Tết Việt kể chuyện đi câu tết Thái (Phần II) - Ngày thứ hai: Một ngày không như mọi ngày

Tôi đắn đo 1 hồi rồi tình thật: vậy sáng nay tôi sẽ nghỉ câu 1 buổi để đi mua chút nhu yếu phẩm. Mã Khiết nhìn đời rất đơn giản, hắn bảo Cứ đi câu đi, tối về mình cho cậu mượn quần áo của mình, khu này vắng hoe, có ai ngắm đâu mà cần đẹp, và cậu có đẹp đâu mà sợ ngắm. Quỷ tha ma bắt lời đề nghị khiếm nhã của hắn! Tôi quay vô ngủ tiếp với bảng kế hoạch công tác đã định sẵn: Sáng - shopping, chiều - câu cá.

Tiết trời thất thường làm tôi khó ngủ, trằn trọc hoài cũng đến 6h sáng, tôi dậy hỏi đường đi chợ. Tôi được người nhà ông SanOpk cho hay vùng này có 2 làng gọi là Làng Trong và Làng Ngoài, mỗi nơi đều có 1 ngôi chợ nhỏ, đều đi bộ đến được. Làng Ngoài là từ dùng để chỉ cụm dân cư khu thị tứ Khaoleam, người dân hầu hết là người Thái. Còn Làng Trong là từ dùng chỉ những người dân tộc thiểu số sống bên kia Đầm. Ồ, vậy nghĩa là hôm qua đi tới đây, chúng tôi đã đi qua Làng Ngoài, vậy chẳng có lý do gì để tôi không khám phá tiếp Làng Trong hôm nay.
Đường vào Làng Trong phải đi qua chiếc cầu nhị khúc rất thơ, từ hồi hôm tới giờ tôi toàn chăm chăm vụ cá mú, mượn mõ... lung tung nên không để ý. Khi đi thuyền tôi cũng đã nhìn chiếc cầu này từ phía dưới, còn bây giờ tôi được ngắm nó từ phía trên… Khaoleam giống như 1 quả cầu và từ 2 góc độ, cảm nhận về cùng 1 quả cầu là rất khác nhau (dường như sự vật nào cũng vậy).


Trên bến dưới thuyền

Trên cầu, tôi gặp khá nhiều du khách, họ đa số là những người đi du lịch đường bộ từ Miến Điện qua hoặc ngược lại, chuẩn bị xuất phát đi sang Miến Điện. Cũng có khá nhiều người dân tộc địa phương, nhưng tôi chú ý 1 chi tiết : sao họ toàn là phụ nữ và trẻ em nhỉ. Dẫu muốn đi chợ mua xong mọi thứ cho lẹ rồi còn đi câu, nhưng tôi vốn tò mò, thấy hiện tượng lạ mà không hỏi thì bụng không yên. Tôi làm quen 2 cô gái và hỏi chị em họ đi đâu sớm thế, họ hồn nhiên trả lời: chúng tôi là vợ Ba và vợ Tư chứ không phải chị em, đi mua thức ăn sáng về cho chồng và các bà vợ lớn. Cũng may đêm qua tôi đã được nghe già SanOpk nói sơ về chế độ đa thê của làng này, nếu không mắt tôi đã bên tròn bên dẹt hay lại ngoa ngoắt Hồ Xuân Hương đời 2002 “Ném bom cái kiếp lấy chồng chung…” rồi. Kể thêm chi tiết này hơi dài dòng, nhưng tiện thể nên thông báo với các bác nam cần thủ nhà ta, ai thích nghiên cứu đề tài dân tộc học hay gia đình học chuyên ngành chế độ đa thê thì cứ thẳng Khaoleam mà tiến các bác nhé, riêng tôi không chịu trách nhiệm về kết quả và hậu quả đề tài của các bác.


Bé thích được chụp hình


Không phải 2 chị em đâu nhé, bà nhỏ và bà nhỏ hơn đấy!

Lòng vòng 1 hồi, tôi cũng đến được chợ, nó bé xíu với vài nóc nhà sàn, cũng may là có đủ các thứ tôi cần, trong vòng 5 phút tôi đã mua xong, coi như bù lại thời gian la cà lúc nãy. Tôi gọi cho Shige hỏi thăm tình hình, anh chàng hóm hỉnh tệ: Có cá, mà chưa câu được. Nhìn đồng hồ mới gần 7h, tôi quyết định lần theo dấu vết các chàng ngự lâm. Tắt máy xong, tôi nhận được điện thoại của “người dưng khác họ từ Nhật, anh cho biết nhóm bạn câu của anh trưa nay sẽ lên đường sang Thái, trưa mai sẽ đến KhaoLeam đi câu, cần anh gửi gì không? Thánh thần trời phật linh thiêng phù hộ độ trì tôi (dù tôi toàn ăn mặn) chiếc chiếu manh trong cơn buồn ngủ, tôi dặn anh gửi gấp cho tôi cần, mồi, dây, máy... tất tần tật các món phù hợp để câu cá Lóc Bông như Sopak và Shige đã hướng dẫn khiến chàng ghi không kịp. May mắn 1 điều là chúng tôi thường mua mồi chung với nhau theo dạng pair (1 đôi / cùng hoặc khác màu), vừa rẻ hơn so với khi mua lẻ 1 chút, vừa có 2 màu để vốn liếng thêm phong phú, dễ chọn lựa, vừa có vật thế thân khi 1 con bị mất (tác dụng này hôm nay được phát huy hiệu quả triệt để)
Tuy nhiên thông tin khiến tôi hào hứng hơn cả là người mang dụng cụ câu sang cho tôi là anh Uehara, 1 cần thủ nổi tiếng của Nhật, và cũng là người chế tạo mồi giả thuộc hàng siêu sao đến nỗi thương hiệu Ray-Tune (về mồi giả làm tay) của anh được các cần thủ trân trọng gọi là sản phẩm God - handmade lures chứ không phải hàng handmade thông thường. Tôi được nghe các cần thủ Nhật và người dưng ca ngợi sự tài hoa của anh nhưng chưa có dịp gặp, lần này thật không ngờ lại hội kiến ở đây. Cuộc sống luôn là 1 chuỗi bất ngờ thú vị.

Một trong những Sản Phẩm làm tay của Uehara gây shock dân câu Nhật: Những đường vân chạm khắc trên con mồi có khoảng cách & tỉ lệ nhỏ hơn ruột viết chì bấm (0.5mm)

Già SanOpk đoán việc như thần, ông biết chắc tôi sẽ bon chen theo chân các bạn nên đã cắt đặt thuyền khác chở tôi ra điểm câu. Tôi đến nơi thấy mọi người đang đứng trên bờ câu chứ không phải câu từ thuyền. Có lẽ Shige đã giải thích cho Mã Khiết cách kéo mồi từ trên bờ (tôi đã giới thiệu trong bài viết Cá Lóc Bông Thái Lan trước đây) nên Mã Khiết thao tác khá thuần thục, tự dưng thấy ganh tỵ hắn gì đâu (vì cho tới lúc đó, tôi chưa bao giờ câu Cá Lóc Bông từ bờ). Tôi rời thuyền lên đứng cạnh hắn cùng buông cần. Thấy tôi lóng ngóng vì mấy lần bị vướng dây vào bụi cây, Mã Khiết cười khoái trá lắm lắm, tôi tức lộn ruột liền nhớ ra vụ hắn đạp chân tôi hôm qua để kiếm cớ trút giận, Mã Khiết sợ quá không dám ho he gì ráo, tôi hả hê được 1 tẹo (chẳng hiểu sao lúc đó mình nhỏ mọn thế nhỉ, mà tính ấy hình như đến giờ cũng chưa bớt đi)...

Mã Khiết bỗng giật mạnh cần. Chuyện gì nữa đây? Phúc bất trùng lai mà chưa đầy 24 tiếng đồng hồ Mã Khiết được Phúc tái trùng lai thì tôi cắn cỏ ngậm vành khỏi câu luôn, hắn xí hết vận may của mọi người rồi, câu thêm chi cho mệt. Ơ, mà rõ ràng đang có con cá quẫy quẫy nơi đầu cần của Mã Khiết kìa. Chúng tôi trố mắt ra nhìn xong rồi cười rơi nước mắt, không phải hắn câu được cá mà do con cá xấu số vô tình bị lưỡi câu móc vào bụng trên đường hắn rê mồi về. Trong lúc mỗi người đang tranh nhau nêu tên con cá này theo tiếng mẹ đẻ của mình gọi là gì thì Mã Khiết táy máy thế nào bị nó ngoạm 1 phát... máu chảy thành dòng. Tội nghiệp tấm thân đã còm cõi chỉ cao hơn 1m8, nặng hơn 90 ký của hắn lại mất thêm 2, 3 giọt máu, đấy tôi đã nói rồi Phúc bất trùng lai mà lị.

Sau trận cười nghiêng ngả, trật tự được lập lại cũng là lúc chúng tôi rời điểm câu. Trời oi bức khác thường. Già SanOpk, anh Et và người lái ghe lúc nãy đưa tôi ra đây thảo luận gì đó bằng tiếng dân tộc… Shige, Mã Khiết và tôi 1 chữ bẻ đôi cũng không hiểu nổi thì bỗng nghe Sopak thì thào bên tai tôi: Họ đang bàn đưa chúng ta đi câu vào nơi không có cá không về đấy! Trời ơi, hấp dẫn đến thế kia ư? Sopak mà không bấm vai tôi ra dấu chắc tôi đã nhảy tưng tưng vì mừng rồi. Ôi, nôn nao quá!

Người lái ghe quay về còn chúng tôi tiếp tục đi hướng ra Đầm lớn (hình như đó là luật bất thành văn của dân chài khắp nơi, khu tam giác vàng hay chữ nhật kim cương gì đó luôn là bí mật gia truyền của nhà thuyền, có dao kề cổ súng kề vai cũng không bao giờ tiết lộ cho người ngoài biết). Cha con già SanOpk đưa chúng tôi đi thêm 30' nữa, vòng vèo 1 hồi thoáng thấy 1 dãy núi sừng sững hiện ra trước mắt chúng tôi. Chiếc thuyền cứ nhắm hướng núi lao vun vút đến làm tôi lo sợ, bám chắc lấy thành tàu đến đau cả tay, thấy mình như đang đóng phim hành động của Hô-ly-út. Cặp sát mạn núi rồi mà thuyền không giảm tốc độ, chúng tôi đồng thanh kêu la ỏm tỏi thì chiếc tàu chui tọt vào 1 hang đá tối thui, tôi nhắm tít mắt vì khiếp hãi. Khi cảm nhận được thuyền đã giảm tốc độ, có ánh sáng oà vào chói lọi thì tôi mới ti hí mắt ra xem và... sững sờ trước cảnh đẹp hùng vĩ của 1 góc đầm KhaoLeam.

Có tin được không, tôi ngỡ mình đang đứng trước những hang động đẹp tuyệt trần của vịnh Hạ Long quê nhà. Ngay cả thổ địa xứ Thái là Sopak đến fishing guide là Shige cũng phải trầm trồ ngưỡng mộ thì trách gì Mã Khiết và tôi không lấy máy ra chụp lấy chụp để khung cảnh liêu trai mê hoặc này. Không, tôi không thiết câu cá nữa, tôi đến được KhaoLeam để ngắm tận mắt cảnh đẹp này là quá mãn nguyện rồi, bõ công đi đường xa vạn dặm từ Việt Nam sang Nhật, từ Nhật lội ngược về Đông Nam Á, rồi thần tiên đưa lối dẫn đường thế nào để lạc bước đến được cái hang ngang ngửa Nam thiên đệ nhất động này... 3 từ duy nhất có thể diễn tả tâm trạng, tinh thần, ngoại cảnh 1 cách chính xác nhất lúc đó là TUYỆT CÚ MÈO!



Người ơi người ở đừng về

Con gái nói có là không, con gái nói không là có, xin bà con lượng thứ trong giây phút bốc đồng ban nãy, tôi bảo không thèm câu nữa mà bây giờ cũng hối hả chuẩn bị dây, mồi như ai... Từ nay nhà cháu xin chừa, không dám dại miệng nữa.

Chúng tôi bắt đầu quăng mồi sát vào vách hang, vẫn chưa câu được cá nhưng thỉnh thoảng lại nghe tiếng quãy đuôi lạo xạo khiến ai nấy tràn trề hy vọng. Thoát khỏi cái nắng gay gắt giữa tháng Tư, lại được sống trong thiên nhiên hữu tình, lòng con nguời ta bỗng trở nên phơi phới. Mã Khiết bỗng cất tiếng hát, tôi chẳng hiểu gì nhưng cũng thấy hay hay. Anh Et bỗng nảy ra sáng kiến Hát với nhau, thế là trong hang động thanh vắng, những câu hát bằng ngôn ngữ thập cẩm vang lên thánh thót, lòng tôi như chùng xuống – Năm mới thêm 1 tuổi, ô kìa mình vẫn tươi!

Tôi chết mê chết mệt nhạc Phú Quang nên đến phiên mình cũng gân cổ đâu phải bởi mùa thu dù sai nhịp loạn cả lên.Tôi thấy Mã Khiết bụm miệng cười (hắn luôn xung khắc với tôi như thế), những người còn lại thì đỏ mặt tía tai (chắc là đang cố nhịn để cười không bật ra thành tiếng)... Mặc kệ, yêu mà, đã yêu nhạc Phú Quang thì có mà cả làng nhảy vào oánh hội đồng tôi cũng cứ hát...

Tôi đã nói trước là chuyến đi này nhiều ngẫu nhiên bất ngờ, đúng cái khúc cao trào câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng thì… cần tôi có cá! Câu hát bị tắt lịm ngay tức thì, nhường chỗ cho câu kéo. Cái cần vừa to vừa cứng nên tôi không nhận được cảm giác con cá vít cần xuống, mà hình như con cá này cũng hiền, không phải cá Lóc Bông hay sao ấy... À há, thì ra là 1 chú Rô Phi, to hơn bàn tay hộ pháp của Mã Khiết nữa kia. Tôi sung sướng trổ hết ngón nghề dìu cá có sẵn của mình (là quan trọng hoá vấn đề lên chút xíu chứ thật ra thì không khó lắm bởi đoạn này rất quang quẻ, không 1 tí chướng ngại vật nào)... Con cá bị lôi đến sát mạn thuyền, chỉ tí xíu nữa thôi tôi sẽ đãi cả nhóm món Rô Phi chiên giòn trong bữa cơm chiều nay nhưng... đời không như là mơ, nên đời thường giết chết mộng mơ. Hu hu, trước khi bạn đọc tiếp, tôi xin thề trước ...trước nhân dân rằng chuyện diễn ra sau đây với con Rô Phi của tôi (nói lại cho rõ - súyt là của tôi) hoàn toàn là sự thật, không dám khai man thậm chí 1 dấu chấm, dấu phẩy.

E hèm: Khi con Rô Phi chỉ còn cách thuyền 3 ~ 4 mét, 1 tiếng Quạp vang lên rất gọn, 12 con mắt chúng tôi nhìn rõ không sót chi tiết nào: 1 con cá Lóc Bông to cỡ 5, 6 ký nhô lên khỏi mặt nước sấn sổ xông tới táp gọn nửa thân con Rô Phi bạc mệnh. Tôi hụt hẫng như chết đứng trước tên cướp cạn này, đến cá mà cũng ăn hiếp đuợc tôi thì còn gì đau khổ hơn không. Sốc, chỉ có từ sốc mới diễn tả được tâm trạng tôi lúc đó! Tôi choáng đến mức không dám đụng vào con Rô Phi đang ngáp ngáp, anh Et lùi thuyền ra khỏi hang lấy ánh sáng nhìn cho rõ hơn, anh vớt con cá lên gỡ mồi ra trả lại tôi. Đang bị 1 vố chết khiếp mà tôi không nhịn được cười khi nghe anh Et thật thà hỏi: Tính sao, lấy phần còn lại này đem về không?


Nửa chừng xuân???

Sopak và Shige rất ít nói cũng phải bè phụ họa Thật dễ sợ, hôm nay câu kéo kiểu gì mà mới có 2 con cá quèn đã hết máu đổ lại đến đầu rơi thế kia... Than thì than vậy, chứ chuyện vừa qua là 1 tín hiệu vui - điểm này có cá đây!

Mặt trời đứng bóng, chúng tôi tạm ngừng tay câu để ăn trưa và nghỉ ngơi 1 chút. Trong hang mát mẻ như xài máy lạnh TOSHIBA 2 cục, lại bị buổi mất ngủ sáng nay khiến tôi nhắm mắt lim dim quên trời mây.
Khoảng 1 tiếng sau, cái nóng hâm hấp tạt vào hang bỗng chuyển thành luồng khí mát rượi, rồi lạnh đột ngột. Quái quỷ gì thế này, tất cả chúng tôi đều cảm nhận được điều đó, Già SanOpk bằng kinh nghiệm dày dạn của mình đã thúc chúng tôi dậy mau, anh Et nhanh như sóc nổ máy con thuyền, Sopak khẩn trương cắt nghĩa vài câu cho tôi và Mã Khiết rằng: Sắp có giông! Shige bổ sung thêm: Sắp có Giông là cơn mưa đầu mùa nên triều cường đột ngột có thể dâng nước kín cửa hang, thuyền không ra được... Mỗi người 1 câu như khủng bố tinh thần Mã Khiết và tôi, Mã Khiết thì có vẻ bình tĩnh hơn 1 chút nên vẫn có thể đi lui cui thu cần cho gọn lại, tôi thì cứ nghĩ đến cảnh chết ngợp trong hang cho con cá Lóc dữ giằng ban nãy nó xâu xé mà bủn rủn toàn thân, ngồi phịch xuống sàn thuyền mà sợ, mà lo…

Trời cao có mắt, hẳn đã thấy gương mặt tiệp màu lá chuối của tôi nên nhủ lòng thương xót, sau vài phút đã đưa tất cả chúng tôi ra khỏi hang 1 cách an toàn. Tôi ngây ngất nhìn bầu trời xanh thẳm phía trên, chưa bao giờ tôi thấy hạnh phúc khi được nhìn trời cao đất rộng như thế này. Cảm giác thoát chết (dù là tự tưởng tượng & phóng đại ra thế) làm tôi lại thấy yêu đời hơn bao giờ hết, là lá la.

Thuyền chúng tôi lướt như bay về khu dân cư mờ mờ phía trước, cơn giông đuổi theo sau lưng. Chỉ trong chốc lát, mây đen vần vũ như sà thấp xuống đe doạ, bầu trời xanh thẳm bỗng như biến thành miếng bánh khổng lồ bị thợ vụng nướng cháy nham nhở.


Cơn giông trên đầu và nắng trên vai

Không ai ngờ được Thái Lan vào giữa tháng Tư nắng thiêu rát thịt lại có giông về. Sau này qua báo chí tôi mới biết cơn mưa giông hôm ấy là hiện tượng thời tiết bất thường nhất trong gần 30 năm qua tại Thái Lan. Nhưng thôi, đó là chuyện về sau, còn lúc này chúng tôi chỉ mong cho đến được nhà dân trước khi trời trút nước. Mà cũng đáng đời tôi lắm, ai biểu hôm qua biết trời hạn thì khó câu nên đã lẩm bẩm cả tối Trời không mưa, con cũng lạy trời mưa...

Mới gần 2h trưa mà trời tối mịt, ai cũng căng mắt ngó về phía khu nhà dân như đếm ngược cự ly đang được rút ngắn theo từng mét. Tôi nhắm chừng chỉ còn vài phút nữa là cặp bến thì bỗng thấy mấy chiếc đèn bão đồng loạt xuất hiện nơi đích đến. Mưa bắt đầu lất phất rơi, khi đủ làm áo quần ẩm ướt thì chúng tôi cặp được vào bờ. Ông trời thương tình nên lúc này mới thẳng tay dội nước xối xả xuống đám dân đen. Tất cả chúng tôi lóp ngóp leo lên sàn của 1 nhà dân, họ chào đón già SanOpk hết sức nhiệt tình. Tôi nghe tiếng được tiếng mất nhưng cũng tạm hiểu là mọi người thấy thuyền nhà ông SanOpk đi qua sáng nay, đồ rằng khi có giông sẽ chạy về, nhà họ là điểm gần nhất nên mọi người ở khu này không ai bảo ai, đều treo đèn bão chờ ông đến... Dù gặp ông SanOpk mới ngày hôm qua, nhưng tôi đã tin rằng ông là 1 người đáng kính, hôm nay tiếp xúc với dân bản xứ, quả là linh tính đã không đánh lừa tôi. Tôi nhìn cơn mưa nặng hạt mà trong lòng thanh thản lạ, người với người chẳng phải sống để yêu nhau đó sao!

Sau cơn mưa trời lại sáng... đó là điều bình thường như ta hít thở, nhưng bữa nay nó khá bất thường. Sau 3 tiếng mưa liên tu ti, trời tạnh 1 chút nhưng vẫn xám ngắt, thỉnh thoảng lại rả rích theo kiểu mưa khuyến mãi, lâu lâu lại có thêm sấm chớp giật đùng đùng như mưa 2 trong 1... Già SanOpk hướng mắt như chờ ý anh Shige vì dẫu sao anh cũng là fishing guide mà, anh Shige quay ra giải thích cho Mã Khiết và tôi rằng trời còn mưa dai dẳng nhưng lúc này là lúc cá ăn mạnh nhất, 2 người tự quyết định có câu tiếp không? Tôi phì cười, hỏi gì mà khéo khéo là, bão tuyết, động đất của xứ Ja-păng nước anh tôi còn không ngại, xá chi mấy hạt mưa lách tách này... Mã Khiết thì nói làm gì nữa, hắn đang bị ngấm máu mê câu từ buổi câu được con cá Lóc đầu tiên tới giờ, hẳn là nhớ cái cảm giác cần bị giằng co đến phát bệnh chứ không đùa. Sopak đương nhiên là không bao giờ từ chối vũ điệu ôm cần rồi ...

Điểm mặt anh tài xong, chúng tôi xuất trận liền. Mưa gió chẳng hề nhân nhượng nữ nhi, các anh chàng lãnh bao nhiêu nước thì cô nàng cũng nhận đúng bấy nhiêu mét khối. Cả nhóm đi chỉ mỗi mình Mã Khiết có áo mưa, hắn thấy tội nghiệp thân phận hoa lạc giữa rừng gươm của tôi hay sao đó mà nhường lại áo mưa cho tôi mặc, tuy không rõ với hắn tôi là hoa hồng hay hoa… râm bụt nữa, mà hoa gì thì hoa, tôi cảm kích Mã Khiết trước đã, ai bảo người Trung Quốc trọng nam khinh nữ nào???


Chỉ ưu ái ta - Trọng nữ khinh nam???

Cha con già SanOpk cho thuyền chạy thêm 10' nữa hướng về nhà, trời tờ mờ tối, ông ra hiệu cho chúng tôi thả mồi ở vùng nước khá thoáng, không có nhiều lau sậy lắm, tôi hỏi Shige sao lại câu ở chỗ trống trải này? Nghe nói cá Lóc Bông ẩn nấp và săn mồi nơi bụi lùm rậm rạp mà? Shige giải thích theo logic vô cùng đơn giản: mưa như thác đổ liên tục 3 tiếng đồng hồ, lại thêm triều cường ào ạt thì nước đương nhiên dâng lút ngọn đám cỏ rồi. Vậy mà vẫn thấy được 1 số cành, nhánh nhú lên chứng tỏ phía dưới mặt nước của địa điểm này cỏ cây dọc ngang như mắc cửi, có khả năng nhiều cá, phía trên không gian lại thoáng đãng rất thuận lợi cho ta câu mồi nổi trên mặt nước mà không lo vướng mồi... Địa hình lý tưởng đấy!

Tôi hết ồ rồi à, đơn giản như đang giỡn mà sao mình chậm tiêu vậy ta. Giọng ông SanOpk chân thành vang lên: Các bạn trẻ câu đi thôi, sắp tối rồi... Tiếng những con mồi xé gió lao đi, tiếng chúng rơi xuống nước bõm bõm như cổ vũ thêm niềm hy vọng của chúng tôi. Tôi chợt nhớ ra bài học câu cá Lóc Bông cấp tốc Sopak đã giảng mà ngẫm đến hiện tại, thiên thời - địa lợi - nhân hoà đủ cả rồi, cơ hội này mà không câu được cá nữa thì tôi bỏ về Bangkok ngay ngày mai...

Tôi không phải hăm he thêm nữa, cần của Sopak báo động trắng (cá Lóc đớp mồi rất bạo liệt, nước toé trắng xoá đó mà), ha ha, cá cắn câu rồi. Tôi rất thích nhìn Sopak thao tác dìu cá, bất cứ loại cá gì cũng vậy, ở anh luôn toát ra thái độ làm chủ cây cần 1 cách trầm tĩnh nhưng dứt khoát, nhẹ nhàng nhưng uy lực... tôi nghĩ chắc cũng do cái nghiệp mà ra bởi đó là 1 thái độ đương nhiên phải có ở 1 cảnh sát hình sự như anh... Tôi trở về thực tại khi Sopak nhẹ nhàng hất lên thuyền chú cá Lóc Đen khá lớn, anh cười vui như trẻ thơ.

Dù không phải cá Lóc Bông, mục đích mà chúng tôi đang hướng tới, nhưng con cá Lóc Đen hơn 1 ký của Sopak là liều thuốc tăng lực cho những người còn lại. Và Mã Khiết, vâng chính anh, kẻ luôn đi trước tôi 1 bước, ngấm thuốc tăng lực nhanh nhất. Mã Khiết nghiến răng nghiến lợi kéo con cá thứ 2 lên chỉ sau Sopak vài ba phút - Cá Lóc Bông hẳn hoi! Do khoảng thời gian gần lại câu được 2 loại cá khác nhau nên tôi dễ dàng nhận biết được sự khác biệt trong cách ăn mồi và thoát mồi của chúng. Trong lúc Mã Khiết còn đang kéo co với cá thì già SanOpk biểu tôi hãy nhìn kỹ cái miệng con cá. Quá bất ngờ bạn ạ, nó vừa giãy vừa há toác miệng ra để hòng dứt khỏi lưỡi câu chứ không ngậm miệng lại như các loại cá tôi đã từng câu khác... Cha chả là khôn cái giống Lóc Bông này.


Sao lúc này mày không ngoác miệng ra?

Sau Mã Khiết vài phút, dù trên mặt nước chi chít những đốm mưa rơi cũng không thể làm lu mờ từng dợn sóng hình chữ V quen thuộc theo sát con mồi của tôi. Mắt tôi sáng lên và ...PHẬP, chết mi rồi! Con cá Lóc Bông khá lớn vùng vẫy thoát thân, còn tôi, lần đầu tiên biết được thế nào là câu Cá Lóc Bông thì khá choáng - có loại cá liều chết thế này ư? Nó đu, vít, lặn đủ kiểu, nhất là sang trái rồi rẽ phải iên tục làm tôi không biết đường đâu mà lần, nhưng cá Lóc Bông khôn nhất ở chỗ cứ 1 lúc nó lại lao thẳng về phía thuyền, khiến dây chùng lại, xong rồi nó chúi xuống đáy... đó là lý do tại sao nếu câu bằng loại lưỡi đơn thì dễ bị hụt cá. Cái cần cong từ chữ U sắp chuyển thành chữ C thì anh Et vớt được nó lên bờ.

Wow, nặng 1 ký 3 nhé, các bạn câu vỗ tay bôm bốp như chào đón VIP, tôi thấy mình lên mây vài giây. Nhưng đó chỉ là phần mở đầu thôi, bây giờ mới đến chuyện đáng nói đây. Anh Et ngoắc tôi lại nhìn kỹ miệng cá... chu choa, khiếp! Có lẽ nó quá đói hoặc quá tham mồi nên đã táp rất mạnh, khiến lưỡi câu lọt xuống tận cuống họng, rồi lại vùng vẫy sống còn như thế nên bị lưỡi câu xé rách cả họng, anh Et đưa được cả ngón tay vạn chài của anh vào cái lỗ trống đó, chậc, miếng ngon quá khẩu thành tàn!


Hở hàm... Lóc!

Tôi vẫn biết cha con già SanOpk ủng hộ câu cá theo lối tiêu khiển catch and release (bắt rồi thả) nhưng lần này tôi tỏ ý muốn đem con cá này về ăn. Chẳng phải vì nó quá to nên ham, mà tôi thấy nên giải thoát cho nó khỏi nghịch cảnh này, sắp chết mà cứ phải sống. Hơn nữa tôi đã nghe nhiều về thịt cá Lóc Bông không ngon, vậy cũng nên thực tế 1 lần để biết nó không ngon ở điểm nào chứ nhỉ, chẳng phải đây là cơ hội nhất cử lưỡng tiện đó sao.

Mọi người cười toe sau 1 hồi nghe tôi bẻm mép, tôi bỏ con cá vô khoang thuyền, lúc này mới nhớ ra chẳng có cần thủ Thái nào đi câu cá Lóc Bông mang theo thùng trữ lạnh cả.

Sau rồi chúng tôi câu thêm được 3 con cá Lóc Bông nữa (tôi không câu được gì nên dựa hơi đại từ nhân xưng chúng tôi cho hoành tráng tí - tiếng Việt muôn năm!), mặt trời hoàn toàn khuất dạng, cả nhóm trở về từ giông bão nhưng trong lòng mỗi người là 1 câu hát Cuộc đời vẫn đẹp sao.

Người làm nhà ông SanOpk túc tắc làm món Cá chiên giòn cho tôi (chị này tròn mắt như tôi từ hành tinh khác tới vì đòi ăn cá Lóc Bông). Cái thân làm tội cái đời, trong bữa tối mọi người xúm xít cười nói về ngày câu hôm nay thì tôi khổ sở phùng mang trợn mắt nuốt cho hết số cá Lóc Bông nhạt nhẽo, tanh ngòm này, ai biểu ưa làm chuyện khác người chi để giờ mắc nghẹn. Cũng may nhà bếp chỉ nấu phần đuôi nhiều thịt, chứ họ mà đãi cả con chắc tôi ngồi nhai đến sáng.


Trông bắt mắt thế thôi... hix!

Tôi định cơm nước xong sẽ đi dạo 1 vòng quanh xóm núi này nhưng kế hoạch bị phá sản bởi mưa như trút nước, sấm chớp ầm ầm... thôi mưa thế này cũng có cái hay, nằm trong chiếc lán dưới là nước dâng lên dập dềnh, trên là mưa đang xả xuống tới tấp, tôi được 1 giấc ngủ ngon còn hơn đang nằm trong khách sạn 5 sao... Mí mắt díp lại, tôi vội vàng lấy tạm tờ lịch trên tường ghi Nhật ký, thói quen hàng ngày trước khi ngủ, hàng chữ ngắn gọn 1 ngày không như mọi ngày.

Nghiêm Cẩm Vân

Các tin khác cùng chuyên mục
Câu Cá Quả (phần 2) - Cập nhật lần cuối 26/04/2009 12:23:31 SA
Ngày thứ Hai-Tiền trạm Cát bà - Cập nhật lần cuối 26/04/2009 12:21:26 SA
Câu cá Quả (phần I) - Cập nhật lần cuối 26/04/2009 12:18:31 SA
Tiền trạm Cát B ngày 01/04/2006 - Cập nhật lần cuối 26/04/2009 12:16:40 SA
Đi câu cá - Cập nhật lần cuối 26/04/2009 12:13:09 SA
HỒ CỐC - NỐI VÒNG TAY LỚN - Cập nhật lần cuối 26/04/2009 12:11:55 SA
ĐỒNG THÁP - THÉP ĐÃ TÔI THẾ ĐẤY. - Cập nhật lần cuối 26/04/2009 12:04:42 SA
Giao lưu câu cá tại Đảo ngọc Cát bà 30/4-01/5/2006 - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:59:26 CH
Đảo Dáu điểm hẹn của đam mê - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:58:29 CH
Cá toàn vây - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:53:46 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.