Ngon hơn bất cứ loài cá nào
Tìm trong các tài liệu (chỉ trong tài liệu thôi, chứ người viết bài này cũng chưa có diễm phúc thử qua) thì các nhà ẩm thực học đều đánh giá thịt cá Anh Vũ rất cao: trắng, quánh và thơm ngon hơn bất cứ loài cá nào của sông nước. Trong con cá Anh Vũ, phần tuyệt nhất là cái khối sụn môi. Cái khối sụn này chẳng những rất giòn mà còn chữa được bệnh.
Dù có chế biến theo cách nào, thì cách ngon nhất vẫn là hấp cá. Khi bắt được, người ta thường mổ và rửa sạch cá, sau đó ướp gừng và một vài loại gia vị vào bụng, thêm chút nước mắm ngon. Cuối cùng cuốn cả con cá vào một tấm lá gừng và hấp cách thuỷ. Cá hấp sẽ giữ được nguyên các chất bổ và thơm ngon hơn bất cứ kiểu cách chế biến khác, bởi vậy, cũng là món được ưa thích hơn cả.
Thịt cá Anh Vũ thường được dùng kèm với chuối xanh, khế xanh, bánh đa tráng, rau mùi tàu, tía tô, diếp cá, xương xông... Chẳng thích ăn theo lối hấp cách thuỷ thì cũng có thể nướng chả, kho tộ, nấu mẻ giấm với khế xanh... Món nào cũng rất hấp dẫn. Thịt cá Anh Vũ thơm ngon và cực kỳ giàu đạm.
Loài cá tiến Vua
Vì loài cá này vừa thơm ngon lại vừa giàu chất dinh dưỡng nên từ xa xưa, nó đã được dùng làm thức tiến vua chúa. Trong sử sách Việt Nam, nhiều tài liệu có đề cập đến điều này. Sách Đại Nam Thống Nhất Chí có ghi: “Cá Anh Vũ còn có tên là Giả Ngư, sinh sống ở ngã ba sông Bạch Hạc. Hàng năm, cứ đến mùa rét mới có. Vị cá rất ngon mà âm bổ. Từ sông Bạch Hạc trở xuôi thì không có nữa”. Trong sách Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi cũng viết: ”Cá Anh Vũ được dùng làm vật cúng tế thần linh ...”.
Đi tìm hiểu thực hư về loài cá trứ danh này, tôi về làng chài Bạch Hạc ven sông Hồng, nơi giao cắt của ba con sông: sông Lô- sông Đà- sông Thao. Làng này chuyên sống bằng nghề đánh cá. Người ta nói: Cá Anh Vũ chỉ xuất hiện và đánh bắt được từ tháng 10 dương lịch đến tháng 3 năm sau, nhiều nhất là vào những ngày thời tiết se lạnh, nhiều sương mù. Lúc ấy cá Anh Vũ ra kiếm ăn nhiều hơn.
Cá Anh Vũ cũng sống theo bầy đàn nhưng kén nơi nước trong và có nhiều hang đá. Con cá trông dài và na ná như con trôi to nhưng bộ vảy thì óng ánh, sặc sỡ rất đẹp. Và cái đầu cá thì khác thường vô cùng, nó chẳng giống một cái đầu cá nào cả. Cái đầu ấy, cứ nhìn vào là người ta liên tưởng đến một cái đầu lợn con vì nó giống y hệt, nhất là cái môi cá bằng sụn rất to và dày như mõm lợn. Giống cá này ăn uống cũng rất khảnh chứ không ăn tạp như các loài cá sông khác.
Tai ác một điều, cá Anh Vũ chỉ ăn rêu tảo và sống ở nước trong, trong những hang đá sâu và khi nước lạnh mới mò ra tìm mồi. Vì vậy, việc bắt được một con Anh Vũ là cả một kỳ công.
Những người ở làng chài ven sông cho tôi hay: Ngày trước không ai gọi cá Anh Vũ bằng tên thật. Họ đều gọi là cá lợn, vì mõm cá giống mõm lợn như đúc. Phải nói tránh, vì đây là loài cá cao quý, chỉ dùng để tiến bề trên. Thậm chí, có cá đem bán cũng phải thậm thụt vì chính quyền sở tại không cho bắt cá tràn lan. Con cá Anh Vũ nếu có may mắn bắt được, cũng phải thả vào nước thật sạch và đem đi bán ngay, vì cá này rất dễ chết. Chỉ cần bắt lên bờ thả vào nước không sạch là vài ba tiếng sau cá đã lờ đờ ngửa bụng.
Bởi tất cả những sự ấy, con cá lại càng trở nên quý giá. Ngày xưa, chỉ có vua chúa mới được dùng mà thôi.
Chuyện mưu sinh của một ngư phủ
Nhưng tất cả những câu chuyện trên giờ chỉ còn vang bóng. Hàng chục năm nay, người dân vùng ngã ba sông Việt Trì chẳng còn ai đánh bắt được cá Anh Vũ nữa. Buổi chiều ở làng chài Bạch Hạc, tôi đi tha thẩn bên sông, những người đánh cá vội vã trở về nhà trong ráng chiều đỏ rực. Nhắc tới câu chuyện về cá Anh Vũ, những người thâm niên trong nghề cá ở đây luôn kể một cách say sưa và cuốn hút. Ngày trước, cả làng mưu sinh bằng nghề cá, nhưng giờ thì chẳng còn mấy ai. Cuộc sống thời mở cửa khiến cho tất cả những gì quý giá đều trở nên khan hiếm. Ngư phủ phải gác lưới, nai lưng làm nghề khác kiếm sống qua ngày.
Ông Nguyễn Văn Hồng- một người đánh cá có tiếng trong vùng - nói chuyện với tôi suốt một buổi tối, bên ánh đèn le lói của những chiếc tàu hàng ven sông. Ngày xưa cá nhiều, ông là chủ lực kinh tế trong nhà, suốt ngày xoay trần kiếm cá. Lúc bấy giờ cá cũng sẵn. “Thế mà chẳng dễ gì bắt được cá Anh Vũ đâu chú mày ạ- ông Hồng bồi hồi- giống cá này ngoài rong tảo, nó chẳng ăn thứ gì khác. Bởi vậy việc câu cá là điều hoàn toàn không thể. Chỉ có cách duy nhất là bắt thủ công hoặc bằng tay, hoặc dùng chài lưới. Cá quý thật, nhưng bắt được nó có khi phải đánh đổi cả tính mạng”.
Nhà ông Hồng ở ngay mặt sông, ông là người nắm luồng lạch lòng sông như lòng bàn tay. Ông bảo, khúc sông này có một cái hang ngầm, dài dễ đến hơn trăm mét, ăn thông ngoắt ngoéo vào trong rồi lại ăn ra. Chưa một thợ lặn nào đủ sức khám phá cái hang ngầm bí hiểm này. Đây chính là tổ cá. Bắt cá Anh Vũ cực nhọc đủ đường. Một thợ lặn không những phải có sức khoẻ để đủ sức lặn sâu, mà còn phải có tài nghệ dùng lưới quây cá. Oái ăm là những hôm trời càng lạnh thì cơ may bắt được cá lại càng cao. Vì thế những tay ngư phủ phải cắn răng uống nước mắm nguyên chất mà lặn xuống, ngậm ống tiro, đeo kính lặn mà lần mò. Chuyện lặn sâu quá bị ứa máu tai máu mũi chẳng phải hiếm. Vất vả như thế, vậy mà may mắn bắt được con cá, ai cũng chỉ biết hân hoan ngửa mặt nhìn trời, coi như trời cho.
Ông Hồng lễ mễ mang ra một bộ chài lưới- mà theo ông là gia truyền từ thời các cụ. Tấm lưới được ông giặt trắng phau, coi như một báu vật. Trong làng ông, nhà ai cũng có một bộ lưới như thế, nhưng tất cả chỉ là hoài niệm. Con cá Anh Vũ nổi tiếng ngày nào, bây giờ chỉ còn trong câu chuyện kể. Bản thân ông cũng đổi nghề từ lâu. Khúc sông vẫn thế, mênh mông và khoáng đạt. Mùa lạnh, những lúc ban mai hay xế chiều, sương mù và hơi nước vẫn bảng lảng, khiến mặt sông trở nên đầy vẻ liêu trai. Chỉ có loài cá Anh Vũ là đi vào huyền thoại, mang theo không biết bao nhiêu câu chuyện kể, bao nhiêu câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Tôi vẩn vơ suy nghĩ, chợt liên tưởng tới những quán cá bờ sông ở đây. Quán nào cũng chưng biển cá Anh Vũ lên rất to. Chẳng biết Anh Vũ đâu ra mà lắm thế. Thực hư lẫn lộn, nhưng cũng không khó giải thích. Trên đời này đã có mấy ai may mắn được nhìn (chỉ nhìn thôi) cá Anh Vũ, nói gì tới chuyện thưởng thức. Bởi vậy nếu có vào nhà hàng thuỷ sản, chủ hàng nói: “Đây là cá Anh Vũ!” thì đã chặc lưỡi cả mừng lắm rồi!
Án Văn Long