Câu cá ở Australia

“Sống ở Australia mà không đi câu là vứt!”, ông bạn Minh “Lùn” tuyên bố một câu xanh rờn. Hắn cùng trường đại học với tôi ở Việt Nam, sang Australia ngót nghét 20 năm. Vốn là một công tử ở khu phố cổ Hà Thành, nhưng từ ngày sang đây hắn nghiền đi câu. Vừa rồi trúng quả, Minh ta mua ngay một chiếc thuyền máy nhỏ 4 chỗ và rủ rê hai đứa con gái của hắn, 12 và 6 tuổi, ra hồ, ra biển câu vào dịp cuối tuần. Bà mẹ hắn, 75 tuổi, từ Việt Nam sang được chục năm nay, sợ xanh mắt, cằn nhằn: “Sông hồ sóng gió khổ lắm con ơi, tao có mỗi mình mày…”.

80% dân Australia sống ở ven biển, vì vậy ít nhiều họ dính vào nghiệp câu cá. Ở nhà quê, tức ngoại trừ thủ đô Canberra và trung tâm thương mại lớn như Sydney hay Melbourne, trẻ con đi câu từ năm lên 5. Thường ở nhà quê đi câu là thế này: bố, mẹ, anh, chị em… cả nhà đi cùng nhau, mỗi người một cần. Bên kè đá hay cầu cảng, hay trên bãi biển, ông bố lấy chai bia từ thùng lạnh nhâm nhi, thỉnh thoảng lại với tay quấn một điếu thuốc cuốn (tựa như thuốc rê của người Việt). Bà mẹ mân mê ly rượu vang, nằm đọc sách, uể oải ngáp, thỉnh thoảng nhìn theo mấy đứa con. Còn lũ trẻ thì chí choé, hò hét, đến lúc chán thì mang que chọc cua con hoặc cậy mấy con sò, thậm chí cởi quần áo xuống đúng chỗ bố mẹ chúng nó thả cần để… bơi. Cả nhà ngồi từ sáng đến trưa, đến khi nắng lên, trẻ con kêu đói, cả nhà thu cần, ra công viên gần đó ăn trưa. Họ hay nướng thịt trên lò điện công cộng hoặc bếp cá nhân đem từ nhà.

Đêm ở Sydney, tôi cũng thấy dân câu ra thả cần ở cảng, dùng những quả bóng bay, thậm chí... bao cao su (chắc chưa dùng?), thổi lên, gắn lân tinh làm phao. Một lần tôi cùng anh bạn vác chai rượu ra ngồi ở trụ bê tông mé bên phải nhà hát con sò (Opera House), thả cần, ngồi từ sáng đến chiều, chả được gì mà lại bị cháy nắng và... xỉn.

Dân câu chuyên nghiệp thường theo dõi thời tiết và thủy triều để quyết định câu đêm hay đi từ tờ mờ sáng hoặc lúc xẩm tối. Cần của họ đắt lắm, có cái cả vài trăm “đô” - nước nào cần nấy, cá nào mồi nấy. Thường các “cao thủ” này nghiện rượu và thuốc lá. Nhiều khi càng thấy mưa bão họ càng đi. Tuần trước Sydney gặp bão, có tin một anh chàng đứng trên mỏm đá quăng câu bị sóng đánh ngã xuống bờ đá phía dưới cách 8 m. Sau đó được trực thăng cấp cứu, may mà không chết. Năm nào cũng có những tai nạn như vậy. \r\n

Người Australia thường đi câu biển. Họ mặc áo mưa, dùng loại cần ngắn nhưng khoẻ, đứng trên các mỏm đá quăng ba tiêu, hay đi ủng cao đến thắt lưng dầm nước ở các bãi biển, dùng loại cần dài khoảng 5 mét, đón những chú cá theo thủy triều mải mê vào kiếm mồi. Mồi câu có nhiều loại: xịn nhất là những con trùng nước lợ, màu đỏ, giống những con sâu mà người câu và trẻ con thụt được ở các vụng cát cửa sông ra biển. Sau đó là cá con, tôm nhỏ, bạch tuộc nhỏ bằng hai ngón tay (mồi ruột bánh mì không ăn thua.) Dân câu thứ thiệt có hai loại cần: loại nhỏ thì cho trẻ con câu cá nhỏ làm mồi, loại lớn dùng để mắc mồi tươi do trẻ con câu được, thả để chờ “cá lớn vào nuốt cá bé”.

Trong cái khối đa sắc tộc của Australia, ham câu nhất là người gốc Hy Lạp, Italy, Trung Đông rồi đến nguời Việt. Người Australia ở nhà quê thì mê cái lối “cả nhà đi câu” kể trên, nhưng ở thành phố thì amateur, chẳng mấy ai thích. Người Việt cực kỳ ham. Dân lao động trong cộng đồng người Việt khi gặp nhau ngoài những chuyện như, “Độ này xưởng may nhận được nhiều hàng không?”, “Cái bát hụi lần trước có đủ tiền về Việt Nam?” hay “Tuần rồi gửi ở casino mấy ngàn rồi?”, là đến chuyện câu cá. Mấy năm trước xuống thủ đô Canberra, tôi cũng nhập vào hội mấy anh em sinh viên Việt Nam ra câu cá chép ở mấy cái hồ gần trường. Cá chép to, nhưng óp nước và ruột nhiều bùn lắm, ăn cũng được nhưng chóng chán, đặc biệt không ai dám làm món gỏi cá - một phần do tin đồn rằng mấy cái hồ đó bị ô nhiễm công nghiệp.

Dĩ nhiên ở đây có luật câu cá. Trước khi thả cần, bạn phải mua giấy phép (mua là đúng luật!), ai câu nấy mua, giá cho người lớn và trẻ con bằng nhau. Kèm theo giấy phép là những hướng dẫn cụ thể, ví dụ: cá dài quãng 30 phân trở lên mới được mang về, ngắn hơn thì bạn phải thả xuống để bảo vệ môi trường. Tờ hướng dẫn mô tả những loài cá độc, dự báo thời tiết và thủy triều, cách thức phòng thân khi đi câu (đứng ngồi ra sao để tránh sóng…) cầu kỳ lắm! Thông tin như vậy cũng được phổ biến trong các hướng dẫn du lịch ở từng địa phương. Báo, tạp chí chuyên ngành câu cá thì đầy rẫy… và trên truyền hình có hẳn chuyên mục trong đó có các “tay tổ” hướng dẫn và thực hành câu cá. Trẻ con mê lắm.

Cuối tuần này, nếu thời tiết thuận tiện, bố con tôi sẽ theo tay Minh “Lùn” lên chiếc thuyền bốn chỗ của hắn đi câu biển...

Lê Minh (từ Australia)

Các tin khác cùng chuyên mục
Hải bối 26/11/2005 - Cập nhật lần cuối 19/04/2009 6:52:25 SA
Đúng hay sai - Cập nhật lần cuối 19/04/2009 6:50:00 SA
10 bài thuốc từ cỏ nhọ nồi - Cập nhật lần cuối 19/04/2009 6:49:06 SA
Sả - cây thuốc của mọi nhà - Cập nhật lần cuối 19/04/2009 6:47:39 SA
Cá chình sông Tích - Cập nhật lần cuối 19/04/2009 6:46:27 SA
Những bí ẩn về nguồn gốc cá chình - Cập nhật lần cuối 19/04/2009 6:45:14 SA
Cá cắn câu - Cập nhật lần cuối 19/04/2009 6:40:53 SA
Giăng câu bắt cá theo mùa - Cập nhật lần cuối 19/04/2009 6:39:13 SA
Kỹ thuật Câu cá ngạnh - Cập nhật lần cuối 19/04/2009 6:25:58 SA
Câu cá - Cập nhật lần cuối 19/04/2009 6:14:32 SA
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.