Câu tôm ven bờ sông Đuống

Sông Đuống, đó là một nhánh của sông Hồng. Nơi dòng sông chia hai ngả có một ngôi làng nhỏ êm đềm xanh mướt bãi ngô. Tuổi thơ tôi gắn liền với những buổi chiều hè nô đùa, thả diều, bơi lội và nhất là câu tôm càng ven con sông đó. Con tôm sông, con đực có hai chiếc càng dài nghêu, con cái thì đầy một bụng trứng nhìn thấy thích mắt.
 


Hồi còn nhỏ, cùng một lũ trẻ con khác, chúng tôi hay câu trộm cá ở ao hợp tác xã. Câu trộm cá cũng rất thú vị, nhất là khi bị mấy ông trông cá đuổi bắt (khi khác tôi sẽ kể chuyện hầu các bác). Nhưng chơi trò đuổi bắt mãi cũng chán, vừa hay có một thằng bạn cùng lớp rủ đi câu tôm.
Cần câu tôm chúng tôi vót từ những thanh tre già, ngâm kỹ (câu nửa tháng rồi mà cần vẫn có mùi thum thủm). Không giống như các cách vót khác, chúng tôi vót đầu cần to bản nhưng rất mỏng, mỏng hơn đóm hút thuốc lào của các cụ. Toàn bộ cần dài khoảng 1.2-1.5m, chuôi cần tròn và to như ngón tay cái, dài khoảng 10cm và nặng để khi câu, gác cần lên trên đá mới không bị dây cước theo dòng chảy kéo rơi cần. Thân cần được vót mỏng dần, càng lên ngọn càng mỏng, chỉ còn cái cật tre, bản rộng khoảng 0.3-0.5 cm. Vừa vót vừa ngắm nghía, bật thử độ dẻo của ngọn cần cho đến khi ưng ý thì lấy phoi tre chuốt thật nhẵn. Chỉ cần 10 cái cần như vậy là tha hồ tung hoành rồi. Cắt trộm một đoạn dây phanh xe đạp của ba, một cái búa, một cái đe hoặc bất cứ cục sắt nào cũng được, tách từng sợi dây phanh rồi nắn thật thẳng, dùng búa rèn đầu dây rồi mài nhọn, uốn thành lưỡi câu, phần lưỡi uốn cong chỉ nhỏ như hạt gạo nếp, thân lưỡi dài khoảng 1.5cm, khuyên tròn nơi cuối lưỡi là xong. Làm được hơn chục cái lưỡi rồi đem nung đỏ lên, thả vào nước đánh xèo một cái, đấy là công đoạn tôi cho lưỡi cứng. Cước tơ thật mảnh, kẹp một miếng chì lá nho nhỏ, một cái giỏ tre là đủ một bộ đồ nghề hoàn chỉnh. Ra sông thôi !


Ảnh:vnexpress.net

Mồi giun được đào ở ven sông, nhiều vô thiên lủng. Chúng tôi thường dùng loại giun xoăn nhỏ như que tăm, loại giun này rất tanh và dai nên câu lâu hết mồi. Rải 6-7 chiếc cần như đan quạt ngay trước mặt rồi ngồi theo dõi, đầu chiếc cần nào nhấp nhấp thì nhấc lên. Đây là thao tác khó nhất và cũng là hấp dẫn nhất của câu tôm, hấp dẫn đến mức méo mồm. Thằng Hùng học cùng lớp với tôi, là thằng dạy tôi câu tôm, nhà nó ở ngay sát bờ sông, nó câu tôm phải nói là điêu luyện. Khi nhấc tôm, nó nghiêng người, cả cánh tay uốn lượn như múa, khuỷu tay nâng cao ngang vai, mồm bắt đầu há ra, tay nâng tới đâu, mồm há ra tới đó cho tới khi hết cỡ thì méo lệch sang một bên, cầm chặt con tôm trong tay nó mới ngậm mồm lại được. Lúc đầu tôi nhìn nó mà không nhịn được cười, cười ngặt nghẽo, cười bò lăn bò càng. Ôi giời, giật lên là được chứ gì ? tôi giật, tôi nhấc cần nhẹ, nhấc cần nhanh các kiểu cũng không bao giờ được, may lắm thì có một con văng lên bờ là hỉ hả lắm. Nó cứ uốn éo nhấc ton tót, bảo tôi phải nhấc như thế mới được vì mồm con tôm rất bé, nếu giật nhanh thì sứt mồm tôm, nhấc chậm thì tôm nhả mồi, nhấc nhanh mà không đều tay thì tôm búng ngược lại cũng mất. Phải làm sao khi nhấc tôm quan trọng nhất phải dẻo tay nhấc đều để tôm không phát hiện ra là bị nhấc, đến khi nó bắt đầu búng ngược lại thì đã muộn, gần lên mặt nước mất rồi. Cứ thế, nó dạy một lũ chúng tôi một thời gian dài, khoảng gần tháng thì thằng nào thằng nấy đều câu được nhiều tôm, rất ít khi mất, câu y chang phong cách của nó. Một lũ lau nhau ngồi trải dài bên kè đá, tay nhấc cần như múa, khuỷu tay nâng cao ngang vai, mồm bắt đầu há ra, méo xệch rồi lại ngậm vào, cứ thế lặp đi lặp lại. Tưởng tượng lại cảnh đó, bất giác tôi lại cười ngặt nghẽo. Bây giờ mà tôi câu tôm, chắc chắn lại y như vậy. Các bạn câu tôm có khi không để ý đấy thôi, chắc chắn khi nhấc tôm thế nào các bạn cũng há mồm.
Những hôm nước sông lên, thấy rõ nước từ từ nhích lên trên đá là tôm cắn nhiều nhất, chúng tôi thường câu được hàng cân tôm chỉ trong nửa buổi chiều. Tôm càng đực có những con rất to, hai cái càng dài nghêu, bắt không khéo nó cắp cho chảy máu tay. Tôm cái thì càng nhỏ xíu, bụng đầy trứng, những viên trứng hồng hồng, xanh xanh, li ti một bọc ở dưới bụng, gỡ lưỡi nhè nhẹ rồi thả vào giỏ ngâm dưới nước. Chẳng mấy chốc chiếc giỏ đã lưng lưng. Tôm sông Đuống hồi ấy rất nhiều và to, vỏ cứng, thịt nó rất dai. Ba tôi thường rang tôm đến khi ráo nước mới cho mắm, muối, mỡ, đường vào rang tiếp đến khi khô, thêm chút hành lá là được một nồi tôm đỏ au, vừa dẻo vừa dai. Món này mùa hè ăn với canh rau muống luộc dầm sấu thì tốn cơm lắm.
Ấy vậy mà có những hôm mang giỏ về không đấy – thuật ngữ bây giờ gọi là “móm”- nhưng cũng có khối thứ để chơi. Vẫn là thằng Hùng, những hôm chỉ câu câu được vài con tôm, nó ngắt đầu, bóc vỏ tôm hái một cái lá mơ lông ở bờ sông rồi cuốn với thịt tôm cùng vài hạt muối rồi bỏ vào mồm nhai rau ráu. Tôi trợn mắt lên vì ngạc nhiên. Nó bảo ăn ngon lắm và cuốn cho tôi một con nhưng tôi không dám ăn. Nó vẫn tiếp tục chén ngon lành, tò mò, tôi nhấm thử thấy vị ngọt mặn, không thấy tanh. Đánh bạo cắn một miếng to rồi tiếp theo là chơi cả con ngon lành. Rồi tất cả, đứa nào cũng chén được món này. Đi câu lần nào cũng mang theo một nhúm muối. Vị tôm cuốn ngọt mặn, lá mơ bùi và chát với hương vị đặc trưng rất hấp dẫn.



Hết ăn tôm sống lại đến tắm sông và xem các anh lớn bắt cá ngạnh. Cá ngạnh hồi ấy nhiều và to lắm. Các anh ấy lặn xuống tìm hang cá ngạnh, khi ngoi lên đã thấy một con cá ngạnh trong tay. Khi bắt cá ngạnh, duỗi 4 ngón tay cái, trỏ, giữa, nhẫn như một cái chĩa, khi sờ được cá thì lần về phía đầu để chộp, ngón trỏ và ngón nhẫn quặp chặt hai cái ngạnh bên thân cá, ngón cái tỳ dưới hàm cá, đầu cá nằm trong lòng bàn tay là hết cựa quậy. Con cá ngạnh rất bạo, lặn xuống hang bắt nó thế nào cũng bị nó cắn đỏ cả người nên sờ vào nó nó còn đớp. Tôi thử bắt nhưng bị nó cắn với lại sợ nó đánh ngạnh nên chẳng bắt đựoc con nào cả. Sau đó có một anh bị cá đánh ngạnh thủng từ lòng bàn tay thấu lên lưng bàn tay, đi viện chữa mất 2 tháng nên hãi, tịt hẳn chuyện học bắt cá ngạnh.

Các bác thuyền chài còn nói, ngày trước, khi các bác ấy nhỏ như chúng tôi (tức là cách đây khoảng 60-70 năm), ở sông Đuống còn rất nhiều ba ba, có ông già chuyên bán ba ba mo, tức là ông già ấy cắt mo cau thành những khoanh tròn lớn nhỏ khác nhau, người mua chỉ cần chỉ vào khoanh nào là ông ấy nhảy ùm xuống sông, bắt lên một con ba ba lớn y chang như cái mo cau mà khách mua đã chỉ. Chẳng biết thật hay đùa, nhưng khi chúng tôi câu tôm, thỉnh thoảng vẫn bị ba ba cắn đứt dây. Hồi đó vẫn có nhiều người bắt được ba ba to như cái vung nồi cơm, cá lăng, cá chiên lớn bán đầy ở chợ ven bến đò.
Dòng sông Đuống êm đềm vẫn còn đấy, bãi sông xanh mướt lá ngô vẫn còn đấy, nhưng cá tôm đã không còn nhiều. Những chiều hè vắng bóng lũ trẻ câu tôm, chỉ còn những chiếc thuyền chích điện, thảng hoặc có một vài ông già ngồi thu lu ôm cần để hoài niệm về một dòng sông dĩ vãng.

06/2007
Coden.

 

chi tiết:http://www.hanoifishing.com/forum/showthread.php?t=2375

Các tin khác cùng chuyên mục
Đi câu - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 9:35:51 SA
Soi cá - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 9:35:32 SA
Thú câu đầm - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 9:32:37 SA
Sống thật - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 9:28:11 SA
Sống thật (tiếp theo và hết) - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 9:27:45 SA
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.