Ghi từ Nước Úc (phần II)

Bất cứ khi nào có dịp đi nước ngoài, tôi thường dành nhiều thời gian để thăm thú 2 nơi: khu người Việt và điểm câu. Lần này ở Darwin không có khu người Việt nào nên chẳng có lý do gì khiến tôi không tận dụng quỹ thời gian còn lại để cày nát bãi biển Darwin cả.

Tôi đi về khách sạn, hỏi thuê cần câu, quần áo mưa & mua vé câu (các khách sạn ở Úc thường có luôn dịch vụ này) thì được biết chỉ khi câu ở những khu vực quy định phải có giấy phép (như nơi tôi ngồi với ông John hồi nãy) thì mới phải tốn tiền, còn thì miễn phí hết. Những bãi biển được (hay bị) quy định phải mua vé câu thường là những nơi đang cần thêm kinh phi để xây dựng thêm hay trùng tu lại, chứ không có nghĩa là ở đó nhiều cá (các bác nhà ta chú ý điểm này khi sang Úc).
Qua đây, tôi thấy cách làm việc theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm của Úc khá hữu hiệu. Tại đầu đường, có 1 cái bảng thông báo dự định trùng tu lại cầu cảng của chính quyền Darwin (hồi sáng, tôi chỉ đi lướt qua nên không chú ý đọc), trong đó ghi rõ các hạng mục cần thi công, mục đích thi công và kinh phí dự trù... thậm chí còn diễn giải lợi ích của công trình đối với từng đối tượng ra sao, như sân chơi cho trẻ con, ghế hóng mát cho người đi dạo... riêng dân câu thì chú ý nhất đoạn này: Công trình tương lai sẽ có những rạng ngầm nhân tạo, làm nơi cá tập trung về, này dân câu, bạn không hiệp lực sao. Bây giờ thì tôi đã hiểu, dù phải đóng tiền nhưng việc công khai những mục đích cụ thể, lợi ích rõ ràng như vậy khiến người dân chọn câu tại đây là do ý thức đóng góp của họ chứ không hẳn do nơi đó nhiều cá hay họ cần câu được cá.

...Ký nhận xong các món thuê để đi câu & nghe xong các giải thích về luật lệ câu, nói nào ngay, tôi cũng muốn đóng góp cho Darwin, nhưng chỗ hồi sáng thì đã đi rồi, phải kiếm chỗ khác đi cho thỏa chí khám phá chứ, vả lại tôi đang trong tình trạng tiền khô cháy túi có ai hiểu cho nên hạ giọng thật thấp, e dè hỏi anh tiếp tân Vậy chỗ câu miễn phí ở đâu thía? (mắc cỡ chút). Khách sạn này xúi quẩy, gặp cô khách hơi bị kẹo kéo, nhưng anh tiếp tân vẫn lịch sự, tận tình chỉ bảo: Điểm câu gần khách sạn nhất là cửa sông Buffalo Creek, về phía Đông Bắc, Cứ đi thẳng đường Darwin khoảng 10' (xe hơi), 30' (bằng xe đạp) thì sẽ gặp, đó là khu nước lợ, nhiều cá Chẽm &... cá sấu, hãy cẩn thận (lại còn nhấn mạnh: tôi không đùa đâu). Tôi bấm bụng thuê thêm cái xe đạp rồi đi theo hướng anh ta chỉ.

Từ lâu lắm rồi, cuộc sống công nghiệp xứ Phù tang đã cuốn mất của tôi nhiều thứ, trong đó có thói quen đạp xe đi dạo. Hôm nay ngồi lên chiếc xe xa lạ, nhấn pê-đan giữa 1 vùng đất xa lạ... mà thấy lòng cứ lâng lâng. Tôi vừa đi, vừa dừng lại những máy bán hàng tự động ven đường, lúc mua thêm lon cà phê sữa nóng, lúc ngó nghiêng xem câu khẩu hiệu sản phẩm dán trên những cái máy có ý nghĩa gì... Cuộc sống thật đáng quý.
Tôi đạp xe ngang qua những nhà dân, hình như nhà nào cũng có ca-nô máy để trước cửa. Khi đến 1 bãi đậu xe có nhiều rờ-mọoc kéo, tôi biết mình đã đến gần điểm câu. Những chiếc rờ-mọoc trống không, chắc cần thủ nào đó đã ra khơi từ lúc trời vừa tạnh mưa... Tôi lại gần những chiếc rờ-moọc vẫn còn chất ca-nô ở trên, tìm cách bắt chuyện với mấy người chủ ca-nô để hỏi thăm về lối đi xuống bãi câu, tiện thể xem cách người ta tháo dỡ ca-nô ra khỏi xe và hạ thủy nói như thế nào. Đa phần họ rất vui vẻ, nhiệt tình chỉ lối cho tôi, rồi cùng nhau nói chuyện về những hãng ca-nô nổi tiếng, những đời máy cao cấp mới ra... nghe chừng họ là những tay câu có kinh tế khá giả. Tôi chẳng hiểu gì về những loại máy hay những nhãn hiệu mà họ nói, nhưng cũng đứng nghe cho hết câu chuyện (phần vì phép lịch sự tối thiểu, phần vì... thỉnh thoảng tôi cũng thích nhìn lén cuộc sống của giới thượng lưu như thế).

Những hình ảnh dưới đây sẽ giúp bạn dễ hình dung hơn về khung cảnh nơi tôi đang đứng.

Bãi đậu xe

Đường dốc dùng để hạ thủy ca-nô nối liền bãi đậu xe với bờ sông

Ra khơi thôi

Sau khi tăm tia được mấy tấm hình phục vụ bà con nhà mình, tôi đi men theo cửa sông mong tìm được điểm câu phù hợp, bước đi hơi liêu xiêu 1 chút vì đói. Vâng, đói! Đó là nỗi khổ của tôi mỗi khi vi vu trời Âu, tôi không ăn được món Tây, cứ thức gì nhiều dầu mỡ, bơ kem là tôi kỵ... nên bữa trưa chỉ là cái bánh McDonald's kẹp trứng, lại thêm cong đuôi đạp xe suốt nửa tiếng, thiệt... cái thân hành tội cái đời
Ơ, nhưng lại hóa hay, nhờ cái dáng liêu xiêu 1 câu thơ ấy mà có người để ý, thế là tình cờ đánh bạn được với 1 cặp vợ chồng người Nhật khá thú vị, anh chồng (Shinichi) là công nhân hốt rác ở Nhật, có đồng nào nướng hết vào thú câu kéo, chị vợ (Kiyomi) là phó nháy nghiệp dư, cũng khoái cảnh rày đây mai đó theo ông chồng lãng tử hòng chụp được vài tấm để đời... Khi không tôi có thêm bạn, thật vui.

Cá ơi, bây giờ mi ở đâu??? (Ảnh: Kiyomi)

Có thể nói cả nước Úc là 1 công viên hoang dã của những động vật trên cạn và dưới nước, nhưng Darwin là vùng có nhiều cá dữ nhất. Chỉ dần dạo 1 vòng trong bán kính 50m, tôi có thể thấy khá nhiều bảng cảnh báo về mối nguy hiểm cá sấu, rắn độc... hay ai định ra biển tắm thì sẽ gặp ngay những cảnh báo khác về cá mập, sứa biển... Tất cả các bãi biển của Darwin (và toàn nước Úc nữa) đều có những cái đài rất cao để người ta ngó chừng cá mập cho dân chúng đang tắm trong bãi biển. Tôi nhát gan, đành xin kiếu khoản tắm táp trong cảm giác mạnh, vừa bơi vừa hồi hộp không biết khi nào phân thân nên dù có người coi chừng cá mập tôi vẫn cứ hát bài ca con chuồn chuồn.

Ảnh:www.darwintours.com.au

Cảnh báo sứa biển

Cảnh báo cá sấu

Tôi đi bộ dọc theo sông ra phía biển 1 lúc mà tưởng như thời gian qua lâu lắm rồi, bởi chỉ trong 1 khoảng cách ngắn, mà đoạn sông này thay hình đổi dạng liên tục, đoạn thì toàn đá cuội, chỗ lại phẳng phiu toàn cát pha bùn đất, rồi nơi thì vừa đi vừa nhói gan bàn chân do 1 trảng cây ngập mặn um tùm như rừng chọc thẳng xuống triền sông... đến lúc nước đổi hẳn sang màu xanh mát mắt, thì tôi cũng chọn được mảnh đất cắm cần lý tưởng, đứng 1 chỗ mà thấy sông, biển và cả núi nữa (dễ chừng mấy ông thầy phong thủy Ba Tàu phải thốt lên ganh tỵ - thế đất hàm Rồng!). Tôi quay ngược lại chỗ dựng xe đạp để lấy đồ nghề và mặc quần áo bảo hộ thì trời cũng sắp chuyển mưa, vượt qua đống đá cuội lổn nhổn để về lại hàm rồng lúc nãy khiến tôi mất thêm mớ thời gian nữa, khi con mồi giả (lure) được quăng ra thì đồng hồ nhảy số 2:45PM. Điên! đúng là điên hết chỗ nói, giờ này cá nào ăn mà đứng câu???!!!
Không hề gì, tôi thích có những lúc sống ngoài quy tắc như vậy, cũng có cái hay của nó!

Cá cá, tôm tôm! Lên ăn lure vàng, lure bạc nhà ta! (Ảnh: Kiyomi)

 

Tôi đứng 1 mình trên bãi biển vắng người, vắng cả cá nữa, vừa câu vừa nhâm nhi lon cà phê sữa đã nguội ngắt từ lâu, hơi gió lạnh báo hiệu trời chuyển mưa, đáy biển thoai thoải rất cạn, lại thêm làn nước trong vắt như thế thì dù người không rành câu cũng chắc mười mươi tôi đợi đến Tết Công-gô cũng không có cá, trừ con cá đang tuyệt thực để giảm cân, giữa chừng thấy chế độ ăn kiêng này không hợp lý, phải kiếm cái bỏ miệng gấp thì mới cắn mồi của tôi, hi hi.
Nhưng tôi không thấy buồn mới lạ chứ, đơn giản vì đã bị tù túng suốt mùa đông ở Nhật với luật cấm câu (từ 1/10 ~ 1/3) nên cái thao tác quăng ra kéo vào, tiếng rít của con mồi bay trong gió hay cả những phiền toái bị rối cước lúc này cũng đủ làm tôi thỏa mãn - tôi đang được đi câu, bất kể có cá hay không! Bạn đã bao giờ ngồi câu trong tâm trạng như vậy chưa?
Khoảng 4h chiều, đột nhiên người bạn mới quen Kiyomi chạy như ma đuổi tới chỗ tôi, giọng đứt quãng: Cá sấu con, tôi vừa chụp hình được nó. Rồi chị tiếp luôn: Mọi người đang bàn, có cá sấu con, thể nào cũng có cả đàn, vậy chắc chắn có nhiều cá mồi cho bọn nó như Chẽm, Mú... quanh đây
Nghe sao li kỳ, hấp dẫn! Tôi theo chân chị Kiyomi quay lại phía khu cửa sông, háo hức được cơ hội tận mắt chứng kiến cuộc sống hoang dã ... kiểu Úc (con người tôi hay mâu thuẫn, dễ bị ám ảnh nhưng cứ thích những trò phiêu lưu, rùng rợn các bác ạ)

1 trong những tấm hình để đời của Kiyomi??? (Ảnh: Kiyomi)

(Còn tiếp...)

Nhật Bản 2/2/2007

Nghiêm Cẩm Vân

Các tin khác cùng chuyên mục
Người câu cá Mexico - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 6:11:33 CH
Mắm Nhum - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 6:10:53 CH
Bác ba phi: Chuyện chiếc Tàu Rùa - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 6:09:47 CH
Bí ẩn về bơi vòng của cá hồi (Salmon) - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 6:09:14 CH
Món gỏi cá của người Cao Lan ở Quang Yên - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 5:38:23 CH
Sam biển Gò Công - Tiền Giang - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 5:37:39 CH
Mùa săn cá dứa - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 5:36:22 CH
Câu Khính Nghệ thuật của Tây Bắc - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 5:35:09 CH
Cháo cá song - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 5:34:10 CH
Mẹo Nhỏ Giúp Windows Chạy Nhanh - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 5:33:20 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.