Thế nhưng không phải dùng chà bỏ xuống thành đám là được, mà còn phải theo mùa và biết chọn địa điểm thích hợp. Thường thì vào đầu mùa mưa, người dân trong vùng nông thôn bắt đầu làm đám chà. Người dân tận dụng những nhánh cây khô trong vườn hay những nhánh tre, tàu lá dừa. Khi đem xuống sông cặm thành đám xong, người dân phải chờ đến tháng nước rọt, nghĩa là tháng gió bấc, sắp tết. Lúc này, cá trên đồng cũng bắt đầu tìm về những đìa sâu sinh sống và cá ở dưới sông cũng vậy, chúng cứ theo con nước mà tìm đến những đám chà rậm rạp mà trú ẩn. Công việc đánh bắt cá ở đây cũng rất đơn giản, người dân dùng lưới có chiều dài từ 20 đến 30m, chiều xuống khoảng 5 đến 7m (chiều này còn gọi cái tùng) có kết chì vào đó để khi bỏ lưới nó chìm nhanh xuống nước cá không ra được. Sau khi bao lưới quanh đám chà xong, người ta kéo từng nhánh chà lên, khi hết chà, mới kéo tùng của lưới dần vào bờ và bắt cá. Sản phẩm thu được kiểu đánh bắt như thế này chủ yếu là cá nước lợ như cá phi, cá ngát, cá nâu... và cá chẻm. Cá chẻm là một trong những loại cá có giá trị thương phẩm cao mà những người đánh bắt kiểu này rất mong có được, thường thì những con cá chẻm ở đám chà có trọng lượng khá lớn từ 5 đến 7kg.
Bắt cá
Cá chẽm đánh bắt được từ đám chà
Tuy nhiên ngày nay loại đánh bắt kiểu này không còn lại nhiều ở những triền sông lớn, do gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy. Nhưng xét ở góc độ nào đó, đây vẫn được xem là nghề đánh bắt cá có tính độc đáo, mang nét dân gian riêng biệt của người dân Nam bộ, nhất là vùng sông nước Cà Mau.
LAM KHUÊ - Báo ảnh Đất Mũi Online