Không ai biết chính xác cá Dốc suối Ngọc có từ bao giờ nhưng những tin đồn liên quan đến loài cá này gần đây ngày một nhiều hơn. Dư luận địa phương xôn xao, rất nhiều người ở nơi khác thì kéo đến để “mục sở thị”. Loài cá thì ngày càng sinh sôi... trong một môi trường chỉ có nước trong vắt và sỏi đá.
Đi xem cá 'thần'
“Các chú đến suối cá thần à, cứ đi thẳng, còn xa lắm. Này, đến đấy phải hết sức cẩn thận, không được ăn nói bừa bãi và nhất là không được đụng đến cá đâu. Nhiều người đùa nghịch cá đã chết rồi đấy...”. Một chị bán hàng chỉ dẫn khi chúng tôi hỏi thăm đường đến suối Ngọc xem cá. Những câu chuyện đồn thổi, những lời rỉ tai như thế này đã từ lâu lan truyền đến khắp mọi nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và các vùng lân cận. Khắp nơi đâu đâu cũng thấy xôn xao bàn tán về suối cá thần và họ cũng chỉ mơ hồ về cái điều “linh” đó qua người nọ người kia.
Vượt qua quãng đường gần 100km từ TP. Thanh Hoá, chúng tôi đã tìm được đến suối cá Ngọc. Khác với những gì chúng tôi tưởng tượng, suối cá không phải là một khu du lịch được đầu tư xây dựng quy mô mà chỉ là một đoạn suối với dáng vẻ hoang sơ của vùng bán sơn địa này. Trước mặt chúng tôi là một con suối chỉ dài khoảng vài chục mét, dưới làn nước trong vắt, đàn cá có đến vài trăm con đang bơi lội tung tăng. Dưới suối mọi người vẫn tắm giặt, trẻ em đùa giỡn mặc dù trên bờ khách tham quan vẫn chiêm ngưỡng loài cá này với thái độ “cung kính”...
Chúng tôi gặp bác Phạm Văn Hào 60 tuổi ở làng Ngọc khi bác vừa đi làm về. Ngâm mình trong làn nước mát, bác vui vẻ cho biết: “Chúng tôi cũng không rõ suối cá này có từ bao giờ nhưng nghe ông bà kể lại thì nó thiêng lắm. Nhưng các anh thấy đấy, mọi người trong làng vẫn bình thường, vẫn ra suối tắm giặt, thậm chí ngày trước chúng tôi còn lấy nước suối về ăn mà cũng có sao đâu...”. Bác cười hiền lành rồi mời chúng tôi về nhà chơi. Bác kể: “Từ trước tới nay dân làng chúng tôi chẳng ai bắt cá này ăn. Mọi người trong làng vẫn coi cá như bạn, có những năm hạn hán nước không chảy ra được, chúng tôi đi lên động rồi chui xuống hang trong núi để tát nước ra suối...”.
Ðầu nguồn con suối là một cái hang có đường kính khoảng 30cm, nước chảy ra suốt ngày đêm, những chú “cá thần” nơi đây vẫn lượn lờ. Ðiều lạ là cá ở suối này không bao giờ bơi ra khỏi suối (trừ trường hợp lũ lụt mới có một vài con bị trôi dạt ra sông). Trong lòng núi còn có một hồ nước diện tích ước khoảng 500m2 với mật độ cá dày đặc. Từ khi khách đến tham quan ngày một đông, chính quyền xã sợ ô nhiễm nguồn nước đã tạm thời lấp cửa hang lại chỉ để cho khách tham quan không được xuống dưới hồ xem cá.
Song, đó cũng không phải là tất cả những gì mà khách tham quan muốn chiêm ngưỡng mà họ đến đây để thoả mãn sự hiếu kỳ và tính tò mò. Chị Nguyễn Thị Hương ở TP. Thanh Hoá cho biết: “Nghe mọi người đồn là cá ở đây thiêng lắm nên mấy chị em tôi lên đây để được chứng kiến tận mắt xem hình thù con cá như thế nào...”. Khi tìm hiểu những thông tin đồn thổi về suối cá thần, ông Nguyễn Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Cẩm Lương - cho biết: ”Cách đây 3 năm, có mấy thanh niên từ TP. Thanh Hoá đến thăm, một anh đã lội xuống suối bắt cá mặc dù những người dân nơi đây khuyên là không nên làm như vậy, nhưng anh ta không nghe và lấy một viên đá gõ vào đầu cá, trên đường về gần đến nhà thì bị tai nạn chết. Thế rồi, hàng năm gia đình lại lên suối để thắp hương cúng giỗ cho anh ta. Còn một số trường hợp sau khi ăn những con cá lạc trên sông mùa mưa lũ thì bị ốm rồi bị tâm thần một thời gian...(?)”.
Khoa học vào cuộc
Từ những sự việc đó nên người nọ kể cho người kia và nhiều người cho rằng cá ở đây rất thiêng và gọi là “suối cá thần”. Những câu chuyện này mỗi ngày một lan nhanh nên vào ngày cuối tuần, lượng khách đến tham quan khá đông. Người đến xem thường cho cá ăn lạc rang nên những chú cá cũng chẳng thiết chui vào trong núi nữa, cứ lượn lờ chờ thức ăn...
Cá Dốc ở suối Ngọc ngày càng đông đúc.
Tuy nhiên, ai cũng đặt ra câu hỏi là tại sao cá đã sống ở đây hàng bao nhiêu năm trong một môi trường nước phải nói là “sạch” mà vẫn sinh sôi nảy nở như vậy? Nguồn nước đã được Sở Thuỷ sản Thanh Hoá lấy mẫu xét nghiệm và có kết luận là nước không bị ô nhiễm. Theo như quan sát của chúng tôi, ngoài cá Dốc và một vài loài cá khác (nhưng rất ít) thì chỉ còn nước và sỏi đá, không có một loại sinh vật nào sinh sống tại đây. Vậy thì thức ăn của cá là gì? Tại sao cá vẫn có thể sinh sôi? Tại sao một số người ăn thịt cá lại bị tâm thần? Phải chăng là trong cá có độc?...
Người dân Cẩm Lương yêu quý cá Dốc vì thấy chúng hiền lành và không sợ người, họ vẫn ngày ngày ra suối tắm giặt cùng với những chú cá hiền lành ấy.
Hiện nay, một dự án xây dựng Suối cá Ngọc và một số hang động xung quanh thành khu du lịch sinh thái đã và đang được tiến hành: Một chiếc cầu treo bắc qua sông Mã và 3km đường nhựa nối từ đường 217 đến suối cá sẽ tạo thuận tiện cho khách đến tham quan. Song, trước khi suối cá chính thức trở thành khu du lịch thì công việc bảo vệ suối cá và nhất là bảo vệ môi trường nước ở đây là rất cần thiết. Vì hiện nay khách đến tham quan tự tiện cho cá ăn những thức ăn họ có, như vậy cũng có thể gây ra nguy hiểm cho cá?
Trước khi suối cá Ngọc trở thành một khu du lịch thực sự thì cần có những nghiên cứu khoa học cụ thể để từ đó có phương án bảo vệ, nuôi dưỡng, cũng như tránh được những lời bàn tán xôn xao, những câu chuyện mang màu sắc thần bí về loài cá này.
Lê Phước