được. Thường ngư dân ở Cô Tô sử dụng 2 phương pháp: thợ lặn bơi lẫn vào đàn cá, sử dụng ống phun hỗn hợp nước đã pha Cyanua làm chúng choáng, sau đó dùng vợt xúc; hai là chui vào các hang hốc dưới những rạn san hô tìm “tổ” rồi dùng tay kẹp chiếc gậy buộc sẵn một gói nylon đựng thuốc ở một đầu, cọ vào san hô làm nó rách để thuốc tan vào “tổ”. Sau cùng là chờ cá choáng và thu vào vợt
Số phận những người “đánh bạc với tử thần”
Ngày hôm đó với cường độ lao động cực cao, Phường 7 lần lặn xuống biển, nhưng không gặp cá đàn, chỉ được vài con cá song cùng gần 1kg cá mú cồn. Ngâm nước lâu, thiếu dưỡng khí, trông Phường bơ phờ rệu rã. Khoảng 4 giờ chiều thuyền quay mũi vào bờ. Các ngư phủ tất bật chuẩn bị bữa tối. Ngoài kia ráng chiều đỏ quạch bao trùm đại dương.
Còn Trưởng vốn là tay lặn giỏi có tiếng ở khu vực đảo Bạch Long Vĩ từng đi biển với những chuyến thu nhập bạc triệu nhưng rồi thời hoàng kim ấy đã chấm dứt khi anh gặp một tai nạn khủng khiếp.
Đận ấy, vì ham theo lạch cá song hoa, anh đã bị kẹt trong bãi đá ngầm dưới độ sâu 25 mét và nhiễm chất độc Cyanua. Khi người trên thuyền kéo lên thì người anh đã mềm nhũn, máu mũi máu tai ứa ra, phải điều trị gần 3 tháng ở bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển. Bây giờ chỉ lặn xuống vài mét anh đã thấy tức ngực, màng nhĩ muốn bung ra, trong người liên tục những cơn đau co thắt. Con cái nheo nhóc, anh vẫn phải bám biển với nghề dòng dây dẫn khí, làm thuê với thu nhập chỉ trên dưới 30 ngàn đồng/ ngày.
Chuyện chết người đã xảy ra rất nhiều ở Cô Tô và các điểm nóng về đánh bắt hải sản bằng chất độc. Do thiết bị bảo hiểm không đảm bảo, thiếu phương tiện cứu hộ, bị áp suất ép khi lặn quá sâu hoặc gặp phải luồng nước độc.
Đối với những người làm nghề lặn, quả thật bát cơm cũng chan đầy nước mắt. Những con tàu đánh bắt xa bờ hiện đại đối với ngư dân trên đảo Cô Tô vẫn còn là ước mơ. Hơn 80% ngư dân đánh bắt bằng kinh nghiệm truyền thống và đánh bắt ven bờ nên thu nhập rất thấp.
Còn đâu biển bạc ?
Cyanua là một hợp chất hóa học có độc tính rất cao thuộc bảng A. Ông Samaua, một nhà sinh học thuộc Liên minh Động vật biển quốc tế (IMA) tại Philipines cho rằng tình trạng đánh bắt hải sản bằng chất độc này đã và đang khiến cho chính ngư dân mất đi khả năng nuôi sống mình.
Hiện trạng một số vùng Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Khánh Hòa đang báo động về sự biến mất của những rạn san hô và một số loài thủy sinh quý hiếm. Quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản nêu rõ ngư dân sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản hoặc tàng trữ trái phép chất nổ, kíp nổ… sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Nghị định 128 của Chính phủ cũng quy định mức phạt 5-10 triệu đồng nếu xả chất thải độc hại vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2 lần trở lên. Nhưng thực tế xử lý các vụ liên quan đến nạn đánh bắt hải sản bằng Cyanua ở các địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Ngư dân hành nghề này trang bị rất gọn nhẹ, cứ thấy lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, họ chỉ cần quẳng “tang vật” xuống biển xóa dấu, thế là xong...
Thành Vinh-http://www.monre.gov.vn