Những người “tựa gối ôm cần”
Sau khi rủ mấy người bạn ở cùng khu tập thể và trang bị những thứ cần thiết, chúng tôi xuống hồ Xuân Hương. Khoảng 8 giờ sáng, dọc chiều dài bờ hồ khoảng một cây số men theo đường Bà Huyện Thanh Quan đã có khoảng 7 đến 10 nhóm người ngồi buông câu. “Hôm nay gió mạnh, sóng hồ lớn nên số người đi câu ít hơn mọi ngày”, một người ngồi cạnh nói với chúng tôi.
Làm xong “thủ tục thả câu với một cần câu bằng trúc tự tạo, tôi bắt chuyện với một dân câu trông có vẻ chuyên nghiệp tên là Nguyễn Văn Khoa (60 tuổi, ở đường Phan Đình Phùng, Đà Lạt). Ông cho biết: Tôi là cán bộ về hưu, lấy việc câu cá làm thú tiêu khiển tuổi già và cắm ở đây đã được gần một năm. Những ngày đẹp trời cá cắn câu nhiều lắm nhưng hôm nay chỉ mới được một nhép kia. Ông đưa tôi xem chiếc giỏ bằng lưới, bên trong, một con cá chép to khoảng nửa bàn tay đang quẫy. Cũng qua trò chuyện với ông Khoa, tôi được biết không phải bây giờ mà từ hơn 30 năm trước, người ta đã đến buông câu ở hồ Xuân Hương. Hồi đó xung quanh hồ còn nhiều cỏ lác, cá rô phi cũng nhiều, chỉ cần dùng cần trúc cũng câu được cá. Bây giờ, bờ hồ được dọn sạch, cá cũng hiếm dần. Mặc dù vậy, lượng người đổ về hồ Xuân Hương buông câu vẫn ngày một nhiều. Người ta không lấy việc câu được cá làm tiêu chí nữa, câu được cá thì tốt mà không được cũng chẳng sao, như ông Khoa, có hôm câu được cá còn mang cho bạn bè, láng giềng...
Cũng như ông Khoa, ông Sỹ - cán bộ kỹ thuật của một công ty ở Đà Lạt, làm việc theo ca, trong những lúc nghỉ ca thường đến hồ Xuân Hương buông câu giải trí. Một mình ông ôm”' bốn cần, một cần đài (cần quay) và ba cần phao (còn gọi là cần tay). Khi chúng tôi đến, chiếc giỏ của ông vẫn trống không. Ông cười, nói tếu: “Cá bây giờ là cá của thời đại văn minh”, chúng khôn lắm chứ không như ngày xưa. Chúng chỉ tung tăng rỉa mỗi thôi, ít cắn câu lắm. Có hôm tôi ngồi cả ngày mà không được con nào.... Nói xong, ông cho mồi vào cần câu đài, đưa cần ra phía sau quăng mạnh, lưỡi câu bay xa chừng 30 mét. Đối với ông Sỹ, đi câu cá là cách để gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè, câu được nhiều không quan trọng.
Thế nhưng, ngoài những người coi câu cá là thú vui, là cách giải trí thì cũng có những người đi câu với đúng nghĩa đen. Họ thường là những nhóm thanh niên dư giả thời gian hoặc là sinh viên của các trường đại học, cao đẳng tại Đà Lạt. Đối với họ, xuống hồ đi câu là để kiếm cá, về... nhậu. Tôi đến làm quen với một nhóm bốn thanh niên đang câu ở một gốc thông. Một trong số họ vừa giật được con cá chép khoảng một cân, cả nhóm mừng ra mặt, la lớn: “Thế là chiều nay lai rai được rồi!. Một thanh niên trong nhóm tên Bảo vui vẻ cho biết: Cứ buồn buồn là chúng tôi vác cần câu xuống hồ kiếm mồi nhậu. Tự mình đi câu rồi làm mồi nhậu mới hứng chứ mua đồ nhậu bán sẵn hoặc mua cá ở chợ thì không có gì thú vị. Tuy nói là kiếm mồi nhậu” nhưng những thanh niên mà chúng tôi vừa bắt chuyện này cũng có phong cách câu rất nhà nghề. Họ không vội vã, nôn nóng mà ung dung, thư thả tựa gối ôm cần hàng giờ liền.
Một ngày của dân câu
Một ngày của dân câu chuyên nghiệp thường bắt đầu từ rất sớm, có người bốn, năm giờ sáng đã có mặt ở hồ Xuân Hương. Những tay câu nghiệp dư thì thường muộn hơn, thích giờ nào đi giờ đó. Hành trang của một dân câu thường bao gồm: cần câu, giá đỡ, vợt xúc tép để làm mồi, mồi làm sẵn, giỏ đựng cá bằng lưới và một chiếc ghế nhựa thấp. Người cẩn thận thì mang thêm chiếc ô để che mưa, che nắng.
Sau khi chọn địa điểm hợp lý, dân câu bắt đầu soạn sửa đồ nghề, cắm giá cố định xuống mặt đất, lắp cần, gắn dây và phao câu rồi cho mồi vào lưỡi câu. Thường thì một người sử dụng khoảng 3 đến 5 cần câu. Cũng có người một mình “ôm” đến 7 cần, thậm chí đến hơn 10 cần. Cần câu thời nay không còn là cần trúc nữa mà là cần nhựa tổng hợp gồm nhiều loại, chiều dài từ 2,7 m đến 4,5 m, 5,5 m... Cần câu tay thường thiết kế giống cây ăng-ten râu, kéo ra đẩy vào tiện lợi; cần câu đài thường có nhiều đoạn nối với nhau, có một ròng rọc để cuốn dây cước, mỗi dây câu đều mắc hai lưỡi. Tùy theo chất lượng mà giá mỗi loại cần câu khác nhau. Những loại do Trung Quốc sản xuất giá chỉ khoảng vài chục ngàn đồng đến hai, ba trăm ngàn đồng; hàng Nhật và Hàn Quốc thì giá cao hơn, có cái đến hơn triệu bạc. Chọn được cần tốt rồi còn phải biết dùng mồi hợp lý thì mới “sát cá” được. Ông Khoa cho biết, ở hồ Xuân Hương có 3 loại cá hay cắn câu là cá chép, cá diếc và cá trôi. Thứ mồi mà chúng thích là tép (tôm con) hoặc khoai lang trộn với cám rang, mè rang và bột tổng hợp. Ngày đẹp trời thì dùng được mồi bột, còn nếu gió to sóng lớn thì mồi bột dễ bị đánh rã, phải dùng tép.
Thấy tôi la cà ngồi bên để học nghề, ông Sỹ cười nói: Đi câu phải kiên trì, anh nào nóng vội thì thua. Quả vậy, những người ngồi câu ở đây mỗi người một vẻ nhưng họ giống nhau ở tính kiên nhẫn. Có người cứ khoảng 5 phút kéo dây câu kiểm tra mồi một lần, có người lại ngồi trầm ngâm “bất động”, chăm chú nhìn phao câu đến hai, ba chục phút. Ông Sỹ kéo một cần câu tay lên, vừa vo viên mồi bột gắn vào lưỡi câu vừa lắc đầu nói: Sóng lớn thế này mồi bột nhanh rã lắm. Xong, ông cầm vợt nhứ nhứ vào mấy bụi cỏ ven bờ hồ kiếm vài con tép to bằng chiếc tăm xe gắn máy. Ông móc lưỡi câu vòng từ đầu tới bụng con tép, làm cho nó có dáng hơi thẳng như đang bơi rồi thả xuống nước và tiếp tục thay mồi cho những cần khác.
Việc thay mồi và ngồi nhìn cá kéo phao cũng là cái thú của đa số người đi câu. Cường, người vừa đến ngồi cạnh ông Sỹ, quay sang góp chuyện: Hôm trước, tôi câu ở đầu cầu chữ I, cá kéo phao trông sướng lắm. Cứ thế, họ nói với nhau đủ thứ chuyện, từ chuyện câu cá, chuyện việc làm, thời sự... đến những chuyện tếu táo. Cũng có khi hàng giờ, họ ngồi trầm ngâm hoặc lặng lẽ kéo câu, thay mồi hay đi xúc tép mà không nói với nhau một câu nào. Họ miệt mài đến nỗi không còn biết đến trời đất xung quanh. Thậm chí, tháng trước có người tên Lộc để chiếc Wave Alpha cách chỗ ngồi câu có vài chục mét mà bị kẻ gian lấy mất khi nào không hay biết. Trưa, đa số dân câu về nhà ăn cơm và nghỉ ngơi nhưng cũng không ít người “cơm đùm gạo bới mang theo hoặc làm ổ bánh mì cho qua bữa để câu đến tối. Lớp thanh niên thì tùy hứng, khi nào đủ mồi thì kéo về lai rai”. Có ngày đến bảy, tám giờ đêm vẫn thấy người ngồi câu ở hồ Xuân Hương nhưng thường thì đến khoảng 5 giờ chiều là đa số đã cuốn câu. Người ta cuốn từ từ từng cần, gỡ từng thứ một: gấp giá, xếp cần, cuốn dây, tháo phao, lưỡi... Họ lau chùi sạch sẽ từng thứ, tuần tự cho vào túi rồi xách giỏ cá (nếu có) ra về.
Sau một ngày ngồi “học câu” ở hồ Xuân Hương, tôi chào các “bậc tiền bối để dạo xe một vòng bờ hồ. Ông Khoa quay nhìn tôi, cười khà khà: Lính mới không được nhép nào à? Hôm nào trời nắng ấm, gió nhẹ hãy ra. Vâng, chắc thế nào tôi cũng sẽ lại ra.
(Báo Người Lao Động đăng ngày 27/07/2005)