Cá mập – biểu tượng hung dữ nhất của đại dương - luôn là nỗi kinh hoàng cho những người đi biển. Vậy nhưng có những người dám “giỡn mặt với tử thần”: câu cá mập! Thật ra, câu cá mập không còn là chuyện khó khăn trong thời buổi hiện nay. Thỉnh thoảng trên những chiếc tàu lớn câu cá ngừ đại dương, các ngư dân Phú Yên vẫn “trúng mánh” vài ba chú mập. Nhưng đi săn cá mập giữa mùa biển động mà không cần dùng đến ghe thuyền thì ở Phú Yên chỉ có bốn anh em các ông Lê The, Lê Dậu, Lê Mậu và Lê Nề ở vùng xóm Rớ thuộc thôn Đông Tác, phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa là đủ gan làm.
“XÓNG CỬA”
Ông Tám Nhót đang giói thiệu một lưỡi câu cá mập. Ảnh: Khương Duy
Đó là từ mà anh em nhà họ Lê xóm Rớ dùng để gọi cho công việc“bạo gan” của họ. Người anh cả Lê The nói: “Tôi năm nay 64 tuổi, nhưng bắt đầu theo cha đi “xóng cửa” từ hồi lên bảy. Anh em tôi vốn ngườidân gốc Bình Định. Thời trước ông già tôi được ông nội truyền cho nghề câu cá mập này, nên chúng tôi cũng phải theo. Cha tôi đi câu ở vùng biển Phú Yên, thấy có nhiều cá mập nên mới đem gia đình vô định cư ở xóm biển này. Giờ thì cũng chỉ con cháu chúng tôi sống chết với nghề “xóng cửa” này thôi, ngư dân vùng này không dám mạo hiểm”
Theo lời ông Tám Nhót (người em thứ ba, tên là Lê Mậu, năm nay 56 tuổi), thì vào mùa động (khoảng từ tháng chín đến tháng mười một âm lịch), gió gầm gừ gào thét, biển nổi sóng ba đào, chính lúc ấy cá mập thường vào sát cửa sông Đà Rằng để kiếm ăn. Đấy là thời điểm tuyệt vời nhất để đi xóng cửa. Nếu như đi câu khơi thường được nhiều loài cá mập khác nhau, thì xóng cửa chỉ độc loại mập đen, vì chỉ loài này mới vào sát bờ. “Gió càng to, sóng càng lớn thì cơ hội câu được cá mập càng nhiều” – ông Tám Nhót nói. Thời tiết như thế không ghe thuyền nào ra khơi được nên thợ câu phải tự bơi vượt “phong ba bão táp”. Dụng cụ cho một chuyến xóng cửa gồm một lưỡi câu bằng inox rất lớn, to gấp đôi lưỡi câu cá ngừ đại dương, khoảng 10 ly, được đính vào một đoạn chão bằng thép bện dài 2m (gọi là “chân”). Phần lưỡi và “chân” được nối vào đoạn dây pie rắn chắc, to bằng ngón tay cái, dài 15 sải tay. Ngoài ra còn có 5 chiếc phao xốp lớn cỡ bắp chân nhằm giúp con mồi bơi lơ lửng và một neo nặng chừng 15kg sẽ đủ sức làm đau con cá mập dính câu khiến nó không thể bơi đi xa được. Mồi câu cá mập là loại cá cầu, nặng khoảng 1-2kg/con, còn sống, được quấn chặt vào lưỡi câu.
Một chuyến câu xóng thường có 5-7 thợ câu bơi cùng lúc, mỗi người ôm một miếng xốp lớn có dây cột vào tay để làm phao, mang cả dàn câu và neo bơi cách bờ chừng 500 sải mới thả câu. Mỗi ngày, thợ câu phải bơi ra để thăm câu và thay mồi. Chàng ngư dân trẻ Lê Tươi, con ông Tám Nhót, năm nay mới 25 tuổi nhưng đã cùng năm anh em trai trong gia đình đi câu xóng cá mập từ hồi lên chín, nói: “Mỗi lần bơi ra bơi vào để thả câu cá mập phải mất đến 2-3 tiếng đồng hồ, và lần nào cũng mệt muốn đứt hơi. Hàng chục con sóng khổng lồ cao như cái nhà lầu hai, ba tầng cuộn thợ câu xuống tận đáy, rồi lại đẩy bật lên trên mặt nước với tốc độ kinh khủng. Nhiều lần kiệt sức trái chân bị chuột rút, đau không chịu nổi, nhưng nhờ đi nhiều người nên chưa ai bị chết cả”. Nhưng đấy mới chỉ là “quy trình” dắt con mồi ra, còn khi dắt cá mập vào mới nguy hiểm hơn. Oâng Lê Dậu cho biết: “Biết cách lừa thì cá mập ngoan ngoãn đi theo, nếu không thì nó đau, cứ ghì siết lại thì mình hoặc bỏ cuộc, hoặc chết thôi”
CHỈ LÀ CÁI THÚ
Theo các thợ câu cá mập ở Đông Tác, thì hiện biển Phú Yên có trên 15 loại cá mập khác nhau, nhưng họ thường câu được các loại sau đây. Cá mập đen: Đầu to như thúng chai, da đen bóng, vi dày, nặng từ 80kg đến 2 tạ. Cá khơi: vi mỏng, thân đen hơn, nhưng đầu nhỏ hơn mập đen.Cá nhọn: có đầu nhọ dùng tấn công con mồi, mình trắng có sọc đen, nặng khoảng 1 tạ. Cá cào: là loại cá mập có hai gông trên đầu. Cá cồn: thân trắng hơn cá khơi; nếu loại cá này mà con cái thì gọi là cá mập bống, thường nặng 70-80kg, vi cá này thuộc loại quý nhất. Cá đao: đầu có hình tam giác, giống mũi đao. Cá giống: thân hình thon, đầu bè và ít nhọn hơn cá đao.
Những người đi xóng cửa nói rằng trước đây họ làm nghề này là vì miếng cơm manh áo, nhưng giờ thì ai cũng sắm sửa được ghe thuyền đi câu khơi cả nên câu cá mập kiểu này chỉ như một cái thú. Ông Lê Nề nói rằng mùa biển động nào mà không làm vài chuyến xóng cửa là thấy buồn lắm, “hơn nữa cũng phải dạy cho lũ trẻ biết để sống chết với nghề ăn sóng nói gió này”. Dù biết là nguy hiểm, nhưng họ vẫn tiếp tục “cha truyền con nối” nghề xóng cửa, bởi theo họ: “Mỗi khi đưa được một “chú” mập vào bờ, cả làng xúm đến để xem, để giúp sức, có cảm giác như mình vừa làm được một điều gì đó lớn lao lắm, và vì thế mà mê, mà không thể bỏ được” – Lê Tươi tâm sự. Hơn nữa, sau khi cắt bộ vi bán cho thương lái, phần thịt cá mập được anh em họ Lê chia cho cả làng thưởng thức.
Ông Tám Nhót cũng cho biết, trong mấy chục năm theo nghề này, ông chưa từng chứng kiến cá mập tấn công người nào ở vùng biển Phú Yên. Ông bảo, nhiều khi thợ câu mang dàn câu ra, thấy cá mập bơi lá vi (vây) vậy nhưng hầu như chúng không để ý đến người, không có động thái tấn công như cá mập ta thường thấy trong phim ảnh(!?)
CÁ MẬP ĐANG CẠN NGUỒN
Thông thường sau mỗi mùa biển động, mỗi gia đình của bốn anh em nhà họ Lê xóm Rớ câu được 8-10 con mập đen. Ông Lê The nói vào hai năm 1978 và 1991, gia đình ông chỉ một mùa xóng cửa đã câu được đến 25 con cá mập. Bây giờ, cả gia đình họ Lê xóm Rớ đang chuẩn bị ngư cụ, chờ mùa biển động là ra biển cỡi sóng, xóng cửa cá mập. “Nhưng bây giờ thì ít rồi” – ông Tám Nhót nói – “hai năm gần đây, sau một mùa động, chúng tôi chỉ câu được chừng hai con mập mà thôi. Theo lời ông, do lợi nhuận từ vi cá mập xuất khẩu khá cao (mỗi ký cước vi cá mập bán khoảng 1 triệu đồng), các tàu lớn có máy định vị đã dò bắt cá mập từ ngoài khơi…
Báo Phú Yên điện tử NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG