Làm cần câu
Câu cá lóc có rất nhiều cách, nhưng ở quê tôi cách phổ biến nhất là dùng vịt con chọc cho cá bố mẹ giận dữ để chúng táp rồi dính câu. Làm câu vịt rất đơn giản. Chỉ cần kiếm một nhánh tre hay một đọt trúc, một ít dây, lưỡi câu, và một chú vịt con. Những người sành câu thường chọn đọt tầm vong già nhưng phải nhỏ và thon vì nó rất bền, còn làm bằng đọt trúc rất dễ gãy. Lưu ý, nên chọn lưỡi câu đúc màu đen vì nó rất cứng và nhạy; vịt câu thì không nên chọn vịt lớn quá vì có thể làm cá sợ, nên chọn vịt cỡ ba ngày đến nửa tháng tuổi là lí tưởng nhất.
Vịt con sẽ được treo lơ lửng bằng một cộng dây, phía dưới chân vịt là dây treo lưỡi câu có móc mồi sẵn. Dây treo vịt và dây gắn lưỡi câu là hai sợi khác nhau, có thể điều chỉnh dài ngắn tùy thích bằng cách cột rút lại. Chúng sẽ được giữ chung bằng một ống tròn, có thể kéo lên, kéo xuống.
Tùy người mà cần câu có thể dài ngắn khác nhau, lưỡi câu cũng có thể nhiều ít khác nhau. Tuy nhiên, mỗi loại đều có ưu - nhược điểm riêng. Ví dụ như cần câu dài có thể câu tốt ở những mương - ao lớn, nhưng sẽ gặp khó khăn khi câu ở những mương hẹp có nhiều cây cối; lưỡi câu nhiều thì câu dễ dính cá nhưng sẽ trở ngại ở những nơi có nhiều cây cỏ vì chúng rất hay móc vào thứ này thứ khác và rất dễ rối.
Đặc tính của cá lóc khi đẻ
Ổ cá lóc có ba dạng cơ bản: Trứng, khói đèn và lòng ròng. Như ta đã biết, một tháng có con nước rong và con nước kém, cá lóc thường làm ổ vào con nước kém. Bởi làm ổ vào thời điểm đó nước không lên xuống thất thường, trứng đẻ ra được giữ gần như nguyên vẹn, những loài cá khác cũng khó có đường chui vào để ăn trứng.
Ổ các lóc có hình tròn, trứng màu vàng bóng, bên trong ổ có một ít cây cỏ đã bị cắn vụn để trứng bám vào, bên dưới được chúng quậy láng bóng. Cá lóc thường làm ổ và đẻ vào những lúc nước tương đối tĩnh. Chỗ yêu thích của chúng là những góc mương, góc ao hay những nơi có một ít cây cỏ.
Sau khi đẻ vài ngày, trứng nở thành những con lòng ròng đen, mà ta còn gọi là khói đèn. Chúng sống trong ổ thêm vài ngày nữa, đợi đến con nước rong sẽ được cá bố mẹ dẫn ra ngoài. Sau một thời gian, tất cả chúng sẽ chuyển sang màu đỏ rất đẹp. Khi di chuyển chúng sẽ để lại một dải bọt dài trên mặt nước.
…và cách câu
Theo kinh nghiệm của tôi, câu ổ trứng khó dính được đủ cá bố mẹ vì giai đoạn này chúng ít khi giữ ổ cùng nhau. Vì thế, khi câu được cá bố hoặc cá mẹ thì phải đợi vài tiếng sau, thậm chí cả ngày sau, mới câu được con còn lại. Nhưng khoảng thời gian đó chính là cơ hội rất tốt để cho cá bảy trầu, các sặc, lòng tong,… vào ăn sạch trứng hoặc khói đèn. Và khi quay về thấy ổ chẳng còn gì thì cá bố mẹ còn lại cũng bỏ đi luôn.
Do đó, thích nhất là khi lòng ròng vừa ra khỏi ổ, còn đen ngòm, cuộn tròn lăm nhăm trên mặt nước. Lúc này cá bố mẹ rất hung dữ, sẵn sàng tấn công để bảo vệ bầy con của chúng, có khi cả hai “vợ chồng” tấn công cùng một lúc.
Những bầy lòng ròng có cá bố mẹ nhỏ thường tấn công dữ hơn, có khi chúng “bay” trên mặt nước như mũi tên để tấn công kẻ thù. Nhưng câu những bầy có cá nhỏ thường rất nản, hứng thú và hồi hộp nhất là những bầy có cá bự. Nó táp cái nào đáng cái đó. Có khi một bầy mà có tới mấy chú vịt phải hi sinh, còn nếu không thì cũng bị thương rất nặng.
Để cá mau táp, ta nên cho vịt bơi đều đều trên mặt nước và tập cho vịt con biết ăn lòng ròng. Mỗi lần có một cụm đen hay đỏ nổi lăm nhăm trên mặt nước, vịt con đưa mỏ mổ lia lịa, cá mẹ nóng ruột và… “bùm” một cái. Chúng táp đủ kiểu, “bụp, bùm, chụt,…”, có khi tạo bất ngờ bằng cách ngậm lưỡi câu, nhầm tưởng là một bộ phận của kẻ thù, kéo mạnh và thế là dính câu. Có những trường hợp chỉ táp cái đầu tiên thì đã dính lưỡi ngay. Cũng có khi nghe chúng táp làm người câu hoảng hồn giật đại, lưỡi câu vô tình móc vào thân chúng, nhưng trường hợp này rất hiếm.
Thích nhất là mỗi khi chúng di chuyển vào những lổ nhỏ bằng bụm tay. Những lúc ấy ta nên để lưỡi câu dài, và đưa lưỡi câu xuống trước rồi nhấp, không nên để vịt sát mặt nước rất nguy hiểm. Lưỡi câu vừa chạm mặt nước, chúng sẽ đớp ngay.
Riêng đối với những trường hợp mương quá cạn, cá thấy bóng người thì cách tốt nhất là ta đợi nước lớn hoặc cho vịt quậy đục nước lên, kết hợp cho vịt ăn trứng hoặc lòng ròng thì thế nào chúng cũng táp. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp câu đến hết cả trứng, hết cả khói đèn, hết cả bầy lòng ròng mà chẳng thấy tăm hơi của cá bố mẹ đâu.
Những kỉ niệm vui
Có lần tôi vào khu vườn của một bà hàng xóm. Tôi đánh liều tiến sát đến một cái mương ở cạnh nhà. Thoáng nhìn thấy dải bọt dài và một cụm đỏ cuộn tròn trên mặt nước, tôi bắt vịt ra câu. Khổ nỗi, chú vịt mới mua chỉ biết kêu chứ chẳng chịu ăn lòng ròng. Chó trong nhà phát hiện sủa ỏm tỏi, bà chủ nhà đi ra, tôi hoảng hồn tốc chạy. Bà ấy rượt theo, con chó cũng rượt theo. Tôi chạy như điên, rách cả tay áo, mình bị ô rô, cỏ bắc cào cho tơi tả. May là thoát được nhưng phải bỏ lại cần câu, rớt luôn chú vịt mới mua. Thế là hết cả vốn liếng.
Chưa hết, có khi trong lúc câu, tôi giật một cái chú vịt bay vút đi đâu mất, nếu có tìm thấy thì gần như 80% chú vịt đi toi. Còn cá lóc cũng vậy, chuyện bay từ mương này sang mương khác là bình thường. Có lần tôi giật cá không dính lưỡi mà chỉ rớt cặp mé mương, tôi buông câu nhào tới chụp. Tôi đánh ầm một cái, cá đâu không thấy chỉ thấy đầu cổ, mặt mày ướt nhem, toàn sình là sình. Thế là lòm còm ngồi dậy xách cần câu về luôn vì động nước nên cá sợ không táp nữa.
Hay có lần câu chung với một thằng bạn cùng xóm, tôi giật một cái lưỡi câu móc vào chú vịt của nó ngon ơ. Báo hại phải đền ngay một con vịt khác. Cũng có lần giật một cái con vịt trúng vào cành cây, nó quay quay, đầu niễng qua niễng lại, rồi xụi lơ cáng cuốc. Hôm đó coi như lỗ nặng.
Kiếm tiền đi học
Do nắm được đặc tính của chúng nên tôi câu khá nhiều. Có khi một ngày tôi câu gần cả chục con. Nhà ăn riết cũng ngán, mẹ tôi nảy ra ý định đem bán.
Do thịt cá lóc rất ngon, nhất là cá lóc đồng, nên bán khá được giá. Với buổi đầu tiên mẹ tôi đem bốn con bằng cằm tay bán thử và được 50 ngàn. Về mẹ cho tôi 10 ngàn để dành đi học. Tôi mừng như điếu đổ và thấy hứng chí vô cùng.
Từ đó, tôi tích cực đi câu hơn bao giờ hết. Cá câu được đem về có bao nhiêu bỏ vô khạp da bò rộng hết. Và cũng từ lúc đó nhà tôi đâm ra không dám ăn cá lóc, có được chỉ muốn đem bán thôi. Dường như ngày nào tôi cũng có “hàng” cho mẹ đi chợ. Chỉ tính riêng trong ba tháng Hè, tôi đã kiếm được khoảng bảy - tám trăm ngàn tiền bán cá lóc, chưa kể tiền bán các loại khác như: Cá bống, ếnh, rắn... Lúc ấy trong túi tôi lúc nào cũng có tiền, tuy không nhiều nhưng đủ để bao bạn vài bọc sinh tố hay vài que kem.
Nhưng để có cá tôi phải đi xa hơn, mạo hiểm hơn. Cũng có lúc về tay không. Những lúc ấy tôi thấy hơi buồn. Bởi đi cả ngày mà về tay không thì cũng hơi kì. Gặp ba mẹ tôi bơi mắc cỡ và tuyệt nhiên hôm đó tôi không hề nhắc đến cá lóc. Anh chị tôi biết vậy nên hay trêu trọc. Tôi chỉ biết đánh trống lãng, nhưng hôm sau nếu dính được cá to thì đừng trách tôi là sao không cho ăn kem.
Đôi điều suy ngẫm
Thành thật mà nói, thời điểm tôi câu cá lóc cách đây đã gần 20 năm. Lúc ấy cá còn nhiều nên việc câu cá lóc khá tự do. Tuy nhiên, thời gian gần đây do dân số tăng cao, con người ngày càng khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có cá lóc.
Cá lóc bị khai thác một cách triệt để, có khi mới lớn bằng đầu đũa ăn đã bị bắt đem ra chợ bán. Chính vì thế, cá lóc đồng hiện nay trở nên khan hiếm. Dạo một vòng quanh chợ thấy cá lóc đồng được bán rất ít, và để tìm được một con từ 0,5kg trở lên là điều không dễ dàng. Do đó, việc bắt cá lóc bố mẹ trong lúc giữ con là điều không còn phù hợp nữa.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, câu cá lóc đã để lại cho tôi khá nhiều kỉ niệm. Trong kí ức tuổi thơ của tôi luôn hiện diện những kỉ niệm đẹp về nó. Có thể nói, hình ảnh con cá lóc luôn gắn liền với những tháng ngày êm đềm của của tôi ở một vùng quê yên bình bên dòng sông Hậu mà suốt cuộc đời này tôi cũng không thể nào quên.