Ngày trước, đời sống dân làng tôi nghèo lắm. Cơm bao giờ cũng ghế với khoai, sắn, bắp. Thức ăn chủ yếu là các loại rau cải, mắm muối. Thịt là xa xỉ, thường dành cho người đau ốm, nhai cơm cho trẻ em.
Mùa mưa, khi nước từ những hẻm núi, gò đồi đổ xuống đồng, đồng tràn nước, theo những con mương băng qua đường, đổ ra sông thì trai tráng cả làng rớ, vợt xếp thành hàng bắt cá. Nửa đêm mưa, người ta ơi ới gọi nhau. Cha tôi mang tơi, đốt đuốc, tay cầm đơm lao nhanh về phía cuối đồng. Nước trong đồng đầy tràn qua một dải đất hẹp chảy vào cái khe chạy qua làng. Thế là cá ức nước lao theo nhiều vô kể. Nước chỉ xâm xấp mắt cá chân, cá rô, cá tràu, cá diếc vượt nước kêu rẹc rẹc. Người ta bắt cá thật nhanh, chạy đua với con nước. Cá ức nước đầu mùa rất ngon. Con nào cũng mẩy, cá rô, cá diếc đầy trứng.
Những ngày tháng đông lụt lội bầu trời u ám mầu chì với màn mưa giăng giăng. Khí trời se lạnh. Sông Thu Bồn đục ngầu dâng nước tràn bờ dâu. Dân làng bao đời nay nuôi sống mình bằng phù sa hằng năm của con sông bồi tụ. Lũ trẻ chúng tôi nôn nao theo con nước lụt lên xuống. Trên những cánh đồng nước tràn về ngập mênh mông. Con khe chảy qua làng Thanh Châu đến Cầu Chìm cũng ầm ầm cuộn nước. Người ta tìm chỗ nước tịnh để đứng trủ. Cha tôi mang tơi, đội nón, vác trủ mang giỏ ra khe. Đầu mùa mưa lụt, cá ức nước đi khắp nơi. Chỗ nước tịnh phía dưới cầu cá quẩn quanh lại. Người ta đứng trên bờ hoặc dưới nước, có khi đến bụng để đứng trủ. Trủ gồm có hai cây tre cột chéo, bốn đầu tre móc với bốn góc của trũ tạo thành màng lưới, treo trên một cây tre khô dài để vươn ra đặt trong nước. Thỉnh thoảng hoặc khi có bóng cá móng trên mặt nước có trủ, người ta cất lên thật nhanh. Các loại cá to nhỏ sẽ nằm trong lưới trủ. Nhiều khi cất trủ lên mà chẳng có con nào.
Xưa cá nhiều, nên mùa lụt cất trủ rất trúng. Có khi ba tôi mang về một giỏ cá nặng. Gỡ chùm cỏ tươi nhét miệng, ghé mắt nhìn vào giỏ, vô số cá tươi rói, ướt láng ngọ ngậy ở trong. Nếu có con cá tràu to, thế nào cũng có mì quảng. Hồi ấy, ở nhà quê muốn ăn mì là phải làm từ A đến Z. Ngâm gạo, xay bột, tráng mì đến làm nhân đều do một tay mẹ tôi tự làm lấy. Bây giờ đi nhiều nơi, ăn nhiều thứ của ngon vật lạ nhưng không có mùi thơm nào hơn mùi um nhun mì của mẹ.
Có mùa, cha tôi cất trủ trúng một con cá gáy thật to cỡ hai bàn tay xòe ra. Vảy cá trắng vàng lóng lánh ửng lên mầu đồng đỏ. Con cá quá to không bỏ vào giỏ được, cha tôi bẻ cây dâu xỏ qua mang con cá cột thành vòng tròn xách về. Nước lụt giàu phù sa nên cá rất ngon. Một nồi cháo cá gáy nóng hổi trong cái lạnh mùa đông, mọi người quây quần dưới ánh đèn mái nhà tranh quê, cháo nóng, thơm, béo ngậy, trứng cá béo bùi là quà tặng của mùa lụt.
Làng quê tôi nay đã nhiều thay đổi. Nồi cơm không còn ghế khoai, sắn, nhà xây mái ngói với cột ăng-ten ti-vi, xe máy và bia phố biển. Vũng nước làng tôi quanh năm ăm ắp nước cung cấp tôm cá bây giờ khô trơ đáy vào mùa nắng. Những cơn lụt hằng năm tràn về làng nhanh hơn và chảy xiết do rừng đầu nguồn bị thu hẹp, cá mùa lụt cũng ít hơn nhiều, những biển dâu bạt ngàn xanh ngắt bờ sông ngày xưa chỉ còn thưa thớt vì nghề nuôi tằm mai một dần... Cái hương vị mùa lụt làng quê ngày nào trong ký ức tôi vẫn chẳng chịu vơi chút nào.
Sài Gòn tiếp thị